Thêm Một Chuyến Đi… Gần

ngày 8.05.14

Đã từ lâu, thỉnh thoảng tôi được nghe bạn bè, người quen nói về “nông trại nuôi gà công nghiệp do người Việt Nam làm chủ” ở Texas. Tôi vẫn nghĩ có dịp sẽ đi xem chơi cho biết, nhưng vì công việc bề bộn, cứ lần lựa hoài rồi cơ hội cũng qua đi.
Một hôm, gọi điện thoại thăm một người bạn thân thì được biết, cuối tuần lễ Phục Sinh, gia đình anh ta sẽ đi thăm trại gà của bạn-một-người-bạn-một-người-bạn vừa dọn về Houston từ Austin. Nông trại ở Calvert, cách phố College Station – phố Đại Học A&M danh tiếng của Texas – 35 dặm về hướng tây. Anh bạn rủ tôi “vợ chồng ông đi chơi với tụi này đi, chắc chắn là vui. Ông bà yên tâm, những người này rất nhiệt tình, nghe nói tới thăm họ rất vui; họ nói rằng càng đông càng vui, sẽ có thịt rừng tươi đãi chúng mình”. Nghe nói, cái máu ham vui của tôi nổi lên cuồn cuộn nhưng kịp nghĩ lại bà quận đang bệnh cả vài tuần nay không thể đi được. Tôi đành từ chối, hẹn dịp khác và chúc gia đình bạn có một cuối tuần vui vẻ.
Đem mẩu đối thoại nói lại với bà quận thì được khuyến khích “anh nên đi chơi với anh ấy đi, em ở nhà không sao đâu; vả lại, bệnh cũng đã đỡ nhiều rồi”. Tôi còn đang ngần ngừ, bà quận lại khuyến khích sợ tôi “bỏ lỡ dịp may”.
Vâng, đó là một dịp may vì ngày Thứ Sáu Lễ Phục Sinh tôi cũng sẽ đóng cửa trường cho học trò nghỉ. Được bà quận thúc đẩy, tôi ngả lòng, nói vớt vát “hy vọng em khỏe hẳn để cùng đi nha”. Tôi gọi điện thoại lại cho người bạn, xác nhận là sẽ đi nhưng chưa biết một hay hai người. Ông bạn nghe tôi đi cũng rất vui.

Sáng thứ Sáu, một buổi sáng thật tuyệt vời. Chung quanh vùng Kingwood, nắng vàng như lụa, gió êm êm, trời trong vắt. Ở Houston, thời gian từ tháng hai đến cuối tháng tư là thời tiết lý tưởng nhất. Khoảng đầu tháng năm thì nắng bắt đầu chói chang và hơi nóng và độ ẩm ngút ngàn làm cho những người ở xa muốn ghé thăm e ngại. Nhưng ở đâu rồi cũng sẽ quen thôi. Thấm thoát gia đình tôi đã sống an bình ở đây 24 năm dư. Hơn nữa, Houston là một thành phố lớn đứng hàng thứ tư nước Mỹ nhưng đời sống rất yên bình, nhà cửa rẻ mạt so với các tiểu bang, thành phố đông người Việt khác, đặc biệt là giá sinh hoạt cũng như công ăn việc làm khá quân bình. Chính vì thế, ngày càng có đông người Việt ở các tiểu bang khác dọn về, hoặc mua nhà đầu tư ở đây khá phổ biến. Cộng đồng Người Việt vì thế ngày càng đông đảo. Hiện nay, có cả nghị viên người Việt các thành phố, quận hạt và dân biểu Tiểu Bang…
Tôi liên lạc điện thoại với người bạn để lấy địa chỉ nơi đến và hẹn gặp nhau tại nông trại lúc 2g chiều. Tôi mở GPS xem đường đi. Con đường ngắn nhất từ nhà tôi tới nông trại phải mất gần 3 tiếng lái xe. Nhẫn nha uống cà phê với bà quận gần đến 11g sáng thì bà quận thúc giục tôi lên đường. Nàng hãy còn yếu nên không chịu đi. Nàng nói với tôi cứ ở lại đêm chơi với mọi người, không cần bận tâm vì sức khỏe của nàng cũng đã hồi phục bảy tám chục phần trăm rồi! Tôi nói “nếu vui sẽ ở lại, không thì về”. Nàng nhắc nhở tôi mang theo đồ ngủ và dụng cụ vệ sinh cá nhân cùng với máy hình, dây cắm điện, computer…
Ra khỏi nhà một lúc, tôi gọi điện thoại cho con gái biết bố nó trên đường đi chơi nông trại, dự trù ở lại qua đêm. Tôi nhờ vợ chồng nó về nhà buổi tối ăn cơm và ở lại với mẹ chúng. Con bé hứa lời nên tôi rất yên tâm.

Sống trong thành phố tấp nập và ngày tiếp nối ngày với bon chen cơm áo đã biến tôi thành một cổ máy biết đi. Nhàm chán… đến nỗi mỗi sáng thức dậy đánh răng nhìn vào kính với cảm giác như mới vừa thực hiện những động tác tương tự không lâu!

Lòng tôi tràn ngập niềm hứng khởi, xôn xao, bồi hồi như ngày xưa khi được bay solo (một mình một tàu) lần đầu trên bầu trời mênh mông của nước Mỹ. Tôi lựa những con đường vắng để phóng xe thênh thang, lòng rộng mở, mắt no tròn, phổi căng phồng, tâm phóng khoáng… mở hết bốn cửa sổ cho gió lộng vụt vù.Ra khỏi thành phố Conroe, xa lộ 105 đi về hướng College Station không có nhiều xe cộ như trong phố. >Hai bên đường, thỉnh thoảng có nhiều cánh đồng hoa dại, hoa bluebonnet nở rực rỡ đủ sắc màu. Tự nhiên lòng thấy tiêng tiếc… phải chi có hồng nhan tri kỷ ngồi bên cạnh để cùng rong ruổi thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên thì vui biết mấy! Tôi hết gọi cho vợ lại gọi cho bạn bè ở xa để chia sẻ cảm giác trước cảnh trí thiên nhiên tuyệt vời.

Tốc độ cho chạy 75 dặm/giờ. Ở Texas bằng phẳng như phi trường chứ không đồi dốc như các tiểu bang khác nên tầm nhìn được rất xa với đôi kính lão cho đôi mắt mơ huyền. Lựa chỗ đường thẳng, lòng rộn rực, nhìn trước nhìn sau thấy vắng vẻ, tôi thử gan phóng xe lên tới 120 dặm/giờ! Quả là tuyệt vời khi có cảm tưởng thoát được vòng cương tỏa của đời sống thường ngày… không có copilot bên cạnh, không bảng stop, không thấy cảnh sát, không đèn đỏ, không thấy những bận rộn của đường phố! Tôi bỗng nhớ câu chuyện xưa, khi bay solo trên Vùng biển Gulfport, tiểu bang Mississippi, tôi nhào lộn giả như đang đánh trận. Khi kéo thẳng phi cơ lên làm vòng quay thẳng đứng… Vì chưa có kinh nghiệm nên bị lực G làm mất tri giác trong vài giây đồng hồ! Khi bừng tỉnh thấy đầu phi cơ đang chúi xuống mặt biển… Cũng may tôi đã lấy cao độ khá cao nên hú hồn! Nhớ lại thôi mà cũng lạnh mình!

Chạy được một quãng khá xa như vừa làm xong được một pha aerobatics thành công, tôi phải đành lòng trở về thực tại vì vừa phóng xe vừa hồi hộp, không biết xe cũ có đủ sức chịu nổi bao lâu, không biết có anh bạn dân nào lai vãng đằng trước. Bạn dân mà “lượm”, xe mà nằm vạ trong hoàn cảnh này thì chỉ có đau tiền, rách việc! Dù có hối tiếc không có người bên cạnh để chia sẻ niềm vui nhưng cũng nhất thời khoái tỷ vì một mình một xe, tự tung tự tác, không nghe tiếng phi công phụ càm ràm! (Mỗi khi cùng đi với bà quận đều được nghe đầy tai một câu văn rất cũ, “chạy đi đâu như ma đuổi vậy?”
Điên một chút cho xả xú bắp chứ “nhỡ có chuyện gì” chắc là vô số phiền não… nên đành chậm lại ở con số 90! Hoa hai bên đường vẫn rực rỡ đó đây; nhất là đường càng xa thành phố càng nhiều thảm hoa. Qua khỏi khu Đại Học, tới thị trấn Bryan… bùng binh ở giữa khoảng xa lộ hai chiều cũng đầy hoa rực rỡ đủ sắc màu. Mùa Bluebonnet ở Texas bắt đầu từ đầu tháng ba, nở rộ đầu tháng tư và bắt đầu tàn rụi ở cuối tháng.

Mời quý vị bấm vào đây để xem hàng ngàn tấm hình hoa bluebonnet của Texas:

Hunting Texas Wildflowers

và bấm vào đây để thấy sự mênh mông của những tấm thảm hoa thiên nhiên:

2012 Ennis Bluebonnets

Khi tới thành phố Hearne cách Calvert khoảng 9 dặm, thấy còn sớm, tôi bấm GPS để tìm thảm hoa Bluebonnet trong vùng. Cô Mỹ tóc vàng hướng dẫn tôi chạy theo những con đường ngoằn ngoèo khá lâu, tới một phi trường nhỏ. Phi trường rất hoang vắng, hoa mênh mông. Thấy chiếc Cessna trong bãi đậu, tôi dừng xe ngắm say mê một lúc rồi lững thững chụp hình. Có lẽ những tháng năm đi mây về gió chưa đủ dài nên mỗi lần thấy phi trường và máy bay là tôi bồi hồi tiếc nhớ.
Viết tới đây lòng tôi chùng xuống, nặng trĩu một niềm đau! Có cái gì nghèn nghẹn ở cổ. Đã gần cuối tháng 4! Tháng 4 của bi thương, uất hận; của chia lìa, tan tác; của tự do và tù ngục! 39 năm dài lê thê với nỗi hờn vong quốc!

Khoảng hơn 2g chiều mọi người tề tựu đông đủ. Phái đoàn gồm 11 người lớn và 4 trẻ con. Mặc dù đã được thông báo trước nhưng nhìn anh chủ nông trại có vẻ bị khớp khi thấy một đoàn xe kéo tới và cả đại đội tiến vào nhà. Anh chủ nông trại trông rất bình dị với đôi dép và áo sơ-mi bỏ ngoài quần. Anh nói vừa đủ nghe, “mời các bạn vào nhà hoặc có thể tự do đi vòng vòng để xem cho biết”. Nhìn quanh trang trại rộng bao la, rừng sát bên nhà. Nhà là một chiếc nhà di động nhưng khá rộng rãi. Khi được thăm hỏi về nữ chủ nhân và gia đình, anh cho biết là gia đình ở Austin và nàng trên đường về trại cùng với các con.
Sau khi an vị. Tôi và lũ con nít được anh dẫn ra sau nhà cho xem chú heo rừng vừa bẫy được đêm qua. Anh nói “rất tiếc, có con nai nữa nhưng đã sổng mất!” Chú heo rừng đen nhánh, có lẽ cân khoảng vài chục ký lô, bị trói bốn chân, biết phận nên nằm im ru mặc cho muỗi mòng đậu khắp thân. Lũ con nít xuýt xoa thương con heo và không dám tới gần. Tôi đụng vào chân, con heo cựa mình và kêu eng éc làm lũ nhỏ giật mình nhảy dang ra.

Gia chủ là một người đàn ông trung niên (khoảng trên dưới 50 một chút), nhỏ nhắn, dân Bắc Kỳ chính hiệu. Tôi không biết anh ở vùng nào ngoài Bắc nhưng chắc chắn không phải dân Bắc Kỳ di cư 1954 mà tôi có vô số bạn bè và người thân. Anh bị cụt bàn tay trái. Người bạn nói cho tôi biết là gia chủ đã một thời trong Hải quân, trong một tai nạn bị dây cáp của tàu hải dương cắt đứt (?)
Gia chủ lại dắt cả bọn đi thăm các chuồng gà. Anh cho biết, luật lệ của Bộ Canh Nông Hoa Kỳ, cứ một chuồng gà phải có 10 mẫu đất trống. Nông trại của anh có 16 chuồng và đất của anh rộng khoảng 200 mẫu. Ngoài khu vực xây dựng chuồng với khoảng đất rộng tương ứng, phần còn lại là rừng non, vì thế có nhiều thú rừng ẩn náu, nhất là nai, heo, chồn…

Chuồng gà là một khu nhà công nghệ đóng kín, chiều rộng 20 mét, chiều dài 200 mét, và chiều cao khoảng 15 mét. Có hệ thống điều hòa không khí, có hai máy quạt hút rất lớn gắn phía trước và khoảng 8 máy quạt thổi ra có công xuất mạnh ở phía sau, hướng vào rừng. Có lẽ vì thế mà không ngửi thấy mùi hôi hám trong không khí. Mỗi chuồng có hai phễu đựng thức ăn vĩ đại (mỗi 3 ngày làm đầy một lần), điều hành bằng một hệ thống vi tính. Mỗi “chuồng” chứa 24,200 con gà. Bên trong tối lờ mờ, chỉ có mấy ngọn đèn điện vàng vọt. Khi anh chủ bật đèn sáng, lũ gà giật mình, xôn xao, kêu oang oác. Dưới đất ngăn từng ô chữ nhật, mỗi ô có năm ba chục con gà quanh quẩn đụng nhau. Có hệ thống khay đựng thức ăn và nước uống chuyền thẳng từ trên trần xuống, và điều động bằng vi tính.
16 chuồng gà được chăm sóc bởi 3 nhân viên trung niên người Việt, độc thân, ăn ở tại chỗ. Mỗi ngày các anh phân công vào thăm viếng từng chuồng, bảo trì và mang đi những con gà bệnh hoặc chết. Gia chủ chỉ có thuê 3 người này trông nom toàn thời gian, còn gia đình có nhà cửa riêng ở Austin cho thuận tiện các con đi học.

Theo gia chủ thì từ lúc gà con tới khi lùa bán cho hãng làm thịt là hai tháng. Mỗi lần lùa gà xong (cứ mỗi chuồng cần tới 4 anh công nhân của hãng đem xe đến xúc hai tiếng đồng hồ thì xong), máy cào phân chạy qua một lượt làm sạch sẽ; nhân viên kiểm tra lại máy móc và thả gà con vào. Phân gà thải ra mỗi năm có thể bán lại cho các hãng phân bón lên tới năm bảy chục ngàn đô la. Chủ nông trại chỉ làm công việc nhận nuôi gà con, chăm sóc cho tới ngày gà được lùa đi. Phần còn lại hãng sẽ bao hết từ cung cấp gà con, thực phẩm, và công việc bắt gà. Sau khi bán, hãng gà sẽ khấu trừ mọi chi phí của họ, phần còn lại sẽ đưa cho chủ trại gà một tấm check. Chủ trại dùng tiền đó chi trả cho công nhân riêng của mình, chi trả những chi phí cần thiết hàng ngày, còn lại là tiền lời bỏ vào cho ấm nhà băng. Lợi nhuận nhiều hay ít tùy thuộc vào số gà tồn tại. Tuy nhiên, nếu có bị dịch cúm, thiệt hại do thiên nhiên gây ra, hãng bảo hiểm sẽ bồi hoàn vào chỗ thất thu. Theo gia chủ, từ ngày mua được cơ sở này cho tới nay (hơn 2 năm) chỉ có từ huề tới lời chứ chưa từng bị lỗ vốn.

Ngồi uống bia nói chuyện nắng mưa, tôi tò mò hỏi gia chủ:

– Nghe nói anh ở Việt Nam qua không lâu?
– Vâng, gia đình em qua định cư bên này hơn hai năm rồi ạ.
– Anh có kinh nghiệm nuôi gà công nghiệp từ trong nước?
– Dạ không anh ạ! Em chả biết tí ti gì.
– Sao anh lại chọn đầu tư vào lãnh vực không biết?
– Em đưa con qua đây du học, gặp bạn bè tìm hiểu và được hướng dẫn.

Anh nói thêm
– Ở vùng này có tổng cộng 20 trại nuôi gà của người Việt mà phần đông chủ đầu tư là những người như em (ở VN mới qua năm ba năm). Người có ít nhất là 6 chuồng và nhiều nhất 24 chuồng.
– Đại lược giá cả ra sao?
– Em không biết rõ nhưng như của em phải bỏ ra 4 triệu đô la ạ.
– Anh qua Mỹ theo chương trình đầu tư được thẻ xanh phải không?
– Vâng ạ!
– Tôi nghe nói nếu mỗi người bỏ ra 500 ngàn đô la đầu tư thì được thẻ xanh?
– Không anh ạ. Có nhiều trường hợp khác nhau. Thường thì ở gần thành phố, gần đô thị phải bỏ vốn đầu tư ít nhất một triệu đô. 500 ngàn thì khi ở tuốt trong vùng sâu, vùng xa. Vùng này cách thành phố không xa.

– Nhưng vốn đầu tư vào nông trại này thừa sức cho cả gia đình rồi.
– Vâng, em phải bỏ ra hơn 4 triệu đô mua lại cơ sở này.

Tôi chợt nghĩ chính sách này của Hoa Kỳ thật là thâm thúy; thâu tóm đô la về cho nước Mỹ và làm cho người khác thọ ơn mình. Ngày xưa, Việt cộng huênh hoang, ca cẩm “đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào”. Ngụy nhào để ăn cướp đất đai tài sản giúp giải phóng đói nghèo, lạc hậu cho Miền Bắc; Mỹ cút rồi chạy theo Mỹ để sống còn… Ngày nay, lũ đầu sỏ, chức quyền thi đua đưa con cái du học, đầu tư thương mại khắp nơi trên đất Mỹ, một hình thức rửa tiền một cách công khai. Có lẽ vì thế mà chính quyền Mỹ làm ngơ trước mấy chục tỷ đô la hàng năm người Việt gửi về VN qua nhiều ngả gồm có chính thức cũng như bán chính thức cộng thêm hầu hết người về thăm viếng cũng mang theo một số tiền mặt lớn mà không khai báo.
Nghĩ đến đây tôi bỗng thấy nghẹn đắng trong cổ… Xưa kia, nếu quốc hội Mỹ chịu chuẩn chi cho Việt Nam Cộng Hoà 300 triệu đô la vào những ngày cuối của cuộc chiến, có lẽ con dân VN không phải tản lạc bốn phương tám hướng như hiện nay. 300 triệu đô la có thể không đáng là bao nhưng sự cứu giúp đó sẽ cho quân dân miền nam sức mạnh tinh thần để không bị rả đàn tan nghé thê lương nhường ấy! Nay mấy chục tỷ đô la gửi về chỉ chạy tuốt vào túi tham không đáy của bọn cường quyền rồi dội ngược lại Mỹ qua ngả du học, đầu tư đổi thẻ xanh, thay quốc tịch dọn đường cho những bãi đáp an toàn cho lũ cán bộ và gia đình chúng một khi chính biến xảy ra trong nước hoặc khi quảy gánh về vườn…

Khu nông trại mênh mông với 16 chuồng gà! Ba nhân viên chạy lui chạy tới chăm sóc công việc hàng ngày; ngoài ra hoàn toàn hoang vắng. Theo gia chủ, anh chỉ đi lui đi tới trông nom vậy thôi vì còn cơ sở làm ăn bên Việt Nam và lo việc đầu tư ở những khâu khác nữa (!?)
Đám con cháu anh bạn xem gà mãn nhãn xong kéo nhau về cả Austin. Thực ra chúng ở lại đây cũng chẳng biết làm gì cho hết ngày. Còn lại 5 người lớn cộng với anh chủ và 3 nhân viên, ra vào tập thể dục nâng chai và hút thuốc lá cho bổ phổi. Mấy người đàn ông rủ nhau ra sau vườn giết heo. Tôi ngán không dám lại gần vì không nỡ lòng nhìn người ta lụi dao vào cổ con heo còn sống. Tay cầm chai, bỏ thêm trong túi vài lon, tay cầm máy chụp hình đi lang thang qua những lối mòn chung quanh trại. Trời nhiều mây nhưng những giọt nắng vẫn rực rỡ, dìu dịu chứ không rát bỏng như những ngày hè. Đó đây hoa dại nở bông từng cụm lớn đủ sắc màu. Tôi đi theo lối mòn vào khu rừng non gần nhà, nơi có con suối nhỏ, ít nước, không được chăm sóc nhưng cũng có những thơ mộng của nó. Tôi ngồi trầm lắng, tu từng ngụm bia bên bờ suối một lúc rồi lững thững bước đi. Chim rừng đó đây vang tiếng gọi nhau cùng tiếng xào xạc của cây lá như hơi thở của rừng!

Khi tôi trở lại nhà trailer đã thấy chị chủ và hai cô con gái về từ Austin. Chị chủ còn khá trẻ, người tầm thước, có vẻ vui tính, thân thiện, có lẽ chưa tới 50 tuổi. Dù vậy, nhìn sơ qua tôi cũng đoán biết đó là một người đàn bà có nhiều bản lãnh hơn anh chủ nhà. Cô con gái lớn 17 ít nói và con bé 7 tuổi trông rất kháu khỉnh dễ thương. Chị cho biết còn một cậu con trai đang học đại học trên đó không về. Ngoài ra, còn có thêm một anh bạn cùng đến từ thủ đô Austin nữa, được giới thiệu là chủ nhân một khu thương mại sầm uất ở Austin. Trông anh rất chững chạc, nghiêm trang hơn những người đàn ông đang có mặt tại đây, dù anh cũng tỏ ra nhiệt tình với mọi người.

Khi chúng tôi bày tỏ ước muốn đến thăm trại gà lớn nhất trong vùng cũng là chỗ quen biết của gia chủ, chị chủ nhà vui vẻ gọi cho gia chủ bên đó và mời chúng tôi cùng đi.
Hai trang trại này chỉ cách nhau chưa tới 10 dặm đường. Chủ nhân cũng là hai anh chị trung niên, có lẽ khoảng trên dưới 50, người Miền Nam thì phải. Có hai con đang đi học xa, chỉ còn hai vợ chồng tự tay chăm sóc 24 trại gà. Không hỏi chi tiết nhưng chắc phải có người làm phụ. Anh chủ nhà đưa chúng tôi đi xem các trại gà. Hình thức xây cất, sinh hoạt, điều hành đều giống nhau như khuôn đúc. Dĩ nhiên là đất rộng thênh thang, ngút ngàn. Nghe nói cũng có rất nhiều thú rừng. Đặc biệt bên này có một ao cá nhân tạo khá lớn, cũng đến nhiều mẫu đất. Anh chủ nhà cho biết, tổn phí cho việc đào hồ là 30 ngàn đô la. Ngăn không cho nước mưa tràn vào, mỗi khi nước rút bơm nước giếng vào nên màu nước xanh thẳm, trong veo. Có vài giống cá, nhiều nhất là cá bông lau khá lớn. Anh chủ nhà nói đào hồ cho hai đứa nhỏ câu tiêu khiển khi chúng chưa đi đại học. Anh thật tình mời chúng tôi khi nào có cơ hội trở lại để câu cho vui. Câu bao nhiêu cũng được, hoàn toàn miễn phí.
Trong câu chuyện chúng tôi cũng được biết là anh chị bên kia đang ngả giá mua luôn bên này. Nghe phong phanh giá 8 triệu. Anh cho biết là đã đến lúc cần nghỉ ngơi vì làm công việc này đã nhiều năm, từ tiểu bang khác dọn về đây. Anh chị đã ở Mỹ khá lâu. Vì tế nhị chúng tôi không hỏi gì thêm.
Hoàng hôn cũng từ từ buông. Nắng đã khuất sau rừng cây lặng gió. Chúng tôi trở về lại nhà trailer để dùng bữa ăn tối.

Khu nông trại càng thêm quạnh vắng. khi ánh đèn chung quanh khu chuồng gà dần dần hắt ra những vệt sáng vàng như nghệ làm cho cảnh vật càng hoang vu. Mây trằng khá nhiều làm tăng vẻ âm u cho miền thôn dã. Nếu tôi có phải ở đây, chắc cũng chỉ được vài ngày ba bữa là cùng, đủ thời gian làm mấy bài thơ buồn và thuộc lòng bản nhạc “không, tôi không cần, tôi không cần lên đây nữa!”
Ba anh nhân viên hợp cùng ba người đàn bà sửa soạn thêm một lúc nữa đã có một bữa tiệc linh đình, thịnh soạn, đồ ăn đầy ắp một bàn lớn. Quý vị đàn ông thì có món tiết canh heo, dồi trường vừa chế biến, thịt heo luộc, thịt heo nướng, cháo lòng… Đại khái các món heo rừng và gà công nghiệp nhiều hơn bảy món. Mọi người ngồi vào chỗ. Ba anh nhân viên trình làng mấy lốc rượu vừa nấu mấy hôm trước. Gia chủ cho biết là rượu tự nấu nên phẩm chất rất tốt. Mọi người nâng ly. Tôi cũng nâng ly, cố làm một ngụm. Rượu chạy tới đâu nghe nóng ran tới đó dẫu có mùi thơm và vị ngọt ngào. Trực nhớ tình cảnh chú heo nằm chịu trận lúc xế chiều làm tôi mất bớt hào hứng ăn nhậu.
Vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả để biết thêm một số chi tiết đáng ghi nhận. Anh chị chủ nhà đang thương lượng mua khu thương mại Việt Nam của anh bạn mới tới lúc chiều. Dù không ai nói số tiền bao nhiêu nhưng đó là một khu thương mại sầm uất của người Việt tại Austin, có lẽ phải chi rất nhiều triệu đô la cho khu phố xá này. Công việc làm ăn buôn bán ở Saigon cũng đang phát triển thuận lợi. Anh chị vẫn đi đi về về giữa VN và Hoa Kỳ thường trực. Trang trại này đã có người trông nom vững vàng. Cơ hội sở hữu trang trại 24 chuồng rất cao, vì còn khác biệt giữa người mua và người bán chỉ có 10 ngàn đô. Và còn gì nữa…?
Và tôi cũng chợt nghĩ, gia chủ có lẽ chắc phải là một đại gia có thế lực bên nhà, có “gốc gác” khá lớn, mới có tiền bạc rủng rỉnh như thế! Hoặc sau lưng anh chị này phải là một thế lực có thừa mứa tiền bạc.
Nghĩ thương cho người dân thấp cổ bé miệng! Một xã hội có muôn vàn ngang trái, triệu điều nghịch lý. Một đất nước thanh bình hơn 30 năm qua với nguồn tài nguyên trù phú “tiền rừng bạc bể” như đất nước Việt Nam, cùng với vài chục tỷ đô la được đồng bào hải ngoại tặng không hàng năm mà dân chúng vẫn đói khổ, trong khi cán bộ, chức quyền, người giàu có càng ngày càng giàu sụ. Dân chúng đã nghèo mà tài sản, ruộng đất còn bị bọn cường quyền chiếm đoạt, cướp sạch; thanh niên phải lao động xứ người, thiếu nữ phải bán mình cho ngoại bang để đổi lấy hạnh phúc mong manh cho bản thân, cho gia đình nhỏ bé của mình… quả thật vô cùng cay đắng và đau đớn!

Ăn xong, cánh đàn bà dọn dẹp. Ba anh nhân viên đã về ngủ ở một trailer khác, phía sau. Tôi chợt muốn ra về. Những gì muốn biết đã biết. Nhưng… 3 tiếng lái xe ban đêm sau khi có chất men trong người làm tôi chùn chân. Thôi thì ở lại với anh em qua đêm như đã dự tính từ trước. Cánh chúng tôi và anh chủ nhà tiếp tục lai rai rồi bày ra “hát cho nhau nghe” với dàn âm thanh độc đáo. Một lúc sau, chị chủ nhà và một chị vợ của anh bạn khác cũng tham gia ca hát… cho mãi đến hơn 1g sáng mới đi ngủ. Nhà trailer khá rộng và đầy đủ tiện nghi, nhưng ai muốn thủ salon cũng được. Tôi vốn thường mang theo “máy cưa” khi đi ngủ nên tìm một góc để… lãng quên đời!
Sáng sớm, mới 6-7 g đã có người thức dậy, xôn xao với cà phê, thuốc lá. Tôi lại ra sân nhìn trời hiu quạnh được một lát thì có người mời vào ăn sáng. Xong buổi ăn sáng, thấy không còn gì ở đây nữa nên mọi người cùng nói lời chia ly. Mấy anh bạn rủ tôi đi Austin nhậu tiếp nhưng nhớ tới bà quận phụng thể bất an, đang ở nhà ca bản “một mình”… Tôi vì yêu vợ đột xuất nên đành ‘lưu luyến chia tay’!

Chuyến đi chơi đã cho tôi một ít niềm vui cùng lắm điều ưu tư! Tự nhiên nỗi buồn dào dạt kéo tới. Buồn cho thân phận lưu vong, buồn cho đất nước sau bao nhiêu năm không chiến tranh vẫn đói nghèo, tụt hậu. Thương cho dân tộc vẫn lầm than khi “tự do như muối, hạnh phúc như đường” vẫn còn treo vắt vẻo trên cao, ngoài tầm tay với! Mùa tháng tư đau thương lại về! Nỗi buồn ám ảnh tôi trong suốt chặng đường trở lại Rừng Vua!

Mùa Phục Sinh 2014


« TRANG NHÀ »