Đọc “Hạnh Phúc Không Xa”

ngày 9.10.20


Đọc “Hạnh Phúc Không Xa” của bạn tôi, Yên Sơn

Nhà ông khổ hơn người vì đôi cánh
Những thênh thang bát ngát những trời xanh
Này cánh đại bàng nhớ chân trời thẳm,
Thôi cuối tuần này lên núi cùng ta…

Trên núi cao ta biết rành một chỗ
Có hòn đá xanh có gốc thông già
Ngồi trên đá ông sẽ thành trang tử
Hồn nhẹ bay như bướm lượn chiều tà…

Thơ Cao Tần (1977)

Tôi mê sách từ lúc còn rất nhỏ. Mỗi lần mở một trang sách để đọc, tôi như bước vào… trang sách đó, một thế giới hoàn toàn khác lạ với thế giới tôi đang sống. Tôi sống với nhân vật trong truyện, cùng chịu khổ đau, cùng chịu sống chết, cùng chịu vui buồn sướng khổ với nhân vật đó. Thói quen này cho đến bây giờ vẫn không bỏ được. Nhà tôi toàn là sách. Từ sách ta đến sách Tây, từ tiểu thuyết cho đến sách học.

Đối với một người mê sách như thế, thì khi nhận được một cuốn sách tặng của một người bạn mà mình quý mến, khỏi cần nói, đó là một món quà thật là lớn. Đó là cuốn “Hạnh Phúc Không Xa” của phi công vận tải tác chiến Trương Nguyên Thuận, nhà văn Yên Sơn. (YS)
Quý giá lắm. Cầm cuốn sách của bạn tôi trong tay, tôi tưởng như đang cầm tất cả những sự quý mến, tất cả những nỗi niềm tâm sự của bạn tôi trong tay mình.

Giống như tôi, YS là một phi công. Đơn giản hơn, YS và tôi là những người lính trận. Dù anh mặc áo bay, áo rằn ri, hay áo đen, một khi anh đã đem tuổi trẻ, đem cuộc đời và mạng sống mình hiến dâng cho tổ quốc, thì anh là người lính trận. Tôi luôn luôn yêu quý những người lính trận vô cùng.

Một bài thơ tôi đã đọc hồi còn trẻ ở đâu đó, xin chép lại như sau:
Đi làm lính nghĩa là chịu trăm ngàn gian khổ
Nghĩa là coi máu xương khổ nạn có ra gì
Đi làm lính để cho quê hương mình êm ả
Không đòi hỏi gì, cũng chẳng cần biết ngày mai…

Vì những lý do đó, tôi rất mê lính. Quần áo tôi mặc bây giờ toàn là màu Ô liu hay rằn ri, màu Xanh Không Quân, hay màu ka-ki vàng, đồ tiểu lễ của lính. Trong những buổi tiệc tùng, hễ chỗ nào có áo nhà binh là tôi liền nhào tới, chẳng cần biết quen hay lạ. Vì vậy, khi cầm được một sản phẩm của một người lính trong tay mình, đặc biệt người lính đó lại là một phi công, tôi trân quý và hãnh diện lắm.

Trước hết, tôi xin vài hàng viết về bạn tôi, Yên Sơn. Tôi biết bạn tôi từ đầu thập niên 90, khi bạn tôi mới dọn về Houston ở, và tôi cũng mới bắt đầu tập tành viết lách, nhờ chó ngáp phải ruồi nên cũng có chút ít tiếng tăm, dù tài năng thật sự chẳng có mẹ gì. Tôi nhớ mãi, một lần tôi qua Houston in sách, do Nguyễn Lập Đông giới thiệu, có dịp được gặp bạn lần đầu ở nhà bạn. Hôm ấy rất vui, có nhà thơ Nguyễn Lập Đông, có nhà thơ Cao Đông Khánh (toàn là những tay chọc trời khuấy nước) và vài anh em khác nữa, chúng tôi đã cùng nhau cưa mấy chai VSOP trong phòng ăn nhà bạn. Ai cũng say, cũng vui vẻ nhắc lại một thời đã từng “đóng xương góp máu” cho tổ quốc. Bạn tôi, YS, chủ nhà, không nói nhiều, chỉ ngồi im suy tư, thỉnh thoảng vuốt râu cười nhẹ theo những câu chuyện của chúng tôi. Ngay lúc ấy, tôi đã để ý thấy bạn tôi có phong thái và dáng dấp của một hiền sĩ. Cặp râu mép Clark Gable của bạn cắt tỉa thật là đẹp, dưới một cặp mắt sáng nhưng rất buồn.

Hồi đó, tôi đã biết bạn còn là một huấn luyện viên võ thuật, nhưng chưa hề biết bạn là một thi sĩ, một nhà văn và cuối cùng là một nhạc sĩ. Sao mà một người lại có thể mang nhiều sĩ thế không biết.

Rồi thời gian qua, rất là mau, chúng ta cùng già đi theo năm tháng…
Cao Đông Khánh phải bỏ anh em ngậm ngùi ra đi, không một lời từ giã, khi nhận được sự vụ lệnh cấp tốc của tư lệnh … ông trời, cho thuyên chuyển về vùng 5 chiến thuật. Sớm quá, Cao Đông Khánh, bạn tôi chưa hề chuẩn bị hành trang cho cú thuyên chuyển rất bất ngờ này của cuộc đời mình. Tôi đã khóc và bạn bè ai cũng ngậm ngùi đau xót. Rồi Nguyễn Lập Đông ở New Orleans cũng bỏ tôi dọn về Houston sau cơn bão Katrina, vân vân. (Xin phép bạn cho tôi ké vài hàng để nhớ người bạn tôi, Cao Đông Khánh, bởi vì tôi thương nhớ hắn quá, nhắc tới Houston mà không nhắc tới hắn thì tôi không chịu được.) Quả là Thương Hải Biến Vi Tang Điền…

Bạn hiền tôi ơi, không biết bạn có còn nhớ một buổi chiều ở nhà bạn không? Riêng tôi, tôi nhớ mãi.

Bạn và tôi, hai người phi công đã bị cướp mất bầu trời, một người ở Houston, một người ở New Orleans, cách nhau chỉ có 300 dặm đường, thế mà cả mấy chục năm trời không có dịp gặp nhau. Và nếu gặp, chỉ uống được với nhau vài ly bia, chén rượu. Thời gian ít ỏi, tâm tình và tâm sự có rất nhiều nhưng chẳng chia sẻ được bao nhiêu. Rồi chia tay, tiếp tục đường đời mỗi người một ngả, ai cũng có bổn phận riêng, ai cũng có chuyện phải lo toan, ai cũng bị trách nhiệm đè nặng xuống đôi vai, ai cũng bị xoáy vòng vòng trong một cơn lốc bất tận, để rồi bị lực Ly Tâm đẩy linh hồn mình ra khỏi thân xác mình, bay đi thật xa… Nhiều buổi sáng thức giấc, chợt nhìn mặt trong gương và tự hỏi, không biết mình có còn sống không, hay chỉ có thể là thân xác mình đang hoạt động? Hoặc tệ hơn, không biết mình có còn là người nữa hay không? Một câu hỏi mà những người lính lưu lạc như chúng ta, ai cũng tự hỏi lòng mình một vài lần trong cuộc đời nhưng không bao giờ có thể tìm ra câu trả lời.

Rồi theo dòng thời gian, tôi bắt đầu thấy thơ văn của bạn xuất hiện trên báo chí và internet. Tôi rất vui mừng khi biết bạn tôi đã trở thành một nhà văn, nhà thơ bắt đầu có tiếng tăm trong giới cầm bút ở hải ngoại, có một chỗ đứng vững vàng trên văn đàn. Mừng cho bạn ta. Cuối cùng thì người phi công vận tải tác chiến ngày xưa cũng đã tìm lại được linh hồn mình trong những đoản văn, những bài thơ, những bài nhạc mà bạn sáng tác. Tìm lại được linh hồn mình giữa một chốn nước non lạnh lùng hiu quạnh, như lời của nhà văn phi công người Pháp, Antoine De Saint Exupéry đã viết vào thế kỷ trước trong cuốn Terre Des Hommes, khi kể lại tâm tình và sự cô đơn của một người phi công chuyên lái máy bay đưa thư qua những sa mạc mênh mông, hoang vắng và hiu quạnh…

Nhưng khác xa St. Exupéry là một anh phi công quý phái thời bình của một nước văn mình giàu có, một anh phi công chưa hề biết được cái đạn đạo của phòng không 12 ly 7 nó bay như thế nào, với một nhiệm vụ đơn giản và nhàm chán là chở những chuyến thư qua những sa mạc mênh mông, trong một bầu trời tuy cô đơn hiu quạnh thật, nhưng không hề có hận thù và lửa đạn. Những bầu trời của YS đã bay qua là những bầu trời hoàn toàn khác biệt, luôn luôn đẫm máu và rực lửa hận thù. YS đã không chở bưu kiện thư từ mà chở lính, chở tiếp liệu, chở khí cụ chiến tranh, mạch sống của những người lính dưới đất. Và nhiều khi, chở luôn cả những quan tài chứa đựng những xác chết đồng đội với những mùi tanh tưởi thối tha của những thây ma đã chết quá lâu ngày…

Bây giờ, tôi xin nói về “Hạnh Phúc Không Xa.”

Đây là tuyển tập truyện ký, xuất bản mùa Xuân năm 2020, gồm 38 chương, dày gần 500 trang.

Bước vào cõi… Hạnh Phúc Không Xa, thế giới riêng của bạn tôi. Theo bạn, tôi đã được đưa đi khắp đó đây, được sống lại với tác giả từ những ngày thơ ấu ở Quảng Ngãi, trước khi gia đình xuôi Nam về lập nghiệp ở Bình Tuy. Hồi ấy tác giả còn rất nhỏ cho nên ký ức về đất Tổ không có nhiều. Không có nhiều nhưng xin cùng tôi đọc lại một đoạn này của tác giả. Đọc đề thấy, tuy không có nhiều nhưng vẫn chan chứa làm sao.

“Nhà của Ba Mẹ tôi nằm sát bờ sông, chỉ cách một khoảng vườn rộng, kế bên một bến đò, và sát guồng xe nước. Bây giờ, đôi khi trong đầu còn nghe văng vẳng tiếng gọi đò của những sáng tinh mơ, những chiều sương muộn. Anh em chúng tôi đều bơi lội rất khá vì cứ có dịp là trầm mình lặn hụp dưới sông để đặt lờ, giong lưới bắt tôm, bắt cá dưới chân kè đập. Nhờ một mùa mưa lụt, nước sông Vệ dâng cao, tràn ngập mênh mông, thấy người lớn bơi vớt củi, anh em chúng tôi lén ba mẹ bơi theo vớt được khá nhiều củi, hý hửng mang về khoe thành tích, nhưng bị ba mẹ rầy nhưng ba không tha, tuốt cho mỗi đứa mấy roi đau quắn đít. Anh lớn nhận lỗi tại mình nên lãnh thêm vài ba roi đau thấu trời xanh. Ngoài ra còn cái thú được theo người lớn mang chiếu ra ngủ qua đêm trên bãi cát trắng phau trong những đêm trăng thanh gió mát.”

Xuôi nam về Bình Tuy theo chương trình tái định cư của Tổng thống Ngô Đình Diệm, tác giả học hết Trung Học tại đây, miền đất mới đầu là rừng núi bạt ngàn nhưng sau một thời gian đã biến thành một giang sơn gấm vóc…

Dĩ nhiên, những ngày xanh của tuổi học trò luôn luôn chan chứa nhiều kỷ niệm nên thơ và rất đẹp—cả vui lẫn buồn.

Cũng tại mảnh đất Bình Tuy này, vài chục năm sau ngày mất nước, nhân một dịp tác giả trở về chốn cũ để lo việc nhà, chàng đã bỏ ít thì giờ để đi tìm một người con gái tên Lan, một người bạn cũ. Tác giả không nói nhiều nhưng tôi đoán giữa hai người cũng đã có một thời yêu nhau.

Trai gái tuổi học trò yêu nhau là chuyện bình thường, nhưng cái đáng nói ở đây là người con gái ấy, mà theo tôi đoán thì nhất định đã có một thời yêu chàng, và có thể vẫn còn đang yêu, từ chối không ra gặp chàng khi chàng đến tận nhà để hỏi. Lý do? Nàng biết mình đã già nua theo năm tháng, không muốn cho chàng nhìn thấy hình ảnh tiều tuỵ của nàng bây giờ. Việc này thật là bất ngờ và làm cho chàng ngẩn ngơ, đau khổ, nhưng cũng thán phục.

Đọc đoạn này, mới đầu tôi cũng hơi muốn trách nàng, nhưng nghĩ lại, tôi thấy ngậm ngùi và cảm phục. Đời xưa đã có câu:
Mỹ Nhân Tự Cổ Như Danh Tướng
Bất Hứa Nhân Gian Kiến Bạch Đầu…

Kể từ ngàn năm xưa và cho đến bây giờ, sắc đẹp là cái vốn trời cho quý nhất của người đàn bà. Nhưng oái oăm thay, sắc đẹp không bao giờ ở mãi với ai cả. Giống như một nụ hoa, nó chớm nở, trở nên đẹp lộng lẫy huy hoàng trong một vài khoảnh khắc, có thể vài ngày, vài tuần, rồi héo úa và tàn phai đi. Đàn bà rất sợ chuyện này và điều này dễ hiểu. Nhiều người đàn bà danh tiếng xưa nay đã làm vậy, không muốn ai nhìn thấy nhan sắc đã suy tàn của mình. Và một người đàn bà tên Lan ở đất Bình Tuy xa xôi đơn giản cũng đã làm vậy, nhất định “Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu,” nhưng ở một hoàn cảnh khắc nghiệt và đau buồn trong một quê hương nghèo đói khốn khổ của chúng ta. Cô Lan đẹp như thế nào tôi không biết, và tất cả chúng ta cũng chẳng ai có thể biết được, nhưng chắc chắn, hình ảnh và vẻ đẹp của cô sẽ đẹp mãi mãi trong lòng chàng trai Trương Nguyên Thuận…

Vì thấy con mình học giỏi, cha mẹ YS muốn anh học thành bác sĩ, một mơ ước của hầu hết mọi gia đình Việt Nam khi có được những điều kiện tương tự thời đó. Nhưng, chàng lại bỏ học, lén cha mẹ tình nguyện đi lính Không Quân. Tôi cũng là một phi công nhưng không được đi Mỹ như YS, thôi đành theo anh đi học… lại qua những trang sách ở những trường bay nổi tiếng thế giới ở Hoa Kỳ, tham dự những buổi lễ solo hay ra trường vân vân.

Sau hai năm huấn luyện, Thiếu Uý Trương Nguyên Thuận trở thành phi công vận tải tác chiến của KQVN. Sau bao nhiêu năm được hưởng… Cơm Cha Áo Mẹ Chữ Thầy và được chính phủ nuôi dưỡng ăn học, đây là lúc anh phải bắt đầu trả nợ lại cho cha, cho mẹ, cho Thầy, cho tổ quốc mến yêu.

Rồi cánh chim YS miệt mài, bay đi khắp chốn trên quê hương mình để trả nợ non sông.

Ngày miền Nam Việt Nam bị bức tử, anh may mắn lái chiếc C-130 cuối cùng rời khỏi phi đạo Tân Sơn Nhất..

Tiếp theo đó là những chuỗi ngày lưu lạc ở Hoa Kỳ. Bắt đầu từ những miền đồng cỏ cháy nắng của đất Texas cao bồi, làm đủ thứ việc, không bao giờ nề hà gian khổ, qua tới thành phố lớn San Francisco, California, rồi lại về Houston. Từ Houston, vì công việc sinh nhai, lại phải trở lại California thêm lần nữa, và cuối cùng thì chọn thành phố Houston nắng ấm để an cư lạc nghiệp, sinh con đẻ cái, tạo dựng một gia đình hạnh phúc…

Đối với những người Việt Nam tị nạn như chúng ta, chuyện cực khổ gian truân ở những ngày đầu tiên nơi xứ người là một chuyện thường, chẳng có gì đáng nói. Cái đáng nói là sau một thời gian dầm mưa dãi nắng, đa số chúng ta đều là những người thành công trên đất mới, con cái học hành giỏi giang, trở nên những con người tốt cho xã hội. Bây giờ bạn đi bất cứ một nhà thương nào ở trên đất Mỹ này, bạn sẽ luôn luôn nhìn thấy nhiều bác sĩ hay y tá người Việt, thế hệ con cháu của chúng ta. Đây là một niềm hãnh diện chung. Con cái của YS cũng thành công trên miền đất mới, làm hãnh diện cho cha mẹ chúng…

Trong 38 chương sách, ngoài 2 chương viết về người Mẹ yêu quý của mình, còn khoảng hơn một nửa cuốn sách là viết về những chuyến du ngoạn, những lần họp khoá với bạn bè Không Quân ở khắp nước Mỹ.

Một chương dài nhất, đúng 50 trang (347-397), viết lại chuyến đi Úc nhân dịp môn phái Thần Phong của anh họp mặt với những đồng môn đến từ khắp mọi nơi trên thế giới. Đây là một bài viết dài và rất tỉ mỉ, nhiều chi tiết đáng đọc cho những ai chưa hề biết nước Úc. Tôi chỉ đi Úc có một lần năm 1981, ở tại Brisbane có 7 ngày, nên đi về rồi mà chẳng biết một chút gì về Úc Đại Lợi, cũng như những thắng cảnh nổi tiếng tại đây. Nhờ đọc hết chương này, tôi lại được biết nước Úc một cách tường tận hơn, nhiều chi tiết hơn.

Nhưng viết gì thì viết, hết đi Úc rồi qua Canada, hết đi San Francisco rồi tới Florida, cuối cùng thì chàng phi công cũng trở lại cuộc đời lính yêu dấu và bằng hữu của mình bằng một chương cuối cùng dành cho 4 người bạn thân nhất trong Không Quân.

Nếu ai đã từng mặc áo nhà binh, từng cầm súng chiến đấu, từng nhìn thấy con tàu của bạn bè bị bắn nổ tung trong không gian ngay trước mặt mình, thì sẽ hiểu cái tình bạn bè, tình chiến hữu nó như thế nào. Nhiều khi ở dưới đất thì chửi nhau chí choé, nhưng lên trời, khi bàn giao vùng trách nhiệm, dặn dò chỉ bảo cho nhau từng chi tiết một, khẩn khoản và thắm thiết y như người chồng dặn người vợ trước khi lên đường đi xa. “Này, coi chừng phòng không nó đặt chỗ này, chỗ này có mấy cây 12 ly 7, tao sém ăn đạn, đừng có mò tới gần mà mất mạng, vân vân và vân vân” Thêm vào đó, vì Không Quân chúng tôi là lính nghèo cho nên cuối tháng, hết tiền, chia xẻ với nhau từng bịch gạo sấy, từng điếu thuốc cuối cùng của những ngày biệt phái. Những chuyện nho nhỏ này đã tạo nên tình chiến hữu, mà suy nghĩ sâu hơn, nó bắt nguồn bằng tình Nhân Loại. (Tôi lại triết lý rồi. Xin độc giả tha thứ.)

Những kỷ niệm thân thương thấy làm sao xoá nhoà được trong lòng chúng ta?

Tôi cũng cám ơn YS đã tặng cho đời, cho những người mặc áo nhà binh và đặc biệt những thằng lính Không Quân như tôi, được sống lại những quãng đời đã mất. Bắt đầu từ những ngày đầu “kinh hoàng thảm khốc” ở Trường Bộ Binh Thủ Đức. Hồi đó, vai mang xách ma-ranh nặng thấy ông cố nội, chạy xịch đụi vòng quanh Vũ Đình Trường, vừa thở phì phò, miệng lại phải lặp lại những lời của niên trưởng đang chạy phía ngoài: “Ta là bộ binh, đi khắp đó đây, gặp núi ta trèo, gặp sông ta vượt…” nhưng lòng thì lại chửi thề: “Mẹ, tại sao cũng cùng là con người, cũng cùng là lính khoá sinh với nhau, chỉ có hơn nhau một… con cá (alpha) trên cổ, mà họ lại hành hạ mình một cách… dã man tàn bạo như thế? Nếu ngày nào cũng chạy như thế này thì không biết tôi có đủ sức để học hết 6 tháng quân trường hay không?”

Đọc Hạnh Phúc Không Xa, tôi đã sống lại những giây phút đó.

Rồi ra trường, bạn tôi đi Mỹ học bay. Tôi cũng đi học bay, nhưng học ở Trường phi hành Nha Trang chứ không ở Mỹ sung sướng như bạn. Ngày tôi bay solo, cũng giống như bạn, cũng được giội nước, đeo khăn solo màu cam, mặt mày hếch lên cao tới trời. Buổi tối cũng có tiệc nhảy đầm, vân vân…

Rồi ra trường, tôi lái L-19, chữ Thọ có vẻ lớn hơn bạn, những người lái C-123K, C-130A và AC-119K vận tải tác chiến. Cũng giống như bạn, tôi cũng đã tham gia những trận đánh đẫm máu nhất của chiến tranh Việt Nam, và may mắn đã còn sống sót qua cuộc chiến…
Cũng giống bạn, tôi được may mắn qua Mỹ năm 75 để bắt đầu một cuộc đời mới, rất nhiều thử thách gian truân nhưng đầy hứa hẹn, bỏ lại bên kia bờ Thái Bình Dương gần một triệu anh em đồng đội cũ trong gông cùm CS. Bao nhiều trắc trở, bao nhiêu tiếc nuối, bao nhiêu thương xót dằn vặt trong tim đêm ngày. Ăn một miếng ăn ngon cũng tự hỏi, giờ này, bên đó, anh em bạn bè ta có gì ăn? Khui một lon bia mới cũng mơ ước sao có bạn bè bên cạnh để cùng chung vui…

Rồi sau một thời gian, học hành đỗ đạt xong thì cuộc sống ai nấy bắt đầu thấy dễ thở hơn. Và nhờ ơn trên, anh em ta từ địa ngục đỏ của bọn Cộng phỉ tàn bạo cũng từ từ xuất hiện qua những chuyến vượt biên kinh hoàng, tưởng chỉ có thể xảy ra trong xi-nê hay tiểu thuyết. Một thời gian sau nữa, anh em HO cũng lần lượt xuất hiện. Ai nấy mặt mày còn mang nặng những nét kinh hoàng của những tháng năm ngục tù gian khổ, vợ con bơ vơ khốn khổ. Người đi trước, kẻ đi sau, ôm nhau mà không biết phải nói gì. Rất có thể, người đi trước còn mang chút ít mặc cảm tội lỗi, còn người đi sau, mang chút ít mặc cảm thua thiệt, nhưng chẳng ai tiện nói ra. Còn sống để được gặp nhau là vui rồi. Lính mà em, sá gì ba chuyện lẻ tẻ.

Cũng giống như bạn tôi, an cư lạc nghiệp rồi, anh em chúng ta bắt đầu tổ chức để gặp nhau qua những buổi họp mặt gọi là “Đêm Không Gian.” Luôn luôn bắt đầu từ ngày Thứ Sáu và chấm dứt ngày Chủ Nhật, 3 ngày hội là 3 ngày của những người lính xưa trở lại chiến trường cũ. Bao nhiêu trận đánh, bao nhiêu lần thoát chết, bao nhiêu kỷ niệm dồn dập trở về qua những chai bia, những ly rượu cô-nhắc. Có nhiều khi, câu chuyện đang còn dở dang, đã có người gục ngay trên bàn tiệc vì quá vui, uống hơi nhiều một chút…

Bạn và tôi, chúng ta đã đều đã sống qua những giai đoạn này. Nhưng bạn hay hơn tôi và nhiều anh em khác ở chỗ bạn có thể ghi lại được đầy đủ từng chi tiết một của những buổi họp mặt này, để thỉnh thoảng ngồi coi lại, thấy lòng mình ấm lên như nghe được một lời an ủi đến từ một cõi xa xôi nào đó. Thật là quý hoá.

Cám ơn bạn tôi, YS, đã cho tôi, và tôi nghĩ cho rất nhiều người khác, những người đã từng mặc áo lính, dù là lính Không Quân hay lính bộ binh, đã có dịp ôn lại chút ít quá khứ đã qua…

Đọc Hạnh Phúc Không Xa, tôi thấy, và tôi đoán nhiều người trong chúng ta, đặc biệt những người lính, cũng đã nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong đó. Tôi cũng có một người mẹ già, và cũng như bạn, đã làm hết sức mình cho cha mẹ. Tôi đã đem hết gia đình, cha mẹ anh chị em tôi sang đây từ năm 1992, vì tôi biết, tôi sẽ không bao giờ trở về Việt Nam khi còn CS. Rồi đến chuyện gia đình, chuyện con cái. Có thể nói, YS đã trọn vẹn đủ bề, không bỏ sót ai.

Trước khi bước ra khỏi Hạnh Phúc Không Xa, một điểm cũng khá quan trọng mà tôi phải nhắc đến. Đó là nguyên cuốn sách, từ đầu đến đuôi không hề có một lỗi chánh tả, và trình bày rất đẹp mắt. Điều này chứng tỏ tác giả đã làm việc rất kỹ càng, và có một kỹ thuật trình bày rất cao.

Tôi chỉ tiếc một chút là nhiều chương không có đề ngày viết, và những chương sách được sắp xếp hầu như không theo thứ tự ngày tháng.

Bây giờ, kính mời quý vị cùng tôi gặp gỡ nhà văn YS qua phần nói chuyện ngắn gọn sau đây:

TSLXN: Bạn hiền, quen biết bạn đã lâu, biết bạn là một phi công vận tải C-123K rồi qua C-130, sau cùng lại bay vận tải tác chiến đêm AC119K; cũng biết bạn là một huấn luyện viên võ thuật, một văn sĩ và thi sĩ, nhưng chuyện tôi không ngờ là bạn cũng biết sáng tác nhạc, đánh đờn. Tôi đã nghe qua nhiều bản nhạc của bạn, phải nói là âm thanh rất dịu dàng, lời nhạc rất hay. Xin chúc mừng bạn. Bạn có thể cho biết bạn bắt đầu sáng tác nhạc từ lúc nào, và trong trường hợp nào? Bạn có trải qua một khoá huấn luyện nào về cách sáng tác nhạc hay không?

YS: Cám ơn bạn hiền.

Việc sáng tác nhạc của tôi chỉ là một ngẫu nhiên, hết sức tình cờ.
Tôi cũng như hàng triệu người VN khác, rất thích âm nhạc, hát không hay nhưng vẫn thích hát. Không đặc biệt thích loại nào hơn loại nào, nhưng có lẽ cùng theo thời. Thời chiến thích nghe nhạc lính, bây giờ già ngoảnh nhìn lại đoạn đường đi qua thì lại thích nhạc tình, nhạc êm dịu. Tôi làm thơ nên được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Việc phổ nhạc từ thơ coi vậy rất khó. Cùng một bài thơ nhưng mỗi người có thể hiểu mỗi khác tuỳ theo cách thâm nhập của họ. Dù được một vài bài có âm giai hay nhưng lại không diễn đạt đúng nội dung người viết muốn chuyên chở. Sau khi nghe được nhiều nhạc sĩ tôi chợt nghĩ ra… tại sao mình không tự phổ nhạc thơ của mình. Với ý tưởng đó, tôi bắt đầu nghiên cứu, tự học hỏi thêm để trau dồi kiến thức rất hạn hẹp về âm nhạc của mình và bắt đầu viết. Tôi chỉ có học khoá căn bản về piano, guitar khi còn ở đại học; học đàn để khèo cho vui chứ không hề nghĩ đến một ngày nào đó sáng tác nhạc. Và như thế, tôi tự lần mò đi vào con đường viết nhạc. Tôi viết theo cảm hứng của mình chứ không hiểu sâu sắc về âm luật căn bản của một nhạc sĩ thực thụ. Nhạc sĩ Viễn Phương khi phê bình CD Nhạc đầu tiên của tôi đã nói đại lược “Nhạc Yên Sơn khá hay nhưng dường như không theo một chuẩn mực nào…”

TSLXN: Nhà văn thường có nhiều cách làm việc khác nhau. Có người rất kỹ luật như ông John Grisham, nhà văn nổi tiếng của Mỹ hiện thời. Ông ta xây nguyên một căn phòng cách biệt, ở sân sau với đầy đủ tiện nghi và cấm tuyệt tất cả mọi người không ai được bén mảng tới. Rồi mỗi sáng, ông ta vào căn phòng đó, đóng cửa lại, bắt đầu tìm tài liệu và viết cho đến chiều hoặc tối. Viết như thế cho đến 4, 5 tháng, sau khi hoàn thành tác phẩm mới trở lại đời sống thường nhật của mình. Ernest Hemingway thì có thể viết được tất cả mọi lúc và bất cứ chỗ nào, và chỗ thích nhất của ông là những quán cà phê. Ông có thể ngồi suốt ngày ở quán cà phê để viết. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác thì xách bút ra công viên, lúc ngồi ở bàn, trời mưa thì chun vào xe ngồi viết tiếp, viết cho đến xong tác phẩm mất mấy năm trời. Phần bạn, cách làm việc của bạn như thế nào? Bạn thường viết lúc nào, viết tuỳ hứng hay có giờ giấc, có tuân theo một thời khắc biểu dành cho mình không?

YS: Nghe bạn kể mấy nhà văn thực thụ viết văn làm tôi mắc cỡ. Chỉ so với cách viết của ông trùm Al Capone là bạn tôi cũng phải ngả mũ ngưỡng mộ – một ngày bắt buộc phải viết ít nhất hai ngàn trang sách OMG! Tôi không thể làm được. Có lẽ mình chỉ là một tay viết amateur nên chỉ tuỳ theo ngẫu hứng. Mà thực phải là có hứng mới viết được. Những bài viết của tôi chỉ là loại chập chững so với họ, so với bạn. Mình có sao viết vậy, nhớ sao, nghĩ sao viết vậy không hào phóng chữ nghĩa, không cường điệu ý tưởng nên cứ viết khi nào muốn viết.

Viết, chắc chắn không phải dễ. Dù tôi chỉ viết khi có hứng, nhưng chắc chắn muốn viết thì phải bắt đầu viết xuống. Viết một đoạn cũng được để rồi từ từ viết tiếp chứ cứ hẹn khi nào thì chắc là không khi nào.

(Ghi chú của TSLXN: Tôi viết mỗi ngày hai ngàn chữ chứ không phải 2 ngàn trang)

TSLXN: Người ta nói, mỗi nhà văn thường bị… ảnh hưởng hay bắt chước một nhà văn nào đó. Chuyện này vẫn đang còn được tranh cãi. Xin hỏi bạn, ngày xưa ở Việt Nam, bạn thích đọc hay hâm mộ tác giả hay tác phẩm nào nhất? Và khi định cư tại Mỹ, bạn thích đọc những tác phẩm nào và của tác giả nào?

YS: Tôi luôn luôn thích truyện dịch của Hemingway, của các nhà văn tây phương, VN thì có Nhất Hạnh, Nguyễn Hiến Lê, Sơn Nam, Mai Thảo… Ở Mỹ vớ trúng ai đọc người đó nhưng đọc không nhiều. Có lẽ đọc nhiều nhất phải nói là sách của bạn như Phát Súng Ân Tình, Ngài Chủ Tịch, Xếp Al Capone. Ba đại tác phẩm này làm tôi say mê như thời còn đi học đọc truyện Tầu. Nói thật lòng chứ không phải “áo thụng vái nhau” đâu nghen.

TSLXN: (cười), cám ơn bạn, bạn làm cho tôi nở mũi. Văn chương của nước Mỹ và của thế giới bây giờ, bạn thích đọc của ai nhất? Thích tác giả nào nhất?

YS: Rất ít đọc tác phẩm ngoại quốc nào nhiều ngày. Có lẽ khả năng thẩm thấu bằng Anh ngữ rất hạn hẹp nên đọc rất chậm và điều đó làm mất cảm hứng đi nhiều. Đọc mấy hồi ký gần đây của giới quân sự, chính trị của Mỹ càng làm cho bực mình thêm vì biết những gì họ viết chỉ là mục đích phục vụ chính kiến riêng tư của họ mà không trung thực.

TSLXN: Đọc Hạnh Phúc Không Xa của bạn, tôi để ý một điều là bạn viết rất đầy đủ, tên của từng người, gia đình của họ, từng địa danh, từng thắng cảnh vân vân. Để làm được việc này, người viết cần phải có một trí nhớ rất tốt hoặc một phương pháp ghi chép rất mau mới không quên được. Bạn có thể cho biết, nhờ đâu mà bạn viết lại được những chi tiết, diễn biến những buổi họp mặt, những lần đi du lịch rất là đầy đủ? Nhờ một trí nhớ đặc biệt hay một phương pháp nào?

YS: Bạn nói điều này đúng như nhận xét của nhiều bạn bè của tôi. Tôi có được may mắn đó. Đặc biệt những bạn bè để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp trong đời. Có thể nói những gì gây ấn tượng đặc biệt thường làm cho tôi luôn nhớ tới dù thời gian bao lâu.

TSLXN: Bạn về hưu đã lâu và do đó, thì giờ của bạn rất là rộng rãi. Bạn có tính viết thêm một tác phẩm nào nữa không? Có dự tính gì lớn cho tương lai không?

YS: Vẫn viết đều đặn nhưng chưa có ý định in ra. Vì văn chương của mình không có gì đặc biệt mà người đọc càng ngày càng giới hạn. Đôi khi tôi lại có cảm nghĩ, in ra một tác phẩm chỉ “làm phiền” bạn bè. Tôi lại rất kỵ, người mua sách chỉ vì tình cảm bạn bè nhưng khi đem về lại để cho sách bám đầy bụi. Bây giờ thực sự viết nhạc dễ hơn viết văn, làm thơ nhưng đây là một sở thích rất tốn kém. Viết nhạc xong phải thực hiện và phải chi tiền rất nhiều để có một nhạc phẩm hoàn chỉnh mà không mang lại bất cứ lợi nhuận nào. Phải chi phí nhiều trong lúc nghỉ hưu là một khó khăn nếu không có sự yểm trợ tích cực của bà xã.

TSLXN: Người xưa có nói, sống thương người thì sẽ được người thương lại, sống rộng lượng cao cả, thì sẽ được người đối xử tương tự. Theo tôi biết, bạn là một người đi đâu cũng được anh em và thiên hạ quý mến. Bạn có thể cho biết, những sự quý mến này thiên hạ dành cho bạn, có phải đúng như những gì người xưa đã nói không?

YS: Tôi không dám so bì với lời nói của người xưa nhưng chắc chắn một điều là khi lòng dạ của chúng ta phóng khoáng, tình nghĩa chân thật thì sẽ gặp được nhiều bạn quý. Ở tuổi chúng mình, không còn gì quý hơn là tình gia đình và tình bạn hữu.

TSLXN: Theo tôi biết, đa số những nhà văn thường thường bắt đầu làm thơ viết văn từ những lúc còn rất trẻ, khi mới bước vào ngưỡng cửa Trung Học. Dĩ nhiên, những “Mầm Non Văn Nghệ” này khi lớn lên, ít có ai được trở thành nhà văn vì hàng ngàn lý do khác nhau. Là một người cầm bút, xin bạn cho biết bạn bắt đầu cầm bút viết từ lúc nào? Và quan trọng hơn cả, lý do nào khiến bạn cầm bút viết hay làm thơ hay sáng tác nhạc? Đó có phải là những nhu cẩu của bạn, như con người, sống thì phải ăn, phải hít thở khí trời?

YS: Thì bạn biết rồi đó. Con người ai cũng có những sở thích cá biệt. Bạn và tôi lại có sở thích văn nghệ nên dùng văn nghệ để diễn đạt tình cảm và lòng đam mê của mình. Tôi tập tành làm thơ, viết văn từ khi còn ở bậc Trung học. Làm thơ, viết văn như là một nhu cầu giải trí trong hoàn cảnh của đất nước; và rồi phương tiện giải trí đó lại bám theo mình suốt đời mà không hề có sự đặt để hay dự định nào cả.

TSLXN: Trong tâm hồn của mỗi con người đều có một cái mà tôi gọi là “Triết Lý Sống.” Người thì thích kiếm tiền thật nhiều, người thì đam mê âm nhạc hay một cái gì đó, người thì chỉ thích sống âm thầm, sống bằng nội tâm, người thì chẳng coi chuyện gì là quan trọng cả, cứ tà tà ăn nhậu, mọi chuyện tính sau. Riêng về bạn, bạn có thể cho biết cái “triết lý sống” của bạn như thế nào không?

YS: Ở tuổi bóng xế trăng tà của chúng ta, tôi cố gạt bỏ mọi toan tính, bon chen ra ngoài, cố tập sống thanh thản và tự lo cho sức khoẻ bản thân. Tôi quan niệm phải gạt bỏ mọi ân oán, yêu ghét ra ngoài, việc gì vui thì làm, người nào thích hợp thì quẩn quanh chơi với; ngoài ra, tránh thị phi, tránh phê phán người khác, tránh chủ quan trong mọi suy tư.

TSLXN: Xin cám ơn bạn hiền

YS: Cũng xin cám ơn bạn hiền. Và thật lòng cám ơn bạn rất nhiều vì biết bạn đang phải bỏ ra nhiều thì giờ để suy tư viết cho tôi một nhận định thực tế về tập sách và tâm tình của người viết. Cầu mong bạn có nhiều sức khoẻ. Hẹn gặp lại sau mùa dịch bệnh.

New Orleans, mùng 8 tháng 10 năm 2020
Viết xong trong “Một buổi Thu sang lắm lá vàng…”

Trường Sơn Lê Xuân Nhị


« TRANG NHÀ »