Nỗi Nhớ Vô Cùng

ngày 19.08.10

Một vài rung động viết vội trong giờ làm việc,chia sẻ cùng anh!
Mở đầu bài thơ với bốn câu:

“Tôi đứng lặng bên trời
Nơi đây, mùa Thu mà nắng gắt
Mồ hôi rướm ướt mặt
Để mơ về gió mát Cali”

mô tả hình ảnh anh đứng lặng bên một góc trời nào đó, với hồi tưởng đang diễn hành bên trong nội tâm. Từ ngữ: “Đứng lặng” còn chất chứa một nỗi buồn, niềm đau, hay một ngao ngán, chán nãn nào đó, nói chung, là niềm cô đơn bề ngoài mà bên trong thì dậy sóng. Tôi không nhớ có đọc hai câu thơ:

” Tôi đứng lặng bên đời
Nhìn muà Thu qua mau”

này của ai, hay của chính tôi, hoặc trong một bản nhạc nào đó, không rõ lắm; nhưng chắc rằng TB khi ý thơ đưa lòng anh trải dài trên mà ảnh monitor hai chữ “bên Trời” cũng mang một tâm sự gần giống tâm sự của người nín lặng và nhận chịu buông tiếng thở dài qua hai chữ: “bên đời”. Người ta không thể nói một cách logic hay cảm nhận một cách khô khan rằng hai chữ “bên trời” đóng khung cái không gian cho câu thơ kế tiếp: “Nơi đây, mùa Thu mà nắng gắt” đươ.c. Nếu thế thì còn gì là thơ, vì như chúng ta biết, thơ cô đọng ở từ mà ý thì muôn trùng. Cho nên, dù câu thơ kế tiếp: “Nơi đây, mùa Thu mà nắng gắt” nhìn ở phương diện văn xuôi, như một tiếp ý cho cái không gian: “bên Trời”, cảm nhận trong tôi lại bay theo một chiều không gian khác để nhìn nó như muà Thu cuộc đời, đáng lẽ phải được nắng hoe vàng ấm áp, mơn trớn vuốt ve, lại bị phủ chụp bởi tia nắng gắt như những trắc trở oan khiên, hụt hẫng và bi đát của cuộc đời. Đứng lặng bên Trời đã trở thành đứng lặng bên đời, với tiếng thở dài bật thành thơ.

” Mồ hôi rướm ướt mặt
Để mơ về gió mát Cali”

có thật chỉ là niềm mơ nho nhỏ về một chút gió mát Cali không thôi chăng ? Có thật mồ hôi chỉ rướm ướt mặt, để đôi mắt ráo hoảnh nhìn về phương Trời rộng mà lục tìm hồi tưởng riêng tư chăng ? Tôi tưởng mắt anh cũng rươm rướm nữa chứ! Cho nên, đọc câu thơ này, tôi ngạc nhiên thấy TB không dùng từ: “rướm rướm” thay cho “rướm ướt”; nhưng chỉ thoáng giây, tôi hiểu ra ngay. Thơ TB lãng mạn, rạt rào, xoáy sâu vào lòng người đọc, dùng đa số từ ngữ thật dung dị và rõ ràng, có lẽ vì anh sợ đọc giả bình thường về thơ nhầm ý hoặc không rõ ý anh chăng. Cho nên anh ít dùng từ ngữ siêu thực, táo bạo, tối nghĩa hoặc đôi khi phản nghĩa để giải bày tâm tư mình như một vài thi sĩ khác. Anh thành thật “chân quê” như Nguyễn Bính:

” Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng”

Mà có khi ẩn nhẹ ý cũng như Nguyễn Bính còn giữ được nét “chân quê”:
“Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”

Chỉ nhè nhẹ thế thôi, cho nên đọc câu: “Mồ hôi rướm ướt mặt”, tôi cứ ngỡ là “mồ hôi rươm rướm mặt” (hoặc mồ hôi rươm rướm mắt” hay “mồ hôi cay cay mắt”. Rươm rướm mắt thì có vẽ lý điệu hơn là rươm rướm mặt. Nhưng thơ mà, mặt biểu thị cho mắt cũng đâu có sao. Gió mát Cali, ai mà chẳng mơ về. Dù đi ngang giòng sông, không mong đợi, người ta cũng không thế nào từ chối được làn gió hiu hiu mát thổi nhẹ vào người, làm cho khoan khoái, như ý của một triết gia nào từng nói, huống hồ là mơ, là mộng về. Anh mơ về gió mát Cali dưới nắng Thu gay gắt chiếu cũng hợp lý lắm chứ; hay anh mong một hoàn cảnh dịu êm hơn trên mùa Thu cuộc đời cũng chuyên chở được rung động vào lòng người đọc vâ.y. Cảm nhận tôi đến với đoạn thơ gồm cả hai hình ảnh; nhưng đọc tiếp bài thơ thì ẩn ý của “Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” xâm chiếm tâm hồn tôi nhiều hơn để cảm thông với dáng dấp dong dỏng cao của mot TB đa tình đã bạc pha mái đầu đang đứng lặng yên giữa mùa Thu cuộc đời nhiều giông bão mà mơ về một cảnh dịu êm, man mác hơn.

” Tôi chợt buồn từ buổi em đi
Nói một tuần thôi mà như miên viễn
Nhớ đến em lòng luôn xao xuyến
Thấy trong tim in đậm nét môi cười”

Hồi tưởng trở về. Không phải nợ áo cơm, mà nợ tình cảm. Anh buồn nhớ người yêu của hiện tại hay dĩ vãng xa xưa, chỉ có anh mới biết. Tất cả những xác định về thời gian trong nỗi nhớ và đối tượng của biển nhớ đôi khi cũng không cần thiết lắm! Chỉ biết anh nhớ người yêu và người yêu đang hoặc “đã đang” xa anh. “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (một ngày không gặp mặt như xa cách ba Thu), huống hồ gì một tuần, phải không ? Nhạc sĩ nào đó có viết lên ca khúc “Bảy ngày đợi mong”, hát lên, nghe cũng buồn, nhưng da diết và buốt tâm can thì chắc không bằng Thơ . Từng phút từng giây, chứ đâu cần phải từng ngày, từng giờ, con người đó, ánh mắt nụ cười đó lúc nào mà chẳng hiển hiện trong lòng. Nỗi nhớ vô cùng như tựa bài thơ của anh bắt đầu bằng nét môi cười của em in đậm trong tim, khiến lòng anh xao xuyến. Nỗi nhớ như thế vẫn chưa thể là vô cùng, ít ra, đối với cách định nghĩa và phân loại của tôi. Để xem nỗi nhớ của TB có gia tăng cường độ ở đoạn thơ kế chăng ? Ta thử đọc tiếp.

” Tôi đứng lặng cuối trời
Nhìn mông lung mờ xa hướng biển
Tình yêu em theo máu trong tim luân chuyển
Và theo từng nhịp thở bâng khuâng”

Rõ ràng cường độ của nhớ trong anh đang gia tăng, và gia tăng thật mạnh như người phi công kéo cần cho đôi cánh chim sắt tung mình vào trời xanh. Anh không đứng lặng bên trời nữa, mà xác định không gian rõ ràng hơn là “góc trời”, một góc trời trong buồng tim anh, khi lập lại điệp khúc: “Tôi đứng lặng”. Anh nhìn mông lung mờ xa hướng biển, dõi mắt về bên kia đại dương để nhớ nhung, tương tư người yêu xa cách, hay đang nhìn vào biển tình, biển đời để thấy cường độ yêu đương đang tái sinh và luân chuyển trong tim, trong từng nhịp thở của anh.

” Nhìn mây trôi ngập ngừng
Tôi nhắn gửi em những lời âu yếm
Nói thầm với mây những điều giấu diếm
Rằng tôi yêu em với tất cả tấm lòng”

Nhìn biển rồi nhìn mây. Biển tình không có con thuyền tình nào trôi đến sông Thương cho anh nhắn gởi, nên anh đành nhắn mây . Mây bay vu vơ, không định hướng, nhưng biết đâu mây lại vô tình bay đến bên em để lời nhắn gửi của anh vê tình yêu và nỗi nhớ được em thấu tỏ. Anh yêu em với tất cả tấm lòng; nhưng anh dấu kỹ trong tim, chỉ tỏ lộ cho mây biết thôi. “Rằng tôi yêu em với tất cả tấm lòng”, mà sao lại không là “Rằng tôi yêu em với tất cả sóng lòng” . để nghe mãnh liệt và siêu thực ý một chút không ? Anh “chân quê” nên dung dị . Nhưng không phải vì thế mà sự thành thật về tình yêu của anh không được tìm thấy trọn vẹn trong câu thơ này đâu. Ta cứ thử lập lại thật chậm câu thơ: “Tôi yêu em với tất cả tấm lòng” sẽ thắm thía được chân tình một cách “chân quê” của anh. Tôi còn rung động xa hơn. Câu thơ đó tôi đọc trong tim bằng bốn chữ: “Yêu cho đến chết”

” Con nắng vàng đậu ráng cành phong
Lá rụng bớt khi mùa thu vừa tới
Tôi gom lá nhuộm nắng thu đem gởi
Và tình tôi trộn nỗi nhớ vô cùng”

Tất cả những cái đẹp, cái hay, cái siêu thực, anh dành lại cho đoạn kết, kể cả nỗi nhớ vô cùng.

“Con nắng vàng đậu ráng cành phong
Lá rụng bớt khi mùa Thu vừa tới”

Đẹp, đẹp lắm! Đẹp từ hình ảnh tới tứ thơ. Phong đây là Phong lan hay là gió cũng được. Gió ở đây dĩ nhiên không phải là “lá gió cành chim” của “sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh” trong Kiều, mà là gió đời, gió tình. Nắng vàng được nhân cách hóa thành con với hình ảnh đậu ráng trên cành phong, trông đẹp làm sao! Ráng ở đây, ngoài nghĩa cố thêm, cũng có nghĩa là ráng chiều, là nắng vàng, nên thêm hình ảnh nắng Thu đi từ oi bức qua dịu êm để biến thành ráng chiều trên cành gió Thu trong lòng người đọc, còn gì đẹp hơn. Anh đã từng gom lá Thu để dành đốt sửi ấm mùa Đông, giờ lại gom lá nhuộm nắng Thu để gởi cho ngươi cùng với tình yêu trộn nỗi nhớ vô cùng của anh. Bài thơ chấm dứt ở đây thật đẹp, lưu lại trong tâm người đọc những hình ảnh thật lung linh và trong lòng người đọc một nỗi buồn da diết!

Chợt bắt gặp “Nỗi nhớ vô cùng” của anh cũng là hỗi nhớ vô cùng của tôi vậy!

Thân
n-xđ


Nỗi Nhớ Vô Cùng

Tôi đứng lặng bên trời
Nơi đây, mùa Thu mà nắng gắt
Mồ hôi rướm ướt mặt
Để mơ về gió mát Cali

Tôi chợt buồn từ buổi em đi
Nói một tuần thôi mà như miên viễn
Nhớ đến em lòng luôn xao xuyến
Thấy trong tim in đậm nét môi cười

Tôi đứng lặng cuối trời
Nhìn mông lung mờ xa hướng biển
Tình yêu em theo máu trong tim luân chuyển
Và theo từng nhịp thở bâng khuâng

Nhìn mây trôi ngập ngừng
Tôi nhắn gửi em những lời âu yếm
Nói thầm với mây những điều giấu diếm
Rằng tôi yêu em với tất cả tấm lòng

Con nắng vàng đậu ráng cành phong
Lá rụng bớt khi mùa thu vừa tới
Tôi gom lá nhuộm nắng thu đem gởi
Và tình tôi trộn nỗi nhớ vô cùng

03102004


« TRANG NHÀ »