Mưa nắng phiếm chuyện

ngày 23.05.20

Số là hồ trường với ông bạn thuộc hệ “đãn sử chủ nhân năng túy khách, bất tri hà xứ thị hương nhân,” nôm là miễn sao chủ nhân có đủ rượu làm say khách, cần gì phải phân biệt là chốn lạ hay quen. Bởi mới quen, nghe hơi nồi chõ ông thơ túi rượu bầu, thong dong tiêu sái như Lý Bạch nơi đất Trích nên hãi quá lắm. Để tránh nói chuyện thơ, một ngày không mây sao có mưa, bèn vắt qua phú. Chuyện phú lục ông Phạm Đình Hổ thuở xưa viết “Vũ trung tùy bút” ghi lại những tai nghe mắt thấy ở chốn kinh kỳ trong mưa. Chuyện là ông chỉ cầm bút khi trong lòng có mưa gió mà thôi.

Nghe thủng rôi, về nhà ông bạn rượu tống táng cho tôi cái điện thư hãy luận sách “Mưa nắng bên đời” của ông xem có… mưa gió gì chăng! Thế mới đổ nợ, ngộ chữ tôi hồi đáp mà rằng bình thơ khó nhai lắm, luận phú dễ ăn hơn. Ấy là chưa kể đọc thơ không đọc ngốn, đọc háu như đọc truyện. Mà nhởn nha đọc từng bài từ từ khoai cũng nhừ. Vẫn năm ngày bảy tật của ngộ chữ tôi là khoe chữ. Thế là nhồi nhét thêm Kim Thánh Thán có tài ngửi mùi chữ, đoán hơi văn. Đang ngủ mơ mơ trong bụi, có người đi qua quẳng cho quyển sách. Thánh không đọc, khịt khịt mũi, phán: “Sách toát toàn mùi sắt thép loảng xoảng của binh khí, ắt là Tam Quốc Chí của La Quán Trung.”

Sau đấy ông bạn hồ thỉ, hồ trường biến. Một ngày không có mây sao có mưa, mở thùng thư thấy gói đồ gửi từ thành phố Spring cách nhà không xa. Gói đồ có tiếng Tây tiếng u Media Mail biết tỏng là sách. Điện thoại đã nhận được chữ nghĩa của ông. Loáng một cái ông có mặt trước cửa, tay chai Cognac, tay gói nem chua. Chua thật, bèn thỉnh ông ra Thạch trúc thảo lư để đàm trường viễn kiến với ông. Tôi mổ ngay: Đọc truyện dài không dễ như xơi trứng luộc, vì tác phẩm hay đọc một ngày là xong. Chuyện dở, đọc một ngày một đêm có hơi ngại ngùng tí chút. Từ từ như ông Từ vào đền, ông bóc gói đồ ra. Va vào mặt là “Mưa nắng bên đời” – Tuyển tập truyện ngắn.

Bỏ bu, nào có khác thơ, vì phải đọc từng mẩu một. Thế mới hốc.

Tiếp đến ông lỳ một lam, tôi… làm một ly. Dòm bìa sách ngộ chữ tôi bới bèo ra bọ bút hiệu Yên Sơn. Bởi “yên” từ… yên ngựa, nghĩ vội nếu ông có truyện ngắn nào… phi ngựa đường xa (xem tr 3) thì hay hớm biết mấy. Ông nghe như… không nghe. Được thể ngộ chữ tôi luận chữ theo cụ Lê Quý Đôn “yên” bộ thảo chỉ cây thuốc, “yên” bộ hoả chỉ khói. Bèn hỏi ông có hút thuốc như tàu hỏa chăng? Ông nhìn trời vu vơ và… lười biếng hút một hơi thuốc như… không hút! Tôi rửa óc nghĩ không ra. (xem tr 4)

Lặng lờ nhìn bìa sách, đành thưa gửi tôi chả dại như nhà văn bị ngự sử văn đàn Đặng Trần Huân đưa vào sách Chữ nghĩa bề bề: “Ông Hồ Trường An khi viết về tác phẩm của một nhà văn nữ, ca tụng tác phẩm chưa đủ. Ông còn ca tụng cả nhan sắc của tác giả mặc dù ông chưa gặp mà chỉ nhìn qua ảnh.” Ông Hồ Trường An viết: “Bìa sau sách có in tấm ảnh màu của chị như Thúy Vân hoa cười ngọc thốt đoan trang, nụ cười của tác giả phô bày đôi hàm răng ngọc trai khít khao và đều đặn.

Dòm bút hiệu hai chữ Yên Sơn có hơi khủng. Tôi dọ dẫm quê ông ở đâu. Nhòm lên trời lầng quầng có mưa bóng mây, ông đáp: Quảng Ngãi. Thôi rồi, chạy trời không khỏi nắng Mưa nắng bên đời, ông ghi lại những tai nghe mắt thấy về đất Quảng.

Ắt hẳn ông cũng viết trong mưa. Bởi trong lòng ông có mưa gió nào đó.

Trong tâm thái tương phùng bất giác tuý, là mới gặp nhau bất giác đã say. Ông về rồi, trong cơn say chữ, tôi ngồi rặn ra chữ, ra câu. Với một ngón tay mổ chữ như cò mổ ruồi trên bàn gõ về bài khảo chữ có tựa đề “Mưa nắng phiếm chuyện.” Một là tựa đề ngộ chữ tôi ăn mày chữ nghĩa của cụ Ngô Không trong Chữ nghĩa làng văn: “phiếm gồm bộ thủy và bộ phạt, thủy là nổi trôi, phạt là vô định.” Vì thế bài viết lan man vô chừng, hay nói khác đi, trong cơn say tôi không biết mình viết gì nữa. Hai là chữ chuyện, tôi vạy vọ từ những tác giả khác. Thảng như bà Phạm Thị Hòai tự sự: “Nếu tôi nhìn cái tựa đề, hay đọc hai, ba hàng mở đầu mà tôi biết tác giả viết gì thì tôi quẳng vào… thùng rác.” Nghe lời bà Phạm Thị Hoài dạy, dòm mục lục, tôi lêu bêu từ trên xuống dưới xem tựa đề nào đánh đu với chữ nghĩa không?! Thì…

Thì “cấu“ vào hồn người (tôi) là: Một thoáng hương xưa

“…Thư hắn nhận được phong bì viền xanh đỏ chung quanh…” . Học bà Phạm Thị Hoài, tôi chắc như bắp luộc chuyện thuộc dạng tình xưa nghĩa cũ. Để rồi sẽ gặp lại người cũ từ Việt Nam qua! Y trang tác giả gặp lại người xưa….trong giấc mơ.

Đó là bất ngờ, để đẩy đưa tôi sẽ đọc thêm… Thêm một bất ngờ.

Nói cho ngay, tôi chả dại bắc kiềng lên lưng ông mà đun. Nhưng đọc 33 Cái khoái của Kim Thánh Thán, chuyện thứ 7: Nghe trẻ đọc truyện của mình làu làu. Chẳng khoái lắm ru?. Tôi cũng khoái lắm ru vì đọc Mưa nắng bên đời có rất nhiều… đồng hồ (xem tr 5). Khoái tỉ hơn nữa tôi bạo gan lộng thiên hý địa bắc kiềng lên lưng ông mà đun. Vừa chụm củi thổi phì phò, tôi vừa ngẫm nguội ông là “Chính tả nhân“. Ấy vậy mà cùng tựa đề, ở mục lục ông viết hoa Một Thóang Hương Xưa, ở phần truyện viết lại không viết hoa (Một thóang hương xưa). Củi cháy rồi, bùng lên ở tr 139: “Dạ anh Thọ là Bác sĩ chồng em”, sao Bác sĩ lại viết hoa? Tôi mài óc nghĩ không ra.

Lọ mọ theo mục lục xuống vùng đất văn chương thiên cổ sự có Thêm một bất ngờ ở tr 218, bất ngờ bài này lại nằm ở… tr 220, là tiếp nối của Đi tìm quá khứ. Như truyện chương, hồi, vì Mưa nắng bên đời còn dài dài với Tiễn con đi chiến trường Iraq, Những ngày hạnh phúc ngắn ngủi, Thằng lính trở về. Từ kỳ cổ liên tục này, ngộ chữ tôi quại bừa ông thuộc Ngô gia văn phái với Hoàng Lê nhất thống chí (xem tr 7) do con cháu Ngô Thì Sĩ bắt chước lối viết chương, hồi của Tam quốc chí.

Ông là lính áo liền quần, có thế vì vậy ông bị ám ảnh sao ấy với miên man liên tục thì bài trước ở phi trường đón máy bay, bài này ông ngồi trên phi cơ. Tôi cũng đang ngồi trước văn phẩm của ông… khi này ông chân cứ thung thăng bước mà không bị vướng vào câu, tay cứ tự nhiên vung vẩy mà không bị va vào chữ. Trong khi ngộ chữ tôi bị ám ảnh bởi ông Hoàng Ngọc Hiến, một nhà phê bình văn học Hà Nội: “Phân tích tác phẩm là phân tích chi tiết. Phải chọn chi tiết có vấn đề. Cuối cùng phải tìm từ, tìm chữ đích đáng để diễn đạt. Một bài viết hay là có được một hai từ đích đáng kết tinh được cái hiểu, cái ý của mình. Đó là cái thần của bài viết”

Để rồi chi tiết có vấn đề với tôi, tr 210 ông viết: “Tôi chọn giải pháp gửi thư qua bưu điện.” Tr 213, người nhận được thư trả lời: “Tôi đã nhận được thư của Tuấn do con gái tôi mang về từ Houston.” Có thể ngộ chữ tôi đa thư loạn mục, là đọc nhiều quá đâm rối mắt chăng. Rối trí hơn nữa ông như nhà văn Dương Nghiễm Mậu, truyện ngắn ông Mậu với sáu, bảy tên nhân vật khiến người đọc rối rắm. Ông cũng sáu, bảy tên nào là cha con ông Preston đến ông Lopez. Hết ông Richard tới ông bà John và Betty Tricks. Rồi với ông bà Stephen, và Tom khiến tôi rối mù, chả biết họ là ai.

Ăn ngay nói thật, tôi có đôi chút ngại ngùng, nhưng không bã bời với chữ nghĩa chân tay ngứa ngáy như bệnh giời bò. Số là lẩn đẩn trở về thời Bút nghiên với lễ vỡ lòng, ấu sinh đứng trước bàn thờ Đức ông – (ông Khổng) – vái quyển Tam tự kinh. Chả là mới nhập môn là sinh đồ của ông ngự sử văn đàn Đặng Trần Huân, chả lẽ lại đội tác giả lên đầu vái lấy vái để tác phẩm. Chuyện bã bời với tác phẩm dưới dạng truyện ngắn lây dây tới Tchékhov: “Truyện ngắn không có nhiều giấy để tả thiên nhiên như truyện dài. Vì vậy miêu tả thiên nhiên cần luôn luôn ngắn gọn và phải xuất hiện đúng lúc.” Vậy mà với Thêm một bất ngờ chỉ 6 trang, gần như cả trang đầu tả cảnh. Hết: “Lá vàng rụng đầy sân cỏ ở thời điểm giao mùa…” Đến: “Năm nay không biết phải cái giống gì mà trời làm thiên tai khắp nơi.” Tiếp: “mấy hôm bão Harvey đến Houston.” Lại nữa ở kết luận: “như một thoáng mây bay giữa nắng cháy mùa hè.”

Rồi thì quắn đầu… thêm nữa với Thêm một bất ngờ, như xẩm tìm gậy, tôi hấm húi tìm ra bài này là thiên cổ kỳ chuyện của Đi tìm quá khứ. Vì vậy có thể nói Đi tìm quá khứ là chuyện dài vừa phải với những tình tiết người đọc không đoán trước được. Như cô bé tóc vàng Linda là ai. Như nhân vật Tuấn phi ngựa (tr 222) mà ngộ chữ tôi… ngửi hơi chữ ở khúc đầu với bút danh… “Yên“ là cái… yên ngựa. Tuy nhiên tác giả Yên Sơn có văn cách dung dị, chân phương nên thật quá. Mà người đọc bây giờ vì cuộc sống máy móc ám quẻ nên chỉ thích chuyện tình… ảo. Dựa dẫm vào nhà văn Nguyễn Công Hoan: “Thật quá bạn đọc sẽ chán nên phải bịa. Nhưng bịa sao cho ngon mới… ngon ăn.” Thêm nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc: “Viết truyện là kể một câu chuyện, vừa có nghĩa hư cấu và tưởng tượng.”

Ở góc cạnh khác, dựa vào nhà làm văn học Hà Nội Hoàng Ngọc Hiến: “90 phần trăm nhà văn kể lại nội dung, chỉ có 10 phần trăm viết nội dung.” Sự phân biệt hai phạm trù “kể lại nội dung”, “viết nội dung” theo tôi kể lại nội dung chỉ quan tâm đến việc: kể cái gì. Còn viết nội dung quan tâm đến mặt kể như thế nào. Trong văn xuôi viết nội dung, sự kết hợp “viết cái gì” và “viết như thế nào” tạo ra sức căng cho câu văn, mạch văn, làm cho câu văn có giọng, có hồn, không bị “bẹt”, bị ỉu xìu.

Với viết truyện là kể một câu chuyện của ông Nguyễn Hưng Quốc… Ngộ chữ tôi ngỗng nghễnh quang gánh trở về ngày mới chân ướt chân ráo nhập hồn nhập vía vào làng văn xóm chữ. Ngày ấy ngộ chữ tôi kể chuyện bằng chữ in hịch như ông vung bút: “Ngày nay, người cầm bút dường như có một cái khuôn được đúc sẵn; ở đó, người ta chỉ làm mỗi một công việc đơn giản là… “rót” tồ tồ chuyện của mình vào. Họ không sáng tạo mà chỉ chế tạo. (zarathustrainsara). Họ kể chuyện chứ không dựng chuyện.”

Nói một câu tròn vành rõ chữ ấy là chưa kể làm như bị trời đày, ngộ chữ tôi nhập nhằng với truyện không cần có truyện. Nảy sinh việc trích dẫn những văn bản vay mượn chữ nghĩa của những người đi trước vá chỗ này đắp chỗ kia như vá váy đùm, váy đụp. Cái tôi của một tôi len chân vào chuyện chút ít thôi…

Để dẫu chuyện về ngày ông đăng đàn về khổ nạn chính tả viết sai hay đúng. Hôm ấy, tôi ngủ… quên. Nhưng không quên mình gia dĩ là Bắc kỳ đặc, thổ ngơi đồng chua nước mặn nên ngọng túi bụi với s-x, ch-tr. Vì vậy viết sai… “chánh tả“ luôn.

Bởi biết thân biết phận nên nhường chỗ cho tác nhân Nguyễn thị Ngọc Dung…

Có đúng là người viết sai chính tả không, hay là do phương ngữ, hoặc chữ cổ. Hay chữ ấy có thể viết hai cách, v.v… Chứ không hẳn đã là viết sai. Trong khi đó, người đọc lại hay bắt bẻ, nhưng lại không quán triệt mọi khiá cạnh. Bởi thế còn tuỳ. Nói chung, người viết cần viết cho chính xác về ngữ vựng (vocabulaire) trước đã. Còn văn phong là chuyện khác. Gọn gàng, nhưng không có nghĩa phải đóng khung, cứng ngắc. Nhất là khi luận bàn văn chương, chưa nói đến phê bình văn học, chẳng nên phê phán máy móc, không khéo sẽ… hết cả chất văn chương.

Không những thế nhiều người dùng chữ hoa bất cứ chỗ nào trong bài viết để nhấn mạnh ý muốn nói… Với những chữ viết hoa không đúng chỗ làm nặng nề hình thức trình bày của bài viết. Nhất là không cần tô đậm và gạch đít chữ tùm lum mà người đọc vẫn hiểu tác giả muốn trình bày điều gì.

Vừa rồ mồm ông là “Chính tả nhân“, lại là nhà thơ, vậy mà ông ơ hờ với chữ là nghĩa (của Lê Đạt, hay Trần Dần?) qua những truyện ngắn của ông. Với chữ, ngộ chữ tôi vay mượn Nguyễn Hưng Quốc: “Không có chữ hay chữ dở, chữ tục hay chữ thanh, chữ cũ hay chữ mới. Chỉ có những chữ dùng đắc thế hay không mà thôi. Được dùng đắc thế, chữ sẽ không còn là những cái xác nằm bẹp gí trên trang sách, như chúng vốn nằm vậy, trong các cuốn từ điển. Mà chúng trở thành những sinh vật biết ngọ nguậy hay biết nhảy múa, và sau đó, có thể toả ra mùi khiến người đọc nếu không ngạc nhiên một cách thích thú thì ít nhất cũng chú ý; từ đó, ghi nhớ.” Với mùi, qua nhà văn Phùng Nguyễn rõ nghĩa hơn với hơi văn, hơi chữ: “Tất nhiên nhà văn phải biết cách… chấm câu.” Nếu chữ là yếu tố của câu. Câu ngắn câu dài, hay chữ đẹp, chữ đắt. Câu, chữ, quánh, nén, tạo ra rất ít lời, lại nhiều việc. Hơi chữ bốc lên hăng hăng và cay không kém gì mùi ớt (hiểm) thì những câu mới tạo nên một bài văn có văn phong.”

Một tôi vẫn lẽo đẽo theo chân bà Phạm Thị Hoài đi tìm truyện ngắn có tựa đề kỳ bí. Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu, đi theo vết trâu đái tôi gặp Những điều chưa nói. Bụng bảo dạ đây cũng là truyện ngắn cuối cùng để kết thúc Mưa nắng phiếm chuyện. Hơ! Ngay phần vào chuyện: “Không biết bao nhiêu lần rồi Phong tự hứa bỏ thuốc.” Ha! Thế là “yên” bộ thảo chỉ cây thuốc, “yên” bộ hoả chỉ khói là đây. Ngộ chữ tôi lau lắt nho táo ở cuối con đường chữ này, vì theo nhà văn Mai Thảo: “Nhà văn nên biết chút ít chữ Hán. Nếu viết văn không có chữ Hán giống như ngồi ghế không có cái dựa lưng.” Ông Mai Thảo viết thế, vậy thôi, thế đấy.

Ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối thì Những điều chưa nói… không có gì để nói. Nếu có chỉ… lạ một nhẽ vẫn cảnh xưa chốn cũ: “Phong và Châu ra phi trường đón mẹ con Phương Lan. Quang cảnh phi trường rất lạ…” Ngoài kết luận êm ả: “Chuông đồng hồ đổ 12 tiếng, báo hiệu cho Phong biết đã hết một buổi sáng bình yên.” Khi không trong đầu củ chuối tôi mọc măng ra câu của cụ Nguyễn Tuân: “Có lối viết đưa ra kết luận rõ ràng, dứt khoát, có cách viết không kết luận, để tự người đọc kết luận lấy, gọi là lối nóng, lối lạnh.” Tôi thích lối thứ hai này. Giậu đổ bìm leo, một tôi cũng thích cung cách kết luận… nóng, lạnh của ông bạn hồ trường. Thề trước bóng đèn vịt lộn, ngộ chữ tôi nhớ chữ đực chữ cái ai đấy hành ngôn hành tỏi câu văn phải có âm thanh, hình ảnh. Đại thể: “Nhiều người viết được những câu văn tuy đúng ngữ pháp nhưng câu nào cũng giống câu nào, tất cả đều đầy đặn và bằng phẳng, hàng nối hàng suôn đuột, cứ trôi tuột qua mắt người đọc, không để lại một ấn tượng gì cả.” Tôi hình dung câu văn tạo ra âm thanh, thêm hình tượng mở rộng tầm liên tưởng của người đọc. Mỗi bài chỉ cần vài ba hình tượng chính. Ít. Nhưng thật ấn tượng.

Với hình ảnh, âm thanh qua kết luận đầy ấn tượng của “Những điều chưa nói”, “Chuông đồng hồ đổ 12 tiếng.” Tôi tưởng tượng nhà ông tửu lạc vong bần có cái đồng hồ cổ lõ sĩ, có con chim thò đầu ra khỏi chuồng cu kêu…. “cúc cù cu… cúc cù cu…”

* * *

Trước khi chấm hết Mưa nắng phiếm chuyện, bởi mót chân, tôi lò dò lên Lời tựa – Nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân xem có gì trùng lặp hay ủng oẳng với… tôi không.

Đang lò dò như cò ăn đêm thì hụt cẳng rơi xuống ao… có bài Diễm xưa

Tôi ớ ra vì lại thêm chuyện tình nữa, chuyện tình thời chiến đi bát phố mua giày Gia trên đường Lê Thánh Tôn. Nhưng cốt truyện vẫn vậy, ông vẫn lững thững đi… bên đời với mưa nắng. Ông vẫn mòn mỏi Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động – Làm sao em biết bia đá không đau Những chuyện tình có trọng lượng của ông trải dài đây đó thuộc thể loại cao không tới, với không xong, mặc dù ông cao 1 m 8 là ít… ít thấy.

Nhờ vậy một tôi mới có Mưa nắng bên đời đóng dấu bưu điện… 3 đồng 17 xu.

Với một nắng hai mưa, con cò lặn lội bờ ao tôi cũng đọc được Lời tựa và đón được câu: “Mưa nắng bên đời của nhân vật chính, nổi trôi qua hai giai đoạn chinh chiến và tha hương. Tập truyện mở ra với Giấc mơ phi công, chuyện về một người mê Đời phi công của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh.” Ngày trời tháng bụt, buồn tình bấm đốt ngón tay ông hoàn tất tuyển tập năm 2018, ông sinh năm 1944, tính sổ nợ đời ông 74, thất thập cổ lai hy có dư. Mục lục bài viết ông sắp xếp theo thứ tự thời gian, như đi cầu thang từ trên xuống dưới. Truyện ông viết đâu vào đó, không có những truyền kỳ chí quái, như canh khuya đèn tàn, giật mình, són người nghe mèo cái gào thét, gọi đực trên mái nhà. Hoặc những bất ngờ, bộc phá, nổi cơn. Muốn vậy phải bịa như thật, như Nguyễn Công Hoan. Nhất là bạo. Trong khi các cụ cổ lổ ta xưa triết lý củ khoai già thì già tóc già tai, già răng già lợi, đồ chơi không già. Vì vậy tôi tiếc hùi hụi sao ông không viết hùng hục như trâu húc mả với tình dục (dấu huyền). Nếu không ngượng tay thì hãy lất phất mưa bay với tính dục (dấu sắc). Nhưng ông tu từ với đại danh từ ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai hay ngôi thứ ba đây. Thảng như… “bạo“ qua ai đó: “Đêm thứ hai nằm trên người anh, vì tôi cảm thấy thèm muốn. Sao không chứ? Xin lỗi anh. Thực sự đối với tôi, sự việc ấy khá tự nhiên. Tôi ít gần đàn ông, nhưng tôi yêu con người nên tôi yêu những gì gọi là tự nhiên của con người, như những đòi hỏi của tôi chẳng hạn. Tôi nhớ một nhà văn nào đó, người Ý thì phải, đã coi động tác yêu đương là một việc làm rất người, không có tuổi. Có thể anh không cùng nghĩ như tôi, cũng như sẽ có rất nhiều người quan niệm khác tôi. Nhưng anh ạ, tại sao chúng ta phải xấu hổ khi đề cập tới việc ấy chứ? Tôi cho rằng phần lớn chúng ta bị thành kiến. Thật ra việc yêu đương đâu phải là tội lỗi.”

Một tôi mê muội con chữ và tình dục từ ngày nhập môn qua ngưỡng cửa của nhà văn Henry Lewis Mencken: “Viết văn cũng như làm tình.” Đèo bòng thêm James Joyce: “Viết văn là thủ dâm với chữ nghĩa.” Được thể ông Nguyễn Hưng Quốc bí rị qua lời bàn Mao Tôn Cương:

“Viết văn trở thành một cách hành lạc đau đớn của những người bị bất lực.” Nói cho lắm tắm cởi truồng, tôi tâm đắc với Henry Miller với câu: “Cái giường không phải để ngủ, cái giường là nơi chốn người ta thật với nhau nhất.”

Thôi thì cái tạng của ông nó vậy rồi, với gan to của con ngỗng béo, tôi đi guốc “cóc… cóc…“ nhảy bổ vào cái nghiệp của ông. Ông như Marcel Proust Đi tìm thời gian đánh mất, nếu Proust đi tìm quá khứ quanh quẩn ở cái cầu đầu làng thì… Thì ông xa rời cõi tục, nhưng lại mon men cõi trần ai. Tôi hoang đàng ông già tom, nấp sau nải chuối nhìn trộm con gà khỏa thân và thở ra khói yêu em đốt cháy cuộc đời, vàng tay khói thuốc vẫn còn yêu em. Nói cho cùng, mỗi tác giả có một dòng sinh mệnh với tác phẩm. Như… định mạng đã an bài. Như ông vẫn đi bên lề con đường tình ta đi không có… cái giường. Ông vẫn bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu lang thang cho đời mỏi mệt, trên đôi vai ta hai vầng nhật nguyệt, rọi suốt trăm năm một cõi đi về.

Vừa lóp ngóp leo lên bờ, chưa biết đi đâu bỗng cái cùi bắp reo như dế kêu. Bên kia đầu dây ông hỏi viết chưa. Không đợi tôi trả lời. Ông ậm ừ không gấp. Ngẫm ngợi một hồi lâu, ông hỏi viết văn khảo có cần chữ nghĩa hàn lâm không. Tôi thật thà như đếm, tôi mót chữ của nhà làm văn học Nguyễn Đăng Mạnh viết về ông Tô Hoài: “Ông chê nhiều người viết văn bây giờ thiếu chữ. Nhiều chữ họ không hiểu. Làm văn thì phải học chữ. Ông phân biệt cờ nhà chùa phải gọi là cờ “điều” chứ không phải cờ đỏ, sơn đen gọi là sơn “then”, quần đen gọi là quần “thâm”. Ông dạy văn: “Viết một câu, rồi câu thứ hai, câu thứ ba cùng đều đều như câu đầu tiên tức là tuột dần vào một thứ tẻ nhạt. Phải tránh đặt câu giống nhau, phải làm sao cho câu văn nổi bắp, nổi gân lên.”

Bóc ngắn cắn dài với nhà văn nữ Lê Minh Hà…

Những ngõi, nhảo, nhuôm nhuôm, tôi học từ bà nội tôi, các chị ở quê tôi. To hó, từ này tôi mượn của ông Tô Hoài trước năm 45. Ngẫn ngẫn tôi học được từ mấy anh chị đi từ miền Nam. Chỉn chu thì có trong tự điển. Vậy thì đâu có cần chú thích.

Dòm đất trời lẵng nhẵng một hồi lâu, chợt nghĩ ra trên đã có Lời tựa của nhà văn Nguyễn Mạnh An Dân, dưới chẳng thể thiếu Lời bạt của nhà văn Phạm Ngũ Yên. Trên đường rị mọ xuống miệt dưới, thân già vác dùi nặng, tôi vác theo cái nghiệp viết, khó viết nhất là viết “Tựa”. Nếu nhờ người khác viết giùm “Thay lời tựa”. Số ruồi… gặp người được gọi là viết “nháp”, họ viết siêu hơn tác giả mới đổ nợ. Nhưng lại có chuyện trái nắng trở trời như Tô Hoài, ông đọc chuyện có ai đấy viết tựa giùm. Ông thở ra như trâu hạ địa: “Người viết hình như chưa đọc chuyện của tác giả nên viết… bừa.”

Đang như vịt chống ba-toong xuống miệt dưới đụng “Lời bạt”, tôi mặt đực như ngỗng đực… Vì thường “Bạt“ do tác giả viết để gửi gắm gì đấy ở cuối sách với bạn đọc. Lời bạt đồng nghĩa với “Kết từ”, tác giả viết gì ấy để từ giã, như… giối giăng với độc giả. Tha ma mộ địa theo cụ Ngộ Không qua Chữ nghĩa làng văn thì giối, biến thể ngữ âm của trối. “giối già” hay “trối già” là làm việc gì được coi như lần cuối trong đời. Còn “dối già” (xem tr 7) là làm việc gì để nhân sinh quý thích chí trong tuổi già.

Lấy ngắn nuôi dài vậy, nhưng nhờ đọc Lời bạt có câu: “Bây giờ trước mặt tôi là tập truyện Mưa nắng bên đời. Không là tập thơ Cho quê hương, tôi, và tình yêu…” Đến đây, ngộ chữ tôi mới ngộ chứng ra ông bạn lúy túy càn khôn của tôi là nhà thơ trước khi là nhà văn. Hiểu tràn cung mây là nhà thơ nhiều chữ trừu tượng, ấn tượng, siêu thực, siêu ngã quá lắm. Nhà văn Ngũ Yên tả chân hơn nữa: “Tôi chỉ biết trân trọng những gì anh viết ra. Như một thức ăn có mùi thơm, văn anh là một mùi hương không thể phân tách. Không cần phải thêm bớt gia vị cuộc đời.”

Lại với chữ và văn nghe có mùi, tôi lại lây dây tới Kim Thánh Thán nằm trong bụi. Bỗng có một phù lãng nhân đi trong đêm dưới mưa, tay cầm quyển sách mới in còn nực màu giấy mực. Trong cõi ngu lạc trường, Thánh bật dậy. Đêm vào sâu, Thánh nhũn não lãng nhân đây phiêu lãng quên mình lãng du với lý do rất củ chuối khi trong lòng có mưa gió thôi. Không cần khụt khịt mũi ngửi, Kim Thánh Thánh phán:
– Sách nghe lau lách gió thổi mây bay, chắc chắn đây là Mưa nắng bên đời của Yên Sơn Trương Nguyên Thuận.

Như tôi vừa gió đánh đò đưa: “Con đường văn nghiệp của ông, trên con đường tình ta đi có chút ướt át, nhạt nhòa mưa không ướt đất, nắng không ấm đầu là đúng quá rồi.” Thế nhưng đọc đến đoạn văn của nhà văn Phạm Ngũ Yên: “Dù tôi chưa đọc nhiều từ Yên Sơn… Nhưng dường như đâu đó, giữa những dòng chữ đơn giản không màu mè, không biểu ngữ mời gọi vẫn là những lời có cánh.” Lạy thánh mớ bái chứ… chứ với câu văn khó hiểu một cách vừa phải, ngộ chữ tôi lụi đụi theo văn sử: “Nếu như nhà văn là người viết những điều hết sức dễ hiểu thành… khó hiểu thì… Thì Yên Sơn Trương Nguyên Thuận viết đơn giản không màu mè là gì đây?!” Nhưng nhà văn Phạm Ngũ Yên chỉ vô tình đánh rơi hai chữ biểu ngữ, như Phạm Thiên Thư đánh rơi hạt mận bên đường, xuân sau mọc giữa chân thường cội hoa. Vồ được hai chữ biểu ngữ. Ngộ chữ tôi bám như cua cắp vào ông nhà văn Trần Doãn Nho: “Chữ đuổi bắt nhau, vật lộn nhau ngay trước mắt nhưng ta không hề thấy. Ngược lại, ta nghe, ta ngửi. Y như những con chữ có thể bốc lên, tỏa ra.” Nghe có hơi. Tôi gọi là hơi chữ. Qua chữ đuổi bắt nhau, vật lộn nhau… Ngộ chữ tôi vật được cái kết cú, nghĩa văn chương thiên cổ sự là… câu văn kết luận. Là… lôi thôi, lung tung lắm thế này.

Trong cái tâm thái viết khảo văn là kể câu chuyện văn của ông. Trong cái khuôn được đúc sẵn, với hiện tượng thật, hư cấu giả, tôi… “rót” tồ tồ những lộng ngữ của mình vào. Bài khảo chữ này đây… “viết cái gì”, “viết như thế nào” đâu vào đấy rồi. Đến đây là phần đúc kết. Bởi Mưa nắng phiếm chuyện có dạng phiếm với lang thang, vô định. Từ lang thang với chữ có hơi, có mùi, câu có câu bẹt, câu nổi cơ bắp. Rồi phang ngang bửa củi tới chính tả nghiệp dư của ông hồi nào chả hay! Nhờ vô định, vô thường, nhờ viết để dối già chứ chả phải trối già hay giối già, ngộ chữ tôi góp nhóp được văn phẩm của những tác giả đi trước, như những hạt mận đánh rơi bên đường. Thảng như góp nhặt qua cụ Nguyễn Tuân: “Viết truyện phải có kiến thức lịch sử, địa lý, phải có nhân vật. Nhân vật truyện không bị gò bó, muốn làm gì thì làm.”

Ngộ chữ tôi hoán dụ lịch sử thành… tiểu sử trích ngang.

Với nét ngang sổ dọc, tiểu sử ông có đầy đủ bút hiệu, tên thật, năm sinh, sinh quán. Con đường hoạn lộ của ông ngập ngụa thơ túi rượu bầu Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu – Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Vọng văn sinh nghĩa ông là lính tàu bay… cao 1 thước 8. Trước 75, ở Sài Gòn ông lái… Lambretta. (Diễm xưa tr 27)

Với địa lý, vì chỉ biết gốc tích ông ở Quảng Ngãi.

Bèn đưa địa chỉ ông vào bài viết: 22766 Cypresswood Drive – Spring, TX 77373. Với thành phố Sping, vô tình đùn chữ với… xuân sau mọc giữa chân thường cội hoa. Mảnh đất Sping xuân thì nằm gần khu rừng thông cao vút Woodlands có Lake Conroe. Sa đà trong văn có hình ảnh, tôi hình tượng ra ông quan một tàu bay (tr 25), nơi ông ở đầy huyễn tưởng rằng xưa có gã từ quán lên non tìm động hoa vàng ngủ quên. Mặc dù như Kim Thánh Thán ngủ trong bụi, nhưng tay ông ôm khư khư 21 tự sự, mạn ký, tự biên, và những truyện tình. Chuyện tình ông ôm dưới cội hoa để ngậm ngùi hồn em đã chín mấy mùa thương đau… cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi.

Cụ Nguyễn Tuân dạy nhân vật muốn làm gì thì làm, giữa chân thường cội hoa, tôi lẫm đẫm trong mưa thao thiết văn nghiệp ông làm thơ, làm văn. Khổ nỗi khúc sau cụ Nguyễn viết: “Nhà xuất bản bảo ông A. France viết truyện ngắn. Ông ấy nói, tôi làm gì có thời giờ viết truyện ngắn.” Ừ thì với Mưa nắng phiếm chuyện, bởi ngộ chữ tôi viết để dối già nên tiêu pha thì giờ in ít thôi: Sáng lóp ngóp dậy 3 giờ 30. Vật lộn với chữ nghĩa mất 6 ngày 5 đêm. Mỗi ngày chỉ 14 tiếng. Trưa, trước khi đi vào giấc miên du, để mua chuộc yên sĩ phi lý thuần, tôi làm một ly vang to đùng. Chiều về, đuổi theo con chữ bay bay, chai Cognac còn thừa ông để lại, tôi làm hai, ba chung. Nắng quái chiều hôm la đà trên tàn cây, lễnh đễnh thêm hai loong bia nữa. Để nhìn khói huyền bay lên cây, bèn đốt một điếu. Trong cái đầu đất đang tính gì ấy… Nhìn xuống cuối trang 7, vừa lúc hết… chữ. Bèn gõ cái cái key cuối cùng của bàn gõ có dấu chấm. (.)
Hết.

Tính ra tôi đốt đúng… một cây thuốc lá có chữ “yên” của cụ Lê Quý Đôn.

Chiều xuống, nắng bò lổm ngổm ngoài sân cỏ Thạch trúc thảo lư. Tôi ngồi rù rù như con mèo, nhưng con mèo bợm rượu say bí tỉ. Thế nên đành rất tiếc thưa với ông mà rằng ngộ chữ tôi không có thì giờ để viết… ngắn hơn.

Thạch trúc thảo lư
Canh Tý 2020

Ngộ Không Phi Ngọc Hùng


« TRANG NHÀ »