Yên Sơn: người làm thơ để chia sẻ với đời…

ngày 31.12.09


Không ai biết trước rằng mình có thể làm thơ hay đến cỡ nào; và cũng không ai biết trước rằng mình có thể trở thành thi sĩ. Không ai có thể nói cho chúng ta biết rằng những lời thơ viết ra trong một lúc tình cờ sẽ tồn tại mãi mãi trong trí nhớ người đọc và cuộc đời hiu quạnh này lại sẽ có thêm những bóng mát?

Tôi nghĩ rằng, một ngày nào đó, khi hạnh phúc không còn trong tầm tay và con tim đã chín đủ đau buồn, những lời thơ tự nó sẽ bật ra. Nhưng thật tình không phải luôn luôn như vậy! Buổi sáng hôm nay, trên màn ảnh máy vi tính của tôi, những lời thơ của Yên Sơn đã cho tôi một cái nhìn lạc quan về một chân trời văn học. Và tôi biết tôi sẽ chia sẻ như thế nào với các bạn về những bước chân của người thơ vừa vượt qua những ranh giới cũ mòn của vần điệu và ngôn từ. Từ mỗi bước chân của anh đã cho chúng ta thấy rõ một nơi chốn phải về và một hoài mong sẽ gặp. Nơi chốn đó là quê hương của chính chúng ta đã chìm khuất sau một đại dương bao la nhưng vẫn còn đậm nét từ mỗi góc con phố, mỗi con đường. Nới chốn đó là những năm tháng thanh xuân miệt mài lính tráng đối diện với gian nan, với thần chết từng phút, từng giờ. Nơi chốn đó còn là một góc thiên đường của tình yêu thời mới lớn của chính bạn và tôi.

Và hoài mong của anh, không phải lớn lao, nhưng cho tới bây giờ vẫn xa tít ngoài tầm tay, vì nằm giữa những dòng thơ kia hình như thấp thoáng một quê hương Việt Nam đói nghèo và lạc hậu. Quê hương đó đang quằn quại dưới sự cai trị ngu xuẩn của những người Cộng Sản thiếu vắng tình người.

Yên sơn không phải mới đến với người đọc lần đầu tiên mà đã nhiều chục năm về trước. Từ tập thơ “Quê Hương và Tuổi Trẻ” in tại Saigon năm 1975 đến “Một Đời Tưởng Tiếc” hôm nay – Anh đã bỏ xa những dấu mốc khởi hành. Không phải như “con chim đến từ xứ lạ ngửa cổ hót chơi”, anh đến với văn chương như một cách thỏa hiệp với đời sống và tạ ơn đời sống đã cho anh chụp bắt được hạnh phúc. Thơ anh vì vậy đã không cần thiết phải cường điệu và không cần nhân lên những thi vị… vì nó là một phần da thịt máu xương anh.

Yên Sơn đã đi vào thi ca bằng tấm lòng chan chứa tình yêu quê hương tổ quốc, bằng những cảm xúc chân thật với mưa nắng bốn mùa; của những bình minh hân hoan hoặc của những đêm trái nắng trở trời. Vì đời sống đã no đầy những khổ đau trong trái tim con người luôn chập chùng yếu đuối.

Từ chiếc bàn viết chan hòa ánh sang nhìn ra những đóa tường vi nở rộ như tâm hồn thủy chung của người tình, anh đã thành công khi phơi bày cho chúng ta những mặt khác của đời sống là chấp nhận mọi lạc thú hay bất hạnh với sự bao dung và độ lượng. Những lời thơ đôi khi mang chất hào sảng giống như anh – như người nhạc sĩ ôm đàn đi giữa đời – những con chữ từ thơ anh hóa than thành những nốt nhạc đậu xuống trên những bờ vai cô đơn và những tâm hồn sầu muộn.

Có một điều dễ nhìn thấy trong thơ anh là tình yêu quê hương chan chứa, là mùa thu, là trăng vàng và hơi rượu có mặt cùng khắp trong gần 150 trang giấy. Điều đó cũng dễ hiểu vì mùa thu bao giờ cũng đẹp rực rỡ và tình tứ trong một thị trấn nên thơ tên gọi Kingwood, hướng Bắc thành phố Houston, dọc xa lộ 59 North mà anh đã chọn làm nơi cư ngụ. Và nhờ đó, chúng ta đã đón bắt được những rung động kỳ diệu và những chân tình đã làm nên cõi thơ anh.

Bằng ngần này trang văn ngắn ngủi có thể là tôi chưa nói lên hết và đủ về thơ Yên Sơn. Anh đã viết gì bên cạnh những năm trưởng thành từ chiến tranh; của tình yêu và tình bạn trộn lẫn? Từ những giọt nước mắt hào phóng đổ xuống cho bạn bè nắm xuống, cho những xót xa cho quê hương máu lửa ngày xưa và những nụ cười hiếm muộn bây giờ? Cũng như anh đã viết khi bất chợt tâm tư vang lên tiếng chuông đêm lặng lẽ trong giấc ngủ chập chờn mộng mị:

“chợt nghe vang vọng tiêng chuông
Chợt nghe thoang thoảng mùi hương trầm người
Mở con mắt thấy môi cười
Hứng chân hạnh phúc xuống đời phù vân…”

Chỉ có cách là chúng ta hãy cầm trong tay tập thơ anh. Hay nhất là những bài thơ năm chữ và những bài thơ lục bát. Cầm trong tay để cảm nhận, để chia sẻ với một hồn thơ quen thuộc như chính bạn và tôi đã làm ra nó chớ không phải là anh.

Tôi luôn chúc mừng cho những ai có thể đem lòng mình để trang trải trên giấy mực chia sớt với người khác; cho những ai còn nhìn thấy văn chương và vần điệu là hơi thở và lẽ sống, dù những thứ đó không được bù đắp bao nhiêu trước cơm áo đời thường.

Cuối cùng, tôi cũng luôn chúc mừng cho anh vẫn viết không ngừng nghĩ và đều đặn bên long đường gió bụi, nơi các bong phấn vừa rụng xuống từ những trái thong mùa thu, giống như niềm đau bầm úa của những kẻ di tản buồn…

Nhà văn Phạm Ngũ Yên
Cựu Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Nam Hoa Kỳ
Austin, Texas
Mùa thu 2001


« TRANG NHÀ »