Yên Sơn và MỘT ĐỜI TƯỞNG TIẾC

ngày 6.03.14


BUỔI GĂP GỠ VĂN NGHỆ CỦA NHÀ THƠ YÊN SƠN VỚI GIỚI VĂN THI SĨ Ở VÙNG DC VÀ THI PHẨM “MỘT ĐỜI TƯỞNG TIẾC”

Tuyết Mai

Virginia.- Nhóm thân hữu của nhà thơ Yên Sơn như nhà văn Nguyễn Đức Nam, nhà thơ Giang Hữu Tuyên, nhà báo Nguyễn Minh Nữu đã tổ chức một buổi ra mắt thi tập “Một Đời Tưởng Tiếc” của nhà thơ Yên Sơn vào lúc 12 giờ trưa ngày 13 tháng 7, 2003 tại nhà hàng Saigon House, Falls Church, VA.

Ông Nguyễn Minh Nữu, Chủ Nhiệm báo Văn Nghệ đại diện cho Ban Tổ Chức có lời chào mừng quan khách. Ông cho biết nhà thơ Yên Sơn rất khiêm tốn, Ông chỉ muốn được gặp gỡ một số văn thi hữu vùng Hoa Thịnh Đốn trong một không khí thân mật. Vì vậy chỉ có hơn sáu mươi người tham dự buổi ra mắt thi tập “Một Đời Tưởng Tiếc”. Nhưng những người tham dự là những nhân vật chọn lọc, những tinh hoa của văn đàn VN vùng Hoa Thịnh Đốn.

Hiện diện có Ông Hà Bỉnh Trung, Hội Trưởng Hội Văn Học Nghệ Thuật và cũng là đương kim chủ tịch trung tâm Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ, nhà thơ Ngọc Dung, nhà văn Sơn Tùng, nhà văn Uyên Thao, nhà thơ Vương Đức Lệ, ông Bạch Thái Hồ, nhà báo Ngô Vương Toại, nhạc sĩ Huỳnh Thái Bình, nhà báo Nguyễn Hữu Bình “báo Gió Mới”, nhà báo Nguyễn Hữu Điễn “Thủ ĐôThời Báo”, Võ Sư Vương Đình Thanh, nhiếp ảnh gia Joseph Hòa, cựu giáo sư trường Quốc gia âm nhạc Kim Oanh; phần còn lại toàn là văn thi sĩ và bằng hữu trong vùng…

Sau phần giới thiệu quan khách, nhà văn Nguyễn Đức Nam, Chủ nhiệm Nguyệt San Kỹ Nguyên Mới đại diện cho văn thi hữu vùng HTĐ có lời chào mừng nhà thơ Yên Sơn đến từ Houston, Texas.
Nhà văn Nguyễn Đức Nam cho biết tác giả Yên Sơn sinh quán ở Quảng Ngãi. Hiện nhà thơ Yên Sơn đang là Tổng Thư Ký Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ, Ông tham gia nhiều công tác cộng đồng, nhiều sinh hoạt xã hội trong vùng tạm dung. Ông cũng là một võ sư của Thiếu Lâm Bắc Phái và Thái Cực Đạo, đệ thất đẳng huyền đai.

Trong quá khứ nhà thơ Yên Sơn đã từng ngâm thơ không thường xuyên trong chương trình Tao Đàn Đài phát thanh Saigon năm 1970-1972 và viết thường trực cho các báo Thời Nay, Phổ Thông, Trắng Đen, Phụ Nữ Diễn Đàn trước năm 1975.

Năm 1975 nhà thơ Yên Sơn đã xuất bản tập thơ “Quê Hương và Tuổi Trẻ”, nói lên tâm trạng băn khoăn và hoài bão của Tuổi Trẻ VN trong thời chiến tranh. Sau thời gian vắng bóng trên văn đàn hải ngoại, năm 1998 ông đã xuất bản thi tập Cho Quê Hương, Tôi, và Tình Yêu tại San Jose, California. Đã viết chung tác phẩm Những Giọt Sương Rớt Muộn năm 2000 với nhiều tác giả, và Tuyển Tập Thơ Văn do trung tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ xuất bản năm 2003. Ông cũng góp mặt hầu hết trên các báo chí Việt ngữ hải ngoại và rất nhiều diễn đàn điện tử Việt ngữ khắp nơi.

Kế đến nhà báo Nguyễn Minh Nữu giới thiệu nhà thơ Giang Hữu Tuyên, nói về tác phẩm “Một Đời Tưởng Tiếc”. Trong những năm gần đây nhà thơ Giang Hữu Tuyên thường giới thiệu những tập thơ mới được xuất bản với những khách yêu thơ. Ông khéo léo đưa người yêu thơ đi vào thế giới thơ, rất xuất sắc.

Trong phần giới thiệu về tác phẩm “Một Đời Tưởng Tiếc” nhà thơ Giang Hữu Tuyên cho biết tập thơ dày 144 trang với gần tám mươi bài thơ, được xuất bản tháng 5, 2002 tại Houston, Texas.
Mở đầu nhà thơ Giang Hữu Tuyên nhắc lại một câu tác giả Yên Sơn viết trong lời tựa “Một đời tưởng tiếc là những mảnh vụn của tâm hồn”. Nhà thơ Giang Hữu Tuyên nói , tuy là những mảnh vụn của tâm hồn nhưng Yên Sơn cũng rất nồng nhiệt, rất trân trọng mời người đọc thơ anh lên “xe đạp” để cùng anh đi trên một đoạn đường tâm tình.

Nhà thơ Giang Hữu Tuyên trích dẫn những vần thơ tiêu biểu trong tập thơ “Một Đời Tưởng Tiếc”.

“Saigon thành phố thân yêu
Về, nghe lạ lẫm, giữa chiều mưa tuôn
Mưa bay ướt đẫm nỗi buồn
Phố thay đổi họ, tên đường đổi tên”
Kế đến là một đoạn trong bài “Tưởng nhớ Cha”
“Con lên phi cơ bay về vùng biển
Bổng nhớ thương cha nước mắt tuôn tràn
Tháng Tư nào khi quốc biến gia tan
Con bỏ xứ lái tàu bay về biển”

Theo nhà thơ Giang Hữu Tuyên, Yên Sơn làm thơ không phải chỉ để tạ ơn đời, thơ của anh là tổng hợp của những cố gắng để nói lên những nỗi buồn của một kiếp nhân sinh, một niềm ray rức, tưởng tiếc và nỗi xót xa của một cuộc tình không trọn vẹn. Thơ của anh có thể là “Con nắng cuối mùa”, có thể là “Phố lạ chờ Xuân đến”.

“Xuân đây vắng bóng mai đào
Ngày đi qua vội, đêm thao thức dài
Biết về đâu, biết thăm ai
Chân mây sương đẫm, chiều phai sắc chiều”

Trong tập thơ của Yên Sơn có rất nhiều bài thơ thương nhớ quê hương, lúc nào tác giả cũng hướng về quê với muôn ngàn niềm thương nỗi nhớ. Tác giả sống không bình an với kỹ niệm, những cánh đồng với muôn ngàn bờ đất, những thảm mạ non xanh ngát như suối tóc mượt mà của cô gái dậy thì, những cơ cực của mùa nước lũ, những đói nghèo khi bảo tố đi qua.

“Đứt ruột đau lòng, lũ lụt Miền Trung
Nước từ thẳm cao tràn về dữ dội
Quảng Trị, Thừa Thiên ngập luôn Thành Nội
Nhà cửa ruộng vườn, gia sản, người dân
Cùng cuốn theo dòng nước lũ vô tâm”

Những dòng sông của tuổi thơ, những con đường đi học. Tuổi thơ đi qua êm đềm và hiếm hoi như con sông mùa nước cạn.

“Có chút nắng vàng lung linh bên cửa
Xinh như tuổi thơ để lại bên cầu.
Hay …Vẫy tay từ biệt Vệ Giang
Xa rồi tuổi mộng, vô vàn luyến thương”

Rồi chiến tranh, rồi hận thù chất ngất. Tác giả đã sống, đã vui và đã bao lần sụt sùi nước mắt cho bạn bè, cho những khốc liệt chiến tranh.

“Trên đường về sau một ngày rời rã
Nghe radio mày đã bỏ bạn bè
Trong lòng tao nhói lên nỗi tái tê
Và đôi mắt máu dồn lên nặng trĩu”

Nhà thơ Giang Hữu Tuyên ghi nhận nhà thơ Yên Sơn rất mơ mộng với những mối tình ngọc ngà, nhẹ nhàng như thơ.

“Rồi hôm nớ trăng mười lăm mười sáu
Cây ngô đồng thiêm thiếp đứng yên nghe
Tình mong manh bay lại buổi trưa hè
Rồi rực sáng như thu, vàng như cúc”

Yên sơn đã đi vào thi ca bằng tấm lòng chan chứa tình yêu quê hương Tổ Quốc, bằng những xúc cảm chân thật với mưa nắng, mùa thu, trăng vàng…

Nhà thơ Giang Hữu Tuyên kết luận, Yên Sơn đã ngậm ngùi lìa bỏ quê hương, để lại sau lưng bao nhiêu chia lìa đứt ruột, bao nhiêu ân tình vỡ lỡ. Phải chăng quê hương ta đang đấm chìm trong lạc hậu nghèo đói, phải chăng vì nợ quê hương chưa đền trả, nên bây giờ nơi đất khách, quê người Yên Sơn đang lạc lõng bơ vơ? Tất cả đã tạo nên những rung động, kỳ diệu, đã làm nên cõi thơ của Yên Sơn.
Để góp vui trong chương trình văn nghệ nhà thơ Yên Sơn đã ngâm những vần thơ do chính anh sáng tác, bài “Như Sóng Vỗ Bờ”; Tuyết Mai trong một màn thi nhạc giao duyên , bài thơ “28 năm Biệt Xứ” giao duyên cùng bản nhạc “Saigon Niềm Nhớ Không Tên”, Hoàng Anh trong nhạc phẩm “Cho Lần Cuối” của Lê Uyên Phương, Nhà Báo Nguyễn Minh Nữu trong nhạc phẩm “Ngựa Hoang”.

Chương trình ra mắt thơ, gặp gỡ văn thi hữu Miền Đông HK của nhà thơ Yên Sơn được chấm dứt vào lùc 2 giờ chiều cùng ngày.

(Nguyên văn bài nói chuyện trong buổi chào mừng thi sĩ Yên Sơn, 13/7/03, tại Sài Gòn House Restaurant, Falls Church, Virginia)

“Rõ ràng người đã quay lưng
Thu phân vân đứng trông chừng chiều đi
Ai cười giọt lệ vu qui
Mà nghe đau nhói xuân thì người ơi
Thu đi cùng lá vàng rơi
Để ta riêng lẻ một trời luyến lưu

“À ơi giọt nắng chiều phai
Bên cầu sương bạc nhuộm đầy hoàng hôn.”

À ơi giọt nắng chiều phai. Bên cầu sương bạc nhuộm đầy hoàng hôn. Đó là Yên Sơn.
Yên Sơn. Người thi sĩ của “Một Đơiø Tưởng Tiếc.” Tập “Một Đời Tưởng Tiếc” dày 144 trang, ấn hành vào tháng 5 năm 2002 tại Houston, Texas. Tác giả tự xuất bản và giữ bản quyền.

Như Yên Sơn đã nói trong lời tựa: “Một Đời Tưởng Tiếc là những mãnh vụn của tâm hồn.” Tuy chỉ là những mãnh vụn, nhưng anh cũng đã rất nồng nhiệt, rất trân trọng mời người đọc thơ anh “lên xe đạp” để anh gò lưng đạp đưa người đọc cùng đi một “đoạn đường tâm tình.”

Tới đây thì tôi xin phép nhà thơ để được mở cái dấu ngoặc để lung bung ngoài đề một chút. Tôi hy vọng rằng “đoạn đường tâm tình” mà Yên Sơn nói ở trên không phải là một đoạn đường dốc cao, gồ ghề đất đá. Tôi cũng hy vọng rằng những người muốn ngồi trên xe đạp để cùng đi trên đoạn đường đó không phải là những nặng ký hay mập mạp như tôi. Có lẽ chỉ là những người mảnh khảnh, yếu đuối, liêu trai, đài các… Bởi vì mập và nặng quá, tuy Yên Sơn vừa là thi sĩ, vừa là võ sĩ, cũng không thể thồ nổi. Mà có thồ nổi thì cũng vất vả quá chăng, còn đâu thơ mộng!

Hay là Yên Sơn chỉ ý nhị xin được làm một bác tài mà hành khách là đối tượng có chọn lựa. Yên Sơn chỉ muốn đạp xe trên đường tâm tình với người đồng hành, mảnh khảnh, đào tơ, liêu trai, đài các nào đó mà thôi. Nói thế ai trong chúng ta cũng biết, những bóng dáng đó chắc hẳn không đại diện cho nam giới của chúng tôi.

Just kidding. Nói cho vui.
Thật ra, người thi sĩ phải dào dạt lắm, phải chan chứa lắm mới đủ nội lực để làm cuộc hành trình như vậy.

Ngày xưa Vũ Hoàng Chương đã viết:

“Có ai đau nỗi đau trời đất
Buồn riêng của núi sông?
Ta nhớ thương hồn hoa cỏ mất
Theo làn mây nhẹ ánh trăng trong.

Núi phía Nam hề sông phía Bắc!
Trời phương Đông hỡi đất phương Tây!
Mặc cho những kẻ mài gươm sắc
Ta chỉ mài riêng ngọn bút này”.

(Đuốc Thơ)

Tôi không dám cường điệu để mà nói rằng Yên Sơn đang “nhớ thương hồn hoa cỏ mất”. Tôi cũng không dám đại ngôn để mà nói rằng người thi sĩ của chúng ta, hôm nay, cũng mang tâm sự u uất của người xưa. Nhưng, tôi muốn mời các bạn hãy cùng với tôi nghe thơ của Yên Sơn:

“Nếu làm thơ như mài gươm đối nguyệt
Để một mai phanh thây giặc tàn ô
Ta cũng nguyện vắt sạch tim cạn óc
Để làm thơ, để viết tạ ơn đời.”

Thì ra Yên Sơn làm thơ “để viết tạ ơn đời.”
Chỉ đơn giản có vậy thôi sao?

Thưa không, tôi không nghĩ Yên Sơn chỉ nhằm gởi gấm như vậy.
Mời nghe tiếp Yên Sơn:

“Sài Gòn, thành phố thân yêu
Về, nghe lạ lẫm, giữa chiều mưa tuôn
Mưa bay ướt đẫm nỗi buồn
Phố thay tên họ, tên đường đổi tên.”

(Phố Xưa Bỡ Ngỡ Ta Về, trang 17)

“Phận ta nghèo chỉ còn cây khế ngọt
Đại bàng ăn rồi quẹt mỏ bay đi
Ta vẫn biết loài thú cầm bội bạc
Nên không đau, chẳng hận để làm gì.

Ta chỉ tiếc chút tình ta đã trót
Gửi đại bàng chiều đông trước xuân sang
Ta cũng hiểu chắc lẽ vì thương xót
Chim hứa lời: trả báu túi ba gang

Ta không ham bạc vàng châu báu
Chỉ có tình yêu… cây khế ngọt trái mùa
Không hề tiếc nhưng sao tình bão nổi
Mỗi chiều về, mỗi đêm lạnh sương khuya”

(Thương cho cây khế lỗi mùa, trang 23)

“Con lên phi cơ bay về vùng biển
Bỗng nhớ thương cha nước mắt tuôn tràn
Tháng tư nao khi quốc biến gia tan
Con bỏ xứ lái tàu bay về biển


….

“Cha ơi cha! Một ngày không quên được
Nhận hung tin cha lìa bỏ cõi đời
Con chết lịm trong lòng mà lệ không rơi
Con muốn khóc sao bật cười hoang dại

Mười tám năm sau không lần trở lại
Nợ quê hương chưa trả nổi đến bây giờ
Đất khách quê người lạc lõng bơ vơ
Ngày tiếp nối ngày chỉ vì cơm áo”

(Tưởng Nhớ Cha, trang 55)

Rõ ràng là Yên Sơn không làm thơ để chỉ tạ ơn đời. Thơ của anh là tập hợp của những cố gắng để làm đầy những khoảng trống vắng tươi, những phiến buồn vàng nghệ của kiếp nhân sinh, của giòng thời cuộc. Nhứt là niềm ray rứt, tưởng tiếc, xót xa của những mẫu đời, những cuộc tình không trọn. Thơ anh nhiều lúc như những giọt nến lung linh, chực chờ rơi rụng. Có thể từ một nơi chốn cũ. Có thể từ một con nắng cuối ngày. Hay có thể từ một phố lạ chờ xuân đến.

“Phố xa đứng tựa bên đàng
Chờ xuân đến vối hai hàng lệ tuôn”
….
“Xuân đây vắng bóng mai đào
Ngày đi quá vôi, đêm thao thức dài
Biết về đâu, biết thăm ai
Chân mây sương đẫm, chiều phai sắc dần”

(Chờ Xuân Phố Lạ)

Tác giả “Lá Hoa Cồn”, cố thi sĩ Bùi Giáng, những ngày con sinh tiền cũng đã nằng nặc tình nguyện cam chịu cuồng si để sáng suốt, cam chịu đui mù để thỏa dạ yêu thương.

“Anh cam chịu cuồng si để sáng suốt
Anh cam chịu đui mù để thỏa dạ yêu em.”
….
“Đây Mỹ Tho Cần Thơ Châu Đốc
Long Xuyên ơi và Sa Đéc em ơi
Trời kỷ niệm đi về trong đáy mắt
Thổi dư vang từ dĩ vãng xa rồi.”

Yên Sơn không có cái cam chịu ngoại khổ như Bùi Giáng. Và thơ Yên Sơn cũng không có nhiều thành phố Việt Nam, những nơi chốn đã sống, đã đi qua như Bùi Giáng. Nhưng đặc biệt người đọc ghi nhận Yên Sơn rất nặng tình với một nơi chốn.

Nơi chốn đó là Huế đẹp, Huế thơ với bóng dáng đài trang của những nàng Tôn Nữ:

“Rồi hôm nớ trăng mười lăm, mười sáu
Cây ngô đồng thiêm thiếp đứng yên nghe
Tình mong manh bay lại buổi trưa hè
Rồi rực sáng như thu, vàng như cúc

“O đứng hát nghe thời gian u uất
Lời du dương như tiếng nhạc trong lòng
Tôn Nữ nì đang có kẻ chờ mong
Trăng sáng quá, ngoài tê trăng sáng quá.”

(Tôn Nữ Ơi Trăng Hôm Ni Sáng Quá)

“Người ơi có biết chi không
Chiều ni mưa muộn… Huế trông ngóng gì”

(Gửi Người Phương Xa)

“Hôm nay Huế nằm nghe mưa tầm tã
Mưa suốt ngày, mưa Huế lạ lùng chưa.”

(Một lần về thăm Huế)

Huế, thành phố của quê hương. Huế, thành phố của kỷ niệm. Huế, kinh đô của nhà Nguyễn. Huế cũng còn là nhân chứng “có thẩm quyền” của bao phế hưng bao thay đổi. Huế cổ kính. Huế rêu phong. Huế bảo thủ. Huế sóng ngầm. Huế trầm mặc. Huế thơ mộng bên giòng “Hương giang nước chảy về mô”. Huế hùng vĩ dưới chân Núi Ngự.

“Huế buồn chi, Huế không vui
Huế O ở lại, Huế tui đoạn đành
O đi sương khói một mình
Tui đi ray rứt, nội thành tái tê.”

Thi sĩ Hoàng Xuân Sơn, một nhà thơ đất Huế. Huế của nhà thơ. Huế là thơ. Thi sĩ Huế cất lên câu hỏi:

“Huế buồn chi, Huế không vui”

Đã đành. Yên Sơn người sông Vệ, người xứ Quảng, can cớ chi cũng đã nhiều lần tự vấn như thế.

“Huế buồn chi, Huế không vui”?


để cho Yên Sơn một mình phải:

“Bóng chiều – nhật mộ hương quan
Thân “hà xứ thị” nghe lòng tịch liêu”

Yên Sơn mượn ý hai câu cuối trong bài “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”

Hai câu thơ Vũ Hoàng Chương đã chuyển thành:

“Gần xa chiều xuống đâu quê quán
Đường giục cơn sầu nữa sóng ơi!”

Vâng, gần xa chiều xuống đâu quê quán, đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!
Vâng, tôi một phần nào thẩm thấu được cái… “nghe lòng tịch liêu” của Yên Sơn.

Và tôi cũng một phần nào lờ mờ cảm nhận tại sao anh nhất định đạp xe quay về chốn cũ, về đoạn đường xưa…

Phải chăng về Huế. Phải chăng về Vệ giang. Phải chăng vì cả quê hương vẫn chìm đắm hoài trong lạc hậu, nghèo đói, cách chia…

Phải chăng vì Yên Sơn sợ cho những xa hoa vay mượn làm kinh động đến nếp cổ kính, đền đài rêu phong ngày ấy…

Và phải chăng vì “nợ quê hương chưa trả nổi đến bây giờ” mà thân “đất khách quê người lạc lõng bơ vơ.”

GIANG HỮU TUYÊN


« TRANG NHÀ »