Giới thiệu MỘT ĐỜI TƯỞNG TIẾC

ngày 7.11.13


Bài nói chuyện của Việt Hải về
Thi Phẩm “Một Đời Tưởng Tiếc” của Yên Sơn

Tôi quen biết thi sĩ Yên Sơn rất tình cờ. nhưng khi có cơ hội đọc thơ anh, tôi cảm nhận ngay và thấy như đã quen biết từ lâu; vì tiếng thơ là một phần tiếng lòng của tôi khi hướng về quê hương đất nước. Hãy nghe Yên Sơn nói về Saigon sau bao nhiêu năm trở lại, qua những câu thơ bỡ ngỡ, ngậm ngùi trong bài “Phố Xưa Bỡ Ngỡ Ta Về” mà tôi đã đọc và đã thông cảm nỗi lòng vời vợi của Yên Sơn hướng về quê mẹ thân yêu:

Saigon, thành phố thân yêu
Về nghe lạ lẫm giữa chiều mưa tuôn
Mưa bay ướt đẫm nỗi buồn
Phố thay đổi họ, tên đường đổi tên
Con đường ngập lá me xanh
Bơ vơ kỷ niệm cũng đành quay lưng
Cúi đầu dấu giọt bâng khuâng
Người xưa phố cũ như chừng mới quen

Yên Sơn có phải là một nhà thơ? Nếu có ai hỏi tôi điều đó tôi xin trả lời “vâng, Yên Sơn đích thực là một nhà thơ chân chính, là một người yêu chữ nghĩa bằng chân tâm. Anh đã làm thơ, thường xuyên đăng báo, in sách từ trước ngày mất miền Nam. Đầu năm 1975 với thi tập “Quê Hương và Tuổi Trẻ”; và sau 27 năm thăng trầm trong cuộc sống mới, anh vẫn còn đây trải lòng với thi ca. Năm 1998, anh cho xuất bản tập thơ “Cho Quê Hương, Tôi, Và Tình Yêu”. Năm 2000 đã ấn hành tuyển tập “Những Giọt Sương Rớt Muộn”; và hôm nay cho ra đời tập thơ “Một Đời Tưởng Tiếc”.
Thơ Yên Sơn bàng bạc thi vị quê hương, nhắn nhủ người đọc luôn hướng về đất nước. Năm 1999, Yên Sơn sáng tác bài “Một Cõi Thăng Trầm”, thố lộ hết tâm tư của anh về một dĩ vãng rất thanh niên thời chiến, rất trong trắng học trò. Anh cũng nói lên ước vọng chung của mọi người Việt tha phương, khắp năm châu bốn bể, hãy tiếp tay giật sập chế độ Cộng Sản độc tài ở quê hương Việt Nam yêu dấu. Tôi cảm nhận được cái thực lòng, cái khí khái khẳng định rất rõ ràng trong anh. Anh đã từng từ bỏ ước mộng trở thành một bác sĩ y khoa để cùng với lớp thanh niên thế hệ băng mình vào cuộc chiến bảo vệ núi sông. Và rồi, Yên Sơn đã trở thành phi công của Không lực VNCH. Nào chúng ta hãy cùng nghe tâm sự của anh:

Ngày xưa ta còn bé
Nhìn trời mây lang thang
Mơ làm cánh phượng hoàng
Bay khắp cùng sông núi
Ngày xưa ta vừa lớn
Xin đi học trường xa
Dù thương mẹ nhớ cha
Nhưng khát đời ngang dọc
Ngày xưa ta bỏ học
Dở dang đường tây y
Bằng cấp có ích gì
Trong chiến tranh tàn phá
Ngày xưa hạnh phúc quá
Được tuyển làm phi công
Mộng bay khắp núi sông
Đã biến thành sự thực…

Xin tóm tắt 16 câu kế tiếp. Yên Sơn đã nhìn lại những tháng năm lưu vong, lòng anh lúc nào cũng khắc khoải giấc mộng lớn của dân tộc là lấy lại một quê hương thân yêu từ tay của bè lũ bạo quyền, sắt máu tại quê nhà, ngõ hầu đem lại tự do và dân chủ cho toàn dân. Mời quý vị nghe tiếp hoài bão của anh:

Bây giờ làm gì được
Cho tiếng trình tương lai
Xin sẵn sàng góp tay
Giật sập thiên đường Cọng
Bây giờ ta nuôi mộng
Được trở lại quê hương
Cầm viên gạch xây tường
Cho nhà thương, lớp học
Ta một thời ngang dọc
Ta nửa kiếp tha hương
Vẫn chỉ một quê hương
Để tôn thờ, yêu mến

Yên Sơn vẫn một lòng nuôi chí lớn của một nam nhi mà xưa kia dũng tướng kiêm thi sĩ Nguyễn Công Trứ đã rèn luyện cho hậu duệ của ông:

“Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
Nợ tang bồng cho phỉ chí làm trai”

Hay:

“Làm trai cho đáng nên trai
Xuống đông, đông tĩnh, lên đoài đoài ta”

Yên Sơn kết luận tấm lòng sắt son đối với quê cha đất tổ trong bài “Một Cõi Thăng Trầm” như sau:

Dù năm tháng tàn lụi
Đời ta lắm đổi thay
Dù râu tóc bạc phơ
Tâm vẫn tràn nhiệt huyết

Ngoài là một đứa con yêu của tổ quốc, Yên Sơn còn là một người con chí hiếu đối với bậc sinh thành qua bài thơ “Tưởng Nhớ Cha” đã làm chúng tôi vô cùng xúc động:

Con lên phi cơ bay về vùng biển
Bỗng nhớ thương Cha nước mắt tuôn tràn
Tháng Tư nào khi quốc biến gia tan
Con bỏ xứ lái tàu bay về biển
Con xa mẹ lìa cha vì cuộc chiến
Bao nhiêu năm sương gió dạn dày
Để tang thương tràn lấp một ngày
Con đâu biết đó là lần vĩnh biệt
Con nào biết! Cha ơi con nào biết
Cha soát từng giọt máu chảy về tim
Bao nhiêu năm qua mòn mỏi trông tìm
Vẫn thắt thỏm “con đã đền nợ nước”

Tấm lòng chí hiếu đó đã òa vỡ khi nhận được hung tin:

Cha ơi cha! Một ngày không quên được
Nhận hung tin Cha lìa bỏ cõi đời
Con chết lịm trong lòng mà lệ không rơi…

Điểm đặc thù trong thi ca của Yên Sơn là tình bạn hữu, tình đồng đội. Điển hình bài “Nhớ Bạn” và bài “Vĩnh Biệt Vương Quang Bửu”. Anh đã ngậm ngùi khóc tiễn bạn:

Trên đường về, sau một ngày rời rã
Nghe radio mầy đã bỏ bạn bè
Trong lòng tao nhói lên nỗi tái tê
Và đôi mắt máu dồn lên nặng trĩu
Vương Quang Bửu, Vương Quang Bửu
Một khoảng trầm tư vĩnh biệt bạn hiền
Mầy đã trả lại cho đời những nghiệp chướng, oan khiên
Nơi vĩnh cửu cứ tiếp tục cười như từng đã
Nhớ kỷ niệm xưa, ba mươi mốt năm ròng rã
Từ Quang Trung đến trại Sinh Ngữ, Trường Bay
Lúc nào mầy cũng lè phè như một gã say
Miệng toe tóet cười trên bao tình huống…

Đó là cái tình nghĩa của Yên Sơn đối với bạn bè. Còn đối với tình yêu nam nữ, Yên Sơn bày tỏ sự phân vân giữa tình yêu thiết tha với người tình bé nhỏ của anh và tình yêu sông núi. Sự bâng khuâng khó xử đó được anh thể hiện qua bài thơ “Nói Với Người Tình”:

Ta yêu người lắm người ơi
Nhưng vì sông núi tách rời hai bên
Ngày đêm súng đạn vang rền
Bạn bè gục ngã ta yên sao đành
Mắt mờ lệ nhỏ long lanh
Quê hương mình đó chiến tranh hận thù
Đẹp gì lá chết mùa thu
Vui sao được giữa sương mù cung mây
Người ở lại, ta đi đây
Yêu thương xin hẹn tháng ngày mênh mông
Tình người ta giữ trong lòng
Sau ngôi vị tình non sông phụng thờ…

“Ai nói với em lính không sầu nhớ, không có trái tim đắm say mộng mơ”. Đó là câu hỏi rất dễ thương trong bài ca bất hủ “Ai Nói Với Em” của Minh Kỳ & Huy Cường phản ảnh được phần nào sự đa tình, lãng mạn của một thi sĩ phi công qua bài “Hoài Niệm”:

Quay đầu kỷ niệm rưng rưng
Mới đây mà tưởng như chừng trăm năm
Đông về cơn gió lạnh căm
Nhớ ơi là nhớ những đằm thắm xưa
Nhớ thương biết mấy cho vừa
Tóc xanh phai sắc vẫn chư mỏi mòn
Tình ơi mấy bận vuông tròn
Cuối trời vẫy gọi, đầu non hẹn về…

Một tâm sự rất riêng của mối tình cũ đã qua, Yên Sơn vẫn biểu tỏ những tưởng nhớ không nguôi, những nuối tiếc ngút ngàn theo từng nhịp đập con tim:

Thôi em tình đã muộn màng
Còn gì thước ngọc khuôn vàng năm xưa
Lâu rồi sớm nắng chiều mưa
Quên rồi phấn nhạt, hương thừa cố nhân
Thu đi vàng lá đầy sân
Riêng ta đứng lại giữa trần gian riêng

Thu đi vàng lá đầy sân
Riêng ta đứng lặng, bâng khuâng nhớ người

Thật ra, nếu cần nói về tình yêu lãng mạn của Yên Sơn, trong thơ Yên Sơn thì không thể nào nói đủ trong một thời gian hạn hẹp của buổi nói chuyện hôm nay trước một cử tọa đông đảo nhưng rất chọn lọc. Chúng tôi xin dành những ngạc nhiên thích thú đó cho quý vị khi mở từng trang chữ của tập thơ “Một Đời Tưởng Tiếc” được trình làng hôm nay.

Tóm lại, chúng tôi xin kết luận về Yên Sơn và những dòng thơ của anh trong thi tập. Yên Sơn là một sĩ phu có trách nhiệm với quốc gia, với dân tộc. Điều đó đã chứng minh trong dĩ vãng và hiện tại thể hiện mạnh mẽ qua thơ văn của anh. Yên Sơn là một người con chí hiếu đối với các bậc sinh thành, anh cũng dành một tình cảm thân thương cho bè bạn, một tấm lòng chung thủy với tình yêu. Ngoài ra, gần gũi với chúng ta hơn hết là một con người dạt dào tình cảm chân thực, cẩn trọng trong chữ nghĩa và luôn thân thiện, hòa đồng với người chung quanh.

Trang trọng kính chào quý vị.
Việt Hải, Los Angeles
Tháng 5/2002

ĐỒNG CẢM VỚI “MỘT ĐỜI TƯỞNG TIẾC”
Hoài Thơ

Người một đời tưởng tiếc
Tình ngọt ngào hương thơm
Kỷ niệm đầy ký ức
Thơ đẹp tựa lời ngân

Người một đời tưởng tiếc
Dư âm còn hơi men
Ru hồn ai mộng đẹp
Qua một thời ấm êm

Tôi một đời tưởng tiếc
Tháng ngày xưa xa xôi
Cũng dạt dào tình cảm
Cũng đã qua một đời

Cũng một đời tưởng tiếc
Tôi hai nẻo song song
Cũng tập tành giấy viết
Soạn khúc thơ tỏ long

Cuộc đời muôn vạn nẻo
Tôi, Người ai biết ai
Không một lần quen biết
Cùng nhìn về tương lai


« TRANG NHÀ »