10 Năm

ngày 28.01.11

1. Mai đào đua nở vàng
Chợt thấy mùa xuân trở lại
Ôi mùa xuân của những ngày thơ dại
Đã chắp cánh bay rồi
Còn đâu nữa xuân ơi

2. phải, những mùa xuân xưa yêu dấu còn đâu nữa. Càng tiếc nuối, càng xót thương thì càng thấy cay đắng, ngậm ngùi. Tuổi đời càng ngày càng chồng chất còn có bao nhiêu người mong mỏi để được thấy mai vàng pháo đỏ như ngày xưa. Huống chi đã 10 năm qua! Mười năm biệt xứ, mười năm lưu đày! Mười năm sống trong mòn mỏi, đợi chờ một ngày về mà ngày về vẫn thấy mù tăm như trùng dương bao la. Mười năm sống trong cay đắng, bang hoàng như một cơn mộng dữ. Cứ chợp mắt là ác mộng lại hiện về!

Bao giờ về, bao giờ về?
Câu hỏi được lặp đi lặp lại hàng muôn ngàn lần nhưng tìm đâu ra câu trả lời bây giờ? Mười năm! Con số như vừa đếm một, hai, ba… trên đầu ngón tay, mà cũng y như hàng thế kỷ dài! Mười năm! Không ai có thể tưởng tượng được những con người có trách nhiệm ngày xưa, hôm nay vẫn còn trùm chăn, che tai, bịt mắt trước những đau thương, thống khổ của hàng triệu triệu đồng bào! Không ai có thể tưởng tượng lũ hề múa rối vẫn còn đủ sức để múa may quay cuồng; vẫn dư trò bịp bợm để phô diễn trên sân khấu đời huê dạng mà hàng triệu khán giả thay vì cười vui lại đầm đìa nước mắt, từng đêm, hàng đêm!

Cứ mỗi lần năm tàn tháng lụn là tôi buồn. Buồn tê tái cả tâm hồn. Buồn đến không thiết ăn, không muốn nói, không muốn đứng, không muốn đi. Không tha thiết gì cả, ngay đến sự chết sống cũng bình thường như tất cả cái bình thường của cuộc sống hàng ngày, ở đây, trên quê hương người. Tôi cũng hiểu là không chỉ riêng tôi mà cả hơn năm mươi triệu người trong và ngoài nước đều cảm nhận như nhau ngoại trừ lũ đồ tể Cộng nô và những kẻ theo đóm ăn tàn cũng như lũ người nô lệ cho cuộc sống hôm nay.

3. Đã lâu rồi tôi không còn cái thú lai vãng ở những hộp đêm, phòng trà, vũ trường như những ngày còn bay bổng. Vì ở những nơi phồn hoa đô hội đó tôi không còn tìm thấy một hương vị nào cho một cuộc sống tha hương bèo bọt. Vì bên kia Thái bình dương tôi còn có một đại gia đình thân yêu, có mẹ cha tuổi đã xế chiều không biết có còn cơ hội nào gặp lại; có một đàn em thơ mà ngày ra đi không nhìn được mặt, không kịp nhắn nhủ một lời. Chắc bây giờ chúng cũng đã nên vóc nên hình dù thiếu thốn mọi thứ, dù không đủ cơm ăn, áo mặc; dù thiếu sự bảo bọc của một người anh mà chúng đã hy sinh để anh được học cao, được sống cuộc sống đầy đủ hơn, để cuối cùng đã như chết hết nửa cuộc đời. Vì bên này tôi cũng còn chút may mắn có một tổ ấm nhỏ tạm đủ để nương náu qua ngày để chờ cơ hội trở về.

Mộng lấp biển vá trời bỗng dưng bị cướp giật khỏi tầm tay, nhưng niềm mơ ước được trở về để cùng chung sức với mọi người đánh đuổi lũ hung đồ Cọng sản, tiếp tay đem thanh bình thịnh vượng trả lại cho dân tộc hiền hòa thì nung đốt tôi từng ngày, từng đêm.

Một buổi tối cuối tuần, tôi theo chân một vài người bạn đến quán Kim Kim. Cúng nó bảo ở đó có khung cảnh ấm cúng, có cà phê ngon, có nhạc hay, có người đẹp hát… Trừ những thăng trầm, trôi nổi gần một nưa nước Mỹ trong những ngày tháng đầu tiên, phần còn lại của mười năm tôi cư ngụ ở đây – Thung Lũng Hoa Vàng. Thung lũng hoa vàng không chỉ đơn thuần là nơi có nhiều hoa vàng. Bạn đừng biểu tôi giải thích vì nói thật lòng bạn nghe tôi không biết rõ và không có dự định để tìm hiểu thêm. Còn Kim Kim có mặt từ lúc nào, ở đâu thì cũng xin đừng hỏi tôi. Mặc dù sau mười năm cách xa, tôi còn có thể nhắm mắt lại và nói với bạn một cách rành mạch từng con sông, từng ngọn núi, từng thị thành, từng nẻo đường lớn của Việt Nam, từ Cà Mau chạy tới Đông Hà. Tôi có thể nói với bạn độ dài của mỗi đường bay cùng với bao nhiêu lần đổi hướng. Nhưng nếu bạn hỏi tôi ở San Jose có bao nhiêu vũ trường có sàn nhảy đẹp, có bao nhiêu phòng trà ca nhạc thanh lịch, ban nhạc nào hay; có nhà hàng nào ngon, tiệm phở nào đặc biệt có lẽ bạn sẽ hỏi nhầm người. Nếu như vậy bạn bảo tôi cù lần thì tôi cũng đành chịu. Mặc dù Không quân không thể cù lần được vì cù lần thì không thể hội đủ điều kiện để trở thành phi công. Không quân là những người biết sống tùy thời, chơi tùy lúc.

Kim Kim – cái tên nghe thật dễ thương, nằm gọn ghẽ ở một ngả tư của hai con đường nhỏ. Kim Kim dễ thương từ cách trang bày cho đến những ca nhạc sĩ mà tôi được gặp tối hôm đó. Ngoài các ca sĩ quen xưa, quen nay như Băng Châu, Tuyết Nga, Thanh Lập, Nguyễn Ánh Tám, Tuấn Vũ; tôi còn gặp một người nũ ca sĩ thật dễ thương. Mở ngoặc, tôi không chủ ý giới thiệu với bạn quán Kim Kim hoặc riêng một ca sĩ nào, tôi chỉ nói lên cái cảm nhận chân thật của một người thưởng lãm. Nhưng bạn nghĩ sao cũng được, đóng ngoặc. Người ca sĩ có cái tên dễ gây tò mò, thắc mắc mà cũng dễ nhớ – Minh Đức Thùy Trang. Thoạt nghe thấy giống tên Minh Đức Hoài Trinh, một nữ văn sĩ thật dễ mến.
Minh Đức Thùy Trang có giọng hát thật trong, thật ấm dễ gây xúc cảm người nghe. Giọng hát nghe thật bùi ngừi, tội nghiệp, thiết tha. Trong tôi một nỗi buồn lâng lâng, mênh mông, một nỗi xót xa vô bờ bến như lời nhạc nỉ non trong bản Nha Trang Ngày Về. “Nha Trang ngày về mình tôi trên bãi hoang, tôi như là con ốc bơ vơ nằm trên cát, chui sâu vào thân xác lưu đày. Dã tràng ơi sao lấp cho vơi sầu này…” Trong tôi một nỗi buồn ray rứt khuâng khi hình dung một bãi cát trắng tiêu đìu với tiếng gió vi vút qua mấy hàng dương; với từng đợt sóng biển đập vào bờ cát âm thầm, âm thầm… Tôi chợt bàng hoàng khi nghĩ đến một ngày về – khắp nẻo đường quê hương đất nước thân yêu như một bức tranh tàn thu, cành lá trơ trụi, chung quanh không một bóng người…

Gió lùa con phố đìu hiu
Dáng ai ngơ ngác giữa chiều mưa bay
Chia tay buổi ấy còn đây
Hồn rong rể mục, cỏ cây hững hờ
Ngày qua ngày quá bơ vơ
Ru cô đơn ngủ trên bờ quạnh hiu.

Cám ơn Minh Đức Thùy Trang đã cho tôi tìm lại một xúc cảm chân thự mà tôi ngỡ đã không còn từ khi chim trời gãy cánh; từ khi hình ảnh thực của quê hương đã mất hút bên kia nửa quả địa cầu. Sau này tôi cũng có nhiều dịp được nghe, được yêu cầu nhiều ca sĩ khác nhau hát bản Nha Trang Ngày Về, nhưng không có ai hát với cả một tấm lòng làm rung cảm buồng tim và dễ thương như Minh Đức Thùy Trang.

4. Đó là một buổi sang đẹp trời của cuối Thu 1972. Sau phiên trực hành quân đêm ở phòng trực Không đoàn, tôi và Phát – thằng bạn nối khố trời đánh của tôi – rủ nhau suống phố Saigon mong tìm được chút hương vị cho chầu café buổi sáng. Hai đứa đèo nhau trên chiếc Honda cũ mềm của nó. Chiếc xe cà xịch cà đụi mà nó đã tậu được từ món tiền để dành khi còn ở bên Mỹ. Tôi ngồi đàng sau ôm eo ếch nó như đôi tình nhân. Ở Việt Nam như vậy là chuyện thường tình nhưng ở Mỹ chắc là sẽ bị lùa về “vùng gay San Franciso” như chơi.

Vừa ngồi lên xe tôi đã đề nghị:
– Ê Phát, mày nói đang cần chút hương vị cho một buổi sang đẹp trời hả ? Tao đề nghị mình làm “trọng tài” chấm điểm dung nhan các “em Saigon” trên đường đi để xem quan niệm về sắc đẹp của tao và mày khác nhau ra sao.
– Đồng ý, vậy bắt đầu từ “người nhà” trước. Tao cho em Cẩm Vân của mày 5 điểm, hic hic

Tôi muốn nổi lửa. Cô bé của mình dễ thương quá chừng chừng như vậy mà nó nỡ lòng nào cho năm điểm chứ. Tôi trả thù liền:
– Cà chớn nghen mày, tao cũng cho em Lan của mày 5 điểm.
– Mầy muốn đi bộ hay sao đây? Em Lan của tao không bảnh hơn em Cẩm Vân của mày sao chứ?
– Khỉ tao! Thôi giẹp đi. Ngó bên hông mày kìa.
– Con bé áo dài ngồi trên xe Lam 3 bánh đó hả ? Hai điểm rưỡi.
– Theo tao thì nàng được 3 điểm.
– Còn hai nàng đèo nhau trên xe Honda Dame đằng trước thì sao.

Nó tăng ga vọt nhanh kè bên hông rồi phán:
– Con bé đằng trước 3 đểm, đàng sau 4 điểm
– Con bé đàng trước mũi tẹt hai điểm rưỡi, nhỏ đàng sau có hai lúm đồng tiền rất dễ thương, da trắng muốt nhưng vì trán hơi vồ, tao cho 3 điểm rưỡi.

Chợt một chiếc xe xích lô máy trờ tới trước mặt, trên xe có “người đẹp” ngồi trong tư thế phi ngựa đường xa, hai chân để hai bên một đống hàng hóa trông oai nghi như một dũng sĩ. Tôi bảo nó ráng chạy theo chấm điểm nhưng không được nham nhở:

– Ôi cha mẹ ông bà ơi, trừ giùm cho con tám điểm!

Tôi không nhịn cười được, nhất là dáng ngồi của giai nhân:
– Em lỡ làm phận gái trời bắt xấu nên tao cảm thông chỉ cho trừ sáu điểm thôi!
– Thôi bỏ cái vụ chấm điểm đi mày ơi. Nếu mày còn muốn thì chờ sau chầu cafe đã, mình sẽ tới đứng trước cổng trường Trưng Vương, Gia Long tha hồ mà chấm.
– Mình chỉ chấm trên đường thôi. Học trò Gia Long, Trưng Vương tao cho trung bình năm điểm.
– Nản mớ đời, từ nãy giờ chưa có em nào được điểm trung bình.
– Tao cũng đồng ý. Vậy tìm đâu ra 8, 9 điểm ở đất Saigon này chứ!
– Tao biết có ít nhất hai người được hơn 9 điểm mà mình rất thường gặp.

Tôi nghi ngờ hỏi dồn nó:
– Ai mà mầy nói quá trớn vậy?
– Mày không biết thật à ? Hai người đó là Mẹ tao, Mẹ mày!
– Tao không đồng ý. Mẹ tao, Mẹ mày được cả ngàn điểm lận.

Chúng tôi vừa bước vào quán Thanh Lịch, Phát bèn ghé tai tôi nói nhỏ:
– Con bé ở quày tính tiền và cô nhỏ bưng cafe mấy điểm?
– Nhỏ tính tiền ốm nhách, cao nhòng nhưng khuôn mặt trái soan thanh tú, mái tóc đen tuyền… tao cho bốn điểm rưỡi. Cô kia không được cao ráo, có hơi nặng cân, nét mặt dễ ưa, vòng số 1 năm điểm, từ eo trở xuống ba điểm.
– Chán bỏ xừ! Đúng là hương vị cafe đen.
– Đừng thất vọng như vậy. Gái Saigon có hàng triệu người mà mình chỉ gặp mới có vài em. Đừng tưởng em Lan của mày là ngon lành nha. Còn các ca sĩ tân nhạc, cổ nhạc nữa sao?
– Ca sĩ tân nhạc trung bình năm điểm. Ca sĩ cổ nhạc, cải lương tao cho trung bình 4 điểm vì tao đếch thích cổ nhạc, cải lương.
– Mặc xác. Tao biết chắc còn nhiều em hơn điểm em Lan của mày.

– Ông cóc cần. Uống cafe xong về ngủ một giấc để chiều còn đi chơi với em!

(Trích trong tập thơ: Cho Quê Hương – Tôi – Và Tình Yêu
Xuất bản 1998)


« TRANG NHÀ »