Chia sẻ… về bài THƯ BẠN TỪ TIỂU BANG XA

ngày 3.05.21

Bấm vào đây để đọc bài thơ THƯ BẠN TỪ TIỂU BANG XA


Bài thơ hay lắm anh Yên Sơn. Đọc mà thấm được cái ray rứt, cái ý chí sắt son, cái kiêu hùng trong tim anh. Nợ cơm áo cứ quanh quẩn bên mình, muốn trổ tài tế thế an bang, cũng chẳng biết tìm đâu ra chỗ đứng, anh nhỉ?

“Bóng chiều và nắng vàng hoe
Đậu trên mái tóc nhoẹt nhòe thời gian”

Nắng Thủy Tinh của Trịnh Công Sơn từng làm rung động không biết bao nhiêu tâm hồn. Nào là:

“màu nắng hay là màu mắt em”, rồi nào là:
“Lùa nắng cho buồn vào tóc em”,
“Chiều đã đi vào vườn mắt em”,

v.v.. Nhưng ánh nắng khiến “ngàn cây thắp nến lên hai hàng”, khiến “Cỏ cây chợt lên màu nắng” kia chỉ đủ cho “hồn buồn dâng mênh mang” và ánh mắt kẻ si tình ngưỡng mộ dáng “em qua công viên bước chân âm thầm” thôi . Riêng nắng vàng hoe của Yên Sơn không “lung linh nắng thủy tinh vàng” mà buồn bã “đậu trên mái tóc nhoẹt nhòe thời gian” của anh. Hình ảnh không man mác ảo diệu như nắng của “Trịnh công Sơn”, không chất chứa kỷ niệm nhiều như “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát” của Nguyên Sa, và cũng không lãng mạn như “mặt trời đỏ phải lòng con nước lớn” của Trần Lộc, nhưng nó buồn bã , chậm chạp làm sáng thêm “mái tóc nhoẹt nhòe thời gian”. Nó thay thế cho tiếng thở dài, chịu đựng. “Bóng chiều và nắng vàng hoe” diễn tả trọn vẹn nỗi buồn thảm của chiều cuối đời với ánh nắng vàng vẫn còn cố rực đỏ màu hoàng hôn sót lại nơi cuối chân trời, ánh nắng dịu dần cái chí khí hiên ngang của tuổi trẻ còn lưu luyến nét hào hùng ửng đỏ trong buồng tim. Chỉ với hai câu lục bác dùng chữ thật bình dị, rõ ràng nhưng lung linh cả tình và cảnh, khiến người đọc cũng buồn theo cái buồn của Yên sơn và tiếc nuối theo cái tiếc nuối của người chưa tròn chí cả. Chí khí và nỗi buồn đau của Yên Sơn được tỏ lộ thêm trong bốn câu tiếp

“Nói chi tế thế an bang
Tìm đâu ra thuở ngang tàng năm xưa
Bây giờ buồn rớt trong mưa
Nỗi vui bất chợt, dư thừa đắng cay”

Đinh Hùng lãng mạn: “Em đến hôm nào, mưa trên vai” trong “Giận hờn”, nhưng Yên sơn lại “Buồn rớt trong mưa” như một tiếng thở dài tiếp nối! Mưa buồn, mưa ngâu, mưa là nước mắt, là cách chia. Buồn rớt mưa ngâu hay buồn như tiếng khóc của người yêu làm mưa trên vai mình cũng chỉ là nỗi buồn của một cặp tình nhân, còn “buồn rớt trong mưa” của Yên Sơn thì trừu tượng hơn, nhưng đoạn trường hơn và bao trùm hơn. Buồn trong tình yêu, tình nhà, buồn viễn xứ, buồn không trả được nợ núi sông, v.v… và hình như tất cả nỗi buồn của con người đều gói trọn trong đó cả. Ý thật cô đọng nhưng dồi dào chỉ trong bốn chữ. Giá tác giả thay chữ “trong” bằng chữ “theo”, thành “Bây giờ buồn rớt theo mưa” có lẽ ý sẽ thâu hẹp lại cho chính mình hơn, nhưng hơi ambiguous vì mang tới hai ý. “Buồn rớt trong mưa”, chữ “trong” hay hơn và rõ ràng cho cảm nhận hơn. Tuyệt hay!

“Nỗi vui thì bất chợt”, có lúc có có lúc không, hoặc có thì hết sức ngắn ngủi, còn thì toàn là đắng cay, áo não. Câu thơ ” Nỗi vui bất chợt, dư thừa đắng cay” hầu như lột tả được trọn vẹn ý này và ngân dài tiếng than cho sáu câu mở đầu. Hai câu kết tiếp:

“Bạn ơi mình vẫn còn đây
Cũng muốn hẹn có một ngày hồi hương”

đưa độc giả trở về với thực tại đồng điệu và đồng cảnh với tác giả trong cái phút giây thương cảm đọc xong thư bạn. Hai câu chuyển ý để bước vào thân bài một cách nhẹ nhàng, bình dị nhưng không kém phần tha thiết trong điều mong muốn nhỏ nhoi mà biết bao người đã thực hiện, song với tác giả, thật là to lớn vì ngày hồi hương đó là ngày hồi hương thật sự khi bóng dáng Cộng sản không còn trên quê hương Việt Nam. Ngày nào bạn nhỉ?

“Đọc thư bạn hẹn ngày về quê Mẹ
Nước mắt bỗng dưng từng giọt lăn dài
Chạy soi gương rồi nghĩ tới ngày mai
Vội cúi mặt giấu nỗi buồn man mác”

Ôi! Cái tâm trạng của tác giả cũng là tâm trạng chung của những kẻ lưu vong còn nặng tình quê hương đất nước. Soi gương không phải để xem lại dung nhan hay trang điểm một phần cơ thể, hoặc mang tâm trạng của “ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng” trong ca khúc “Đêm đông”, mà soi gương để xem đôi má nhăn nheo theo thời gian của mình có còn tiếp tục nhăn nheo để còn có ngày về quê Mẹ không. Soi gương rồi, tác giả “Vội cúi mặt giấu nỗi buồn man mác”! Chao ôi! sao buồn chi lạ! Tác giả buồn hay mình cũng đang buồn đây! Nàng tiên với chiếc đũa thần kỳ diệu đâu rồi! Hãy trả lại hay tặng cho tác giả một chút thanh xuân để còn hoàn tất lời hứa với bạn từ phương xa.

“Mái tóc xanh nay điểm nhiều sương bạc
Mắt trũng sâu với nghìn nỗi muộn phiền
Vầng trán cao nhiều lằn nếp oan khiên
Vai trễ xuống vì gánh đời trĩu nặng”

Đọc mấy câu này sao thấy thương Yên sơn quá! Chàng phi công, đẹp trai, dong dỏng cao, mang hồn thi sĩ, ngày nào còn lướt gió tung mây diệt thù bảo vệ đất nước mà giờ đây tóc điểm sương, mắt trũng sâu muộn phiền, trán nhăn nếp oan khiên, “vai trễ xuống vì gánh đời trĩu nặng”, sao buồn quá đỗi. Một kiếp tha hương với hai dòng đời u uất như quê hương chia hai của mình ngày trước và đau thương như niềm đau của dân tộc.

“Có những lúc ngó sâu trong thinh lặng
Thấy quê hương vẫy gọi từ trùng xa
Ôi thân trai! Ôi nợ nước tình nhà!
Sao cúi mặt loanh quanh đời cơm áo? “

Tiếng gọi của quê hương vẫn nhiều lần vang vọng trong không gian tịch mịch khi tác giả hướng mắt nhìn vào khoảng không kia. Hình ảnh em bé quê hương, cô gái xuân thì và mẹ già đất nước vẫy tay gọi người trai chí cả đang xa cách trùng dương thấy sao mà thảm thiết. Lời thơ thống thiết, tô đậm vẻ ray rứt trong lòng người trai luống tuổi nhưng tâm huyết còn mãnh liệt hơn cả thời thanh xuân. “Sao cúi mặt loanh quanh đời cơm áo” là cái thực trạng chúng ta ai cũng đương đầu cũng chôn vùi cả tuổi thanh xuân. Câu thơ như một tiếng thở dài mà cũng là một dấu chấm hỏi cho chính mình! Yêu quê hương, mong trả nợ núi sông, đánh đuổi giặc thù, nhưng sao lại cứ loanh quanh đời cơm áo? Một câu hỏi thật hay mà câu trả lời có lẽ là tiếng thở dài não nuột. Có những điều trong cuộc sống, mình không muốn làm mà vẫn phải kinh qua. Có những điều mình làm, và làm ngược lại với ý mình!

“Có những lúc đắm chìm trong áo não
Sống một đời vô dụng, kẻ tha hương
Nửa đã qua, nửa còn lại chán chường
Như cát bụi đang chờ ngày hóa kiếp”

Yên Sơn có những lúc chán nản khi nhìn lại một nửa đời tha hương chưa làm được gì cho đất nước quê hương. Như Trịnh Công Sơn ngậm ngùi trong câu: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi… và một mai tôi trở về cát bụi…” Yên Sơn nhìn nốt nửa đời còn lại đầy dẫy chán chường mà nghĩ mình “như cát bụi đang chờ ngày hóa kiếp”. Chúng ta đến từ cát bụi rồi lại trở về với cát bụi. Ý không mới nhưng kết hợp với ý của ba câu trên tạo nên cảm xúc mạnh cho tứ thơ và thấm thía đời tha hương hơn. Nếu “đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu”, thì không cần phải đợi tới đêm đông, nỗi buồn tha hương và niềm mong ngày về quê mẹ vẫn canh cánh bên lòng mỗi chúng ta.

“Có những lúc muốn đứng lên đi tiếp
Nốt con đường đã bỏ dở năm nao
Nhưng sức tàn, lực kiệt có là bao
Bè bạn cũ mỗi người đi mỗi ngả

Đứa ở lại, đứa vùi thây biển cả
Đứa lỡ thời, đứa cát bụi phù du
Bao nhiêu thằng đau vết cắt trong tù
Bao nhiêu đứa sống cuộc đời kẻ khác”

Có những lúc lòng trĩu nặng u buồn, Yên Sơn cũng muốn đứng lên đi tiếp con đường tung cánh trời xanh, bảo vệ đất nước năm nào; nhưng nhìn lại sức tàn lực kiệt của mình, chỉ còn biết thở dài. Tâm sự này cũng là tâm sự của tất cả chúng ta. Bạn bè tứ tán khắp nơi, người vùi thây biển cả, kẻ lỡ thời… và nhất là có người phải “sống cuộc đời kẻ khác. Nghe sao mỉa mai và đau đớn quá!

“Tao đứng lặng giữa trời chiều ngơ ngác
Đọc thư mầy, niềm thương mến trào dâng
Tao như chim đơn lẻ giữa từng không
Mầy, cánh bướm lạc loài trong trời rộng

Ngày trở lại dù không là ảo vọng
Tao hứa với mầy sẽ đợi chờ nhau
Quê hương mình rồi sẽ hết thương đau
Khi giặc chết với thiên đường mù Cộng Sản”

Tám câu kết của bài thơ với bố cục chặt chẽ, đưa độc giả trở lại với cảm xúc ban đầu. Tác giả đứng lặng giữa trời chiều ngơ ngác với tâm trạng mến thương người bạn sau khi đọc xong bức thư. Hai chữ “ngơ ngác” dùng ở đây thật tuyệt, diễn tả đúng tâm trạng của người đang bị dằn vặt giữa mộng và thực. Cái ngơ ngác ở đây không phải là cái ngơ ngác của Trang Tử trong giấc mơ hóa bướm, mà là cái bàng hoàng đến ngơ ngác trước sự kiện đã xảy ra cho quê hương đất nước, cho mỗi người dân Việt của mình.

Vài hàng “cộng hưởng” với niềm ray rứt của thi sĩ Yên Sơn. Bài thơ thật hay, mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc anh Yên Sơn ơi!!!

Thân,

Nguyễn Xuân Đấu – Lincoln, Nebraska
18.05.2004


« TRANG NHÀ »