Tạp ghi tháng 5

ngày 23.12.19

Tôi đến phi trường sớm để chờ chuyến bay về thủ đô nước Mỹ. Đáng lẽ cùng đi ăn sáng với nhà tôi trước khi tới phi trường nhưng cứ loanh quanh với những việc lặt vặt nên không đủ giờ. Nhà tôi vì sợ tôi đói nên nhất định phải mua thức ăn cho tôi mang theo ăn trước khi lên máy bay.

Trên đường đi, chúng tôi ghé một tiệm Việt Nam mua bánh mì và cà phê. Nhà tôi còn phải mua thêm một gói xôi và chai nước lọc nữa cho tôi mang theo mới chịu. Cầm khúc bánh mì, ly cà phê, và gói xôi trên tay đi về hướng phi trường, tôi bỗng thấy nghèn nghẹn trong cổ khi kỷ niệm xưa, ngày tháng cũ bất chợt hiện về! Chỉ có khác bây giờ không mặc đồ bay, không súng không dao lủng lẳng bên hông…

Đến cổng lên máy bay còn sớm chán, thấy một ghế trống bên cạnh ổ điện, tôi xin phép cô tóc vàng bên cạnh ngồi xuống bật laptop ra đọc bài. Vừa đọc vừa lấy nửa khúc bánh mì ra ăn. Cô tóc vàng vẫn tiếp tục nói điện thoại kể từ lúc tôi ngồi xuống nhưng tôi không để tâm nên chẳng nghe cô ta nói điều gì. Cho đến lúc nghe hai chữ Việt Nam trong mẩu đối thoại của cô ấy. Như một phản xạ tự nhiên, tôi đưa mắt ngó thoáng qua cô ta lại bắt gặp cô ấy cũng đang đưa mắt nhìn tôi và tiếp tục nói điện thoại. Tôi không định lắng nghe người khác nói nhưng mẩu đối thoại lại tiếp tục rót vào tai, “Ừ mình cũng vậy, mong sẽ có cơ hội đi du lịch một chuyến ở Việt Nam. Nhưng lúc này lại đang đói bụng mà không muốn ăn mấy thức ăn có ở phi trường.” Tự nhiên thấy có cảm tình với cô ta. Đợi khi cô nói dứt điện thoại, tôi cầm bọc giấy có nửa khúc bánh mì còn lại đưa ra mời:

– Nếu cô không ngại tôi xin mời cô dùng thử nửa khúc bánh mì thịt nướng vừa mua ở tiệm Việt Nam khá lắm!
– Hèn gì thơm quá làm tôi đói bụng hơn. Nhưng tôi không sao đâu, anh dùng đi.
– Xin cô đừng ngại, tôi có nhiều thức ăn. Còn một gói xôi nữa nè. Vừa nói tôi vừa cầm gói xôi đậu màu vàng tươi đưa ra.
– Cô có thể chọn bánh mì hoặc xôi. Đừng ngại.
– Anh có chắc không, anh không cần phải làm vậy!
– Không sao đâu, tôi rất vui được chia với cô.

Cô nhỏ nhìn tôi với ánh mắt dịu dàng:
– Well, cám ơn anh. Tôi chọn bánh mì vì tôi đã từng ăn mấy lần rồi. Bánh mì VN rất độc đáo. Một loại “thức ăn nhanh” đang thịnh hành nơi tôi ở.
– Và đây là chai nước của cô.
– Oh, cám ơn anh, anh chu đáo quá! Nhưng anh để dùng đi, lát lên máy bay cũng có nước uống.
– Cô ăn bánh mì mà không có nước sẽ… trầy cả cổ!
– Anh thật dí dỏm. Vừa nói vừa nhẹ nhàng nhận chai nước lọc từ tay tôi.
– Xin lỗi cô đi thăm DC hay về DC?
– Không, tôi đi Austin!
– Con trai nhỏ của tôi cũng đang làm việc trên đó sau khi học xong.
– Oh, vậy hả! Cậu ấy học ngành gì và ra trường lâu chưa?
– Nó học ngành RTF (Radio, Television, Film) và ra trường đi làm 3 năm rồi.

Đôi mắt xanh biếc như mở to hơn:
– Tôi là giáo sư đang dạy về môn đó ở Đại học Austin hiện giờ.
– Thật là một ngẫu nhiên trùng hợp! Tôi thật sự ngạc nhiên.
– Nhưng tôi chỉ mới về dạy ở UT mùa năm nay.

Vừa lúc nghe gọi tên lên phi cơ, tôi nói lời từ biệt:
– Tới lúc tôi phải lên phi cơ rồi. Tạm biệt cô nhé. Chúc bình an.
– Chúc anh một chuyến đi an lành.
– Cô cũng vậy! Tạm biệt!

Điều tôi muốn nói ở đây là chỉ có người Mỹ mới có được tính tình cởi mở, tâm hồn khoáng đạt như thế mà không thể tìm đâu có ở một người Á châu Châu Á. Nói đến đây tôi bỗng nhớ câu “tự nhiên như người Hà Nội”. Thực tình tôi không hiểu người dân ở Hà Nội trước 1954 tự nhiên như thế nào, nhưng kể từ ngày tôi hiểu biết qua giao tiếp thì người Hà Nội lịch sự có thừa, rất coi trọng sĩ diện. Còn nếu tính từ ngày cả Miền Nam được/bị phỏng… chân thì người Hà Nội vào Nam bằng mọi ngả đường từ phương Bắc tới rừng xanh… xâm chiếm, cướp đoạt tất cả mọi thứ của dân Nam, từ vợ con tù cải tạo, tới nhà cửa, tài sản ruộng đất… “vô tư” thể hiện câu nói châm biếm từ xưa, “Tự nhiên như người Hà Nội!”

* * *

Trời thủ đô rất mát mẻ. Tôi rời lòng phi cơ với tâm trạng thư thái, nhàn hạ. Đến ngồi ở một quán ăn trong phi trường, gọi một chai bia lạnh, nhẩn nha uống, nhìn ông đi qua bà đi lại một lúc rồi mới bật điện thoại gọi bạn đến đón.

Bạn là thi sĩ Cao Nguyên, một ông nhà thơ với tính tình rất dễ mến, sống trong vùng gần trung tâm thủ đô. Tôi về theo lời mời tham dự buổi giới thiệu tác phẩm đầu tay của anh ta, thi tập Thao Thức chứa đựng “những dòng thơ lưu vong”. Ngoài sự quen biết nhiều trong lãnh vực thơ văn, anh còn có một tấm lòng tha thiết với quê hương đất nước. Chúng tôi tâm đắc nhau vì tầm nhìn chung về nhiều phương diện của đời sống tha hương. Hơn nữa, tôi cũng muốn làm một chuyến đi xa ra khỏi cái khung cảnh cố định mỗi ngày.

Đáng lẽ đã hẹn được với mấy chiến hữu cũ trong vùng – những người bạn cùng khóa học quân sự đầu đời khi vừa rời ghế nhà trường nao nức xông pha trận mạc – để chén mầy chén tao một buổi nhưng cuối cùng bất thành vì thời gian không thuận tiện cho một buổi chiều thứ Bảy mà mỗi người lại ở cách xa nhau.

Anh bạn Cao Nguyên cũng ở cách phi trường Reagan gần một tiếng đồng hồ, phải chạy tới nhà anh con trai đang sống giữa lòng thủ đô nhờ cùng vào phi trường đón.

Về tới nhà anh con, Cao Nguyên đổi xe đưa tôi về nhà qua những con đường quanh co tuyệt đẹp, cây lá xanh tươi, lên dốc xuống đồi; chẳng bù cho những con đường Houston, dù cũng cây lá tươi tốt nhưng phẳng lì như một người đàn bà đẹp không có vòng nào.,/p.

Về tới nhà thấy sao quạnh vắng?! Hỏi ra mới nhớ là bà quận của đương sự đang có việc nhà ở Nam Cali cả mấy tuần rồi. Nhà không có sự hiện diện của quý bà bao giờ cũng lặng lẽ, nhất là khi những con chim non có đủ lông cánh bay xa. Đó là tình trạng chung của những gia đình Việt Nam trên đất nước này, mà theo nhà văn nữ Nguyên Nhung viết trong một truyện ngắn, “…giờ thì nhà chỉ còn lại hai con khỉ già…”. Khi “hai con khỉ già” ngồi nhìn nhau không “trào máu họng” thì kiếm chuyện cãi nhau cho vui, hoặc mỗi người ôm một laptop ngồi thiền hằng đêm cho tới giờ đi ngủ.

Mà quạnh vắng thiệt! Nhà thi sĩ xa phố chợ. Trong tủ lạnh có sẵn hai chiếc bánh bao lớn, gói xôi tôi mang theo chưa có dịp ăn… thế là hai người có bữa ăn tối ngoạn mục với chai rượu vang đỏ ngồi nói chuyện đời, chuyện tình qua đêm.

Sáng thức dậy, hai đứa cũng cà phê thuốc lá. Thi sĩ liên lạc với những người giúp chàng tổ chức ra mắt sách hôm nay. Tôi liên lạc với mấy người bạn cùng khóa hẹn ăn trưa với nhau ở trung tâm Eden. Xong đâu đó, hai người lên xe về phố. Nắng nhẹ, trời cao xanh, vẫn qua những con đường tôi rất thích. Lòng nhẹ tênh, thư thái ngắm nhìn cảnh vật chung quanh cho no đầy con mắt phiêu lưu. Tới điểm hẹn đã thấy mấy “ông thần” đứng đợi. Chúng tôi tay bắt mặt mừng. Chàng thi sĩ vì bận lo việc tổ chức nên không tiện dùng bữa với chúng tôi mặc dầu mấy người bạn khẩn khoản mời.

Bạn bè lâu quá không gặp nhau nên mừng vui chi xiết, kể nhau nghe về những thăng trầm cuộc sống, về gia đình, về con cái và những dự tính tương lai trong tuổi xế chiều… cho tới khi tôi phải đến nơi tổ chức. Chúng tôi chia tay nhau với những hẹn hò tương ngộ mai sau.

Địa điểm tổ chức giới thiệu sách là Nhà Việt Nam ở trung tâm thủ đô. Đây là trung tâm sinh hoạt của người Việt trong vùng. Phòng không lớn nhưng không quá nhỏ – khoảng 70 chỗ ngồi xếp theo kiểu rạp hát – dùng làm nơi dạy tiếng Việt, dạy đàn tranh, võ thuật… Khi tôi đến lúc hơn 2 giờ chiều phòng đã đầy người và chương trình đã bắt đầu. Nhìn phớt qua thành phần quan khách, tôi thấy hầu hết những khuôn mặt có tên tuổi trong làng văn báo và sinh hoạt chính trị của người Việt tại thủ đô. Có một số thi văn hữu ở xa tới và một số đông hội viên Văn Bút Vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Nếu không phải vì lòng mến mộ nhà thơ Cao Nguyên, những nhân vật này không dễ để có mặt trong các buổi giới thiệu sách vốn dĩ rất nhiều trong sinh hoạt văn chương hải ngoại.

Có bốn năm diễn giả giới thiệu, phê bình, và phát biểu cảm tưởng về thi tập đều rất súc tích, xuất sắc gồm có nhà văn, nhà hoạt động Cộng đồng Hồng Thủy, Giáo sư nhà văn – nhà phê bình văn học Nguyễn Lân, nhà văn Phong Thu, nhạc sĩ Vĩnh Điện, nhà thơ Nhất Hùng và ông nhà thơ Lê Mai Lĩnh cùng vợ và hai cô tiểu thư xinh đẹp đến từ Boston. Nhà thơ họ Lê nói về nội dung bài thơ Rừng Ơi (trang 87). Và là một ngẫu nhiên, tôi cũng đã chọn để diễn ngâm bài này trước khi cầm thi tập trong tay và đã được Ban tổ chức xếp đặt liền theo sau phần trình bày của chàng thi sĩ họ Lê.

Đặc biệt khi nói chuyện với ông nhà văn thiên tài Đào Trường Phúc tôi lại khám phá ra thêm ông ta cũng là Võ sư Thiếu Lâm Bắc Phái, đang là Huấn Luyện Viên võ thuật tại hội trường này và một chi nhánh khác trong vùng. Không phải tôi nói anh thiên tài vì văn võ song toàn mà là một thông dịch viên tiếng Anh xuất sắc. Anh đã đảm nhiệm vai trò dịch thuật trực tiếp trong hai ngày Đại hội Tái lập Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại (VBVNHN) trước phái đoàn Văn Bút Quốc Tế (VBQT) vào năm 2001 ở Virginia. Anh đã chu toàn nhiệm vụ một cách tốt đẹp. Sự ngưỡng phục đó không chỉ riêng tôi mà là tất cả đại biểu hiện diện kể cả phái đoàn VBQT.
Trước khi chia tay với thi sĩ họ Lê, chàng đã tặng tôi một chai rượu thuốc bỏ túi (không biết Minh Mạng hay Thiệu Trị) thay cho lời từ chối bữa ăn tối ở Eden. Chúng tôi được Phong Thu khoản đãi ở một tiệm phở nổi tiếng ngon trong vùng. Ở đây tình cờ lại gặp gia đình thi sĩ họ Lê; chúng tôi ba chàng ngự lâm chia nhau chai rượu thuốc và những câu chuyện thi ca không dứt cho tới lúc chạng vạng từ giã nhau ra về.

Cao Nguyên và tôi ra về. Cũng căn nhà đó, quang cảnh im lìm đó… nhà thơ chúng ta sau một ngày mệt mỏi đã đặt lưng xuống và ngáy khò! Thấy triển vọng sẽ lại tâm tình vặt qua đêm nữa, và sáng mai nhà thơ lại có chút bất tiện đưa tôi ra phi trường trở về chốn cũ, tôi nghĩ nên lợi dụng cơ hội này tới thăm chiến hữu ở Maryland và cũng để nhờ giải quyết vấn đề đưa đón ngày mai cho bạn mình. Tôi gọi Biểu, một người bạn Không Quân xưa đến đón về nhà hắn chơi cho tới lúc về lại Houston. Nhà Biểu, phía bắc của thủ đô, cách nhà Cao Nguyên 45 phút lái xe.

Sau khi đi tắm để giải tỏa những mệt mỏi trong một ngày dài, tôi sửa soạn hành lý và nói với Cao Nguyên rằng tôi đi với người bạn để ngày mai bạn tôi đưa ra phi trường. Dĩ nhiên Cao Nguyên rất cám ơn tôi đã giải quyết giùm nỗi khó khăn của đương sự.

Khi Biểu tới nơi, khu nhà đã chìm trong bóng tối với vài ngọn đèn đường rải rác, tỏa xuống mặt đường một màu vàng mờ nhạt làm quang cảnh chung quanh càng thêm quạnh vắng. Từ giã Cao Nguyên chúng tôi lên đường.

Xe chạy trong đêm, đường sá quanh co, hai bên đường là những cây cao bóng tối, và xe cộ không tấp nập như ban ngày. Chỉ khoảng 45 phút mà sao thấy dường như rất xa. Có lẽ sự mong chờ nào cũng chậm đến dù hai chúng tôi không ngừng ôn chuyện thời xưa, điểm danh bạn bè… Chúng tôi mới gặp nhau trong lần hội ngộ đầu Tháng Tư vừa qua ở miền Nam California đây chứ có xưa cũ gì cho lắm; thế nhưng vẫn dài chuyện xưa nay, vẫn loanh quanh với tình cảm bạn bè, vẫn say sưa với tình chiến hữu…

Quyên, vợ Biểu, đón chúng tôi với nụ cười thật tươi. Từ ngày tôi quen biết với “cặp tình nhân” này chưa thấy Quyên thiếu vắng nụ cười trên môi bao giờ. Sở dĩ tôi nói “cặp tình nhân” vì Biểu vẫn luôn đối xử với vợ như tình nhân, nói năng cẩn thận, nhỏ nhẹ, tình tứ… y như chàng phi công hào hoa phong nhã dạo nào. Quyên cũng thế, vui vẻ, nhiệt tình, nồng nàn, tình cảm là những đức tính tự nhiên của nàng. Cặp tình nhân này luôn đối xử với nhau theo cung cách “tương kính như tân”, rất đáng quý mến.

Khi tôi thay quần áo xong, bàn tiệc nhỏ đã sẵn sàng. Thức ăn, đồ nhấm ê hề thêm vài chai rượu đỏ. Biểu hỏi tôi có muốn dùng cognac không, tôi từ chối khi nghĩ tới sức khỏe của mình. Sức khỏe của tôi dù đang “mạnh như rồng” nhưng cognac lúc này sẽ không tốt cho lục phủ ngũ tạng khi tuổi đời đã “em ơi có bao nhiêu…” Chúng tôi lại chụm đầu ca bài Nhật Ký Đời Tôi version 2 của Thanh Sơn “Ngược dòng thời gian, tìm về trong dĩ vãng phút giây ôi bùi ngùi. Bao nhiêu vui buồn chìm trong kỷ niệm ngày xưa chỉ còn mình tội hay mơ. Hay ghi nhạc buồn, hay đi một mình trong những chiều mưa tuôn. Khi yêu nhau rồi em đành quên sao, trả lời tôi…” Vâng, không phải hát thiệt mà mỗi lần chúng tôi có dịp ngồi lại với nhau lại “tìm về trong dĩ vãng” để thấy “phút giây ôi bùi ngùi.” Nếu so sánh thời gian tản lạc quê người thì mấy năm làm lính chiến đâu có là bao mà sao cứ nói hoài vẫn không hết chuyện. Dù trong sinh tử chiến tranh, nhưng phải nói, đó cũng là một thời thời vàng son của lũ chúng tôi. Càng nghĩ tới càng thấm thía hơn; càng ôn lại càng thấy huy hoàng hơn dẫu vẫn biết những kỷ niệm đẹp thường không đẹp lúc nó vừa xảy ra. Mà nào phải kể chuyện xưa cũ cho những người không hiểu chuyện; thậm chí đôi khi người nghe chuyện lại là người trong cuộc mới thiên tài chứ! Thế nhưng lần nào gặp nhau cũng rôm rả quanh bên bàn rượu, cuộc trà như có cả kho tàng “chuyện ngàn lẻ một đêm”… Mãi tới khi mấy chai rượu vang đã cạn, những tình ca cũ đã vơi, chúng tôi cùng nhau ca bài “chuyến đi về sáng” để giấc ngủ muộn màng không là nỗi tiếc nuối khôn nguôi.

Sáng thức dậy trong một không gian thật bình yên. Biểu cũng thức dậy cùng lúc. Hai đứa pha cà phê ra ngồi dưới chiếc dù kiểng sân sau, mặc sức “làm ô nhiễm” không khí trong lành. Mặt trời đã lên cao, gió hiu hiu và nắng vàng, rất nhẹ, trải khắp đó đây. Thời tiết mát mẻ. Vài đám mây trắng lững thững bay trên bầu trời cao xanh biên biếc. Biểu và tôi cùng đồng ý đi bộ một vòng quanh xóm. Cũng giống như những khu nhà mới của ngoại ô các thành phố lớn khác, nhà cửa xây rất tân kỳ, san sát nhau, hoa kiểng đủ loại, đủ màu sắc hòa trộn với những hoa kiểng rất lạ, rất đẹp mà tôi không thấy ở Miền Nam nước Mỹ. Đặc biệt hơn nữa, nhìn xa xa là những núi đồi xanh thẳm, có khói núi chập chờn khiến lòng tôi lâng lâng một cảm xúc an bình, thư thái vô cùng. Đó đây vài ba người đi bộ như chúng tôi, rất hiếm xe cộ qua lại, không gian tĩnh mịch… một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi cuối đời.
Chúng tôi dùng điểm tâm đã được Quyên dọn lên bàn khi về đến. Trong bữa ăn, tôi ngỏ ý muốn đi một vòng ngoại ô trước khi tới phi trường trở lại Kingwood. Hai vợ chồng Biểu rất vui vẻ cùng đi. Biểu lái xe qua những con đường rợp bóng quanh bờ sông Potomac uốn lượn quanh những ngọn đồi thấp. Tôi mở to mắt để cố thu lấy những vẻ đẹp thiên nhiên phương bắc. Trong thâm tâm tự nghĩ, đất nước Hoa Kỳ rộng lớn, yên bình, giàu có từ tấm lòng con người cho đến tài nguyên, thiên nhiên, quang cảnh đẹp hùng vĩ… đâu đâu cũng có luật pháp rõ ràng, an ninh cá nhân được bảo đảm, giá cả vừa túi tiền… Trong khi đó những châu lục khác, đặc biệt các nước Âu châu, Á châu đắt đỏ, thiếu an ninh; kém vệ sinh, không an toàn qua sự trải nghiệm của những người thích du lịch kể lại. Câu nói “nước Mỹ là thiên đường” ngẫm cũng không sai bao nhiêu.

Chúng tôi chạy lang thang hết một buổi sáng. Dĩ nhiên tôi thích ơi là thích. Cuối cùng Biểu – Quyên quyết định cho tôi vào thủ đô, ghé một quán Café nổi tiếng và sang trọng của Ý gần bờ sông Potomac. Chạy loanh quanh tìm không ra chỗ đậu xe đủ nhanh nên tôi called off (không đi nữa). Chúng tôi dự định ghé qua thăm ông bạn Thời cùng khóa đang oằn vai cơm áo ở trung tâm thủ đô nhưng các ngõ vào khu Tòa Bạch Ốc bị chắn lối để dành riêng cho cuộc diễn hành Lễ Chiến Sĩ Trận Vong 2014. Tôi nói với Biểu cho tôi vào phi trường sớm chút cho chắc ăn.

Lưu luyến chia tay với Biểu Quyên, hẹn gặp lại nhau ở Hội Ngộ 46 năm, Khóa 4/69 Sĩ quan Không Quân hiện dịch tại, Seattle 2015. Vâng, 46 năm, quả là một thời gian khá dài. Ở trên đất nước này đã 39 năm qua (vẫn cảm thấy như một người khách lạ) so với tuổi đời vừa có thêm mấy năm bonus. 39 năm! Con số gần gấp đôi thời gian sinh ra, lớn lên, đi học và làm lính chiến. Thế nhưng thời gian trên quê hương yêu dấu vẫn như cả cuộc đời. Ôi hai tiếng quê hương thiêng liêng làm sao! “Quê hương là gì hở mẹ” nếu không là sự nghèo khó ở tuổi thơ, không là đôi mắt nhìn đau đáu dưới gốc phượng già khi tiếng trống trường giục giã thay lời chia ly ở một đầu mùa hạ, không là khung cảnh chen chân ghi chép ở các giảng đường, không là những đêm nóng bỏng chiến trường…

Ngồi chờ chuyến bay, tôi lan man nghĩ tới việc tổ chức hội ngộ ở Seattle năm sau. Đáng lẽ tổ chức ở Houston như anh chị em đã thảo luận tại Hội Ngộ vừa qua. Có lẽ vì đang vui nên một số đông đưa tay biểu quyết cho xong việc, số khác cứ theo phản ứng tự nhiên mà đồng ý theo. Kịp khi những ngày vui hội ngộ đã lắng đọng, một số anh chị em mới chợt nghĩ là nên tìm chỗ mới để thăm viếng. Chẳng những tôi đồng ý mà còn cổ võ thêm vì tôi cũng muốn có dịp qua thăm lại Vancouver và Rose Garden ở Victoria Island. Cái gì chứ có cơ hội đi chỗ này chỗ kia bao giờ cũng là một hấp lực cuốn hút tôi.

Nói chuyện du lịch đây đó, tôi bỗng nhớ đến Mẹ tôi. Bà vẫn thường nói với tôi khi còn bé, “hai bàn chân của con có nhiều nốt ruồi chắc sau này sẽ phải bôn ba trên đường đời”. Tôi thương Mẹ lắm nhưng trong thâm tâm không có chút tin tưởng nào. Tôi rất ghét sự mê tín dị đoan, chẳng ưa mấy ông thầy cúng, rất phiền lòng khi thấy người ta đi chùa để cầu xin đủ thứ; nhất là giữa lúc chuông mõ kinh kệ trang nghiêm lại nghe tiếng xin xăm lạch xạch ở bàn thờ bên cạnh… Nhưng có một điều không thể chối cãi đó là tính thích giang hồ, thích đi đó đây từ những ngày còn rất bé. Nhìn lại đoạn đường đời tôi đã đi qua chỉ toàn chữ đi… lông bông! Lúc bé đi học nghe cắm trại là mừng run. Trại nào cũng muốn tham gia. Gia nhập gia đình Phật tử lại thích theo giúp việc Sư Thầy mỗi khi ngài đi chỗ này chỗ khác thuyết giảng. Bởi vậy có một độ xin Thầy xuống tóc đi tu. Thầy không cho, về nhà khóc, nhịn ăn, thuyết phục Ba Mẹ tới cầu xin. Ba Mẹ cưng chìu nên cũng tới xin, nói với Thầy rằng, “Chắc cháu có căn tu, chúng con rất vui lòng, kính mong Thầy thu nhận làm đệ tử.” Thầy nhất quyết không cho, nói rằng “tướng nó mà đi tu cùng lắm chỉ được một thời gian ngắn cũng sẽ trốn chùa, vô ích.” Ba Mẹ mang con về khuyên nhủ năm ngày ba bữa thì nguôi. Trong sinh hoạt đoàn, ai rủ đi đâu cũng welcome. Cứ nghe chữ đi là tíu tít. Xong bậc trung học đệ nhất cấp, bằng mọi giá xin đi học xa nhà, hết tỉnh tới thành phố dù có phải làm thêm để phụ Ba Mẹ số chi phí ăn học khá cao. Học chưa tới đâu thì “nghe theo tiếng gọi phiêu bồng” đi mây về gió. Rồi một “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”, hai tay dắt hai đứa em học trò chạy bạt mạng tới xứ Cờ Hoa muôn trùng dặm thẳm! Tưởng sẽ cố gắng yên định để lo tương lai cho các em, cho bản thân và nghĩ rằng đại gia đình cũng sẽ trông cậy vào mình dù chưa liên lạc được! Nhưng có lẽ bị mấy cái nốt ruồi ác ôn dưới hai bàn chân thúc giục nên lại khăn gói quả mướp, một mình một ngựa lên đường. Ngựa là chiếc xe cà tàng mua mấy trăm bạc dành dụm sau mấy tháng dài dãi nắng dầm mưa.

Một thân một mình đi ta bà tứ xứ hơn một năm. Đi tới đâu cũng cố làm việc độ thân, cố ghi tên đi học… mà nào có làm có học gì được lâu lại “ngựa quen đường cũ”… lên đường! Khi tới bắc Cali thì không còn đủ sức để đi tiếp nên trụ lại đây đi học đi làm. Một thời gian ngắn bỗng dưng giật mình nhìn lại bản thân, không thấy tương lai sự nghiệp là đâu mà tuổi đời cũng đã vượt khỏi lằn ranh “tam thập nhi lập”.

Bây giờ ngồi tính lại sổ đời, nếu không may mắn gặp được nhà tôi thì không biết những nốt ruồi “phải gió” dưới hai bàn chân còn dẫn dắt tôi tới vùng trời biển nào nữa. Nhưng việc đời, cái hên của tôi chính lại là cái xui của nhà tôi vì nàng phải theo chân tôi hết Cali đến Texas qua lại bao lần sau khi giữ chân tôi đủ lâu để cả hai cùng hoàn tất chương trình học đại đại học.

* * *

Về đến Houston hơn 6 giờ chiều ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Nắng vẫn còn rực rỡ cùng với sự nhộn nhịp thường tình của phi cảng trong những ngày lễ làm đôi chân vui bước ra khỏi cổng.

Nhà tôi chờ sẵn ở cổng trạm đến với nụ cười rạng rỡ trên môi. Nàng chủ động đưa tôi về thăm Mẹ. Mẹ tôi ở với ông con út, thứ 9, độc thân nhưng khó tính; gia đình ông con thứ 7 không xa, gia đình cô con gái út 10 cũng chỉ cách 5 dặm. Chỉ có tôi và ông thứ 8 ở cách xa Mẹ, xa nhau cả tiếng đồng hồ lái xe. Mẹ tôi năm nay đã ở tuổi 93 nhưng Cụ còn khỏe mạnh, minh mẫn bình thường ngoại trừ đôi đầu gối không cho phép Cụ đi đứng thoải mái và những cơn suyễn đôi khi thăm viếng bất thường. Cụ có thể ngồi binh xập xám, đánh bài cát-tê với con cháu hàng giờ mà không thấy chỉ dấu mệt mỏi chút nào. Cụ luôn trông mong cuối tuần để thấy con cháu đầy nhà, để nghe tiếng cười tiếng nói rộn rịp, để thấy đàn tằm ăn dâu, để rồi cùng con dâu rể gầy sòng sau bữa ăn tối. Việc họp mặt đông đủ các gia đình anh em cuối tuần chứng tỏ cho Cụ thấy sự thương yêu, đùm bọc, thuận hòa với nhau. Cụ thường nói với anh chị em khi họp mặt gia đình đông đủ “trong nhà này, đứa nào cũng là con của Mẹ, có nghĩa là không phân biệt con ruột, con dâu, con rể gì cả”.Hạnh phúc của Cụ chỉ có thế thôi nhưng giữ cho Cụ sống vui vẻ để san sẻ hạnh phúc với mọi gia đình con cháu

Thấy tôi bước vào, Cụ mừng nói, “con về tới nơi bình an là tốt rồi.” Mỗi lần tôi đi đâu cũng cho Cụ biết và lần nào cũng nhận được một câu chúc và lời khuyên tương tự, “Đi đâu mà đi hoài vậy con; đi đứng cẩn thận, lúc nào cũng nên ngó trước nhìn sau, chúc con đi bình yên.

Tôi ở chơi và ăn tối với Mẹ vài tiếng trước khi ra về. Một cuối tuần thiếu ngủ và nhiều hoạt động tâm tình bây giờ mới thực sự chiếu cố đến tôi khi ngồi yên trên xe cho bà quận rước về dinh.

Cuối tháng 5/2014


« TRANG NHÀ »