Nhà văn Nhật Nguyễn nói về tác phẩm của Yên Sơn

ngày 24.11.21


Về Một đời tưởng tiếc

Từ tập thơ đầu tiên Quê hương và Tuổi Trẻ xuất bản vào tháng 3 năm 1975, mãi đến năm 1998, tức hai mươi ba năm sau, Yên Sơn mới giới thiệu đến độc giả thi tập thứ hai “Cho quê hương – Tôi – và Tình yêu”. Cũng trong thời gian đó, với hoài bão nhắc nhở cho con cháu đời sau biết về cội nguồn của mình, Anh đã cùng tác giả Phạm Trung Việt xuất bản “Non nước xứ Quảng”. Năm 2000, anh cùng văn thi hữu góp mặt trong thi tập “Những giọt sương rớt muộn” là một kỷ niệm quý báu góp thêm hương sắc trong kho tàng sinh hoạt văn học tại hải ngoại. Và “Một đời tưởng tiếc” (2002) là thi tập thứ ba gửi đến độc giả bằng tiếng lòng của một người suốt đời nặng nợ với thi ca. Từ tập thơ đầu tiên năm 1975 đến nay đã gần ba mươi năm, một khoảng thời gian thật quá dài cho một đời người với những thăng trầm, những ấp ủ chồng chất theo tuổi đời, theo năm tháng. Dòng thơ của anh bây giờ chín muồi hơn, màu sắc thơ dịu dàng hơn và cũng chứa đựng nhiều khắc khoải hơn. Sự khắc khoải của một người đứng nhìn ngày tháng dần qua, tuổi thanh xuân đã xa lìa mà bản thân mình không thể và chưa thể làm được gì cho quê hương mình bỏ lại. Khắc khoải vì e sợ rằng, ở cõi đời phù du nầy mọi thứ đều phai nhạt, cuối cùng chỉ là một đời tưởng tiếc.

Nhìn bóng chiều rơi sắc mầu ảm đạm
Từ cõi muôn trùng vọng nhớ quê xa

Tác phẩm Một đời tưởng tiếc, ngoài 70 bài thơ chính chiếm gần một trăm hai mươi trang còn có phần thơ dịch và thơ xướng họa cùng bằng hữu. Trong phạm vi giới hạn của phần giới thiệu tác phẩm, xin được cùng quí vị chia sẻ những chia lìa và hạnh phúc, những tưởng nhớ và tiếc nuối trong thi tập Một đời tưởng tiếc của nhà thơ Yên Sơn…

Một đời tưởng tiếc, như nhận xét của nhà văn Phạm Ngũ Yên, là tập thơ chứa đựng tình yêu quê hương tha thiết, là nỗi nhớ về một nơi chốn mà khi ra đi anh không kịp lời từ giã, là tình thơ mang hương mùa thu vàng khắp đất trời.


Tình thu trong thơ Yên Sơn

Nhà thơ Yên Sơn đã dùng đa số thể loại thơ lục bát để diễn tả mùa thu. Anh đã rất trân trọng khi chọn từ và cẩn thận trong cách gieo vần thể thơ lục bát. Do đó tiết điệu thơ mềm mại, trữ tình dễ mang đến cho người đọc cảm giác gần gũi. Tình yêu trong thơ Yên Sơn thường bắt đầu vào mùa thu và kết thúc cũng vào mùa thu. Anh rơi vào mùa thu khi đất trời chuyển mùa thay lá, mang vầng trăng muộn với bước gió thu… Anh và thơ tan biến vào mùa thu bằng trái tim nhạy cảm dễ xúc động, nên thơ tình mùa thu của Yên Sơn là bức tranh thiên nhiên đượm nhiều màu sắc vừa sống động vừa trữ tình.
Ngoài những tựa thơ về mùa thu: “Cùng em dạo bước chiều thu. Hẹn ước mùa thu. Chớm thu xưa. Chia tay vào chiều thu. Sắc thu…” hầu hết trong thơ của Yên Sơn… đất trời tràn ngập nắng vàng…
Hãy nhìn ngắm bức tranh tình yêu mùa thu của Yên Sơn. Hãy chia sẻ cùng anh từ chiếc lá vàng mang hơi hướng gió thu… Ở đó chúng ta bắt gặp những lời thơ rất đẹp kết bằng những hình ảnh thơ mộng:

Cùng em lay gọi rừng chiều
Cùng em đón dáng thu kiêu sa về…

Yên Sơn đã nhân cánh hóa thời gian và không gian biến mùa thu thành một thực thể sống động cùng hòa nhịp vào tâm linh mỗi con người trong vũ trụ. Chỉ bốn từ ngữ “lay gọi rừng chiều”, chúng ta có thể hình dung, cảnh chiều trong rừng thu trữ tình biết là chừng nào.
Một bức tranh thu khác, đầy mầu sắc và âm thanh ngọt ngào:

Cây ngô đồng thiêm thiếp đứng yên nghe
Tình mong manh bay lại buổi trưa hè
Rồi rực sáng như thu vàng như cúc…

hoặc:

“Anh đứng nhìn em nắng chiều thưa thớt”, hay “Vừa bén rễ đâm chồi đã trốc gốc héo khô…”
Không còn hình ảnh nào cô độc hơn, gợi cảm hơn khi một người đứng lại nhìn từng mùa thu đi qua đời mình, gửi với theo nỗi ngậm ngùi khi tình yêu, chưa kịp bén rễ đâm chồi đã trốc gốc héo khô…
Tình yêu trong thơ Yên Sơn là những ban tặng, những gìn giữ và nâng niu. Và cho dẫu rằng cuộc tình không thể nắm giữ trong tay, không là những kéo dài của hạnh phúc, anh vẫn giữ riêng trân trọng những mối tình đó trong cõi thu của mình, ở đời sống nầy và suốt cả những mùa thu kế tiếp.

Thu đi vàng lá đầy sân
Riêng ta đứng lại giữa trần gian riêng

Thu đi vàng lá đầy sân
Riêng ta đứng lặng bâng khuâng nhớ chiều…


Tình yêu quê hương trong thơ Yên Sơn

Yên Sơn đã dùng nhiều thể thơ: Lục bát, thơ bảy chữ, thơ tám chữ, thơ tự do để diễn tả một cách tài tình nỗi nhớ của anh dành cho quê hương. Nỗi nhớ và nỗi tiếc nuối khi nghĩ về quê hương dàn trải khắp trong hầu hết các bài thơ. Mỗi từ, mỗi dòng anh đã viết bằng tất cả những cảm xúc chân thành của mình nên ta dễ dàng nhìn thoáng đâu đó, những giọt lệ thầm khi anh ngó về quá khứ.

Quay đầu kỷ niệm rưng rưng
Mới đây mà tưởng như chừng trăm năm

hay:

Cho ta gửi trái tim bầm
Hiến dâng cho Mẹ Việt Nam muộn phiền

Dù ở bất cứ nơi chốn nào, mỗi con đường anh đi qua, mỗi góc phố, một cơn mưa một ngọn nắng cũng gợi nhớ rõ nét trong anh, những nơi chốn quen thuộc ở quê nhà. Từng địa danh đã được anh nhắc lại trong mỗi câu thơ. Từ dòng sông Hương êm đềm chảy qua thành Nội… từ tà áo ai thấp thoáng trên cầu Trường Tiền qua bến đò Thừa Phủ… từ Ðà Nẵng ra Quảng Nam, Hội An phố cổ… Làm sao có thể kể cho hết, những nơi chốn anh đã trải qua tuổi thơ hồn nhiên, tuổi học trò mơ mộng… cả những ngày ngang dọc tung cánh đại bàng… nhưng niềm tưởng nhớ đó bây giờ chỉ còn là sự nuối tiếc bâng khuâng… Nuối tiếc và xót xa về những lâu đài thành quách, những con đường một sớm một chiều đã thay tên đổi họ…

Sài gòn thành phố thân yêu
Về, nghe lạ lẫm giữa chiều mưa tuôn
Mưa bay ướt đẫm nỗi buồn
Phố thay đổi họ tên đường đổi tên…

Và, như anh tâm sự “Tôi sống không bình an với kỷ niệm mà kỷ niệm thì đầy ắp. Những dòng sông tuổi thơ, những con đường đi học, những triền sông đầy gai xương rồng bên bờ sông Vệ. Rồi chiến tranh. Rồi hận thù. Cũng như bạn, tôi đã phải ngậm ngùi rời bỏ quê hương, để lại sau lưng bao nhiêu chia lìa, bao ân tình vỡ lỡ”.

Thôi xin phó mặc cho đời
Sông không chuyển bến kiếp người lẽ đâu
Khóc cười cũng bấy nhiêu thôi

Nhưng có lẽ “Chút ta phù phiếm” là bài thơ nói lên rõ ràng nhất tâm trạng và nhân sinh quan của Yên Sơn về cuộc đời. “Nếu anh là thời gian chỉ mong tình dài lâu dù cách xa nhau hay gần gũi, dù hạnh phúc hay khốn khó. Nếu anh là thông reo, vẫn hiên ngang đối mặt với cuộc đời đến với cuộc đời bằng trọn vẹn trái tim của một người thơ. Nếu anh là dòng sông xin được đưa con nước xuôi từ nguồn ra biển. Sông theo năm tháng miệt mài dù nắng gắt mưa dầm. Nếu anh là mây bay, xin được gom hết nhớ thương chở về quê nhà yêu dấu. Chia xẻ cùng em chút tình người tha hương. Nếu anh là cỏ cây dù phải chịu đựng thêm suốt bốn mùa mưa nắng… vẫn ngước nhìn cuộc đời bằng tấm lòng tin cậy.” Nhưng bởi anh chỉ là một con người bình thường, trong lòng mang nặng một nỗi đau mất quê hương. Niềm khao khát được góp bàn tay giành lại Tổ quốc. Sự chờ đợi được quay về khi đất nước thanh bình sao quá mơ hồ. Mơ hồ không phải vì lòng ngại khó, mà bởi:

Mai kia bóng xế tuổi già
Biết còn sức thấy quê xa muôn trùng

Yên Sơn đã tâm sự trong Một đời tưởng tiếc “Ðó là những mảnh vụn của tâm hồn tôi, của một người lỡ thời lỡ vận nhìn về quê hương xa mịt mù mà không thể làm được điều gì khác… mà thời gian cứ lạnh lùng trôi trôi đi. Không thể với được những ước mơ dù lòng hoài khao khát.” Ngay cả trong tình yêu suốt đời anh chỉ là sự tìm kiếm hoài vọng, chỉ là những tình thu theo sương khói mơ hồ…
Hãy chia sẻ cùng Yên Sơn những dòng thơ về một đời tưởng tiếc. Vì chúng ta cũng như anh… chỉ có thể còn giữ chung trong nhau một quê hương để nhớ, một kỷ niệm để thương yêu, một tiếng nói để cùng rung động theo những vần thơ.
Chúng ta sẽ làm được gì, thời gian có chờ đợi chúng ta hay suốt đời sống nầy chỉ là niềm tưởng tiếc? Hãy nghe từ Yên Sơn, lời tự tình:

Nằm trên triền dốc cuộc đời.
Bâng khuâng tôi lại khóc cười bâng khuâng.
Với tay níu kéo mùa xuân.
Một đời tưởng tiếc ngỡ chừng trăm năm…

Nhà văn Nhật Nguyễn
Chớm thu 2002


« TRANG NHÀ »