Hạ-Vy, Ellie Vu, I Love You

ngày 8.07.19


(Viết cho bé Hạ-Vy, sắp sinh nhật 2 tuổi)

Hôm nay, sau những bận rộn trong ngày nghỉ, ông ngồi nhớ tới Hạ-Vy của ông. Viết vài hàng cho cháu cưng như một mốc thời gian để làm kỷ niệm cho cháu sau này.

Bây giờ đã là tuần lễ thứ hai của tháng 7/2019, có nghĩa là còn đúng 1 tháng 22 ngày nữa Hạ-Vy sẽ tròn 2 tuổi. Hạ-Vy Ellie Vũ sinh đúng lúc cơn bão Harvey tạt ngang qua Houston, tốc độ gió lên tới cấp 4 buổi sáng sớm, ngày 27 tháng 8 năm 2017. Sau khi bé chào đời, một ngẫu nhiên vô tình, cơn bão hạ xuống cấp 1 rồi tan đi vào ngày hôm sau.

Tính tới hôm nay, Bé Hạ-Vy là cháu đầu tiên và duy nhất của cả hai gia đình nội ngoại của nó; vì thế, con bé tận hưởng mọi sự thương yêu và nuông chìu của đại gia đình hai bên. “Đẻ bọc điều” là đây.

“Ngày xửa ngày xưa…,” khi bạn bè, hết người này nói “bận giữ cháu nội” đến người khác “bận giữ cháu ngoại”, không thể đi chơi đâu được! Chúng tôi chỉ cười không tin; có lẽ họ chỉ viện lý do để khước từ những cuộc họp bạn. Thấy tình cảnh đó, tôi nhớ có lần nói với nhà tôi, “Em chuẩn bị tinh thần đi, mai mốt có cháu cũng sẽ bận như người ta thôi.” Nhà tôi nói, “Cái vụ đó không có em, vì em vẫn còn phải đi làm để nuôi chồng.” “Đừng nói trước em ơi! Khi có cháu chắc sẽ quên luôn chồng như mấy người vợ bạn anh.” Nhà tôi mỉm cười, có vẻ không tin.

Kịp khi con gái đi sinh mà mẹ nó không đến được vì các ngả đường đều bị nước ngập; điện thoại cũng không liên lạc được, chỉ còn biết nghe radio để biết tin tức thời tiết. Thấy nàng cứ than vắn, thở dài; đi ra rồi lại đi vào làm cho tôi càng sốt ruột thêm. Đến khi liên lạc được điện thoại thì cứ phải căng mắt ngó vào màn hình Facetime.

Khi cơn bão ra đi, khi những con lộ đã được khai thông từ từ, có lẽ chúng tôi là một trong những người đầu tiên của thành phố này chạy trên đường tìm đến thăm con, thăm cháu. Có lẽ tình cảnh của ông bà nội của nó cũng chẳng khác gì, nên khi chúng tôi đến nơi đã thấy ông bà nội nó ngồi ở đó cười toe rồi.

Hạ-Vy là con vàng con bạc, là hạt kim cương quý giá nên mỗi hoạt động của nó đều được hai bên nội ngoại đón nhận, vui mừng. Từ cái cười mỉm trẻ thơ cho đến lúc nó mở mắt ngó quanh đầu tiên, đến tiếng ọ oẹ đòi ăn, đòi bú sữa đều là niềm hạnh phúc của hai gia đình. Rồi nó biết lật, biết bò, biết đứng lên, biết chập chững đi, rồi… chạy đều là những mầu nhiệm, là việc trọng đại, đều là nỗi háo hức, trông chờ của mọi người.

Sau ba tháng được ở nhà nuôi con, mẹ nó phải trở lại sở làm trong khi ông bà nội nó bận chăm sóc cho hai bà cố Nội và cố Ngoại bên đó, chỉ có thể giữ được mỗi một ngày Thứ Sáu và ông bà ngoại cũng bận làm việc toàn thời gian, chỉ rảnh cuối tuần, nên cháu đã phải gửi nhà trẻ 4 ngày còn lại. Gửi nhà trẻ là một chọn lựa duy nhất cho cha mẹ nó. Kể từ lúc gửi nhà trẻ, bé bắt đầu bị bệnh lắc nhắc hoài; bên nào cũng thương quá nhưng không thể làm sao khác hơn được.

Bà ngoại rất vui lòng giữ cháu cuối tuần… nhưng không được sự chuẩn thuận của cha mẹ nó. Mẹ nó nói, “Con chỉ có cuối tuần với con thôi mà mẹ!” Thế nên, chúng tôi chỉ có thể thăm viếng chứ cơ hội được giữ bé thì rất khó, trừ phi ba mẹ nó bận việc đi đâu mà không tiện mang nó theo. Nhà tôi cứ hỏi con gái, “Cuối tuần này con có bận đi đâu, mẹ giữ em bé cho;” Hoặc, “Bao giờ con có cần đi chơi đâu, cho mẹ biết mẹ giữ em bé cho;” “Con đi chỗ đó mang em bé đi bất tiện, để mẹ giữ nó nha?”; v.v…

Dẫu nhà chúng tôi chỉ cách nhà con, cháu có 30 phút chạy vù vù trên xa lộ thôi, nhưng đâu phải cuối tuần muốn tới thăm nó là cứ “tự nhiên như người Hà Nội” đâu! Phải có hẹn à nghen! Không hẹn trước thì có thể chúng nó đi đâu không có nhà thì hoài công; hoặc chúng nó đang cần ngủ nghỉ trong thời gian eo hẹp cuối tuần. Ban đầu tôi có hơi quạu nhưng nhà tôi khuyên là chúng nó hoàn toàn có lý nên đành xuôi theo… thời đại!

Nhớ lần đầu tiên vợ chồng con gái cần đi xa nhiều ngày, hỏi mẹ giúp con được không. Nhà tôi mừng quá sá, nói, “Mẹ có nhiều ngày nghỉ lắm, mẹ xin nghỉ ở nhà năm ba ngày không sao.” Mà nhà tôi nói đúng. Khi nào cần nghỉ thì nhà tôi nghỉ liền vì có lẽ sau mấy chục năm dài làm việc cũng đã thấm mệt; đã tới lúc “take it easy” rồi. Chỉ là tôi còn bận rộn với lũ học trò mỗi ngày mà chưa có người thay thế được nên đôi khi cũng vướng bận. Dù tôi có không làm gì cũng không đủ kiên nhẫn, chi ly lo cho con bé như bà ngoại nó được. Nhà tôi cứ hay phàn nàn tính tôi lơ đễnh, hay nghĩ chuyện trên trời nên không thể chăm sóc con nít bé xíu được. Cái mục này thì nàng hoàn toàn đúng, tôi chưa hề biết thay tã cho 3 đứa con của tôi.

Nhớ lần đầu tiên chúng nó có công việc ở xa lắm, báo cho chúng tôi biết sẽ “được” giữ em bé nhiều ngày. Nhà tôi mừng quá là mừng, lăng xăng lo đủ thứ cuốn tôi lo theo. Số là nhà cô em út của tôi có cái giường ngủ của em bé (như cái nôi) còn mới toanh, đã gỡ ra gói cất cẩn thận trong nhà để xe. Nghe chúng tôi sắp giữ em bé mấy ngày nên đánh tiếng cho anh chị. Tôi xem sản phẩm và vui mừng mang về liền, ráp để trong phòng ngủ sát bên phía nhà tôi nằm, tốn cả ngày trời mà trong lòng vui ơi là vui. Xong đâu đấy, chụp hình gửi khoe với con là chúng tôi đã có cái nôi rất an toàn, xinh đẹp cho cô bé.

Trước ngày chúng nó lên đường, thằng rể mang cả một xe pick up đủ loại tuế nhuyễn – cho một đứa bé – lên chất hết một góc lớn phòng khách của tôi! Nhìn đống đồ nó chất tôi phát ngợp! Kể từ lần đó, mỗi khi chúng nó đi xa nhiều ngày là nhà tôi tới ở luôn tại nhà chúng nó để lo cho con bé. Thế là việc… tôi mất vợ manh nha từ đấy. Nhưng trước khi “mất vợ” tôi đã phải ngủ phòng riêng mấy lần vì… ông ngoại “kéo gỗ” lớn quá sợ làm em bé giật mình.

Có một hôm tôi trực nhớ lời “tiên đoán” của tôi ở mấy năm trước, “Hồi xưa anh nói với em rồi, đợi khi có cháu sẽ biết.” Nhà tôi nói tỉnh bơ, “Em nói hồi nào!”

Không phải chỉ có nhà tôi mới mê cháu mà tôi cũng chẳng làm sao khác hơn. Chưa nói tới ông bà nội của nó cũng chẳng khác gì. Chỉ là ông bà nội nó có nhiều thời gian, nhiều cơ hội hơn chúng tôi vì ông bà đã hoàn toàn nghỉ hưu; ít nhất mỗi tuần họ chắc chắn giữ được nó ngày Thứ Sáu.

Những năm trước, trên Facebook, trên email thường thấy bạn bè khoe hình cháu nội ngoại đầy rẫy. Có lần tôi lầm bầm, “Đứa bé chẳng thấy gì đặc biệt mà cứ khoe nhặng lên!” Tôi tự hứa với lòng là sẽ không làm bận lòng người khác nhiều như vậy. Nhưng đến bây giờ mới nghiệm ra, hình ảnh nào của cháu mình cũng hay cũng đẹp, rất muốn chia sẻ niềm hạnh phúc với bạn bè. Và bây giờ, tôi viết điều này thay cho lời xin lỗi ai đó đã có lần bị tôi lầu bầu. Ra ngoài đường, thấy đứa bé gái nào cũng nhớ tới cháu mình. Thấy mấy đứa bé gái nắm tay người lớn chạy lúp xúp ở shopping mall, ở chợ quán cũng mơ tới một ngày nào đó ông cháu tôi cũng làm được như vậy. Trường tôi có mấy nhóc con gái mới 5 tuổi ghi tên học võ, tôi cũng cưng quý vì nghĩ tới lúc cháu tôi cũng sẽ ở tuổi nầy, cũng… nhưng lần đốt tay tính toán rồi buồn… Đến khi nó được 5 tuổi thì ông nó đã là một ông già hết gân rồi!

Còn một chuyện vui nữa.

Sau ba tháng, mẹ bé đã cho bé ngủ phòng riêng nhưng gắn camera để theo dõi hoạt động của nó trong đêm. Và khi nhà tôi có dịp giữ bé qua đêm thì cũng được dặn dò kỹ lưỡng, không được cho cháu ngủ chung và cũng phải cài cái Ứng Dụng cho camera vào phone như ba mẹ nó vậy. Không biết cho tới lúc này, chúng nó có biết là chúng tôi có thể theo dõi con bé hằng đêm bằng ứng dụng này ở xa hay không nữa.

Cách nay cũng nhiều tháng rồi, tôi bị hãng internet gửi cho một cái bill nợ mấy trăm đồng. Nợ internet hoặc bất cứ món nợ nào tôi cũng trả tự động và ít khi dò hỏi. Nhưng tự nhiên, rất bất ngờ, bị gửi giấy nợ thêm mấy trăm đồng? Tôi tìm tới hãng internet hỏi thì họ cho biết là dataline của tôi đã sử dụng quá mức quy định trong hợp đồng khá nhiều. Tôi nói với họ là từ ngày ký hợp đồng với họ cho tới nay, mỗi ngày chúng tôi đều dùng như thường, không thêm bất cứ một máy móc nào thì tại sao có việc đó xảy ra? Họ nói là không biết nguyên nhân nhưng thấy dataline của chúng tôi đã bắt đầu tăng lên kể từ ngày xyz… tôi gãi đầu, bứt tai vẫn không biết nguyên nhân nào. Lúc đó thằng lính vẫn còn ở chung với chúng tôi nên tôi gọi hỏi, được nó cho biết cũng chẳng có gì khác hơn từ xưa tới giờ. Sau vài tuần tôi vẫn không tìm ra nguyên nhân và tới lúc phải trả nợ. Hãng thấy tôi cứ hỏi đi hỏi lại, họ mở máy chỉ cho tôi biết giờ cao điểm sử dụng dataline là thời gian buổi tối và cuối tuần! Suy đi nghĩ lại tôi chắc là phải có liên quan tới cái Ứng Dụng theo dõi con bé trên điện thoại của nhà tôi, vì hãng cho tôi thấy giờ giấc thì quả nhiên y chang giờ chúng tôi dùng Ứng Dụng đó. Khi đã biết chắc như vậy tôi nói với hãng tôi sẽ không sử dụng nó nữa vì không thể trả tiền quá nhiều hàng tháng như vậy được. Hãng nói với tôi nếu cái Ứng Dụng đó cần thiết thì không nên bỏ. Họ sẽ bớt cho tôi một phần ba số nợ và nếu tôi chịu trả thêm $10 mỗi tháng thì được dùng tự do, không giới hạn. Nghe vậy tôi mừng quá, chịu liền.

Niềm vui của chúng tôi là mỗi đêm canh chừng ba mẹ bé cho bé đi ngủ. Ba mẹ nó thường chơi đùa, đọc sách cho nó trước khi bỏ vào giường ngủ. Nhìn hình ảnh đó cũng đỡ nhớ rất nhiều. Mà con bé này ngộ ghê. Dù vừa chơi đùa nghịch ngợm với mẹ nó cách nào đi nữa nhưng hễ bỏ nó vào giường ngủ thì nằm ngủ tỉnh bơ. Thường thì buổi sáng nhà tôi đi làm sớm nên chỉ xem hoạt cảnh của con bé vào những sáng cuối tuần hoặc ngày nghỉ.

Mỗi sáng nó thức dậy, nằm chơi với mấy con thú nhồi bông hàng giờ mới ý á lên tiếng cho ba mẹ nó biết. Nhiều lúc thấy khá trễ mà vẫn không thấy ba mẹ nó cho nó dậy chúng tôi thấy thương con bé vô cùng, chỉ sợ ba mẹ nó ngủ quên, nhưng không dám gọi đánh thức ba mẹ nó vì sợ… bể mánh rồi chúng nó bắt xoá bỏ cái Ứng Dụng thì buồn chết. Thế nhưng cũng đã có vài lần cuối tuần, thấy đã gần 9g sáng mà con bé vẫn cựa quậy một mình trong nôi, xót ruột quá nên gọi, vờ như chỉ để hỏi thăm thường lệ hoặc rủ vợ chồng nó đi ăn sáng dưới phố vậy.

Cái Ứng Dụng này có thể nói được nhưng nhà tôi nhất định không cho tôi lên tiếng vì sợ ba mẹ nó biết chúng tôi vẫn theo dõi con bé. Vì một hai lần thấy con bé khó ngủ cứ đứng lên, nằm xuống nhiều lần, nghe mẹ nó bảo “Ellie! Go to sleep,” thì thấy nó nằm vật xuống ngay và cố làm như đã ngủ…

Có một điều làm chúng tôi có hơi bận tâm là cháu sắp được hai tuổi vẫn chưa nói được ngoại trừ mấy tiếng baba, mama, bế, ạ… Tuy vậy, biết rất nhiều, vì ở trường Montessori người ta dạy con nít sign language, dọn dẹp ngăn nắp, vẽ hình trên giấy, nhận biết được vài chữ abc và những hình vẽ vuông tròn. Biết chọc phá làm lơ với ông bà rồi toét miệng cười, thích coi video của chính mình trong phone, thích nghe nhạc, thích nghe đọc sách, thích hình ảnh thú vật trên computer, trên phone nhưng rất ít chịu ngồi yên một chỗ lâu, rất năng động như con trai, và chạy nhiều hơn đi… trừ lúc chuẩn bị đi ngủ.

Chúng tôi vẫn trông mong đến cuối tuần có cơ hội tới chơi với bé Hạ-Vy dù biết rằng không phải cuối tuần nào cũng được. Đôi khi chúng tôi lỡ bị sổ mũi, ho hen cũng không thể tới thăm nó được; vì sợ lây bệnh thì khổ cho thân nó lẩn ba mẹ nó. Lâu rồi thành quen, khi nào thăm được nó chúng tôi cũng hạnh phúc vô cùng. Bé khá thông minh, xinh đẹp nhưng chưa có vẻ cao lớn như ba mẹ cháu. Hy vọng cháu mau biết nói và được ẩn tàng cái gene cao lớn và thông minh của ba mẹ nó.

Cháu của ông sắp được 2 tuổi rồi. Ông ngoại chúc lành cho cháu. Chóng lớn để chạy loanh quanh với ông bà ngoại một thời gian trước khi vào trường học. Cháu nên nhớ, Hạ-Vy là tên ông ngoại đặt cho cháu, được bà ngoại và đại gia đình bên ngoại rất yêu thích, dùng đến dù trên giấy tờ, ba mẹ cháu đã chọn là Ellington Hương Vũ, gọi tắt là Ellie Vũ nghe na ná như I Love You cũng hay và ý nghĩa vô cùng… Nhưng dù thế nào, cháu vẫn là Hạ-Vy, là Ellie Vũ, we all love you.

Rừng Vua 5/7/2019


« TRANG NHÀ »