Khởi Duyên

ngày 18.03.24

Tôi với kỷ niệm ấu thời…
và Liên Trường Trung Học Quảng Ngãi.

Mặc dầu dòng họ, bà con, thân thuộc của tôi gốc ở Mỹ Khê nhưng tôi được sinh ra ở Thôn Bình An, Xã Đức Nhuận, bờ đông của dòng sông Vệ hiền hòa, trù phú và rất trữ tình.

Từ Quốc lộ I đi về phía biển phải đi ngang Xã Bồ Đề tới Đức Nhuận với thôn Bình An, qua Long Phụng rồi Thu Xà và bờ Biển Đông. Nhà của tôi bị dãy Núi Đất (núi Long Phụng) chắn ngay trước mặt nhìn ra biển, không xa lắm theo tầm nhìn bây giờ nhưng đối với tuổi thơ của tôi là một thách thức thú vị. Những ngày nghỉ học hoặc trong dịp nghỉ hè, ngoài việc bắn bi, đánh đáo, tắm sông… lũ chúng tôi năm ba đứa thường rủ nhau băng đồng vượt ruộng lên núi. Trên Núi Đất có chùa Ông Rau. Trên đỉnh núi nhớ có cây mai đại thụ và có một khoảng trũng xuống giống hình thù một bàn chân khổng lồ, được người lớn truyền ngôn, đó là dấu tích của tên Cao Biền, pháp sư Địa Lý người Tàu sang trấn yểm Long Mạch nước Nam. Không biết sự thật ra sao nhưng cũng làm cho khối óc non nớt của lũ trẻ con chúng tôi thù ghét người Tàu từ đó. Sự thù ghét càng đậm nét hơn khi được học sử nước nhà, biết thêm được dân tộc ta có một quá khứ Hán thuộc cả nghìn năm cùng với sự độc ác, bạo tàn của giặc Tàu phương Bắc.

Những kỷ niệm ấu thời của tôi nhiều vô số kể bây giờ chỉ còn là những mảnh vụn của ký ức, cái nhớ cái quên. Từ những năm đói thấy người chết rải rác ngoài đường; thấy hầm chông mìn bẫy và những anh bộ đội ào ạt tiến về phía biển để ngăn chận giặc Pháp đổ bộ; nhớ tiếng gầm rú của máy bay bà già của Pháp thả bom, giết hại dân làng hai bên bờ Sông Vệ và về hướng Cổ Lũy ra cửa biển. Nhớ gia đình chúng tôi thường chạy trốn vào hầm cát ven sông mỗi lần nghe còi báo động. Ba tôi nói có gì mình nhảy trốn dưới sông. Nhớ những chén cơm tươi dè xẻn, không trộn đầy khoai sắn như lúc ban ngày, được Ba Mẹ lén lút nấu dưới hầm sâu vào giữa đêm khuya khoắt để tránh sự dòm ngó của chính quyền Việt Minh giữa năm đói…

Nhà của Ba Mẹ tôi nằm sát bờ sông, chỉ cách một khoảng vườn rộng, kế bên một bến đò, và sát guồng xe nước. Bây giờ, đôi khi trong đầu còn nghe văng vẳng tiếng gọi đò của những sáng tinh mơ, những chiều sương muộn. Anh em chúng tôi đều bơi lội rất khá vì cứ có dịp là trầm mình lặn hụp dưới sông để đặt lờ, giăng lưới bắt tôm, bắt cá dưới chân kè đập. Nhớ một mùa lụt, nước Sông Vệ dâng cao, tràn ngập mênh mông, thấy người lớn bơi vớt củi, anh em chúng tôi lén Ba Mẹ bơi theo vớt được khá nhiều củi, hý hửng mang về khoe thành tích, bị Mẹ rầy nhưng Ba không tha, tuốt cho mỗi đứa mấy roi đau quắn đít. Anh lớn nhận lỗi tại mình nên lãnh thêm vài ba roi đau thấu trời xanh. Ngoài ra còn cái thú được theo người lớn mang chiếu ra ngủ qua đêm trên bãi cát trắng phau trong những đêm trăng thanh gió mát.

Nhớ mỗi sáng nghe hàng ngàn tiếng vịt kêu là chúng tôi biết người ta đang lùa từng đàn vịt rất lớn đi dọc ven sông, chúng tôi nhanh chân “lội đoạn hậu” xa xa để lượm trứng vịt sót, có khi được cả năm bảy trứng… Nhớ con đường quê ngoằn ngoèo theo chân Mẹ đến trường mỗi sáng. Nhớ quần áo mới, nhớ những lọ mực xanh, tím cầm lủng lẳng trên tay; nhớ cây phượng ở góc sân trường, nhớ những hồi trống thùng thình tan trường giục giã khi tiếng ve sầu rộn rã khắp nơi…

Nhớ một lần được theo Ba lên Sông Vệ đi xe ngựa về tỉnh lỵ, qua đò Trà Khúc rồi tiếp tục lên xe ngựa khác về Nhà Từ Đường ở Mỹ Khê ăn giỗ. Đường xa diệu vợi, đi từ sáng sớm tới xế chiều, vô vàn vất vả nhưng thích thú vô cùng. Mỗi lần về tới từ đường thì được chìu chuộng, được xưng tụng như khách quý vì vai vế của Ba rất cao trong họ. Có những người tôi chào chú bác thì được họ chắp tay xá dài và chào lại tôi “anh, chú, bác”… tự nhiên thấy mình oai ghê! Một lần khác, khi Ba tôi mua được chiếc xe đạp mới. Ba cho tôi ngồi trên “đồng giông” (đòn dông) đi đường tắt trên những bờ ruộng hẹp về hướng thị xã. Có vài chỗ không thể đạp, Ba xuống dắt xe đi bộ, cho tôi ngồi trên yên xe; có chỗ bờ ruộng hẹp quá Ba lại vác xe đạp trên vai, tôi lúp xúp chạy theo. Cha con đi dưới ánh nắng chang chang, mồ hôi ướt đẫm áo quần tóc tai… Thế mà tôi vẫn thích và lấy làm hãnh diện lắm. Hãnh diện vì được Ba cho theo thay vì hai anh lớn.

Tôi học chưa hết bậc Tiểu học thì được Ba Mẹ gồng gánh vào Nam xây đời sống mới. Đời sống mới được xây dựng dưới sự anh minh của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong chính sách khẩn hoang lập ấp, và trên một khu rừng hoang sơ, mênh mông của vùng rừng núi Tánh Linh đầy chim muông và thú dữ.

Dĩ nhiên làm sao nhớ cho hết, kể cho xiết… Gần mười năm tuổi thơ của tôi ở nơi chôn nhau cắt rốn đó với ngần ấy kỷ niệm là nền tảng xây dựng một quê hương dấu yêu trong lòng tôi; làm hành trang cho tôi đi vào đời. Những kỷ niệm ấu thời đã theo tôi vào Nam, theo tôi sang Mỹ, theo tôi trong suốt những thăng trầm của cuộc sống. Tôi tự nghiệm ra rằng “con người sở dĩ thủy chung với xứ sở, gốc gác của họ chỉ vì một phần máu thịt của chính họ đã thấm đẫm, hòa tan cùng đất nước tại nơi mớ nhau cuống rốn của họ được chôn”. Có lẽ vì vậy mà tôi vẫn có cảm tưởng như người khách lạ ở đất nước này dù đã qua bao thăng trầm của cuộc đời tỵ nạn xa xứ gần 40 năm dài. Không biết có một lúc nào đó, khi quê hương không còn bóng dáng lũ bạo quyền Cộng sản, tôi được trở về sống bình an nơi quê nhà có nhớ nhung da diết xứ sở này như tôi đang nhớ tưởng đến quê hương yêu dấu mờ xa?

Tôi thương tiếc tuổi thơ của tôi vô vàn. Bây giờ, mỗi khi nhớ nghĩ về khoảng đời thơ ấu với cuộc sống khó khăn nhưng êm đềm bên dòng Sông Vệ thân thương đó, lòng tôi bồi hồi thương cảm. Nhớ gia đình Ba Mẹ tôi đã phải trải qua những tháng ngày đen tối của đất nước ở cuối thập niên ’40 và lẫn lộn giữa tranh tối tranh sáng của nền Đệ I Cộng Hòa. Nghĩ tới đây mắt hoen mờ tưởng nhớ người cha đã một đời tận tụy hy sinh cho hạnh phúc gia đình; cùng mẹ tôi uôn đúc, dắt dìu lũ chúng tôi qua những cơ cực, lầm than của cuộc sống. Cha mẹ tôi đã phấn đấu đưa gia đình vượt qua tất cả những khổ nạn do Việt Minh rồi Việt cộng gây ra khi đất nước bị chia cắt. Nay mẹ tôi, dù đã gần 95 nhưng còn rất tinh anh, sống an vui với lũ chúng tôi nơi xứ người thì người cha yêu thương đã không còn nữa. Người đã vĩnh viễn ra đi trong uất hận ly tan ở cuối thời bao cấp mà lũ chúng tôi không có cơ hội về gặp người lần cuối.

Giữa năm 1993, tôi có công việc khẩn thiết ở Việt Nam nên đã có dịp về thăm lại quê hương sau 18 năm dài ly cách. Lúc đó đời sống còn nhiều khó khăn và an ninh cá nhân cũng không ổn cho lắm nhưng vì công việc đòi hỏi nên tôi liều lĩnh nhắm mắt đưa chân. Không kể đến những hoạnh họe vòi tiền của công an phi cảng, nhiều khó khăn trong việc đi taxi tìm phòng trọ nửa đêm ở một thành phố mà năm xưa ngõ ngách nào tôi cũng biết… Về Sàigon được vài hôm, tôi tìm cách hỏi dò đường đi Quảng Ngãi. Thời điểm đó việc tìm phương tiện đi Miền Trung là một nỗi khó khăn đáng kể. Cuối cùng tôi cũng chen lấn mua được vé xe đò. Nghe bạn bè khuyên mua giá đặc biệt cao hơn để bảo đảm có chỗ ngồi trong một chuyến xe đò cũ kỷ thấy mà sợ. Thế nhưng, khi xe chạy tới Biên Hòa thì quá tải, chật cứng. Người ta chen lấn cãi nhau thiếu điều đánh lộn; Đến lúc này thì chỗ ngồi của tôi không còn có thể ngồi được nữa vì chật cứng như nêm! Tôi nghẹt thở quá nên xin đứng chỗ cửa xe cho thoáng khí dù cũng phải chen lấn chân cao chân thấp! Xe chạy ì ạch và hư dọc đường mấy bận mới tới được Sông Vệ, Quảng Ngãi sau hai ngày đêm ròng rã thiếu ăn, thiếu ngủ! Một chuyến đi đầy hãi hùng!

Cũng may, thân nhân tôi ở ngay bên này cầu Sông Vệ. Tôi mệt lã bước vào nhà, không còn đủ sức cho những nhớ thương đầy ắp, chỉ đủ sức nói vài câu chào hỏi như người trong mơ rồi ngã xuống giường thiếp đi một khoảng thời gian hơn nửa ngày!

Khi tiếng ồn ào toàn giọng Quảng của lũ em họ dựng tôi dậy thì bóng chiều đã ngả xuống hiên tây. Cả lũ em con Dì, con Chú vui mừng nói năng liến thoắng cho tôi cảm giác như vừa mới rớt xuống từ cung trăng. Dù vậy, giọng Quảng và tình nghĩa gia đình đã nhanh chóng làm sống lại một thời dĩ vãng âm ỉ trong tôi; đã xóa tan hết nỗi mệt nhọc và lo lắng trong mấy ngày qua…

Chưa nói xong những điều cần nói thì lũ em đã rủ tôi đi tắm sông. Vài ba người trong nhóm này, tuổi tác cũng xấp xỉ như tôi, có người đã làm ông Nội, ông Ngoại mà ngày “xa xưa ấy” đã cùng tôi bơi lội như rái suốt khoảng ấu thời. Sau này, thỉnh thoảng chúng tôi cũng gặp lại nhau mỗi khi tôi có dịp bay về hoặc biệt phái Đà Nẵng… nên anh em vẫn rất thân tình. Nhớ lại mỗi lần đi Đà Nẵng với dự định sẽ về thăm Quảng Ngãi là tôi mang theo chiếc Vespa để từ đó chạy về Sông Vệ, vừa tiện nghi, vừa nhanh chóng. Và mỗi lần về là mấy anh em lại rủ nhau đi tắm sông để cùng nhau sống lại thời thơ ấu hồn nhiên.

Tôi chợt nghĩ đến Bến Tam Thương, nơi ngày xưa chúng tôi thường chơi dại, cá độ nhau “bơi ngang vùng nước xoáy”. Nghe người dân bản địa đồn rằng giữa sông “hình như có một vùng nước xoáy đã làm vài người bị mất tích mấy ngày mới tìm thấy xác ở cuối nguồn”. Chúng tôi đã phải thua bao nhiêu lần cho mấy nhóc trong vùng khi chúng an toàn bơi qua bờ bên kia một cách dễ dàng… Vâng, phải năm lần ba lượt anh em chúng tôi mới dám cùng nhau bơi ngang trong nỗi lo sợ và niềm thú vị.

Sau một đêm ngủ vùi, anh em đã tụ tập đông đủ, 8 mạng con trai, kéo nhau ra tắm Bến Tam Thương.

Bến Tam Thương có nhiều thay đổi quá! Sông cũng cạn đi nhiều. Có nhiều đụn cỏ mọc xanh rì giữa dòng nước cạn. Hai bên bờ sông vẫn thấy trồng nhiều dưa hấu, loại tròn, nhỏ, trái lăn lóc trên cát trắng. Tháng 6 mùa hè nóng nực mà thấy dưa hấu cũng như nắng hạn gặp mưa. Tôi nói với chú em con Dì chạy tới hỏi một người đang quanh quẩn vườn dưa như canh chừng lũ trộm… mua một mớ để anh em vừa tắm vừa ăn dưa. Tôi ngồi dưới bóng cây ven bờ vừa ăn dưa, vừa ngắm đám anh em tắm sông. Sẵn có viết trong túi, tôi lựa lời viết nháp một bài nhạc về Bến Tam thương khi trong lòng bùi ngùi tiếc tiếc… với 4 câu thơ mở đầu:

Ta về tắm Bến Tam Thương
Nước non mời gọi vấn vương cõi lòng
Mây chiều, gió nhẹ triền sông
Ngổn ngang tấc dạ, não nùng tích xưa

Bến Tam Thương

Tuổi thơ và Quảng Ngãi của tôi chỉ có thế. Rõ ràng tôi không được một ngày nào làm học trò Trung học Quảng Ngãi. Và chỉ nhớ mang máng một vài người bạn ở mấy năm Tiểu học ngắn ngủi. Vì thế, tôi không có một chút khái niệm rõ ràng nào về hệ thống trường Trung Học Quảng Ngãi. Mãi khi gia nhập Không Quân, cái gốc Quảng của tôi đã thu hút một số bạn bè trang lứa Miền Trung, trong đó số đông là học trò Trung học Trần Quốc Tuấn. Dù nghe bạn bè Quảng Ngãi thường có vẻ hãnh diện khi nói với tôi họ xuất thân từ trường Trung học này nhưng tôi cũng chẳng có quan tâm nào đặc biệt.

Mấy năm trước đây, vì chỗ quen biết với Giáo sư Nguyễn Cao Can khi tôi còn định cư ở Thung Lũng Hoa Vàng, anh điện thoại mời tôi về tham dự Hội Ngộ Liên Trường Trung học Quảng Ngãi được tổ chức ở San Jose, bắc California. Tôi đã từ chối vì biết mình không thuộc vào tổ chức này và tôi cũng chưa từng nói với ai về điều này. Có lẽ GS Can cũng chưa biết một cách rõ ràng. Và khi tôi làm Hội trưởng hội đồng hương Quảng Ngãi ở Houston cũng có một số anh chị em học các trường Trung học khác trong tỉnh ngộ nhận tôi là “dân Trần Quốc Tuấn”. Thực tế tôi thấy không quan trọng lắm để xác nhận chứ không phải cố tình.

Rồi những lần Hội Ngộ ở Florida, ở Atlanta tôi đều được một số bạn mời gọi nhưng dĩ nhiên tôi vẫn không đáp ứng cũng chẳng nói lý do… Thế rồi, Hội Ngộ Hoa Anh Đào 2013… GS Nguyễn Cao Can lại một lần nữa điện thoại nói tôi đi cùng với sự khuyến khích của Tiến sĩ Tạ Cự Hải. Lâu lắm vợ chồng tôi chưa có dịp trở lại DC xem hoa anh đào nở rộ nên tôi nhận lời sau khi thảo luận với nhà tôi. GS Can rất vui khi biết có tôi đi. Anh Can nói với tôi nên đi để xem cách anh chị em trên đó tổ chức ra sao, học hỏi kinh nghiệm giúp Liên Trường tổ chức ở Houston năm sau.

Tôi nghĩ việc tổ chức đối với tôi không khó khăn gì, giúp anh chị em một lần cũng được; hơn nữa, ở Houston có đông người Quảng Ngãi, có Hội đồng hương, có một số bạn bè dân Trần Quốc Tuấn… nên tôi ậm ừ nhận lời với anh Can cho xong chuyện. Chẳng những nhận lời tham dự mà còn hăng hái ghi danh phụ diễn văn nghệ rất sớm nữa chứ. Nhưng khi thấy danh sách anh chị em ghi danh khá dài, tôi đã có ý sẽ nhường phần mình cho hội viên Liên Trường. Cùng lúc thấy thư từ qua lại, biết anh Phạm Khánh Hoài có những khó khăn trong việc thực hiện đặc san. Tôi thấy công việc này thích hợp với khả năng tôi nên nhận lời giúp anh Hoài một chút…

Ngày Tiền hội ngộ tôi gặp rất đông những bạn bè quen biết từ lâu ở San Jose, Orange County, Atlanta, North Carolina, Texas… Hội trường của khách sạn rộng thênh thang, chứa gần 400 nhân mạng đủ mọi thành phần. Văn nghệ rôm rả. Thấy các cựu học sinh các trường luân phiên trình diễn văn nghệ rất nhiệt tình, rất vui. Không thấy MC nhắc phần trình diễn của tôi, tôi cũng chẳng thắc mắc, nghĩ rằng mình nên nhường cho anh chị em Liên Trường thì đúng hơn. Và đêm đại tiệc cũng xảy ra như vậy. Có người biết chuyện hỏi sao không thấy gọi tên tôi, tôi nói thôi để anh chị em vui chơi thoải mái.

Phải công nhận là anh chị em cựu học sinh và các Thầy Cô ở thủ đô nước Mỹ tổ chức Hội Ngộ Hoa Anh Đào quá tuyệt vời, rất quy mô. Hơn 400 Thầy Cô, học trò, và thân hữu được đón tiếp nồng hậu trong dịp này. Chỉ có một điều duy nhất làm rất đông người thất vọng, đó là hoa Anh Đào đã không nở hoa trong những ngày đặc biệt đó.

Đêm đại tiệc, vợ chồng tôi được sắp xếp ngồi chung bàn với một số Thầy Cô phía trước sân khấu; và số đông trong bàn này lại là bà con họ hàng với tôi nữa. Khi được các cựu học sinh tới cung kính trao quà cho các Thầy Cô, tôi ngượng ngùng, lúng túng nhận phần quà tặng. Tôi sợ nếu từ chối sẽ làm ngỡ ngàng, vô duyên cho người trao lẫn người nhận nên đành im re!

Đến phần trao cờ luân phiên, Ban tổ chức gọi tên anh chị em Houston lên nhận, trong đó có tôi. Thật sự tôi không muốn cùng lên với anh chị em vì biết mình “người ngoài”, nhưng anh Can và anh Hải cứ gọi tên tôi hoài, tôi đành ké né lên đứng phía sau, nhường danh dự cho những người “thứ thiệt” nhận cờ; lòng tự nhủ lòng “thôi trả cái nợ làm thầy bất đắc dĩ vừa rồi” và sẽ chỉ nhận phụ giúp bất cứ điều gì anh chị em cần đến.

Khi bước xuống khỏi sân khấu được Cô Đường và anh Can nồng nàn chào đón. Dĩ nhiên Cô Đường đâu biết tôi là ai nhưng cô cũng gửi gấm “được các anh nhận lời làm tôi vui lắm, cố gắng lên nghe”. Anh Can lại nói với tôi “Thuận ráng cố gắng nha, tôi biết Thuận quen biết rộng rãi, nhất là ở Houston lại có nhiều kinh nghiệm tổ chức nên tôi rất yên lòng” Tôi đành thú thiệt với anh Can “Anh Can ơi tôi chưa từng học một ngày ở bất cứ trường Trung học nào ngoài Quảng Ngãi hết; và tôi sẽ chỉ giúp anh chị em cách âm thầm chứ không dám đứng trong Ban tổ chức đâu; danh không chính thì ngôn khó thuận, nhất là tổ chức của dân Quảng Ngãi càng khó khăn hơn”.

Anh Can có vẻ ngạc nhiên với những gì tôi nói. Được một lúc anh Can vớt vát “không phải cựu học sinh cũng chẳng ai để ý đâu miễn sao tổ chức thành công là tốt rồi”. Tôi hứa với anh là sẽ phụ giúp hết mình chứ dứt khoát không đứng trong Ban tổ chức (BTC). “Tôi làm việc có nguyên tắc và khi đã hứa nhất định không nuốt lời, xin anh yên tâm.”

Anh Tôn Quang Sung là người rất nhiệt tình, dễ thương. Anh dũng cảm nhận cờ luân lưu ở Hội ngộ Hoa Anh Đào. Anh Sung được anh chị em Houston tín nhiệm làm Trưởng Ban tổ chức. Ngày anh Sung mời họp để thảo luận việc tổ chức, tôi bận việc không thể tham dự. Tôi nói với anh Sung, tôi sẵn sàng giúp một tay nếu có sự cần thiết nhưng dứt khoát không đứng trong BTC. Anh Sung ngần ngừ và tôi giải thích như đã nói với anh Can trước kia. Sau cùng, anh Sung biết tôi có kinh nghiệm làm báo chí nên giao cho tôi việc thực hiện Đặc San, Kỷ Yếu. Tôi nhận lời với điều kiện chỉ gom bài vở, lay out, tìm nhà in và không dính dáng đến tiền bạc… Anh Sung nhận lời. Anh Hoài, anh Hải khuyến khích. Cả 3 anh đều chịu trách nhiệm tìm nguồn tài chánh để thực hiện cho bằng được.

Tôi bắt tay vào việc bằng một thông báo nhận bài. Sợ số đông không biết tôi là ai, khó đặt lòng tin vào một người xa lạ nên tôi có chú thích về “cái tôi” một chút xíu, chữ nhỏ phía dưới vẫn bị phê bình như thường. Thư viết “Nguoi QN ma sao co suy nghi tam thuong vay! Ngay dem chi quanh quan voi chuyen quoc cong cu rich thi lam gi duoc viec? Nguoi QN phai biet tu hao ve Le Trung Dinh, Pham Van Dong, Nguyen Vi….chu dung tu hao ve nhung chuyen tam thuong”! Tôi minh bạch trả lời: “Kính anh, như đã viết trong thư, đưa ra chút chú thích như vậy không nhằm khoe khoang mà là để quý Thầy Cô và anh chị em yên tâm là tôi biết việc, quen việc khi nhận trách nhiệm thực hiện Kỷ Yếu cho Liên Trường. Còn chuyện “Quốc Cộng” với tôi không bao giờ bị cho là cũ rích cho tới khi Việt Cộng biến mất trên cõi đời này. Cũng như tôi chưa bao giờ có một chút hãnh diện gì về tội đồ bán nước Phạm Văn Đồng. Ông ấy không bao giờ là niềm hãnh diện mà là nỗi hỗ thẹn cho con dân Quảng Ngãi.”

Có một anh lại biên thư chất vấn tôi “anh làm Đặc San hay Kỷ Yếu xin nói rõ để mọi người viết bài”? Thưa anh, Đặc san hay Kỷ yếu không do tôi quyết định mà tùy thuộc vào nội dung của số bài vở nhận được. Lại có người gặp tôi tại một cuộc họp mặt trong Cộng đồng, hỏi sao không thấy tôi thành lập “Hội đồng Kiểm duyệt”, hoặt ít nhất cũng phải có “Ban kiểm duyệt”. Anh nói lỡ tôi bận quá không coi kỹ để bài vở của Việt cọng xen vào thì sao! Tôi hơi quạu vì bị chạm tự ái. Tôi nói với anh tôi không cần lập Hội đồng Kiểm duyệt cũng chưa cần có Ban kiểm duyệt trong lúc này; và dù tôi có bận cho mấy cũng không có chuyện để bài Việt cộng xen vào.

Thực ra anh ta với tôi đâu có xa lạ gì nhưng có lẽ cái bản tính thích chê bai dè biểu đã khiến anh ta chỉ nhìn thấy nửa ly nước cạn! Tôi chỉ chịu trách nhiệm thực hiện chứ tôi đâu có quyền quyết định cho vận mạng của tập san. Vì thế, tôi đã dự định khi đáo hạn nhận bài, tôi sẽ trình bày tổng thể theo trình tự, dò kỹ một lần cuối cùng, mời một số vị có trách nhiệm và am tường việc biên tập để đọc kỹ và thảo luận trước khi đưa đi nhà in.

Điều quan tâm của tôi trong hiện tại là cổ động để bà con gửi bài càng sớm càng tốt để tôi có đủ thì giờ xem phần chính tả, văn phạm, cú pháp và trình bày sơ khởi. Ngoài ra, nếu bà con gửi bài nhiều cũng sẽ giúp cho Ban biên tập có cơ hội thanh lọc được những bài có giá trị để làm đẹp mặt hội viên Liên Trường…

“Vấn nạn chính tả” cũng vậy. Không ai có thể tự cho mình hoàn hảo về chính tả kể cả dân Bắc kỳ 9 nút (1954). Tôi có nhiều cơ hội giao tiếp, làm việc với giới cầm bút ở mọi miền đất nước nên thấy rõ ràng như vậy. Ngoài sự thông hiểu thường thức còn vấn đề lỗi đánh máy (đầu óc nghĩ một đường, ngón tay gõ một nẻo), lỗi chủ quan, lỗi nhu liệu tự động sửa dấu mà mình không để ý… Tôi đã đọc chính tả cho rất nhiều bạn văn, nhiều tạp chí, đặc san nhưng đôi khi, trong khi đọc, tôi mải mê làm độc giả, hoặc làm chủ câu văn thay vì người biên tập; hoặc vô tình tích trữ trong đầu những lỗi chủ quan (có những từ ngữ đã sử dụng quen thuộc nhưng sai lầm từ trong quá khứ)… và như thế “vấn nạn chính tả” lại vô ý xảy ra.

“Vui buồn làm báo” có nhiều khía cạnh, cũng lắm nhiêu khê nhưng tôi chỉ nêu ra vài điểm nổi bật để chia sẻ với mọi người, để tạo sự cảm thông mà xí xóa cho những lỗi lầm vô ý. Hãy xem bài viết như một đóng góp cho tập san, như một lời tạ lỗi, như một chút giải bày cùng quý Thầy Cô và anh chị em Liên Trường Trung Học Quảng Ngãi. “Vui buồn làm báo” dĩ nhiên có sự trộn lẫn giữa những âu lo với một ít niềm vui cùng một ít nỗi buồn. Mong thành phẩm này được sự ưu ái đón nhận của mọi người như một món ăn tinh thần để được nhắc nhớ đến “một thời dấu yêu”

Viết cho Kỷ Yếu 2014 Liên Trường Trung Học Quảng Ngãi


« TRANG NHÀ »