GIỚI THIỆU CD “GÓP CHÚT HƯƠNG CHO ĐỜI”

ngày 19.12.22


Dương Thượng Trúc và toàn ban trên Viet Radio 1560AM

QUYÊN DI

NHẠC THUẦN TUÝ VÀ NHẠC CÓ LỜI

Ban đầu nhân loại có nhạc thuần tuý. Chỉ nhạc thôi, không có lời hát. Vì thế, nghe nhạc nhưng không phải ai cũng hiểu được nhạc. Bá Nha không câu nệ tuổi tác, địa vị, giai cấp xã hội mà xin kết nghĩa huynh đệ với Tử Kỳ, lý do Tử Kỳ có tài thẩm âm, nghe nhạc mà hiểu được lòng nhạc sĩ. Chỉ nghe một, hai khúc nhạc mà Tử Kỳ biết Bá Nha chí vời vợi như Thái sơn, lòng mênh mang như sông rộng.

Đó là chuyện bên Đông. Ở bên Tây và gần thời đại chúng ta hơn, những bản giao hưởng (symphony) cổ điển cũng chỉ có nhạc mà không có lời.

Âm nhạc không cần lời vì thật ra tự thân âm nhạc đã là một thứ ngôn ngữ. Hiểu được ngôn ngữ ấy thì hiểu âm nhạc. Dịp lễ phong Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 1988, nhà tôi sang Roma đánh nhịp cho liên ca đoàn Việt Nam và dàn nhạc người Ý. Cô ấy không biết tiếng Ý và các nhạc công không biết tiếng Việt, nhưng mọi việc diễn tiến một cách tốt đẹp, hoàn hảo, vì cả nhạc trưởng lẫn nhạc công đều hiểu được ngôn ngữ âm nhạc.

Vì tình trạng đa số chúng ta không hiểu được ngôn ngữ âm nhạc nên sau này nhạc sĩ viết lời ca cho bản nhạc, để người hát, người nghe hiểu được nhạc sĩ muốn nói gì, muốn tâm sự điều gì. Có hiểu như vậy, chúng ta mới thấy được giá trị của bản nhạc. Chính vì thế, lời ca trở nên rất quan trọng, ngang với cung nhạc. Với người Việt Nam, đôi khi lời ca còn quan trọng hơn cả cung nhạc.

LỜI CA VÀ CUNG NHẠC YÊN SƠN TRONG “GÓP CHÚT HƯƠNG CHO ĐỜI”

Yên Sơn có lợi thế khi viết lời ca, vì anh là một nhà văn, một nhà thơ. Lời ca của anh rất đẹp. Nhất thời, tôi chỉ xin đưa ra vài thí dụ:

Một cõi đi về tôi với tôi
Hương thu lay động, lá thu rơi
Em vẫn đi ngang từng cơn mộng
Nhìn nhau độ lượng… vết thương đời.

(Tình Bỗng Xót Xa)

Hay
Từ miền đông ngang về qua phố biển
Muốn tìm người, sao ngần ngại bước chân
Bao dấu yêu bỗng nhạt nhoà câm nín
Chỉ riêng mình từng bước nhỏ bâng khuâng.

(Trăng, Tôi và Biển)

Hoặc
Em đã kinh qua một đời khổ nạn
Tôi cũng miệt mài nửa kiếp long đong
Giữ được gì đâu sau mùa tao loạn
Chỉ còn ngậm ngùi nhặt lá thu rơi.

(Phượng của Ngày Xưa)

Nhạc của Yên Sơn đa số được viết theo điệu Slow, buồn nhè nhẹ và mang tính chia sẻ tâm sự. Có một bài điệu Rumba rất quen thuộc, gần gũi với người thưởng thức, là bài Mùa Đã Thay Rồi. Lời ca cũng đẹp:

Đã hết rồi, tin yêu không còn nữa
Sẽ không còn nghe tiếng nói dịu êm
Nhạn lẻ nhau bên trời sương mờ lối
Ta nhớ người trĩu nặng cả buồng tim.

(Tôi nghĩ trái tim Yên Sơn khá to nên mới “trĩu nặng” như thế.)

Cũng là Rumba, nhưng Rumba của Yên Sơn lạ lắm, không giống những bản Rumba khác.

Yên Sơn khá tế nhị khi viết nhạc. Thí dụ như khi anh đặt cung nhạc cho bài “Gửi Người Yêu Dấu.” Đoạn đầu, lời ca là

Có những lúc anh ngồi một mình
Nghe tâm tư xôn xao từ đáy lòng
Kiếp trước đã yêu nhau không trọn vẹn
Sao không theo nhau hôm nay để lỡ hẹn.

Câu thứ hai “Nghe tâm tư xôn xao từ đáy lòng,” anh kéo dài tiếng đáy… Quả nhiên, kéo dài như thế thì “xôn xao” mới là từ đáy lòng dâng lên. Nếu không kéo dài tiếng “đáy” đó, cái “xôn xao” chỉ là hời hợt bên trên bề nổi thôi.

Nghe nhạc Yên Sơn với lời ca (cũng là lời thơ đẹp,) với âm nhạc buồn và lắng, nhịp bổng trầm tạo thành những đợt âm thanh êm mà mạnh, dội vào lòng người, ta như tìm thấy một mảnh của chính ta trong đó. Thí dụ, tôi tìm thấy mảnh đời tôi trong “Cuộc Tình Khôn Nguôi”:

Ôi Sài Gòn, nhớ thương nhiều lắm
Dẫu muôn trùng vẫn không thể nào quên
Vì Sài Gòn trong đó có em
Có dĩ vãng… chứa một trời kỷ niệm.

Hai tiếng hát Thanh Ngọc và Huy Luân là hai giọng hát đẹp, đặc biệt giọng Thanh Ngọc. Những giọng hát này chuyển tải được lời ca, cung nhạc của nhạc sĩ. Hai tiếng hát không cần cố gắng, không cần cường điệu, không cần làm dáng mà lại có thể đi vào được lòng người, tạo thành một ấn tượng đậm và sâu.

Nhạc đệm cho các bài hát trong “Góp Chút Hương Cho Đời” khá hay và hoà hợp với cung nhạc, giọng hát. Các nhạc công tỏ ra làm chủ được âm nhạc và các nhạc khí, hiểu được không gian và tâm tình của bản nhạc. Tôi rất thích tiếng trung hồ cầm (violoncello) vang lên ở khoảng lặng trong bài “Tình Bỗng Xót Xa.”

HÌNH THỨC CD “GÓP CHÚT HƯƠNG CHO ĐỜI”

Bìa CD là hai hoạ phẩm sơn dầu tuyệt đẹp của hoạ sĩ Nguyễn Nhân, với nghệ thuật trình bày của Long Nguyễn.

Bìa trước là một thiếu nữ dịu dàng, khăn quàng cổ nhẹ bay trong gió, đôi mi khép, hướng về tháp giáo đường. Khi khép mắt, người ta sẽ có hai trạng thái, một là không nhìn thấy gì cả, hai là nhìn thấy rất rõ điều mình muốn nhìn. (Trong một bài thơ, tôi có viết “Nhắm mắt nhìn cho rõ bóng tương lai,” đó là bài thơ viết vào một ngày tháng 4 năm 1975.) Cô gái này nhìn thấy gì, ta không biết, nhưng chắc là nhìn một cái gì rất thánh thiện và rất bình yên. Chắc chúng ta hỏi nhạc sĩ Yên Sơn và hoạ sĩ Nguyễn Nhân, sẽ biết rõ là cô nhìn cái gì và thấy cái gì.

Bìa sau, hoạ sĩ vẽ một đôi ngựa hoang giữa nội cỏ hoang vu. Ngựa hoang tượng trưng cho cuộc đời phiêu lãng; không bị nhốt kín trong không gian hẹp, mà tung vó đến khắp chốn đồng xa, rừng vắng, góc biển chân trời.

Có gì liên hệ giữa bìa trước và bìa sau, giữa cô gái an nhiên thánh thiện và đôi ngựa hoang? Phải chăng Yên Sơn, Nguyễn Nhân và Long Nguyễn hiểu được tâm lý phụ nữ? Phụ nữ rất thánh thiện, đạo đức. Phụ nữ quen cuộc sống bình yên. Nhưng tận đáy lòng phụ nữ là niềm khát khao một đời phiêu bồng, lãng mạn. Vì thế, vào một lúc nào đó, phụ nữ sẵn sàng để cho mình “cuốn theo chiều gió,” sẵn sàng với cuộc lãng du. Ai biết được điều ấy thì được phụ nữ xem là tri kỷ. Đó phải chăng là một điều lạ lùng, bí ẩn? Đúng thế! Phụ nữ vốn lạ lùng, bí ẩn. Truyền thuyết Ấn Độ cho rằng Thượng Đế tạo thành trái tim phụ nữ bằng cái mênh mông huyền bí của vũ trụ. (Ấy thế mà có những anh chàng mới uống hết ba ly rượu đã dằn ly xuống bàn mà nói: “Nhỏ đó, tao biết hết!” Đó là một câu nói vô cùng “phạm thượng” và chứng tỏ người thốt ra câu ấy chẳng biết gì về phụ nữ.)

Phải chăng những phụ nữ trong CD “Gửi Chút Hương Cho Đời” của Yên Sơn là những phụ nữ có trái tim mênh mông huyền bí đó?

Nhiều khi để trả lời cho một câu hỏi, người ta không dùng đến “lời” mà phải dùng đến “cảm.” Vậy, ai muốn hiểu phụ nữ, và cả phụ nữ muốn hiểu chính mình, xin hãy nghe và cảm xúc với CD “Góp Chút Hương Cho Đời’ của nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ (cũng là chiến sĩ, võ sư) YÊN SƠN. Trong đó có một người rất hiểu phụ nữ và có những phụ nữ rất đáng cho chúng ta yêu thương, kính trọng.


« TRANG NHÀ »