Hắn và Tôi (*)

ngày 3.10.19

Phần 1:


Phần 2:

Phần 3:


“Ngược dòng thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng”
(Thanh Sơn)

Câu hát vang vang trong đầu khi tôi ngồi đây viết về hắn, nghĩ về những ngày tháng tử sinh chúng tôi đã một thời đi qua mà chạnh lòng thương cho kỷ niệm!

Hắn là khoá đàn anh của tôi. Từ lúc về nước nhận đơn vị – Phi đoàn 421 C.123K của Th/Tá Nguyễn Quế Sơn – tôi đã gặp hắn. Dù từ hồi quen biết tới giờ vẫn gọi nhau “mầy tao mi tớ” nhưng trong thâm tâm tôi bao giờ cũng nể trọng. Ngoài sự nể trọng vì vai vế “đàn anh đàn em” mặt “quân phong quân kỷ”, hắn còn là một người rất dễ thương, nói ít cười nhiều, hài hoà với tất cả mọi người trong phi đoàn. Hắn có hoa tay, có con mắt thẩm mỹ, thích trang trí mỹ thuật và rất chịu khó nên được các thẩm quyền để mắt tới những khi đơn vị cần đến. Vì thế, bạn bè thương tặng cho hắn nick name “Thuận thợ mộc”.

Ở PĐ 421 không bao lâu, chúng tôi được đưa qua phi đoàn tân lập PĐ425 của Th/T Nguyễn Thế Thân. (Vì nhu cầu tiếp vận cho các chiến trường sôi động khắp Miền Nam Việt Nam, C.123K được tăng cường lên 3 Phi Đoàn.) Sau khi C.123K giải tán để đổi qua C.130A, hai đứa cùng được chọn lựa qua PĐ 435 của Tr/T Lâm Văn Phiếu. Dù vậy, thời gian ghi dấu sâu đậm nhất giữa hai chúng tôi là thời gian ở PĐ425.

“Dấu sâu đậm” vì có lẽ lúc ấy hắn bắt đầu có tình yêu hò hẹn trong khi tôi vẫn chỉ yêu trời xanh mây trắng. Trong tờ phi vụ lệnh mỗi ngày, người ta chỉ ghi tên và họ với chữ tắt của nhân viên phi hành. Hắn là Thuận N và tôi là Thuận T.

Một hôm, vô tình cả hai chúng tôi cùng lúc vào phi đoàn xem Sự Vụ Lệnh Hành Quân. Hắn xem thấy tên hắn đi bay ngày hôm sau và tên tôi không có; hắn xoay qua nói với tôi, “Ê Thuận T, ngày mai tao lỡ hẹn với nàng đi chơi lần đầu tiên, mầy bay thế cho tao được không?” Tôi bất ngờ nhìn sang hắn, chợt nghĩ tới điều cấm kỵ được đồn đãi trong ngành bay, “Đi bay thế… dễ lên bàn thờ,” nhưng thấy nụ cười cầu tài trên gương mặt hiền lành của hắn, tôi mỉm cười gật đầu nhận lời và nói, “Được không, coi chừng bị phạt.” Hắn nói, “Thuận nào cũng là Thuận, miễn có người bay là được rồi.” Mà thật vậy, hôm sau đi bay, anh Trưởng phi cơ ngạc nhiên hỏi tôi có xem lộn không, tôi thành thực đem chuyện của hắn kể lại và được… thông cảm liền.

Thật ra, gia đình tôi ngoài Võ Đắt xa xăm, ở Sàigon tôi vốn là con bà phước nên ngoài việc đi bay, trực hành quân, tập võ và dạy lại cho nhân viên Không Đoàn, tập volley dù chỉ là trừ bị trong đội tuyển của KĐ53CT, tôi chẳng có việc gì khác, chưa nói tới chuyện lúc nào cũng thích đi mây về gió của tôi. Chính sở thích này đã khiến tôi trốn gia đình rời khỏi giảng đường vào thẳng Không Quân.

Và đây không phải là lần cuối hắn nhờ tôi cho đến khi chàng và nàng hẹn ước trăm năm. Ngày đám cưới của hắn tôi được ưu ái mời tới nhà dự tiệc. Sở dĩ tôi không dự Lễ Cưới ở nhà thờ vì là người “ngoại đạo”. Lần đầu tiên tôi tới nhà hắn. Nhà trần thiết rất đẹp cho tiệc cưới. Đặc biệt phòng dạ vũ, có lẽ hắn đã tốn rất nhiều công sức thiết kế. Nào là trần thạch nhũ với những ánh đèn màu lấp lánh rất lãng mạn; nhạc được chọn lọc và âm thanh vừa đủ sôi động cho một đêm vui. Quan khách toàn là thanh niên nam nữ, hầu hết ai cũng tham gia cuộc vui, nhạc cứ xập xình và sàn nhảy lúc nào cũng đông người. Tôi, dĩ nhiên, one-man-band-lonely-wolf như từng đã, ngồi trơ trụi một góc phòng nhìn người ta nhịp nhàng trên sàn nhảy mà đôi chân cũng rộn ràng nhịp theo. Trong lúc mọi người đang khiêu vũ, tôi chợt ngó phía cuối phòng có một nàng đang ngồi một mình cũng nhịp chân như tôi, tôi đánh bạo bước sang mời nàng… Nàng có vẻ ngạc nhiên ngó lên, “Xin lỗi, nhạc gần hết rồi mà.” Nàng nói xong thì nhạc chấm dứt thiệt! Tôi bẽn lẽn trở về chỗ cũ mà thấy quê xệ quá chừng. Được một lúc thì âm thầm “giã từ không nói.”

Dĩ nhiên, sau đám cưới, thỉnh thoảng hắn lại cười cầu tài với tôi cho đến khi cùng được chọn qua C.130A. Ở đây, vì hắn là đàn anh nên được chọn huấn luyện trước tôi. Hắn được ngồi vào ghế phi công còn tôi cũng đi bay nhưng chỉ xách thùng bản đồ hành quân và để ngó thiên hạ bay trong khi mình cứ phải nhìn trời mây… làm thơ.

Tình trạng này kéo dài cả vài tháng khiến tay chân tôi bứt rứt, muốn sớm được tự tay bay và đáp chiếc vận tải cơ tối tân nhất này một lần. Ước muốn bị kéo dài lê thê làm lòng tôi buồn phiền quá sức. Kịp khi bên Phi đoàn Tinh Long 821, C.119K, vận tải tác chiến tối tân nhất của KQVNCH vừa nhận được đang cần thêm Pilot. Nghe nói loại này có trang bị 4 súng minigun 6 nòng và 2 súng đại bác 20 ly cũng 6 nòng, với hoả lực tối đa, chỉ bay đánh đêm; tôi liền lên Không Đoàn xin đổi đơn vị, nhưng bị các thẩm quyền từ chối với hứa hẹn là chờ xong khoá huấn luyện này tôi sẽ được huấn luyện khoá tới. Nhưng khi xem danh sách khoá tới lại không thấy tên tôi, tôi bất mãn lên Không Đoàn nhất định xin đi. Thẩm quyền vẫn không cho, nói là cần tôi huấn luyện võ thuật và tham dự giải Volley sắp tới, nhưng lòng tôi đã quyết chí, “Không cho qua Tinh Long tôi sẽ xin ra bộ binh!”

Cuối cùng thì tôi xa hắn. Kẻ ban ngày người ban đêm, chia nhau ở hai đầu sinh tử. Ở Tinh Long một thời gian tôi lại nhớ những nơi chốn đã đi qua trong các phi vụ chuyển quân, thả dù, tiếp tế; nhớ bạn bè thân, tiếc chiếc phi cơ vận tải khổng lồ tối tân… lại nghe đồn Không Quân Mỹ sẽ chuyển giao loại C.130 tối tân hơn, có trang bị súng đại bác 105 ly hỗ trợ chiến trận, tôi lại muốn quay về. Tôi nhờ thằng bạn thân, “Phát volley”,con cưng của đội tuyển, xin ông Không Đoàn Phó Đ/T Nguyễn Hữu Thế (đang quản trị đội bóng) cho tôi trở lại C.130 nhưng… gạo đã thành cơm nên đành.

Ngày cuối tháng 4/1975, bất ngờ chạy xất bất xang bang, không ai bảo ai, thân ai người ấy lo còn chưa xong; tôi may mắn được Th/T Phan Vũ Điện, khi chạy ngang qua chỗ trạm Hàng Không Quân Sự thấy tôi đứng ngơ ngác giữa đường, kéo tôi theo làm Co-pilot, bay chuyến C.130 cuối cùng của đơn vị sang Utapao Thái Lan tỵ nạn, vào xế trưa, ngày 29/4/1975… Vừa vào trạm hàng không, tôi gặp hắn đang buồn rầu vì vợ con đã được đưa đi lánh nạn ở Côn Sơn từ khuya 28 rạng 29/4, hắn ở lại với phi đoàn nhưng cuối cùng cũng phải chạy nhưng phải chạy thẳng Utapao. Trong những ngày đó ai cũng hoang mang không biết sẽ ra sao, ai cũng buồn đứt ruột, rơi nước mắt khi thấy những chiếc huy hiệu KQVNCH và lá cờ vàng 3 sọc đỏ bị quân đội Mỹ và Thái Lan dùng sơn bôi xoá, nhất là khi nghe “Big Minh” tuyên bố đầu hàng. Thôi rồi vận nước!!!

Tôi và 2 chú em học trò, may mắn mang theo được, được đưa qua lều trại tỵ nạn Orote Point của đảo Guam vài ba ngày, chuyển lên khu tạm cư Anderson trong căn cứ KQ Mỹ vài hôm, rồi thẳng đường qua trại tỵ nạn ở căn cứ Không Quân Eglin AFB, Florida thêm hai tuần nữa thì được bà già nuôi bảo lãnh ra khỏi trại ngày 24/5/1975. Ngày 25/5 đi nhà thờ với gia đình bà già, sáng ngày 26/5/1975 đi theo một con chiên ngoan đạo của nhà thờ đi làm thợ vịn.

Bẵng một thời gian khá lâu tôi tình cờ gặp lại hắn và vợ con cũng ở San Antonio, đang đi làm… thợ mộc với gia đình người bảo trợ. Dù vậy, chúng tôi ai cũng đắm chìm trong âu lo cho hiện tại và tương lai nên không có dịp qua lại với nhau một thời gian khá dài.

Sau bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, năm 1991 tôi dọn gia đình về sinh sống tại Houston, được biết hắn đã là một nhà thầu khoán xây dựng nổi tiếng, đang có những công trình xây cất to lớn, và chỉ làm ăn với người Mỹ. Tôi rất mừng cho hắn.

Rồi khi đời sống đã ổn định, anh em bạn bè xưa tìm về với nhau để chắt chiu vui sống với những kỷ niệm của một thời. Dịp họp mặt nào hắn cũng tìm cách kể lại những kỷ niệm thân ái ngày xưa mà không hề bỏ quên câu chuyện tôi đã từng bay thế cho hắn. Chuyện ngày xưa của hắn, có thể rất cũ với anh em nhưng dường như chẳng bao giờ cũ trong tâm hồn hắn, và điều đó làm tôi cảm động.

Bây giờ tuổi đời đã cho chúng tôi biết mọi thứ là mây bay; hắn nói chỉ có lòng nhân ái và tình cảm bạn bè là lâu dài. Hắn cũng đã nghỉ hưu nhiều năm qua, con cái đã học hành thành tài, có nghề nghiệp vững chãi trong xã hội. Cũng như con cái của hầu hết mọi gia đình bên xứ sở này, chúng đã dọn ra ở riêng, bỏ lại cho bố mẹ một cơ ngơi đồ sộ nhưng trống lổng. Vợ chồng hắn hết làm thiện nguyện nơi này đến nơi khác. Tổ chức nhiều buổi tĩnh tâm cầu nguyện cho rất đông con cái Chúa tụ họp tại khu nhà riêng của hắn cho quý Cha, quý bà Xơ. Hắn dùng khả năng chuyên môn “thợ mộc” của hắn để phục vụ Chúa qua việc xây cất nhà thờ, xây nhà ở không những cho người Việt nghèo khó ở Thái Lan, Căm Bốt mà còn giúp cho những dân nghèo tận các nước chậm tiến xa xăm. Ngoài ra, vợ chồng thơ túi rượu bầu, dắt nhau ngao du sơn thuỷ. Hắn nói rằng nhờ ngao du mà vợ hắn thoát khỏi tay của “anh em nhà họ cao”, chứng khó thở cũng lẳng lặng ra đi không một lời từ giã. Tôi thật sự mừng cho hắn và hãnh diện về hắn.

Điểm nổi bật của hắn mà tôi chưa có dịp nói tới, đó là hắn đã hoàn toàn “vô nhiễm” với rượu bia, không cả thuốc lá được hơn vài chục năm rồi. Chỉ uống một ít cà phê khi vui với anh em. Nói chung đã vô nhiễm với “tứ đổ tường”. Cũng sử dụng smart Phone nhưng chỉ dùng để tìm đường và liên lạc con cháu, bạn bè đôi khi. Email nhờ vợ xem giùm. Tài kể chuyện cũng hay nhưng gợi ra rồi nhờ vợ kể tiếp. Cặp thần tiên này có quá nhiều điều lý thú khi đi du ngoạn đó đây. Những câu chuyện vợ chồng hắn kể nghe qua như những chuyện thần tiên. Chắc có một dịp nào đó, tôi phải ngồi nghe, lấy notes rồi viết giùm cho hắn chia sẻ với mọi người.

Cũng như nhiều lần trước, hôm họp mặt bất chợt vừa qua cũng ở nhà hắn. Không đông lắm, chỉ có hơn 10 người nhưng cũng rộn ràng, đình đám lắm.

Hắn được biết một người bạn – “Tư người ở” – cùng phi đoàn C.130 năm xưa ở Đức qua thăm California. Được nghe nói đời sống của Tư không khả quan lắm. Tư kẹt lại VN sau biến cố 30/4/1975, ở tù một thời gian dài, được thả ra thì vượt biển tìm tự do, may mắn được tàu Đức vớt và nhập cư luôn ở Đức từ đó đến giờ. Nghe nói Tư qua thăm Cali cũng do bạn bè mua vé. Hắn muốn Tư nhân tiện về họp mặt với bạn bè Houston một chuyến bèn nhờ “Khiêm nháy” lên email thông báo với anh em, kín đáo vận động mỗi người góp một ít, mua cho Tư một tấm vé khứ hồi. Mặc dù hắn thừa sức trang trải nhưng vì muốn dùng tình cảm anh em mới có thể thuyết phục “người ở” nhín bớt mấy hôm về thăm anh em, nhất là nhân dịp họp nhau thăm được “Bé đen”, bạn cùng đơn vị, đang bệnh nặng trong bệnh viện mấy tháng qua. Nói đúng hơn, hắn cho anh em cơ hội để thể hiện tình bằng hữu gắn bó.

Tại sao lúc nào có cuộc hội họp nhỏ của anh em đơn vị ở Houston cũng lại nhà hắn?

Tại vì trong đám anh em, dù có người thành công bao nhiêu cũng không thể có được một nơi lý tưởng như cơ ngơi của hắn. Vì là người trong nghề nên công việc dẫn dắt hắn mua được lô đất 10 mẫu rẻ rề, ở không xa thành phố nhưng lúc hắn mua, khu này chưa phát triển nên rất ít người biết tới. 10 mẫu đất với một cái hồ thiên nhiên rộng gần một mẫu, với con mắt mỹ nghệ và tay nghề của hắn, hắn đã biến cái hồ thơ mộng tuyệt vời. Hồ có cầu Nhật cong cong in bóng nước, có vài nhà ngủ riêng biệt, đầy đủ tiện nghi sát bờ nước, có chỗ ngồi câu cá, có thuyền nhỏ, có phà lớn lênh đênh mặt hồ với cả chục mạng có thể ăn nhậu ca hát trên đó trong những chiều Thu mát trời; sân sau, sân trước đều có chỗ ngồi năm ba chục người thoải mái, nhìn quang cảnh, nghe nhạc như cảnh thần tiên. Hắn lại xây thêm một hồ bơi rộng thênh thang cho những hội họp mùa hè. Chung quanh nhà hoa nở bốn mùa (mùa nào trồng không được chắc là đi mua), cỏ cây tươi thắm. Hắn xây đường đi bộ bằng xi măng sát bờ rào chung quanh 10 mẫu đất để tập thể dục. Từ ngoài đường vào tới nhà là một khoảng cách khá xa, hắn xây đường xe bằng bê tông cốt sắt có thể hai xe ra vào cùng một lúc, hai bên trồng cây xanh mướt rợp bóng bốn mùa, có giăng đèn cho đêm tối và những mùa lễ lạc.

Nhà của hắn. Dĩ nhiên tự thiết kế, tự xây. Theo hắn nói, lúc đầu chỉ xây đủ rộng rãi cho gia đình có 5 đứa con. Nhưng từ từ nó cứ lớn dần vì rất nhiều phen phải cố tìm việc cho công nhân làm trong những lúc chờ việc, hoặc những công trình có thừa vật liệu, dư nhân công. Căn nhà hết lớn chiều ngang tới dài chiều dọc… cứ thế thành một khu nhà đồ sộ hồi nào không hay!

Nhưng! Trên tất cả những nhu cầu vật chất đó, vợ chồng hắn có tấm lòng. Vâng, tấm lòng đạo hạnh, quảng đại, tình nghĩa. Vẫn muôn năm hài hoà với mọi người, vẫn luôn khiêm nhường, cười nhiều hơn nói. Những khi cần nói, lời từ bi luôn thể hiện qua từng câu chuyện, từng cách hành xử với mọi người, mọi giới. Tôi thật sự không khoe khoang giùm cho hắn, tôi cũng không cần gì ở hắn để xu phụng, để nói quá lời! Cám ơn đời đã cho tôi cơ hội làm bạn với hắn.

Một vài câu chuyện tiêu biểu hắn kể với anh em

Mười mấy năm trước, khi lũ rồng rồng còn quanh quẩn theo chân bố mẹ, hắn được người ta chỉ cho mua một căn nhà vacation home sát bờ cát, phía đông biển Galveston – khá rộng lớn – để lũ con vui chơi trong dịp lễ hoặc mùa hè, hoặc làm nơi tĩnh dưỡng những khi bị áp lực công việc đè quá nặng.

Nếu là tôi, có lẽ tôi sẽ cho thuê loại (airbnb) để kiếm thêm chi phí bảo trì những khi nhà bỏ trống… nhưng với hắn, “Nhỡ khi mình cần mà không có sẵn thì làm sao?” Những lúc không sử dụng thì đóng cửa để đó; nếu bạn bè thân quen, có biết đến căn nhà này, muốn mượn một hai hôm cũng OK; và vì thế, có một vài lần hắn cho tôi làm chủ mấy ngày.

Thế nhưng, sau trận bão dữ dội năm 2009, căn nhà bị tàn phá, thiệt hại 100%, hắn không buồn sửa sang mà cứ để cho miếng đất mặc sức nằm phơi sương tắm nắng, ngó biển xanh. Khi đã nghỉ hưu hoàn toàn thì bận vác ngà voi và cùng vợ đi chơi đây đó. Nhất là khi triệu chứng dị ứng của vợ càng ngày càng tăng nên hai người dắt nhau đi lên những miền cao đổi gió.

Trong chuyến đi vùng đồi núi Pagosa Springs, Colorado, vợ hắn thấy trong người khoẻ hẳn ra. Loanh quanh ngắm cảnh, hai người bỗng thấy một căn nhà đề giá bán. Hắn thử hỏi thăm được cho biết giá cả rất hấp dẫn nên dự định mua để làm nơi cho vợ dưỡng sức.

Đang khi chưa biết lấy tiền đâu để mua căn nhà này thì hắn nhận được tin nhắn của một cơ sở buôn bán Vacation Homes ở Galveston muốn mua miếng đất bỏ hoang của hắn với giá rất có lời so với lúc hắn mua. Thế là thuận mua vừa bán, hắn lấy tiền đó mua căn nhà vùng Pagosa Springs mà vẫn còn thừa tiền đi chơi tiếp.

Hắn biết là tôi rất thích du ngoạn ngắm cảnh để tìm cảm hứng, tài liệu viết vẽ nên đã vài ba lần ngỏ lời mời vợ chồng tôi đi lên đó chơi với vợ chồng hắn một chuyến. Dĩ nhiên là tôi rất thích đi nhưng vì công việc hàng ngày chưa bỏ ra được nên cứ hẹn và tiếp tục hẹn.

Có vài lần gặp nhau, hắn tâm sự với tôi, “Nhà bỏ trống thường xuyên như vậy, bồ nghĩ là mình nên biến khu nhà này thành Party Hall, cho thuê tiệc cưới hoặc họp bạn, tiệc tùng để có thêm ít tiền làm thiện nguyện được không?” Tôi khuyến khích đó là ý tưởng tuyệt vời. Mọi thứ đã sẵn sàng, phong cảnh tuyệt đẹp, hoa cỏ, hồ nước, ghe thuyền, nhà bên hồ, phòng ốc thênh thang… chỉ cần sửa sang thêm một ít là xong. Và… tư tưởng đó cứ xâm chiếm tâm hồn hắn mà hắn vẫn chưa có động lực thúc đẩy.

Ngày tháng cứ vô tình đi tới và vợ chồng hắn cứ đi tiếp, đi tiếp…

Cho tới một hôm vợ chồng hắn trở về thăm nhà. Hắn nhận được thư mời họp của thành phố dành cho dân cư trong khu nhà của hắn. Đây không phải là lần đầu. Những buổi họp khu xóm xảy ra rất thường khi có vấn đề gì mà thành phố hoặc khu xóm cần thông báo, thảo luận với cư dân trong khu như bầu cử Ban Điều Hành của khu xóm, dân cư rác xả bừa bãi, ai đó thường bị làm phiền, nhiều người chạy xe tốc độ trong xóm, nhiều cư dân không chịu cắt tỉa sân cỏ thường kỳ… Thường thì hắn không đi vì bận công việc làm ăn.

Hôm nay hắn quởn, muốn đi thử xem họ nói việc gì.

Thành phố thông báo đang quy hoạch cho một con đường lớn đi ngang xóm của hắn. Những lô đất, nhà ở nào của cư dân nằm trên phóng đồ thành phố sẽ mua lại. Xem bản phóng đồ, thấy con đường sẽ cắt một phần đất gồm con rạch ranh giới của nhà hắn. Hắn nói con rạch của hắn sở hữu chứ không thuộc của công. Thành phố chịu đền nhưng để cứu xét và sẽ thông báo. Khi nhận được thông báo của thành phố cho biết sẽ đền cho hắn 40 ngàn đồng; hắn nói bờ suối nằm gần sát con đường bê tông hai lối đi vào nhà hắn, hai bên đường có trồng cây, có chăng đèn kết hoa, và phần cắt sẽ là con suối và một phần con đường xi măng; vừa mất vẻ thẩm mỹ của con đường cong cong đi vào nhà mà hắn đã dày công nghiên cứu. Hắn sẽ phải tốn công, tốn tiền làm lại con đường, trồng lại cây cối… Thành phố trả lời sẽ nghiên cứu và thông báo.

Hai vợ chồng lại dắt nhau đi chu du. Đi qua tận Costa Rica, ở trong một khu nghỉ dưỡng rất đẹp. Hàng ngày hai người đi loanh quanh ngoạn cảnh, xem dân cho biết sự tình, thong dong như cặp thần tiên. Cả hai vợ chồng đều rất thích phong cảnh, khí hậu và con người ở đây nên có ý dò hỏi mua đất xây căn nhà nhỏ cho hai quả tim… già nhưng không có manh mối gì. Vợ hắn vào internet tìm kiếm thấy giá đất cũng vượt ngoài tầm tay.

Đến những ngày gần cuối thời gian du lịch, thấy ông chủ khu nghỉ dưỡng xuất hiện chuyện trò với khách. Ông ta là một người trung niên, ăn mặc cũng xuề xoà nhưng vui tính và có nhiều cử chỉ thân thiện. Hắn vọt miệng hỏi chơi, “Ông là người giàu có và sống ở đây lâu, ông có biết ai có miếng đất hoặc căn nhà nhỏ muốn bán với giá phải chăng không?” Vợ chồng hắn quá bất ngờ với câu trả lời có của ông ấy.

Sau cú điện thoại với ai đó, ông ta hỏi nếu vợ chồng hắn muốn thì đi với ông ta để xem.

Sau khi xem xét, chủ nhân của căn nhà – mà vợ chồng hắn gặp là thương liền – cho biết họ đồng ý bán với giá 150 ngàn. Biết là giá cả đã khá rẻ so với những gì tìm thấy trên internet, nhưng vợ chồng hắn vẫn thương lượng đến con số cuối cùng cả hai bên đồng ý “thuận bán vừa mua” là 137 ngàn đồng.

Sau khi mua được căn nhà, ông chủ khu nghỉ mát và hắn trở nên thân cận. Trong lúc vui chơi trò chuyện với người bạn mới, hắn nói với ông bạn mới là sau khi sửa chữa căn nhà hoàn chỉnh, ngoài thời gian gia đình hắn sử dụng, hắn sẽ nhờ ông lo việc cho khách du lịch thuê. Số tiền thu được, ngoài những chi phí thiết thực, hắn sẽ dùng trọn vẹn phần còn lại cho công việc thiện nguyện, giúp đời, giúp cho những người nghèo khó ở các nước nhược tiểu. Ông bạn mới tỏ vẻ ngạc nhiên vô cùng với đề nghị bất ngờ của hắn. Ông nói với hắn trong đời của ông chưa từng gặp được người có tấm lòng hào sảng và nhân ái như hắn bao giờ.

Về tới nhà, hắn nhận được thư của thành phố. Hắn hối hả mở ra đọc… Trước con mắt kinh ngạc của hai vợ chồng, thành phố chịu đền tổng số tiền đúng 137 ngàn đồng! Họ chi tiết số tiền, đến từ việc di dời diện tích con đường nhà hắn, đếm từng gốc cây hai bên đường và trong phần đất thành phố mua lại, tính luôn những ổ điện bắt dọc đường, tính luôn các dây đèn treo trên cây dọc con đường vào nhà hắn, tính bao nhiêu công cán xây dựng lại… có nghĩa là rất chi ly, từng chi tiết dẫn tới tổng số tiền đền.

Hắn cho đó là một phép lạ! Là Chúa quan phòng đã bội hậu thưởng công cho hắn, giúp hắn thực hiện những ước mơ sâu kín trong lòng. Tôi cũng phải công nhận là một phép lạ. Hắn nói đối với hắn, tất cả những gì hắn có hôm nay đều do hồng ân của Thiên Chúa ban phát kể cả sự sống còn của gia đình hắn sau những thăng trầm sanh tử. Cuộc đời của hắn luôn có những cuộc hạnh ngộ ly kỳ kể cả việc gặp vợ hắn; sau hơn 47 mùa tình trôi qua mà tình yêu và hạnh phúc lứa đôi của họ vẫn là những xếp đặt tuyệt vời của Thiên Chúa. Hắn tuyệt đối tin vào những phép mầu được ơn trên ban phát cho gia đình hắn.

Hôm họp bạn vừa rồi, hắn có dịp chỉ cho tôi xem lằn ranh vàng do thành phố vạch ra từ trước tới sau, dọc chiều dài của 10 mẫu đất. Lằn vàng cắt một phần rất nhỏ con đường nhà hắn; hắn đã mất phần con rạch nhưng thành phố cho biết, thành phố sẽ giữ nguyên con rạch, chỉ làm cho nó an toàn hơn, đẹp đẽ hơn nhưng không xây rào cản. Tóm lại, tất cả sẽ giữ nguyên trạng sau khi xây dựng con đường mới. Chỉ cần hiểu rằng, từ lằn ranh màu vàng tới con suối từ nay là sở hữu của thành phố.

Tôi bất giác nghĩ tới dân oan cả nước Việt Nam, thốt nhiên mắt đẫm lệ!

Kingwood Đầu Tháng 10/2019

(*) Những gì tôi kể trong bài viết này hoàn toàn là sự thật, biết gì nói đó, nghe sao kể vậy, không hề cường điệu, khoe khoang cho hắn. Và tôi chắc chắn hắn không bao giờ muốn nói về hắn, mặc dù theo tôi nghĩ, hắn hoàn toàn có quyền hãnh diện về thành quả hôm nay sau những lao tâm khổ trí một đời xây dựng nó. Tôi quý mến và ngưỡng mộ hắn nên viết để chia sẻ với mọi người về một con người toàn thiện với tấm chân tình đối với mọi người, với bạn bè. Tôi cũng không có mục đích làm dáng cho tôi – một kẻ thất cơ lỡ vận cho đến cuối đời mà hành trang chỉ vẫn là tấm lòng sắt son với quê hương, đất nước.


« TRANG NHÀ »