Kịch Thơ 30 Tháng 4

ngày 8.05.20

Giới thiệu tổng quát

Tháng tư về khơi lại vết thương mưng mủ. Tháng tư làm sống dậy như tiếng gào rú của biển đông. Tháng tư làm sống lại những kinh hoàng của các trại tù mang tên cải tạo. Tháng tư làm ta nhớ tới những tấm gương dũng liệt của quân đội miền Nam, của tướng tá Quân lực VNCH như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Hồ Ngọc Cẩn, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ và của hàng trăm hàng ngàn anh hùng liệt sĩ vô danh khác đã bỏ mình cho hai chữ tự do hoặc trước những đòn thù khắc nghiệt của kẻ xâm lăng. Tháng tư là một đại tang cho nền dân chủ, nhân quyền nước Việt; là nỗi đau thương vô bờ bến cho con cháu Tiên Long. Nỗi uất hận không riêng một ai. Không cứ là sĩ quan hay binh sĩ, không cứ là công chức hay thương gia, là nam hay nữ, là trẻ hay già. Tiếng than rướm máu đã bật lên khắp nơi, mọi miền đất nước!

Nhân dịp tháng tư về, trong nỗi niềm thương quê mến nước, chúng tôi cố gắng phản ảnh những tiếng vọng, những niềm khát vọng, nỗi uất hận trước cảnh nước mất nhà tan của tập thể người Việt hải ngoại; chúng tôi cố gắng tìm tòi, góp nhặt những tiếng thơ từ khắp nơi trên thế giới. Phần trình bày sau đây là những trích đoạn gạn lọc trong mấy chục bài thơ sắp đặt lại với nhau thành một bản trường ca tháng tư, gói ghém tất cả các cảnh đời sau ngày đau thương đó. Sự tập hợp này mang tính cách đại diện cho mọi miền, mọi giới, không nhất thiết chỉ là những vần thơ tuyệt tác của các thi sĩ nổi danh mà là mọi tầng lớp gồm các cựu tướng tá, binh sĩ trong các lực lượng hải lục không quân, của nhà giáo của sinh viên, của cụ già, của thanh thiếu niên. Có những vần thơ thật non nớt, có những câu thơ sâu sắc… nhưng tất cả đều chuyên chở một tấm chân tình, bộc lộ những đau thương, những mất mát. Các tác giả có thơ trích dẫn trong buổi trình diễn hôm nay có số tuổi đời từ 23 đến 70; đó là: Cát Biển, Đóa Hoa Hồng, Hoàng Phong Linh, Lý Đồng, Nguyên Triều, Quỳnh Trang, Thái Vũ, Thanh Thanh, Trúc Giang, Từ Thanh Hà, Tuyết Nguyễn, Việt Hải, Vô Tình và Yên Sơn. Được trình bày qua hai giọng đọc Thu Nga và Lê Uyên; phần trình ngâm do Mimi Nguyễn, Quỳnh Như, Thùy Anh và Yên Sơn. Toàn bộ bản trường ca sẽ kéo dài khoảng 45 phút. Chúng tôi kính xin quý khán giả lắng lòng mình chia sẻ và tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sĩ đã bỏ mình; cho những anh linh của hàng trăm ngàn người đã vùi thây trong rừng sâu, trên biển cả và trong các trại tù khắp mọi miền đất nước.
Trường ca 30 tháng 4 bắt đầu.

Mở đầu:

Khởi đi từ những cao nguyên miền cực Bắc, người Lạc Việt lưng trần chống đỡ với thiên nhiên mà tâm hồn và trí óc không ngừng ưu tư với những mưu toan của một lân bang khổng lồ, lúc nào cũng chực chờ xâm lấn. Trong chuỗi dài đấu tranh để tự tồn và mở mang bờ cõi, con dân Việt đã bao lần nắm tay nhau trên đường Nam tiến. Và giống nòi ta đã bước đi từ Cánh Đồng Chim, từ Động Đình Hồ qua Thăng Long, rồi Thuận Hóa, rồi Sài Côn và chỉ dừng lại khi biển đông chắn bước. Nếu sau lưng Phú Quốc là thềm lục địa, chắc non sông ta đã còn cơ hội dài hơn. Nếu bên hông ta không có dãy trường sơn chắn lối, có lẽ đất nước chúng ta đã rộng hơn!!! Dân tộc Việt với nhiều ngàn năm văn hiến, với một nền văn hóa đặc thù, dù qua bao lần bị giặc Bắc phương đô hộ cả ngàn năm, bị thực dân Pháp dày xéo cả trăm năm vẫn không ai có thể đồng hóa được. Dù qua bao lần nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn nhưng chưa một lần có triều đại nào cắt đất dâng biển cho kẻ thù để đổi lấy phồn vinh!

Thế mà
Than ôi!

Một lũ Cộng nô, hình hài thì giống Việt mà tâm địa lại chứa toàn búa liềm. Mang chủ nghĩa ngoại lai, khát máu, khoác cho mình chiếc áo dân tộc. Dối gian với giống nòi, ô nhục cho tổ tiên. Đoạt thời cơ rồi cướp chính quyền năm 1945.


Từ 1954 đến tháng tư 1975

Một nửa nước điêu linh, miền Bắc trong gông cùm quỷ đỏ trong khi miền Nam cố công xây dựng tự do thanh bình; nhưng chẳng được bao lâu, bọn vong nô theo chủ nghĩa bá quyền, học đòi Marx, tiêm nhiễm Lenine để cuối cùng nhận chìm cả một dân tộc vào hố thẳm đói nghèo và lạc hậu. Thảm họa giáng xuống miền Nam gây bao đau thương, tan nát; bày ra bao cảnh tử biệt sinh ly! Bao tướng lãnh đã vong thân vị quốc. Bao chiến sĩ đã vì nước hy sinh. Hàng trăm ngàn đồng bào đã liều mình bỏ nước ra đi, thà chết trong rừng sâu, trên biển cả, trong tay hải tặc còn hơn sống chung với lũ mặt người dạ thú trong cái gọi là thiên đường xã hội chủ nghĩa!

Tháng Tư như là một dấu mốc tang tóc, một vết thẹo mưng mủ của người Việt trong cũng như ngoài nước! Nhớ đến Tháng Tư là ta nhớ đến nước mắt, đến máu xương. Nói đến Tháng Tư là nói đến chia lìa, xa cách, tan nát, ngậm ngùi!

Xin hãy quyết nối dòng lịch sử
Và hẹn nhau một sáng chúng ta về

Tháng Tư trời đất thật buồn
Như dòng đời đó chia nguồn bể dâu
Tháng Tư sao vẫn đến mau
Vết thương mưng mủ, vết đau chưa lành!

Tháng Tư máu đổ lệ hoà
Nhà tan cửa nát, lá hoa ngậm ngùi
Dường như tất cả chôn vùi
Tự do khép cửa, ngày vui phai tàn

Tháng Tư người chết hai lần
Nghĩa trang tàn phá, mộ phần tan hoang
Tháng Tư người sống lang thang
Kẻ đi người ở đoạn trường chia ly

Tháng Tư, em ghét Tháng Tư
Ghét luôn cờ đỏ nhìn như máu đào
Ghét luôn nón cối liềm dao
Dép râu giẫm nát cả bầu trời mơ

Tháng Tư này em có còn ra biển
Ngồi lặng nghe tiếng biển hát vọng về
Để em chìm trong nửa tỉnh nửa mê
Nỗi buồn xa quê sống đời viễn xứ

Tháng Tư này, xin nối dòng thế hệ
Mình hẹn nhau một buổi chúng ta về
Chim lạc bầy sẽ đậu giữa đất quê
Để em khỏi tháng Tư buồn… nhìn biển.

Có lời thật từ nguồn sông nước
Có tiếng buồn bật khóc từ tim
Những lời tịch lặng chung, riêng
Đau bừng tâm khảm nỗi niềm tháng tư…

Ngày cuối tháng 4

Ai có thể quên được những ngày cuối tháng 4-1975? Khắp miền Nam như đàn ong vỡ tổ.

Sáng 30 Tháng 4, trời đất như chết lặng. Cơn mưa rào trút xuống giữa tháng Tư. Ta bật khóc như trẻ thơ mất mẹ. Mất rồi sao? Ta mất rồi sao? Mới đây thôi, tháng 3, chỉ hơn 1 tháng. Buôn mê Thuột, Pleiku rút binh, rồi vùng 1, cửa Thuận An bỏ ngõ. Đèo Hải Vân, Đà Nẵng, Tiên Sa Thủy Quân Lục Chiến rút lui, Quy Nhơn, Nha Trang bộ binh bỏ trống. Phan Rang, Cam Ranh trinh sát rã hàng, rồi Vũng Tàu, rồi Bình Dương! Đâu đoàn quân tinh nhuệ, đâu Biệt Động, Nhảy Dù? Sài Gòn sáng 30 thúc thủ! Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng!

Đến lúc này một số người mới thấy rằng họ đã quá thờ ơ với đất Mẹ, đã nhiều lần quay mặt với chiến tranh. Trong cơn hoảng hốt bàng hoàng, mọi người tìm đường lánh nạn. Bến tàu, cửa biển đen ngợp những người, bao tấm lòng theo con tàu tách bến mà chẳng biết đi đâu về đâu! Mấy phút trước trên bến tàu, còn ồn ào, xô lấn như vỡ chợ mà mấy phút sau trên boong tàu mọi người lại im phăng phắc như đưa tang. Nhìn lá cờ vàng buồn rầu hạ xuống mà lòng mình như khô khốc chết theo.

Rối loạn, mọi người đổ xô ra cửa biển
Đông nhúc ghe tàu đen ngợp cảng khơi
Thuyền bè đáo đôn ngổn ngang đi, ở
Hoảng hốt, thất hồn, tao tác, chơi vơi
Ba Mươi Tháng Tư mưa sầu nức nở
Ai khóc cho mình, hay trời khóc quê hương?
Bãi biển tang thương uất hờn héo hắt
Bao nhiêu cảnh người, ruột thắt từng cơn

Chiều gió mơ màng hàng người im phắc
Đứng thẳng boong tàu cứng ngắt, chào tay
Nhìn lá cờ vàng lòng đau quặn thắt
Còi thổi ‘hạ kỳ’, mọi mắt đều cay
Có kẻ nấc lên, người kềm nước mắt
Nhìn lại bạn bè hận ức bủa vây

Cảnh đời sau 30 tháng 4

Rồi giặc Cộng ùa vào, reo hò nhảy múa trên khắp phố phường miền Nam.
Đứng trên bục cao của tòa nhà thành phố, nhìn lũ người không ra người, ngợm không ra ngợm, áo bà ba, nón cối, dép râu, áo bỏ ra ngoài quần, đọc diễn văn, ban huấn lệnh cho các bà, các ông áo dài, quần tây, cà vạt mà không biết mình nên cười hay khóc?

Lũ nón cối, tai bèo mặt mày ngây ngô, ngửa mặt nhìn những cao ốc, nón rớt đằng sau mà vẫn cho là đồ giấy, ngụy tạo!!! Cờ máu ở đâu mà nhiều thế. Từ phố chợ đến làng quê, ngập đầy máu đỏ. Tự thú, tự phê, tự kiểm; trích lục, trích ngang; phiếu, tem thực phẩm. Thoát cải tạo thì đi lao động, thoát lao động thi công thì chỉ còn kinh tế mới!!! Bo bo, bột mì là tiêu chuẩn ban ngày; chính trị, ngợi ca lũ Cộng là tiêu chuẩn ban đêm. Dân miền Nam tự oán, kêu trời! Thế mà mình thua, tức thật!

Và từ đó lặng câm đường phố
Lũ giặc Hồ man rợ hò reo
Bộ đội nón cối, tai bèo
Cờ đỏ như máu phất treo cùng phường

Và từ đó không trường không chợ
Người nhìn người nỗi sợ đeo mang
Vợ chồng ngăn cách đôi đàng
Mẹ già khấn Phật cho con tìm về

Và từ đó tự phê tự thú
Làm tờ khai ghi đủ tông môn
Họp phường rồi lại họp thôn
Bình phê tự kiểm không mòn tội danh

Và từ đó đi kinh tế mới
Chốn rừng sâu u tối tự canh
Phá cây dựng tạm lều tranh
Không giày không áo một thanh dao cùn

Những gì con nhớ lại hôm nay
Là những ngày sau khi cha đi cải tạo
Những hạt bo bo ninh cả ngày… nhà ăn thay cháo
Và mẹ sớm hôm buôn bán chợ trời
Nhiều trưa đi học về đói muốn đứt hơi
Mấy lần con xỉu nhũn người trong lớp học
Biết bao đêm khóc thầm nghĩ đến liều thuốc độc
Một phút điên thôi, cả nhà dứt cảnh khốn cùng
Chiều lại chiều bán quán cóc dọc đường
Cũng ráng nhồi vào đầu bài học ngợi ca cộng sản
Khi cha mình đang oằn người trong lao tù khốn nạn
Còn thân mình chịu nhiều uất ức không nguôi

Tù cải tạo

Ai đã đi qua các trại tù Việt Cộng, không thể nào quên những nhục nhằn mà đám quản giáo đã đối xử với tù nhân. Và cũng từ đó những tấm gương dũng liệt đã làm cho bạo quyền nể sợ.

Không trại tù nào không có tù nhân quật cường. Không trại tù nào không có tù nhân chống đối. Quý vị có bao giờ nghe chuyện thiếu úy Võ Bị Quốc Gia Nguyễn ngọc Trụ ở trại giam Xuân Lộc? Anh nguyên là giáo sư thuộc Văn Hóa Vụ. Trong trại có 2 cựu sinh viên sĩ quan trốn trại, bọn quản giáo bắt anh lên thẩm vấn, vì anh thường liên lạc với 2 người này. Quản giáo hỏi anh tại sao biết có người trốn trại mà không báo? Anh trả lời, “Tôi không biết họ trốn, mà dù có biết tôi cũng không nói được vì họ là học trò của tôi.” Thế là anh bị biệt giam, cùm chân và bị bỏ đói. Quản giáo bảo anh nhận lỗi sẽ được tha, nhưng anh từ chối. Đến một đêm khuya anh bị lên án tử hình và bị xử bắn cùng đêm. Giữa đêm khuya đó bạn tù còn nghe tiếng anh hô to “Việt Nam Cộng Hòa muôn năm” trước khi nghe tiếng súng.

Còn nhiều và nhiều lắm những gương anh hùng bất khuất! Theo nhà thơ cựu Trung tá Thanh Thanh kể bằng kinh nghiệm qua các trại tù ở Đồng Mộ, Tiên Lãnh, Quảng Nam mà tác giả đã đi qua. Nào Ngô Nghĩa, Kha Tư Giáo, Đ/u Nguyễn Văn Phượng, Trưởng ty Cảnh Sát Nguyễn Xuân Giáo, Trung tá Trần Như Xuân, Trung tá Trần Phước Xáng, Nguyễn Quang Trân, Thái Khắc Lễ, Trương Thanh Tân, Ngô Hải Quảng…. Làm sao có thể kể xiết những tấm gương dũng liệt đã bị Việt Cộng sát hại trong tù bằng tử hình, biệt giam, tra tấn, bỏ đói?…

Tôi ở “An Điềm” mới chuyển qua,
Anh từ “Tiên Lãnh” cũng đưa ra.
Một trăm bốn chục tù nguy hiểm
Nhốt kín rừng sâu “Đồng Mộ” xa.

Nguyễn Quang Trân trước pháp-trường thọ tử!
Giữa kẹp kìm Thái Khắc Lễ vong thân!
Trong quật cường dũng liệt Trương Thanh Tân!
Và với bất khuất thành nhân Ngô Hải Quảng!

Những hành hạ, những đọa đày ngược bạo
Của kẻ thù, đâu đáng kể vào đâu!
Cháu vẫn hiên-ngang phút chót ngẩng cao đầu
Lấy cái chết để đền ơn Tổ Quốc!
Trương Thanh Tân! Làm sao quên cháu được,
Một anh hùng trong vô số vô danh
Lấy máu mình chép tộ lũ gian-manh
Và tưới bón cho thắm lòng Đất Mẹ.
Cháu dám chết khi tuổi còn rất trẻ
Dù chưa hề là công chức, quân nhân!

Cảnh đi thăm thân nhân

Hơn 12 tháng sau khi đi tù cải tạo, thì vợ con tù mới được giấy cho phép đi thăm. Có những trại tù đường xa diệu vợi, ở mãi trong rừng sâu, không đường xe, không người qua lại, trộm cướp cũng nhiều mà cán bộ bất lương cũng lắm. Có những gia đình lâu quá không được tin chồng, tin cha anh… khi vừa nghe bạn bè chỉ nẻo, đã vội cơm áo gạo quà để tìm cách một lần gặp mặt. Bao ngày đường lặn lội đến nơi, nhiều khi chỉ thoáng nhìn thấy bóng, hoặc buồn hơn là một ngôi mộ bên lề… May mắn hơn, gặp được nhau dăm ba phút thì cũng đã là hạnh phúc, dù là hạnh phúc tả tơi. Vợ nhìn chồng:

Ngậm ngùi hình bóng cũ có còn đâu
Áo trận phong sương, phong thái oai hùng
Sao thân anh nông nổi
Những đòn thù, giặc giáng xuống đời anh?

Chồng nhìn vợ:
Nét kiêu sa, đài các nay còn đâu?
Tay chai cứng, da sạm đen mưa gió
Chắc vì vắng anh,
em phải thân cò bươn chải
nuôi đàn con và chăm sóc mẹ già.

Nhìn gói quà trên tay người vợ hiền yêu dấu mà lòng người tù chùng xuống, nước mắt chực rơi!

Những đêm giữa mái rừng, nghe dế kêu khắc khoải.
Mẹ con tựa nhau lặn lội thăm cha.
Mẹ thì thầm, “Nếu có thằng bộ đội nhảy ra,
Phải quăng đồ tiếp tế cho cha mà chạy.”
Ôi cảnh thăm chồng đau thương biết mấy!

Nhiều bà bị cướp đồ, hãm hiếp giữa rừng sâu
Mẹ hãi hùng kéo con đi mặc gai cứa rách lớp da nhàu
Có con chim bi ai tả nỗi đau giùm mẹ!
Con rùng mình khóc cha bằng tiếng dế,
Nghe vết nhục hờn oằn trĩu cả tuổi thơ!

Cảnh vượt biển

Trùng khơi lớp lớp sóng dồn. Chiếc thuyền trên biển cả, có khác gì chiếc lá trong dòng thác gập ghềnh. Ra đi là phó mặc, là chấp nhận số trời. Hãy vượt thoát khỏi tay giặc đỏ, còn chuyện sống còn xin phó thác trời cao. Bao hiểm nguy, biển cả đón chờ, nào sóng, bão… trùng trùng điệp điệp, khúc biển nào cũng đầy ắp dã nhân. Một chỉ vàng là hết một mạng người, Một nhan sắc là mồi ngon cho hải tặc. Ôi Tự Do sao cái giá quá đắt !!!

Nỗi buồn từ buổi chia xa
Quê Hương chợt mất cửa nhà chợt tan
Tháng năm là điểm thời gian
Con xa cách Mẹ dẫu tan nát lòng
Giặc vào con vượt biển Đông
Xa quê, bỏ Nước, bỏ đồng lúa xanh

Mặc cho thuyền và biển
Định mệnh ở trời cao
Vận nước nhà suy chuyển
Từng lớp sóng kêu gào

Ai vớt giùm em tôi
Ai cứu giùm chị tôi
Thoát Cộng vướng hải tặc
Oan khiên ngập biển trời

Cuộc sống hiện tại và khát vọng tương lai

Kẻ ở người đi, tháng năm rồi cũng qua. Nợ áo cơm nơi đất người phần nào làm ta xao lãng tình cố quận. Nhưng mỗi Tháng Tư về là niềm đau mất nước tha hương lại giày xéo tâm can. Ngày ra đi mái tóc còn xanh! Mà giờ đây có mấy ai không nhuộm đầy phong sương bạc phếch? Nỗi buồn ngày càng chồng chất, nỗi băn khoăn càng lúc càng sâu thẳm trong lòng; gặp lại nhau, nhìn nhau như thầm hỏi, “Ta đã làm gì cho đất nước của ta?”

Đây nhát chém Tháng Tư,
Chờ cơn đau vực dậy oan khiên
Oằn người uất hận!
Buồn quá phải không anh, phải không chị, phải không em?

Từ độ ra đi buồn xiết kể
Ngày ngày tháng tháng nhớ cô thôn
Nhìn trăng đoán gió trời bên ấy
Chết lặng khi nghe những chuyện buồn

Ta vẫn mãi ngồi đây cùng ngày tháng
Nhưng xa dần đường trở lại quê xưa
Đau phận mình nhìn sớm nắng chiều mưa
Lòng quằn quại với nỗi sầu viễn xứ
Tâm què quặt trong lòng người lữ thứ
Chí hư hao khô cạn cả tiếng cười
Hăm bảy năm như đã sống một đời
Hồn vong quốc thắt đau lời áo não
Ba Mươi Tháng Tư trời làm giông bão
Giọt mưa thành hạt máu lạnh lùng rơi
Tháng Tư đen đã thiếu vắng tiếng cười
Từ khuôn cửa giọt buồn rơi thánh thót
Tóc sương điểm, linh hồn trơ vàng vọt
Ơi quê hương vẫn hạc nội mây ngàn

Dòng sông ôm ấp tuổi thơ
Ra đi ai nỡ thờ ơ sao đành
Lá kia dẫu có lìa cành
Cũng rụng về cội đất lành quê tôi
Tai nghe Tổ Quốc gọi mời

Có điều gì sâu thẳm đọng trong tâm hồn
Chẳng nói ra, nhưng lòng ta đau nấc nghẹn
Mình làm gì cho quê hương, nghĩ rồi thấy thẹn
Ngoại trừ nỗi nhớ còn đầy nguyên vẹn mà thôi…

Có kỷ niệm tang thương ngày ấy
Có cơn đau trỗi dậy oan khiên
Tháng tư nhát chém bầm đen
Quặn người ôm hận nhóm lên lửa hồng

Ngày định mệnh nát lòng u uất
Sầu ly hương chồng chất sâu dày
Bàn tay nắm lấy bàn tay
Truyền nhau hơi ấm, mộng ngày hồi hương!

Chia sẻ cùng em vạn nỗi buồn
Mỗi tháng Tư về lệ trào tuôn
Thương quê, nhớ nước đau lòng quốc
Hăm tám năm rồi vẫn tha hương

Chia sẻ cùng anh vạn nỗi sầu
Tháng Tư về khơi lại vết đau
Trời ơi hăm tám năm đằng đẵng
Lệ chảy thành sương điểm mái đầu

Tôi cũng như em cả một đời
Khi còn chia cách lệ còn rơi
Xa quê vẳng tiếng hờn vong quốc
Nhớ nước ngày thêm vắng tiếng cười

Tôi vẫn như anh, vẫn một lòng
Bên trời canh cánh nợ non sông
Trong tim dòng máu còn luân chuyển
Còn khắc ghi hoài nỗi nhục vong

Đoạn kết

Này bạn hỡi, 28 năm rồi đó bạn, mà quê ta quỷ đỏ vẫn lộng hành. Ta vẫn biết, bọn chúng ta lạc loài nơi đất khách, và niềm đau vẫn canh cánh bên lòng.

Còn xa quê với hờn vong quốc.
Hãy nắm tay nhau đi bạn hỡi.
Nắm chặt tay, đứng dậy, quyết một lòng.
Đừng lặng lẽ âm thầm hoài cố quốc.
Hãy cố biến những đau thương phẫn uất,
Thành đấu tranh cho Dân chủ, Nhân quyền.
Hãy đứng lên mà dành lại non sông.

Mỗi năm cứ dạo Tháng Tư về
Là mỗi lần tim lại tái tê
Lặng lẽ âm thầm hoài cố quốc
Thương người tử sĩ khắp sơn khê

Tháng Tư! Quốc hận! Máu tràn sông
Kẻ chết người thương đã ngập đồng
Cờ đỏ rợp trời màu tang tóc
Sao vàng che khuất những thương vong

Nhân ngày biến cố đau thương
Cả trong ngoài nước ta cùng đấu tranh
Giải trừ chế độ lưu manh
Cùng nhau xây dựng hòa bình quê hương
Tự Do – Dân Chủ – Nhân Quyền
Tình thương dân tộc – nỗi niềm Việt Nam

Mẹ Việt Nam ơi chúng con vẫn còn đây!
Hăm tám năm qua là mấy vạn ngày
Khắc khoải chờ mong một lần trở lại
Diệt lũ bạo quyền, góp một bàn tay

2003


« TRANG NHÀ »