Giới thiệu Tập Truyện Ký… tiếp theo

ngày 28.06.20


Đọc Hạnh Phúc Không Xa
Phạm Tín An Ninh

Tôi được đọc văn Yên Sơn sau nhiều năm biết anh là một nhà thơ tiếng tăm và mê thơ, nhạc của anh. Một nhà thơ viết văn, trong văn thường phảng phất chất thơ, dễ làm xúc cảm người đọc. Hạnh Phúc Không Xa, dù – theo tác giả – là một “tự truyện”, cũng mang nét đặc thù như thế. Ở đó là những mảnh đời của chính tác giả được ghép lại một cách tài tình, sống động, đẹp đẽ như những bức tranh đủ sắc màu. Đó cũng là những nốt nhạc được tác giả gom góp trong cả một đời để tạo thành những bản tình ca tuyệt vời với nhiều cung bậc khác nhau, có cả nụ cười và nước mắt. Nước mắt đau khổ lẫn hạnh phúc. Điều đáng ngợi ca, là dù với màu sắc nào, cung bậc nào tác giả cũng làm say mê người thưởng ngoạn, tạo cho họ nhiều cảm xúc.

Tình yêu anh đã dành cho quê hương của anh, nơi có dòng sông Trà, sông Vệ, những con sông quê của một thời tuổi thơ, giờ cũng đã muôn trùng cách xa, nhưng dường như vẫn còn chảy mãi trong từng mạch máu của tác giả, cho dù anh đã rời khỏi nơi sinh quán này từ lúc mới lên mười, để rồi lưu lạc khắp muôn phương, làm người lính “bảo quốc trấn không,” năm tháng sống với mây trời và lửa đạn, nhưng… lưng trời gãy cánh, lưu lạc xứ người, nổi trôi theo cùng mệnh nước. Đến nay, như cây trúc già sắp sửa trổ bông mà vẫn còn sống cách xa quê hương đến nghìn trùng. Tình yêu anh cũng đã chia đều cho vùng quê Tánh Linh (Bình Tuy) nơi gia đình đến định cư ở cuối thập niên 1950, theo kế hoạch “Khẩn Hoang Lập Ấp” từ thời nền Đệ Nhất Cộng Hòa mới được thành lập, những kỷ niệm của thời bắt đầu cắp sách ở vùng đất mới, rồi với ngôi trường Trung học Võ Đắc, nơi anh theo học những năm đầu trung học. Sau đó chuyển sang học đệ nhị cấp ở Long Khánh, và cũng ở nơi đây, anh có những mẫu chuyện dễ thương như cô hàng xóm với nửa quả sầu riêng – nửa kia đã bị mấy con sâu thử trước mất rồi – với chiếc khăn thêu và mấy câu thơ tình yêu ngây thơ của một cô em của bạn học.

Bù lại cuộc đời trôi nổi, ông Trời đã cho anh rất nhiều nghị lực và hạnh phúc. Mọi thứ hạnh phúc luôn ở thật gần trong vòng tay anh, như tên của tập tự truyện này – “Hạnh Phúc Không Xa”.

Hạnh phúc với bà “mẹ già thế kỷ” (vì đã Cụ đã gần trăm tuổi.) Ở tuổi gần “cổ lai hy” mà bà cũng đành phải bỏ quê, bỏ nước, bỏ mồ mả ông cha đi theo bước chân lưu lạc của con cháu mình, chấp nhận cuộc sống trên xứ lạ quê người với mọi điều khó khăn, lạ lẫm… như một gốc cây già bật rễ, bị bứng sang một vùng đất mới. Thế nhưng, mọi thứ rồi cũng được an bài, để lúc nào bà cũng giữ được nụ cười với con, với cháu dù không thiếu những phong ba bất trắc trong đời.

Hạnh phúc với người bạn đời hiền hậu, hiếu để với mẹ chồng, hòa thuận với các em, đảm đang chăm lo con cái, để cho anh có thời gian vác ngà voi đi lo đủ thứ chuyện bao đồng, và sống chí tình cùng với thơ ca, bè bạn.

Hạnh phúc với tình anh em ruột thịt, đặc biệt với cô em thứ năm đã thay các anh em trai lo lắng cho cha mẹ khi Ba còn sống, Mẹ còn ở quê nhà, và lòng biết ơn đối với vợ chồng cô em út đã hết lòng chăm lo cho mẹ già khi bà sang Mỹ cùng bao buồn bã, lạ lẫm, khó khăn.

Hạnh phúc với các con ngoan, chăm chỉ học hành, thành đạt, với cậu con trai nối nghiệp lính của cha mình, tình nguyện sang chiến đấu tại chiến trường Iraq. Hạnh phúc với cô cháu ngoại đầu lòng được anh đặt tên Hạ-Vy, vì cháu ra đời giữa cơn bão Harvey gây nhiều khốn khó.

Hạnh phúc với những người bạn lính, bạn phi hành trong suốt một thời quân trường, trên những vòm trời lửa đạn. Hạnh phúc với những người bạn học, bạn võ, và nhất là những bạn văn, đã cùng anh vui với bút nghiên trên các thi văn đàn, thỉnh thoảng cùng nhau lãng du thơ túi rượu bầu.

Tác giả Yên Sơn là một người tài hoa, văn võ song toàn. Từng một thời trai trẻ là phi công vận tải rồi tác chiến ở quê nhà, sang Mỹ anh trở thành kỹ sư điện toán, rồi nhà giáo, rồi võ sư, và tất nhiên cũng là nhà thơ, nhà văn, nhà viết nhạc. Không biết nghề nào là nghiệp dư, là nghề tay trái.

Đọc Hạnh Phúc Không Xa để hiểu thêm về anh, về cuộc đời của một người trai trẻ, sinh ra và lớn lên trong một quê hương triền miên chiến tranh khói lửa và phải gãy cánh nửa đường theo cùng vận nước điêu linh. Cùng với biết bao đồng đội, đồng bào, không muốn bị đày đọa dưới bàn tay man rợ của kẻ thù, đã đành lòng bỏ nước ra đi. Và có lẽ chẳng còn gì cay đắng hơn, khi việc bỏ quê hương ruột thịt của mình ra đi lại là một niềm ước vọng của muôn ngàn người khác. Anh đã thành công khi làm lại cuộc đời trên vùng đất mới, sống trong vòng tay hạnh phúc của tất cả mọi người, từ bà mẹ già gần trăm tuổi, người vợ hiền tài giỏi, đảm đang, các em hiếu để cùng đàn con thành đạt, nên người. Đặc biệt hơn, anh luôn được ôm chặt bởi những vòng tay yêu thương của anh em, bè bạn, những người anh đã quen, đã gặp.

Những dòng thô thiển này được viết vội trong tinh thần “tằm trả nghĩa dâu”, mong ghi lại chút thanh khí, chút niềm đồng cảm từ một độc giả xa xôi, chưa một lần được gặp mặt anh, và cũng xin thay bó hoa hồng chúc mừng hạnh phúc (không xa) của nhà thơ/ nhà văn Yên Sơn, một tác giả mà tôi hằng mến mộ.

Cali, tháng 4.2020, trong mùa dịch Corona,
Phạm Tín An Ninh


« TRANG NHÀ »