Lê Mai Lĩnh và Tôi

ngày 25.03.23


.

Ở đầu thế kỷ 21, cách nay hơn hai thập niên, khi chúng tôi còn trẻ, tình nghĩa thơ văn còn rất đậm đà, nên khi nhận được lời mời tham dự buổi giới thiệu thi tập “Đứng Dưới Trời Đổ Nát” của nhà thơ quân đội Phan Xuân Sinh, giới cầm bút chúng tôi nhận được Thiệp Mời như nghe được tiếng chim gọi đàn, hơn 60 người từ các miền xa xôi trên nước Mỹ đã tụ hội về Boston gặp nhau tay bắt mặt mừng, cùng nhau “đứng dưới trời đổ nát”. Và ở đây, nhân dịp nầy, tôi gặp nhà thơ quân đội Lê Mai Lĩnh.

Ở cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy”, dù tôi cũng đã nghe danh anh cũng như những nhà văn nhà thơ khác có mặt hôm nay, nhưng hôm đó Lê Mai Lĩnh đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng đặc biệt. Ấn tượng đó là kiểu cách uống rượu như nước, cách nói chuyện xem trời bằng vung của anh ta. Tôi đâm ra khoái cái kiểu cách giang hồ bạt mạng ấy của nhà thơ.

Bẵng đi một thời gian không liên lạc với nhau, bỗng một ngày mùa thu cách nay hơn 3 năm, tôi gặp lại anh trong dịp nhà thơ Cao Nguyên giới thiệu thi tập Thao Thức ở Washington DC. Ô hô ai tai! Lần gặp lại nầy anh lại đè tôi ra ban cho một ấn tượng khác. Đó là, sau buổi ra mắt sách, anh đem tặng tôi một chai rượu thuốc nhỏ mang theo trong người. Anh còn bảo, “Rượu quý tặng bạn quý.” Rồi nói lời chia tay. Thế nhưng, khi chúng tôi kéo nhau vào một tiệm ăn ở khu Eden thì gặp lại ngài ở đó, đang dùng bữa với một vài người bạn trước khi lái xe đường xa trở về phương bắc.

Vừa xong thủ tục chào hỏi bắt tay nhau, ông nhà thơ nầy hỏi tôi, “Chai rượu tôi tặng ông đâu rồi, đem ra chúng ta cùng làm một ly trước khi tạ từ nhau?” Tôi lấy chai rượu ra rót đầy ly cạn và uống cạn ly đầy thì chỉ vừa đủ một phùa là hết rượu. Quả nhiên là rượu ngon phải có bạn hiền!

Từ ấy đến nay vẫn lâu lâu liên lạc với nhau, vẫn gặp nhau đâu đó thêm lần nữa – dường như nhà Phan Xuân Sinh ở Houston, vẫn bóng dáng anh hùng Lương Sơn Bạc bất cần đời, vẫn kiểu cách uống rượu như hũ chìm, vẫn nói chuyện ngang tàng, vẫn rất Lê Mai Lĩnh.

Thỉnh thoảng tôi có đọc vài bài thơ đâu đó của anh trên net, đâu đó qua tin nhắn, messenger, FB… Đọc để mà đọc, để biết bạn mình vẫn còn khoẻ mạnh, vẫn còn linh mẫn, vẫn còn là một Lê Mai Lĩnh. Bỗng một hôm trên tin nhắn: “Cho địa chỉ gởi thơ tặng”. Tôi trả lời , “Dễ thương quá vậy, chịu sao nổi trời!” Gửi địa chỉ cho ngài rồi chờ đợi. 10 ngày sau vẫn chưa thấy gì, vào messenger định hỏi thì đã thấy tin nhắn, “Đã nhận sách chưa? Đọc xong viết bài phê bình, cảm nhận nhé.” Tôi viết, “Kính ngài. Chưa thấy. Để hôm nay xem sao.”

– Nhất định có, chờ hôm nay hay mai sẽ tới. Sau khi xem, nhà thơ viết cho vài dòng.

Yes sir! Cứ theo lệnh lạc như thường. Tại vì người đó dễ thường quá chừng!

– OK. Bài viết nếu hay, độc lạ, sẽ chọn in thành sách. NHAN SẮC THI SI QUA NÉT PHÁC THẢO CỦA BẰNG HỮU OK salem chưa?

Tôi nghĩ thầm, “Viết hay không là việc của tôi, còn đăng hay không là việc của ông,” nhưng không nói ra sợ buồn lòng thi sĩ. Tôi viết:

“Tôi sẽ vẽ ông với lời khen. Là ông thi sĩ của ma men… tội tình!” Hahaha!

Thế nhưng vẫn chờ dài cổ. Ngày 23, có nghĩa là sau ngày hẹn của bưu điện 1 ngày vẫn không thấy tăm hơi. Tôi nhắn cho ngài:

– Hôm nay thư tới rồi mà sách ông gửi chưa thấy. Phải cả tuần nó mới tới. Ông vào tracking xem thử nó lãng đãng phương trời nào rồi nha?

Tôi cho ông biết thì ngài nhắn:

– Đã gởi. Biên lai đây (hình chụp biên lai). Chờ thêm vài hôm. Tôi gởi đi ngày 15/2, nó bảo 23/2 tới. Chờ thêm ngày mai chắc có. Yên tâm như Yên Sơn. Cùng ngày với ông, nhà thơ ĐỨC PHỔ Và NGUYỄN LẠC đã tới rồi.

Ngày 25/2 vẫn bặt tăm:

– Thi sĩ dễ thương ơi. Sách vẫn chưa thấy đâu nha!

– Thứ Hai tôi ra bưu điện hỏi. Hình như của HỒ CÔNG TÂM và vài người khác ở TX đều chạm. Bộ thấy trên fb người ta ca ngợi quá trời, bạn nóng lòng hả. Cảm ơn, thơ hay kinh khủng.

Tôi bật cười, “Tự tin quá héng 🤣”. Nói tới nói lui mấy ngày nữa vẫn không thấy sách. Anh cho biết đã ra bưu điện khiếu kiện. Tôi nói chẳng ăn thua gì đâu. Từ ngày dịch bệnh COVID đến nay mấy ông bà Bưu Điện rất bê bối. Sách vở, hàng họ của tôi gửi và nhận qua USPS thất lạc dài dài, có khi hàng đến bị hư hại, có khi thấy trước cửa nhà mình quà hàng của người khác, phải mắc công truy tìm đúng địa chỉ giao lại cho người nhận. Tôi cũng đã kiện cáo nhiều lần rồi mà họ cứ cù nhây không đi đến đâu. Có lẽ ngài vẫn còn hy vọng… Cuối cùng, đến ngày 8/3, ngài mới chịu gửi cho tôi tập khác với lời nhắn:

– Hôm nay tôi gởi tặng ngài cuốn khác. OK chưa, Thơ hay lắm mà, lẽ nào bạn vàng không được đọc. Đầu tháng 4 này, tôi về Austin 10 ngày, làm sao gặp nhau hè?

– Chuyện đó tính sau. Chuyện bây giờ là chờ đọc được tập thơ “hay kinh khủng” của ông trước.

Ngày 14/3 tôi nhận được tập thơ, gửi tin nhắn cho ngài:

“Cuối cùng em đã đến. Cổ Cò đã từ lâu. Thôi đừng có lầu bầu. Đến rồi em đã đến” Thank you thi sĩ.

Thi sĩ đã viết lại cho tôi:

– Lại một trò chơi khác, mời thi sĩ tham gia. Sau khi đọc xong, viết cho tôi 1, 2 trang nhận xét, phê bình. Bài của bạn, sẽ đăng trong cuốn sách 1.000 trang gồm 100 người cầm bút. Mời bạn tham dự. Cuối tháng 6/2023 hết hạn. Viết sớm càng tốt.

– Được rồi tôi sẽ viết. Tôi text lại và nheo mắt cười với thi sĩ.

Nhận tập sách với câu đề tặng thân tình thấy rất ấm lòng bạn bè, dù tác giả đã nhanh tay thêm dấu vào tên tôi. Thời gian nầy tôi rất lu bu với việc vác ngà voi nhưng vì tò mò bởi sự giới thiệu của tác giả là “hay kinh khủng” nên cũng rán đọc như bói sách. Giở trúng chỗ nào đọc chỗ nấy. Bài nào ưng ý thì đọc kỹ hơn chút.

Nhìn phớt qua. Trang bìa màu vàng với chữ đỏ, chữ đen lẫn lộn. Bìa sách không trình bày hình ảnh như các tập thơ người khác; thay vào đó là tựa đề của tập thơ “Chân Dung Người Lính, thi sĩ miền Nam, Lê Mai Lĩnh” khá lớn; hàng kế tiếp chữ hoa, nhỏ hơn có tựa đề phụ “Những Người Cầm Bút Ngợi Khen Lê Mai Lĩnh” với hàng trăm tên tuổi, xanh xanh đỏ đỏ, khá quen thuộc trong làng chữ nghĩa chiếm 2/3 trang còn lại.

Vào trong nội dung tập sách. Tôi chưa vội đọc những bình phẩm của văn thi hữu đã viết cho ngài mà tìm thẳng vào bài thơ đầu tiên ở trang 38. Tôi dừng lại nơi đây. Bài thơ “Lời Tạ Lỗi Với Quê Hương”. Bài thơ trải rộng 6 trang sách. Bài thơ đã chạm vào tim tôi, đã chạm vào nỗi đau chung của những người bị cho là “bên thua cuộc”. Xin trích một ít đoạn tiêu biểu để nói lên nỗi lòng của thi sĩ, của một quân nhân, nỗi đau thương bi uất của một người mất nước phải đau đớn rời xa, sống đời tha hương. Bài thơ cũng nói lên cái điên cuồng, khát máu, tàn độc của lũ Cộng quân không tim óc con người trên Đại Lộ Kinh Hoàng, Mùa Hè Đỏ Lửa:

Dẫu thế nào tôi cũng phải ra đi
Đành đoạn ra đi
Thà chọn cho mình một kiếp lưu đày
Hơn bị lưu đày trên chính quê hương
Hãy thông cảm và tha thứ cho tôi
Nguyễn Hoàng ơi, Quảng Trị ơi, Việt Nam ơi
Xin đừng gọi tôi là một tên đào ngũ

Dù ở nơi nào trên mặt đất nầy
Tôi không quên, tôi, một NHÀ THƠ CHIẾN SĨ
Mãi mãi chiến đấu cho QUÊ HƯNG VÀ TỰ DO
Tôi ra đi mang theo nửa trái tim
Nửa còn lại giữ giùm tôi nhé
Tôi ra đi mang theo cả quê hương
Vẫn chưa đủ ấm lòng tôi đó
Nguyễn Hoàng ơi, Quảng Trị ơi, Việt Nam ơi
Làm sao tôi có thể quên

Làm sao tôi có thể quên những người mẹ Quảng Trị
Phơi tấm thân gầy trên ruộng đồng
Dưới cái nắng chang chang cơn gió Lào rát mặt
Chắc chiu từng hạt lúa củ khoai
Nuôi cho con ăn học
Con được vào trường Nguyễn Hoàng
Là niềm tự hào của mẹ

Làm sao tôi có thể quên những người cha Quảng Trị
Tất bật ngược xuôi cuối bãi đầu ghềnh
Nhặt nhạnh từng gánh than gánh củi
Đổi thành gạo thành tiền, thành cơm thành áo
Mong cho con nên người
Dưới mái trường Nguyễn Hoàng Quảng Trị thương yêu

Làm sao tôi có thể quên các thầy các cô
Đã suốt đời hy sinh tận tụy
Dạy cho tôi những kiến thức làm người
Và những bài đạo lý vỡ lòng tôi nhớ mãi
“Tiên học lễ, hậu học văn”

Làm sao tôi có thể quên những bạn bè
Dưới mái trường xưa
Thương nhau như ruột thịt
Tôi nhớ cả sân trường, cột cờ, tiếng trống giờ chơi
Nhớ từng viên sỏi, ngọn cỏ lấp lánh sương mai
Nhớ buổi tan trường như đàn ong vỡ tổ
Màu trắng học trò và màu phượng vĩ đỏ
Là bức tranh diệu kỳ vẽ trên nền trời biếc xanh
Nguyễn Hoàng, Quảng Trị.

Làm sao tôi có thể quên

Đó là mùa hè năm 1972
Đại lộ kinh hoàng
Quảng Trị quê ta trong ngút trời lửa đạn
Những La Vang, Nhan Biều
Trí Bưu, Cổ Thành, Chợ Sãi
Trần Hưng Đạo, Quang Trung, bờ sông Thạch Hãn
Cửa nát nhà tan, ruộng đồng cháy đỏ
Xác người đỏ
Quê hương thành bình địa
Dưới bom chiêu bài, đạn chủ nghĩa
Của lũ người hiếu chiến, bọn người phi nhân
Bởi người Maxist, Leninist Việt Nam
Làm sao tôi có thể quên

Bài thơ này như là một quà tặng trước giờ lên đường
Con xin gửi lại thầy cô và bè bạn
Anh gửi lại cho em
Như nửa trái tim lưu luyến
Cùng với nỗi xót xa
“Trường đã mất và tên trường cũng không còn”
Nguyễn Hoàng ơi lẽ nào như thế mãi
Và vấn đề hôm nay
Đâu là sứ mệnh lịch sử của chúng ta.

Đọc thêm, đọc tiếp vẫn theo cách “bói thơ”. Thơ Lê Mai Lĩnh thật sự là của Lê Mai Lĩnh, không cần theo vần điệu, không cần theo những tiết tấu của thơ, không cần giống ai. Thơ Lê Mai Lĩnh là cung cách của Lê Mai Lĩnh. Thơ Lê Mai Lĩnh viết bằng tất cả nỗi đau niềm buồn của một người lính sa cơ lỡ vận, của người con yêu của quê hương bị bứng gốc xa lìa tổ quốc. Lê Mai Lĩnh đến bây giờ, ở số tuổi thất thập cổ lai hy như những chiến hữu đồng thời đồng cảnh ngộ, vẫn luôn canh cánh bên lòng một quê hương yêu dấu, một đất nước đau thương đã phải đành đoạn bỏ lại sau lưng. Ở số tuổi thất thập cổ lai hy vẫn hoài thao thức, vẫn mong nhìn thấy một quê hương bừng sáng bên kia bờ đại dương xa khuất.

Thơ Lê Mai Lĩnh! Đúng là thơ Lê Mai Lĩnh! Tôi rất đồng lòng với nhận xét của bạn thơ Phan Xuân Sinh. Đại lược như thế nầy, “Đọc thơ Lê Mai Lĩnh người ta có cảm giác như nuốt phải một cục đường cứng đơ, bị nghẹn ngang cuống họng, nuốt không được, nhả không ra. Tuy nhiên, nếu ai đó kiên nhẫn thêm một chút, đường sẽ tan và chất ngọt sẽ thấm dần vào cơ thể, sẽ thấy vị ngọt ngào ở đầu lưỡi, thoải mái hơn ở thanh quản.” Thơ Lê Mai Lĩnh cũng như con người Lê Mai Lĩnh, thơ ngang ngang nhưng có chiều sâu, người ngang tàng, ăn nói vung vít nhưng vốn tính tình độ lượng và yêu quý bè bạn như bản thân.

Tôi không cần phải khen chê gì thêm, không cần nói nhiều vì đã có hàng trăm văn thi hữu thân quen đã nói hết về nhân vật nầy, nhà thơ nầy. Điều tôi đang làm chỉ là để cảm tạ tấm lòng bằng hữu của anh, là để cùng đi với thi sĩ một đoạn đường chữ nghĩa, để cùng đau nỗi đau chung của dân tộc với thi sĩ; cùng chia sẻ nỗi uất hận của một người nửa đường gãy gánh, lạc mất quê hương.

Kingwood 21/3/2023


« TRANG NHÀ »