Lan Man Với Tình Và Nghĩa

ngày 6.06.19


Tình thương yêu đượm nhuần nhân ái
Nghĩa thầy trò trọng đạo tôn sư

Tôi có thói quen ngủ dậy thường tự động đúng giờ, bất kể ngày nào trong tuần. Cứ khoảng 7g30 sáng là ngồi bật dậy dù chẳng có công việc gì hệ trọng. Nếu hôm nào lỡ ngủ say quá 8g là thấy hối tiếc lắm; tôi thường tự nhủ, “Mai mốt mặc sức mà ngủ!”

Nhưng hôm nay cuối tuần, nhìn đồng hồ thấy đã 8g sáng vẫn nằm trùm chăn, cảm được hơi lạnh bên ngoài len qua những khe trống. Hơi ấm của nhà tôi nằm bên cạnh và tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà khiến cơn lười biếng có cơ hội tác động trên cái thân thể nghỉ hưu lấy cớ nằm thêm. Đầu óc lan man quay nhìn kỷ niệm…

Cũng đã hơn 10 năm, kể từ ngày tôi “mất dạy vô lương” sau bốn năm thức khuya dậy sớm trong nghiệp phấn trắng bảng đen và bài làm, bài thi của học trò cấp Trung học, ở ngôi trường mang tên Westfield High, phía tây của thành phố Kingwood, thuộc khu học chánh Spring.
Tôi nghỉ dạy vì thấy tình thầy trò bên Mỹ quá bạc bẽo; bao nhiêu tâm huyết của mình không giúp được lũ học trò lớp 12 ham chơi thể thao hơn là ham học (những em chơi giỏi thể thao được nhà trường nâng đỡ, bảo bọc tối đa nên chúng sinh lòng kiêu ngạo; sách vở đối với chúng nó là thứ yếu, không đáng quan tâm). Và tôi đã không thể vượt qua nổi những trò chơi thành tích của Ban Quản Trị học đường sau nhiều lần lên tiếng, than phiền. Sự nghỉ dạy đột ngột của tôi làm cho Ban Giảng Huấn chới với; họ mời tôi họp tới họp lui để cố lưu giữ… nhưng lòng tôi đã quyết.

Tôi bỗng thấy thương quá những thầy giáo khó tính đã đi qua trong đời. Người ta thường bảo, “Có con mới biết lòng cha mẹ;” cũng giống vậy, không làm thầy thì đâu có hiểu được tấm lòng của thầy đối với học trò của mình. Thầy nào không muốn học trò mình siêng năng, ham học, có nhiều triển vọng tương lai. Nhưng số đông học trò thường không ưa thích các thầy cô khó tính, và tôi không ngoại lệ. Qua kinh nghiệm bản thân, dù ngắn ngủi nhưng cũng đủ để cảm nhận và yêu mến thầy cô nhiều hơn.

Cái hoài bão muốn học trò mình trở thành “ông nọ bà kia” trong tương lai… tôi đem áp dụng ở trường võ. Tất cả võ sinh đều phải nộp phiếu điểm (grade report) mỗi khi xong một học kỳ. Mỗi võ sinh đều được nói chuyện riêng với kết quả ghi trong phiếu điểm. Tôi cùng xem với các em cột điểm nào tăng, cột điểm nào giảm; điểm hạnh kiểm trong suốt học kỳ ra sao. Tôi đặt ra những giải thưởng khuyến khích đặc biệt cho các em đạt điểm toàn A và hạnh kiểm tốt toàn diện. Các em được vinh danh trong các lần thi lên đai, được vớt điểm trong các mục thi yếu kém. Em nào bị sụt hạng, kém điểm sẽ bị lưu ý và nếu cần bắt nghỉ tập võ một thời gian, dài ngắn tuỳ mức độ hệ trọng của vấn đề; tệ đến mức nghiêm trọng tôi sẽ cho nghỉ luôn, cắt bỏ hợp đồng. Tôi luôn luôn nhồi nhét vào đầu óc các em, “Rất quan trọng cho tương lai các em là ít nhất phải xong 4 năm đại học, nhất là các em đã mang huyền đai. Các em bỏ học ngang, vi phạm những lỗi lầm nghiêm trọng, hình sẽ bị tháo bỏ khỏi Tường Vinh Dự (Wall Of Honor).”

Một võ sinh của tôi muốn được dự thi lên đai đen… ngoài thi thể lực, thi quyền, thi đấu, thi công phá, thi viết, các em phải có một trình độ kỹ thuật khả quan nhất định, phải có điểm học bạ C tối thiểu và điểm hạnh kiểm không có chỗ nào ghi điểm xấu. Khi đậu được huyền đai, sẽ được treo hình trên Tường Vinh Dự.

Nhớ xưa, khi tôi gọi cho biết quyết định nghỉ dạy, nhà tôi reo vui trong điện thoại như chính nàng được nghỉ không bằng! Vâng, nàng đã từng khuyên tôi nghỉ dạy mỗi lần nghe tôi lầu bầu về trường lớp, học trò; nhất là thấy tôi nhiều đêm về sáng vẫn mải mê chấm bài, soạn bài giảng… sáng sáng dậy rất sớm chen lấn cùng xe cộ trên đường tới lớp; rồi chiều chiều lại tất bật điều hành trường võ cho tới tối. Một ngày của tôi no đầy công việc, cả trí lực đến thể lực khiến nhiều lúc tôi đâm ra bẳn gắt vô lối. Nàng thường nói, “Mình đâu cần có nhiều tiền đâu anh, các con đã lớn hết rồi, không nợ nần, không thiếu thốn thì mắc chi phải cực khổ quá sức!”

Nói thì vậy, nhưng sau gần ba mươi năm chung sống, nàng đã thừa hiểu cái tâm huyết của tôi trong lãnh vực giáo dục như thế nào. Chỉ vì ưa thích công việc giáo dục nên tôi đã bỏ qua nhiều cơ hội tìm được việc trong ngành chuyên môn điện toán, dù số lương bổng chỉ có hơn một nửa so với những năm làm việc ở hãng Hewlett Packer ngày nọ.

Thế là bốn năm “túi bụi tất bật” đã trôi qua như giấc mộng dài! Ngày tôi rời khỏi khuôn viên học đường trong niềm rưng rưng nuối tiếc với đoạn thơ như sau:
…Nghe nặng bước chân

Nỗi buồn giăng mắc

Quay ngó lại sân trường một lần sau chót

Giọt nắng lung linh cùng tiếng ve sầu

Tuổi trẻ bây giờ biết sẽ về đâu

Khi bụi phấn, bảng đen, thầy cô, sân trường, sách vở…

Chỉ là những hình ảnh nhạt nhòa trong tâm tưởng các em?!

(giã biệt sân trường 14/10/2008; http://thovanyenson.com/?p=1737)

Nghĩ tới đây chợt buông tiếng thở dài. Nhà tôi có lẽ cũng đã thức rồi nên khi thấy tôi cựa mình thở dài, nàng xoay qua ôm choàng người tôi, đặt chiếc hôn nhẹ trên má, thỏ thẻ:
– Có chuyện gì làm anh thở dài vậy?
– Trực nhớ tới những tất bật của năm tháng dạy học!
– Đã xưa như trái đất còn nhớ nghĩ làm chi cho mệt trí, mình dậy uống cà phê đi anh.
Không biết bắt đầu từ lúc nào, chúng tôi có thói quen uống cà phê với nhau vào cuối tuần sau khi thức giấc. Những cuối tuần không thể thực hiện được thì thấy trống vắng làm sao ấy. Còn những ngày trong tuần nhà tôi dậy lặng lẽ đi làm rất sớm khi tôi còn ngủ vùi. Mỗi ngày của tôi thong dong, nhàn hạ. Tôi đã không còn phải bận tâm với cái đồng hồ báo thức, nhưng đã như là thói quen, thức dậy đúng giờ như cái máy. Buổi sáng với ly cà phê nóng trên tay, loanh quanh với cỏ cây trong khu vườn nhỏ, hoặc đi bộ dọc con suối sau nhà, lang thang trong rừng thông ngút ngàn bốn mùa xanh mướt; hoặc ngồi thiền trên net, đọc hết tin tức nầy đến thơ văn nọ cho tới khi dùng bữa trưa xong mới tà tà ra trường võ chuẩn bị cho buổi dạy chiều.
– Trời hôm nay mưa lạnh, ngồi uống cà phê sẽ rất tuyệt vời! Nhà tôi nói thế.
– Phải rồi, hôm nay mình sẽ thử món quà đặc biệt mà anh đã đọc email cho em nghe mấy hôm trước đó. Hai món tự làm ở nhà, quả hồng “hoshigaki” và trà ướp sen đặc biệt của Thầy Vũ ở Bắc Cali mới gửi tặng.

* * *

Tôi quen biết thầy Vũ trong một trường hợp khá đặc biệt.
Một ngày giữa tháng 10/2018, tôi đang xuôi ngược trên xa lộ Houston, bỗng nghe điện thoại kêu vang. Mở máy ra nghe mới biết là ông bạn họ Đào gọi nói với tôi rằng, “T. ơi! Mình mới nhận được tin, tình trạng của bạn Phạm, đang còn ở Long Khánh, rất cần sự giúp đỡ của chúng ta. Mình không quen làm việc nầy nên nhờ bạn giúp một tay.”

Tôi lặng thinh mất mấy giây, cố moi trí nhớ về người mang họ Phạm nào đó, ở Long Khánh, chắc là bạn học xưa kia… nhưng đành chịu thua. Giúp những bạn bè quen biết còn kẹt lại bên nhà cũng không phải là điều mới lạ đối với tôi, nhưng tôi thắc mắc quá về cái tên nầy. 50 năm rồi chứ có ít ỏi gì đâu, không có giao tiếp với nhau kể từ ngày rời Long Khánh thì làm sao nhớ được.
– Bạn Phạm là ai vậy? Mình có biết không? Và giúp bằng cách nào?
– Ủa, bồ không nhớ hả? Anh Phạm là cựu học sinh Trung Học Long Khánh, là bạn học xưa kia của tụi mình; Anh cũng là cựu Sĩ Quan Tiểu Đoàn 1/43, Sư Đoàn 18 BB/QLVNCH. Sau năm ‘75, Anh đi tù và hiện bị kẹt lại ở quê nhà, cuộc sống của anh rất khó khăn, không nguồn tài trợ, vợ đã  chết, anh bị bệnh tâm thần (lúc tỉnh lúc như ở “cõi trên”.) Hiện đang sống với người con trai út ở Long Khánh.
– Mình xin lỗi là không nhớ hắn. Nhưng giúp một hai trăm thì ăn thua gì trong hoàn cảnh quá khó khăn như vậy?
– Bồ dán lên Diễn đàn riêng của Liên Trường Trung Học Long Khánh giùm đi, kêu gọi sự tiếp tay của bạn bè.
– Nếu bồ biết rõ hoàn cảnh của bạn Phạm thì bồ gửi thông báo hợp lý hơn mình.
– Mình rất ngại dính dáng đến chuyện tiền bạc!
– Vậy thì làm sao được? Đã giúp thì phải có một số tiền kha khá chứ vài trăm bạc làm gì được? Bồ cứ dán chi tiết lên Diễn đàn đi rồi mình sẽ tiếp tay với bồ. Bồ nghe không, chỉ cần bồ dán chi tiết của bạn Phạm, phần còn lại mình lo cho.
– Ừ cũng được… để mình… thử.
Cả tuần lễ sau tôi vẫn không thấy tin tức gì về bạn Phạm trên Diễn đàn, tôi lại gọi cho bạn Đào:
– Sao chưa thấy tin tức gì trên Diễn đàn vậy?
– Mình không làm được bồ ơi!
– Tại sao không được?
– Mình không quen dán bài lên Diễn đàn.
– Bồ cứ viết như gửi email vậy thôi mà!
– Rồi, để mình thử xem.
Tuần lễ nữa trôi qua vẫn không thấy gì, tôi lại gọi điện thoại thúc hối:
– Sao rồi bồ?
– Mình thật tình rất ngại kêu gọi đóng góp tiền bạc!
– Bồ xin giúp đỡ cho bạn mình chứ đâu phải xin cho chính bồ đâu mà ngại. Giúp đỡ bạn mình trong hoàn cảnh khốn khó cũng là một bổn phận và trách nhiệm của chúng ta mà.
– …
– Thôi được, bồ viết sẵn chi tiết gửi qua text cho mình rồi mình lo phần còn lại cũng được.

Vậy mà phải đợi tới gần cuối tháng mới nhận được text của ông Đào với chi tiết và địa chỉ liên lạc trực tiếp với bạn Phạm. Tôi gọi điện thoại cho Đào:
– Bồ nói bạn Phạm bệnh tâm thần, lúc tỉnh lúc ở cõi trên mà liên lạc trực tiếp sao được? Đề nghị bồ đứng ra nhận lãnh số tiền người ta đóng góp rồi gửi về một lúc cho gia đình bạn Phạm là tốt nhất, gửi lắt nhắt sợ “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, chắc chẳng giúp được bao nhiêu.
– Bồ nói cũng đúng, thôi vậy cũng được.
– Nếu bồ có thể tìm được người nào quản trị giúp số tiền mình gửi về cho bạn Phạm có lẽ bảo đảm hơn.
– Anh Phạm đang ở với con trai mà!
– Cũng được!

Trưa ngày 28/10 tôi đã viết xong thông báo và gửi lên Diễn đàn trọn vẹn text của bạn Đào và cho địa chỉ, điện thoại riêng của hắn để mọi người tuỳ nghi. Tôi nghĩ rằng – theo kinh nghiệm lần trước, kêu gọi giúp đỡ bạn Huỳnh, một cựu học sinh Trung Học Long Khánh – chắc phải cần hai tuần lễ để các Thầy Cô và bạn bè có cơ hội đọc đến thông báo để biết mà giúp đỡ kha khá một chút cho bạn mình. Trong đầu tôi mơ ước, trong hai tuần đó mong đạt được con số từ hai tới ba ngàn đồng thì tuyệt vời.

Thế nhưng, thật bất ngờ! Tấm lòng nhân ái của tập thể Liên Trường Trung Học Long Khánh quá tuyệt vời, ngoài sự tưởng tượng của mọi người. Chỉ mới hai ngày mà Thầy Cô và anh chị em đã sốt sắng đóng góp trên $2000! Tôi cập nhật danh sách tương trợ từ sáng tới khuya mỗi ngày vì sự đóng góp liên tục. Tôi gọi cho Đào nói rằng, khi nhận được 3 ngàn hoặc hết ngày 10/11, cái nào tới trước mình cũng sẽ đóng sổ. Bạn Đào nói, “Thì cứ để tới ngày ấn định đóng sổ đi, được càng nhiều càng tốt cho bạn mình mà!” “Bạn nói cũng có lý, nhưng đâu phải đây là trường hợp đầu tiên và chắc chắn không phải trường hợp cuối cùng. Được 3 ngàn là tốt rồi, những vị nào chưa kịp đóng góp lần nầy thì sẽ đóng góp cho lần gây quỹ tới.”

Cho tới khuya ngày 31/10 tôi thông báo là chỉ cần $250 nữa là đủ con số $3,000 như mong ước lúc ban đầu, và tôi hy vọng ngày mai sẽ đóng sổ cứu trợ.

Buổi sáng ngày 1/11/2018, trong hộp thư riêng của tôi, một email có ký tên C. Vũ viết rằng, “Tôi sẽ gửi cho bạn Đào số tiền $250 trong hôm nay để giúp bạn Phạm!” Tôi mừng quá, lên Diễn đàn thông báo tin vui, “Có một anh tên C. Vũ, không biết thuộc trường nào, đã đóng góp đúng số tiền $250 như thông báo tối qua; cùng lúc nhận thêm được của hai người cuối cùng số tiền $150 nữa, vị chi tổng số lên đến $3,150. Xin thông báo đóng sổ!”

Sau đó, tôi nhận được thư của bạn Nguyễn ở Atlanta đính chính rằng, “C.N. Vũ là một vị Giáo Sư của Trường Trung Học Long Khánh, hiện ở Loomis, California.” Tôi ngỡ ngàng viết thư xin lỗi và nói rằng, “Có lẽ tôi rời trường lâu quá nên không còn nhớ.” Nhân tiện, kính gửi Thầy Thiệp Mời đến tham dự buổi giới thiệu hai đứa con tinh thần của tôi tại Orange County vào ngày 11/11/2018. Thầy trả lời, “Rất tiếc tôi ở xa quá nên không thể tham dự được; tuy nhiên, bạn gửi cho tôi hai tác phẩm, tôi mua đàng hoàng đấy nha.” Tôi email lại cho Thầy, “Thầy cho tôi xin địa chỉ, tôi xin được trang trọng gửi tặng Thầy vì sự cảm mến tấm lòng cao thượng của Thầy; Thầy nhận là một vinh hạnh cho tôi.”

Mà thật sự tôi không biết gì về vị giáo sư có tên CN Vũ với tấm lòng cao thượng nầy. Tôi cũng không cần phải tìm hiểu gì thêm, chắc chắn Thầy về dạy sau lúc tôi rời ghế nhà trường, nhưng lòng tôi vô cùng cảm kích, kính mến. Tôi rất hiểu, các Thầy Cô đều đã già yếu, đều sống với tiền hưu ít ỏi hoặc đang nhờ vả con cháu; một đồng của các Thầy Cô cũng đã là quý giá vô cùng huống chi chục nầy, trăm kia.

Tôi đã từng gây quỹ giúp đỡ những người kém may mắn đang còn ở quê nhà, trong nhiều năm qua, nhưng thật sự chưa có một lần nào – chưa bao giờ – được sự ủng hộ nồng nhiệt, dồi dào trong thời gian chỉ có mấy ngày như trường hợp của bạn Phạm, một cựu học sinh thuộc Liên Trường. Lũ học trò trang lứa tôi hầu hết cũng đã nghỉ hưu. May mắn cho những người qua trước đã trang bị cho tuổi về hưu của mình một đời sống no đủ, nhưng cũng lắm anh chị em mới qua sau, chưa kịp ổn định đời sống đã tới tuổi về chiều nên số tiền nghỉ hưu rất ít ỏi, thế mà cũng luôn luôn nhiệt tâm đóng góp rất hậu hĩ. Đơn cử có chị CVTrần cựu học sinh Trung Học Công Lập tôi biết rất rõ… Xin ngả nón kính cẩn cúi đầu trước nghĩa cử cao đẹp của quý vị. Cầu xin ơn trên gia hộ cho quý vị và gia đình luôn được an vui, hạnh phúc, sức khoẻ dồi dào…

Tuần lễ sau, tôi nhận được email cám ơn của Thầy Vũ; Thầy cho biết đã nhận được hai tác phẩm của tôi và đang đọc. Thầy cũng cho biết hai anh của Thầy cũng là dân KQ tác chiến, kèm theo tấm hình chụp ba anh em ngồi chen chúc trong phòng lái dành cho một người trên chiếc F-5 để vượt thoát ở ngày cuối cùng của phi trường Tân Sơn Nhứt. Và lời dặn cuối thư là “Hôm nào có sản phẩm hay hay tại “Nông Trại”, tôi gửi bạn thưởng thức. Làm ơn đừng thầy bà gì nghe mệt quá. Tôi với bạn cùng trang lứa, cùng một thời lận đận như nhau, coi nhau như bạn tốt hơn.”

Bẵng đi vài tuần sau, Thầy lại email với hàng chữ “Bạn có thưởng thức món này chưa? Hồng khô kiểu Nhật.” Và một tấm hình hồng phơi khô đính kèm cùng với một video, của chính Thầy, chỉ dẫn cách thưởng thức sản phẩm nầy – muốn thưởng thức đúng cách, trước nhất phải bóp nén quả hồng nhẹ nhàng nhiều lần, đều tay, xong cắt làm 8 miếng theo chiều dọc, ăn nhẩn nha rồi chiêu một ngụm trà ướp sen đặc biệt… – Thầy dẫn giải công đoạn làm thành phẩm nầy phải cần thời gian từ 4-5 tuần tuỳ thuộc vào thời tiết; là một quá trình chăm nom rất công phu. Mỗi năm chỉ có thể làm vài chục quả để biếu những bạn bè đặc biệt ở xa.

Thư qua lại… người gửi cảnh trí nông trại, kẻ làm thơ chọc phá tới chỗ càng lúc càng thân tình… Cho đến cuối tháng 11, tôi nhận được một bưu kiện khá nặng từ Loomis. Sau buổi dạy, tôi mang về cùng nhà tôi khui ra… oh là là… đủ loại trái cây cả tươi và khô gồm có 6 quả hồng đặc biệt, gói ghém cẩn thận và đặc biệt hơn nữa là một gói trà mộc ướp sen của Vũ gia trang! Tiếp theo tôi nhận một email của Thầy với lời dặn dò, “Trước khi ăn mát xa trái hồng cho thiệt mềm cắt theo chiều dài của trái thành tám miếng, (không rửa hồng vì cái bột trắng là đường từ hồng tiết ra.) Từ khi bắt đầu gọt vỏ treo lên hong gió cho tới khi hoàn thành mất bốn đến năm tuần. Cứ vài ngày lại phải mát xa từng trái vài giây. Công phu lắm! Pha trà ngon thưởng thức cùng với hồng. Trà ẩm rất thú vị mong bạn enjoy?”

Tôi rất cảm động tình cảm Thầy dành cho tôi. Thực chất thì không đáng nói nhưng nỗ lực của Thầy khi đóng gói gửi đi là cả một tấm lòng nhân ái đặt vào theo mà không thể đong đếm được.

* * *

Lòng chợt vui, tôi bật dậy như lò xo, miệng huýt sáo vang vang, làm vệ sinh cá nhân xong ra nhà bếp nấu ấm nước sôi. Hôm nay chúng tôi không uống cà phê như thường lệ mà sẽ thưởng thức món trà mộc ướp sen rất đặc biệt của ông giáo Vũ gửi tặng.

Vào tủ chè để lấy bộ bình trà bằng sứ mà đã rất lâu, lâu lắm rồi, không có cơ hội sử dụng tới. Tôi chỉ uống trà trong những cơ hội đặc biệt như dịp Lễ Tết hoặc khi gặp trà ngon và có bạn hiền. Tôi cẩn thận rửa lại cho sạch bụi bặm, lấy giấy lau khô, tráng một lần nước sôi, rồi bỏ gói trà mộc vào, đổ nước sôi vừa ngập để chần trà một lúc. Trong lúc chờ đợi, tôi lấy hai trái hồng ra, bóp nén nhè nhẹ theo lời chỉ dẫn của Thầy Vũ. Giữa lúc nắn bóp trái hồng, tôi trực nhớ “một câu chuyện” liên đới rất xa xăm nên bật cười thành tiếng. Nhà tôi đang ngồi gần bên, dùng computer và theo dõi công đoạn chuẩn bị buổi tiệc trà đặc biệt của tôi, thấy vậy chợt hỏi, “Anh đang nhớ tới điều gì buồn cười lắm phải không?” “Không có gì!”

Sau khi nắn bóp đều đặn, tôi cắt hồng làm 8 miếng theo chiều dọc như lời chỉ dẫn, đặt vào một đĩa sứ tráng men đủ lớn; thêm nước sôi cho đầy bình…

Bên ngoài mưa rả rích, hơi lạnh làm mờ cửa sổ. Nhà tôi nói, “Ngồi chờ đợi để được thưởng thức sản phẩm của Thầy Cường quả là đặc biệt, không khác gì Trạng Quỳnh để ông Vua nhịn đói đến nỗi ăn đá nấu cũng thấy ngon.”

Mà ngon thật! Tôi rót đầy hai chung trà, nhón tay lấy một miếng, nhai từ tốn, ăn chầm chậm, chiêu một ngụm trà thơm… mùi vị tuyệt vời! Và cứ thế cho đến hết bình trà với mùi thơm và vị ngọt thơm cả cuống họng. Xong một bình nước đầu, thêm nước thứ hai và thanh toán xong đĩa Hoshigaki thì đã hết luôn nửa buổi. Nhà tôi cũng khen ngon thật chứ không phải tại vì chờ ông Trạng hầm đá hơi lâu! Cám ơn Thầy Vũ nhiều lắm. Lần đầu tiên mới được thưởng thức một sản phẩm độc đáo trong đời trọn đầy với tình nghĩa của người cùng chung dưới một mái trường Long Khánh thân yêu, và có lẽ tình nghĩa đó chắc cũng một phần nào dính dáng đến tình gia đình Không Quân VNCH năm xưa.

Kingwood, trong một ngày mưa lạnh
Tháng 11/2018


« TRANG NHÀ »