Chị Tôi

ngày 27.03.14

Tôi giật mình thức giấc vì những tiếng chim hót líu lo bên ngoài khung cửa sổ. Sợ làm chim giật mình, tôi se sẻ vén màn cửa sổ đủ để nhìn ra ngoài. Lũ chim đủ loại đậu đầy trên cây berry đang tranh ăn những trái berry chín đỏ trĩu cành. Tôi không nhớ tên cây là gì dù chị tôi đã nói mấy lần rồi. Lần sau cùng hỏi chị, chị mắng yêu, “Chỉ có cái tên thôi mà không nhớ.” “Không thèm hỏi chị nữa, cứ gọi nó là berry có chết ai đâu.” “Ừ thì berry cũng được.”

Loại cây này, xuân sang đâm chồi nẩy lộc, cành lá xanh tươi, đơm hoa kết trái; đến cuối hè vào thu trái ươm vàng, qua đông trĩu cành chín đỏ. Trái nhiều đến độ lấn át cả màu xanh tươi của lá, mời gọi các giống chim quy tụ về để cùng ăn trái vừa ca hót líu lo khi mùa xuân trở mình. Dưới chân cây có vài chú sóc xinh đẹp với bộ lông mượt mà đang lau hau nhặt nhạnh những trái chín chim làm vung vãi dưới đất, ăn thử rồi vất đi. Gia đình nhà sóc không thích loại trái cây này. Dù vậy, cứ mỗi lần chim tụ tập đông đảo trên cành cây, nơi chúng tôi thường để thức ăn mỗi ngày cho chim lui tới, là vài chú sóc sẽ xuất hiện để ăn ké. Chị tôi còn chỉ vẽ là loại thức ăn nào cho chim loại nào. Ban đầu vì không có kinh nghiệm nên thức ăn chim được các chú sóc thưởng thức nhiệt tình. Chẳng những ăn hết thức ăn, sự quấy phá của các chú đã làm cho chim sợ không tới. Tôi cố tình ‘blocked’ đường leo của các chú nhưng vẫn không thể ngăn ngừa sự tinh khôn, ranh mãnh được vì các chú leo lên cây gần bên rồi phóng qua, chuyền tới. Sau đó tôi nghiên cứu làm một cái hình nón bằng thiếc mỏng quanh những gốc cây lân cận nên các chú đành thúc thủ, chỉ phải loanh quanh ở các gốc cây trông cậy vào lũ chim làm tung toé.

Như mọi ngày, vợ con tôi đã đi làm từ sáng sớm khi tôi còn ngon giấc với đủ thứ mộng mị trên cuộc đời. Tôi quen dần với khoảng không gian quạnh vắng trong căn nhà rộng mỗi sáng thức dậy. Sự tĩnh lặng, êm thắm làm lòng tôi man mác, chơi vơi. Thỉnh thoảng vài tiếng khánh ngân ngoài vườn nghe như tiếng chuông công phu mỗi sáng tinh sương từ xa xăm dội lại trong tiềm thức của một thời thơ ấu. Tôi đánh răng xong dự định đi pha cà phê nhưng nghĩ sao lại trở lại nằm vật xuống giường, cuộn mình trong chăn để mặc cho dòng tư tưởng thoải mái, miên man ‘ngược dòng thời gian trở về quá khứ…

Chưa nằm được bao lâu đã có tiếng chuông gọi cửa. Chưa ra tới cửa đã nghe tiếng chị tôi cằn nhằn:

– Trời ơi giờ này mà còn ngủ!

Tôi mở cửa và cố cười với chị:
– Không ngủ thì làm cái gì đây?
– Chị đem mấy đứa làm vườn tới nè.
– Chị là xếp sòng đâu cần tới em.
– Vườn nhà của dượng thì phải có ý kiến chứ?
– Ý kiến nào của chị em cũng OK hết.
– Ra đây chị chỉ cho!

Chị đi trước, tôi theo sau ra vườn. Chị vừa đi vừa chỉ:

Chị sẽ cho tụi nó dời ngọn giả sơn ra góc vườn kia, cái fountain nước đứng chỗ này không được, đem nó tới khoảng sân kia để trên lầu dưới đất gì vẫn thấy được, cắt tỉa mấy cây bằng lăng cho kịp lúc, cắt xén và đào bỏ bớt một bụi cây Oleanders ngay chỗ tháp chùa rồi trồng cây bưởi trong chậu xuống thế chỗ, dời đám cây bên hông garage ra đằng sau, làm lại luống đất để trồng mấy bụi hoa hồng đẹp hơn. Bây giờ là lúc cần đổ mulch và bón phân cho các luống hoa. Coi kìa, bao nhiêu cụm Azalea đang đơm bông mà không tưới nước! Tiếc quá cây Red Bud ra hoa đẹp quá mà lại bị nằm trong góc vườn không thấy, nếu nó không quá lớn mình dời được ra đằng trước thì đẹp biết mấy! Cái sân gạch đỏ, coi nè, cỏ mọc lung tung, chị sẽ bảo tụi nó lột lên làm sạch cỏ và thay bằng những tấm xi-măng cho sân sau rộng rãi hơn. Coi kìa, mấy cây berry cũng cần tỉa bớt cành, nếu tiếc trái thì đợi ít hôm nữa hẳn cắt…

Chị đi chưa hết một vòng sân đã lòi ra bao nhiêu thứ phải làm! Tôi thót ruột nói với chị:

– Í da, chị làm nhiều vậy lấy tiền đâu trả?

– Dượng mới nói ý kiến gì của chị cũng OK mà? Người ta có tiền làm vườn quanh năm, còn tụi bay thì cả năm chỉ làm vài lần. Đã vậy mà không chăm sóc kỹ lưỡng nữa, thấy cái vườn mà phát mệt! Nói thì nói vậy chứ để chị dealing với tụi nó, không đắt lắm đâu. Tụi nó cũng đã làm cho nhà mình bao nhiêu năm rồi mà, có xa lạ gì đâu mà sợ bị ‘chém’.

– Nhiều quá thì chị trả à nghen!
– Xí… không biết ơn còn ở đó vòi vĩnh.
– Okay, okay… thì biết ơn!
– Thôi làm gì làm đi để chị nói chuyện với Jose.

Chị nói xong một mạch rồi bước ra đằng trước gọi Jose đang ngồi ngoài xe chờ đợi.

Jose là chủ của nhóm làm vườn người Mễ, đã nhiều năm làm vườn cho chị hằng tuần và lâu lâu được chị lôi tới làm vườn cho tôi. Tôi thường nói với nhà tôi rằng chỉ có Jose mới chịu nổi sự ‘chi tiết’ của chị tôi. Thường là chị quanh quẩn khi tụi nó làm, biểu tụi nó dời bụi hoa này, trồng cái cây khác; cắt cái này, xén cái kia… xong đứng ngắm nghía thấy không ưng ý thì làm cách khác! Vậy mà chúng nó chỉ cười và làm theo, có lẽ quá quen rồi, hoặt biết là có không chịu cũng không được với chị. Mà cái thằng dễ thương thiệt, chẳng những nó làm ngoài vườn, chị tôi lâu lâu lại nhờ nó khiêng cái sofa này, đổi bộ bàn ghế nọ, treo lại bức tranh kia, dọn cái nhà để xe bừa bộn, treo kèn kết hoa vào mỗi độ lễ tết… cái gì nó cũng làm ráo trọi. Để bù cho cái tính khó khăn của chị, chị cũng tỏ ra rộng rãi với người làm, ngoài việc trả tiền bạc sòng phẳng, đôi khi chị cho nó cái này, lúc biếu cái khác, gửi quà cáp cho vợ con trong các dịp lễ tết; thậm chí còn biếu cả bánh trái chính tay chị làm nữa.

Tôi đi vào nhà pha cà phê rồi ngồi thiền internet. Tôi biết có nói gì cũng thừa. Khi chị tôi thấy cần làm là nhất định nên làm. Chị là người rất thích vườn tược, cây cỏ, hoa kiểng. Mỗi lần sang nhà chị là tôi mải mê ngắm nghía. Không như vườn nhà tôi; vườn nhà chị mùa nào có hoa mùa đó, vườn cỏ lúc nào cũng xanh mượt; đất đá sắp thẳng tắp. Chị biết tôi rất ưa thích giống như chị nhưng lại lười và ít tiền. Ban đầu chị còn nói lai rai nhưng thấy tôi không ‘thăng tiến’ gì cho lắm nên chị ‘take action’ luôn. Chị có con mắt thẩm mỹ tuyệt vời, lại biết chỗ mua bán ‘mọi thứ’ nên luôn luôn được giá rẻ; chị tính toán rất cẩn thận, lại giỏi thuyết phục người khác nên khó ai nói không với chị; vì vậy, tôi tin tưởng chị cũng là chuyện tự nhiên! Khi rời khỏi California về đây, ở vùng Kingwood này, cũng do chị chọn lựa trước. Đây là một thành phố nhỏ, bên ngoài thành phố Houston to lớn, đa số Mỹ trắng hơn 90%, dân chúng hầu hết làm cho các hãng xăng dầu, hãng hàng không Continental, khu đại học và hệ thống nhà thương trong vùng. Chị nói chị đã điều nghiên kỹ lưỡng, khu học chánh ở đây tuyệt vời, rất tốt để nuôi dạy con cái. Lúc đó hai gia đình chúng tôi còn có năm đứa con sàn sàn tuổi nhau ở bậc tiểu học. Nhà tôi thì rất vui khi ở bên chị. Hai chị em rất hợp gu về mọi mặt gồm cả shopping, lục lọi tìm đồ cổ rẻ tiền và nấu nướng… nên rất thương nhau.

Chúng tôi hai cặp bốn người đã từng làm việc chung với nhau bao nhiêu năm trong việc mua bán và quản trị bất động sản ở California nên biết rõ tánh tình nhau, khả năng cũng như cái ưu cái khuyết của nhau. Bây giờ dù mỗi người làm một công việc riêng biệt, nhưng vẫn rất gần gũi, thương mến lẫn nhau. Đã mấy chục năm qua chị vẫn dành ưu tiên trong việc tổ chức bữa ăn Thanksgiving truyền thống tại nhà chị cho tất cả mọi người trong các gia đình anh chị em trong vùng. Có lắm khi chị giữ luôn việc tổ chức bữa ăn ngày Christmas. Ai ở xa về được cũng cố gắng về. Bữa ăn năm nào anh rể tôi cũng muốn mọi người nối vòng tay rồi anh bắt đầu đọc lời cầu nguyện cho những người thân xa trước khi ngồi vào bàn ăn.

Bao nhiêu mùa lễ qua, tên “thằng lính” vẫn đứng đầu trong danh sách cầu an của anh ấy. Nếu có ai hỏi tôi ông anh rể của tôi ra sao, tôi cũng chỉ biết rằng, anh là một người hiền hòa dễ thương hết mực, ngoài việc anh ấy chu toàn phương diện tài chánh cho gia đình, còn chuyện trong nhà ngoài ngõ anh cũng như tôi, tin tưởng tuyệt đối vào các bà. Chị còn tính khi nào con cái thành gia thất dọn ra ngoài ở hết thì mấy chị em từ các nơi xa dọn hết về đây mua miếng đất xây nhà nho nhỏ ở sát nhau cho vui. Cũng vì có chị ở gần nên nhà tôi thường chọn ở nhà mỗi cuối tuần nếu tôi cần đi dự tiệc tùng đình đám, ngoại trừ đi chỗ bạn bè thân thiết. Nhà tôi thường nói tôi đi quá nhiều nơi nhiều ngả, quá nhiều bạn bè, đi theo không nổi! Tôi không than phiền gì về chuyện này, vì ở xa nên mỗi lần đi là phải tận dụng thời gian để thăm viếng, giao tiếp. Và tôi cũng không lo nhà tôi buồn khi tôi cần phải đi xa. Ở đây xa xôi khu đông dân cư Việt Nam, bạn bè ngại lui tới, nhất là khi xăng nhớt tăng vùn vụt. Có người nói với tôi rằng, “Đường đi lên nhà ông không thấy có chỗ nghỉ chân ‘rest area’ nên cực quá!” Tôi nói với bạn bè, “Tại sao tui đi thăm ông không than xa, mà ai tổ chức cái gì cũng kêu réo um sùm?” “Ai biểu ông chọn ở xa một mình rán chịu”. Thế là hết nói!

Có vài lần chúng tôi bàn định dọn về gần khu Southwest để gần bạn bè và những tiện nghi, nhà tôi nói bây giờ con cái lớn hết rồi đi cũng được nhưng làm sao bỏ chị đi cho đành. Thế là tôi tịt liền, chưa nói con trai út chúng tôi cũng tỏ ý không muốn bán căn nhà nơi nó đã lớn lên từ thuở mới lọt lòng. Bây giờ mặc dù đi học xa nhưng lâu lâu vẫn nhắc nhở ba mẹ khoan nghĩ tới việc dọn nhà. Nó nói trừ phi sau này vì nghề nghiệp tương lai nó phải đi xa, còn không thì nó xin ở lại căn nhà này với kỷ niệm. Chị tôi cũng vậy, rất khó để mang chị ra khỏi vùng này, nơi mà chị thương từng gốc cây, chậu kiểng, góc vườn; nơi mà chị có đủ loại bạn bè cho các bộ môn, nào là tennis, du lịch, săn sóc vườn cỏ, tổ chức đình đám… Bắt chị rời khỏi đây không khác gì mang con cá ra khỏi ao hồ thân thuộc!

07.03.2009


« TRANG NHÀ »