YÊN SƠN VỚI MƯA NẮNG BÊN ĐỜI

ngày 20.09.18


Phần giới thiệu tác phẩm của Nhà Văn Nữ Phong Thu trong buổi ra mắt sách tại Mason District Government Center, Washington DC.

Thông thường chúng ta chỉ thấy những võ sĩ xuất hiện trên võ đài, rất ít khi chúng ta thấy có những võ sĩ mê làm thơ, yêu văn học nghệ thuật. Hôm nay, chúng ta hân hạnh chào đón một người đặc biệt, một tài hoa, đó là nhà thơ-nhà văn, Yên Sơn, anh là võ sư sáng lập hệ thống võ đường Thần Phong tại Bắc Mỹ; hiện là Giám đốc một võ đường Thần Phong tại thành phố Spring, tiểu bang Texas, là một cựu phi công VNCH; và hôm nay, chúng ta ngồi nghe anh tâm sự qua tập truyện “Mưa Nắng Bên Đời”.

Tập truyện “Mưa Nắng Bên Đời” nhìn tổng thể giống như một quyển hồi ký, gồm 2 giai đoạn rõ rệt. Giai đoạn I, bắt đầu trang 9 với hồi ký “Giấc Mơ Phi Công Và Những Chặng Đường Nghiệt Ngã.” đến “Đi Về Phía Mặt Trời Lặn” trang 79.

Giai đoạn 2 là thời gian lưu lạc tha hương trên xứ lạ, quê người sau 30/4/1975, bắt đầu từ trang 80 đến 313.

Tác giả đã phá cách trong phương pháp viết hồi ký qua tài kể chuyện dựa trên sự thật đời mình và pha lẫn hư cấu bằng nghệ thuật dùng ngôn ngữ một cách khéo léo. Đó là thành công của tác giả đã lôi cuốn người đọc từ̀ trang đầu đến trang cuối cùng.

Giai đoạn I, tác giả đã hồi tưởng lại mơ ước của một chàng sinh viên trong thời tao loạn đã lén mẹ cha xếp bút nghiêng theo nghiệp binh đao để trả thù nhà, đền nợ nước. Anh em của chàng sinh ra lớn lên trong một gia đình bình thường như bao gia đình trong Miền Nam nhưng tất cả đều là những người vì yêu quê hương mà tòng quân lao mình vào lửa đạn để bảo vệ MNVN. Chàng đã mơ ước được trở thành phi công chiến đấu ngang dọc trên bầu trời cao rộng, được lướt gió, tung mây; nhưng cuối cùng lại trở̉ thành phi công vận tải. Dù vậy, những phi vụ cuả một phi công vận tải trong thời chiến cũng vô cùng khó khăn và nguy hiểm như “…thả dù tiếp tế, soi sáng trận địa, không vận chuyển quân, tiếp tế thực phẩm, thuốc men, đạn dược…” Mãi cho đến vài năm sau cùng của cuộc chiến, chàng đã tình nguyện qua phi đoàn Tinh Long 821, là một phi đoàn chuyên môn đánh đêm, trực tiếp tham gia đánh trận, yểm trợ hoả lực, soi sáng trận địa ở khắp các chiến trường sôi động của Miền Nam Việt Nam… cho đến khi Sài Gòn rơi vào tay cộng sản.

Đối với một phi công thời loạn, những ngày nghỉ phép, những cuộc vui chơi giải trí đối với họ thật quá hiếm hoi. Ngay cả việc cầu mong có một ngày được đưa người yêu đi du ngoạn trên chiếc phi cơ vận tải cũng đã trở thành tai họa. Bởi chàng không có không gian và thời gian để yêu đương lãng mạn như những chàng trai thế hệ khác. Hàng ngày chàng phải thương xót, đau đớn, nhỏ lệ khi nhìn những chiếc quan tài của đồng đội xếp dọc ngang, chất đầy trong phi cơ trên khắp 4 vùng chiến thuật. Với chàng chỉ có mùi tử khí bám riết vào da thịt, chỉ nghe những tiếng khóc, những vành khăn tang trắng chít vội vã trên đầu của những người mẹ, vợ, các con của các chiến hữu bộ binh. Họ luôn đi vào những cơn mê, những giấc ngủ muộn phiền của chàng như trong câu chuyện “Chuyện Tình Mùa Chinh Chiến”.

Rồi 30 tháng 4 năm 1975 ập đến, câu chuyện “Phi vụ cuối cùng của một Tinh Long” là nỗi đau đớn cùng cực khi con chim đại bàng lướt gió, tung mây đã bị chặt đi đôi cánh. Con chim đó là hiện thân của hàng triệu quân dân cán chính VN Cộng Hoà mơ ước đất nước thanh bình, không tiếng súng, không còn cộng sản… bỗng chốc tan đàn, xẻ nghé. Trong những thời khắc hấp hối của Sài Gòn, phi trường Tân Sơn Nhất rơi vào hổn lọan. Khi chàng nhận ra tình thế MNVN không còn cứu vãn được, mới biết mình là một trong những người đã bị bỏ rơi lại phía sau. Trong hồi ký: “Phi Vụ Cuối Cùng của Một Tinh Long”, tác giả đã nhỏ lệ trên trang viết: “ …Thế là hết, vĩnh biệt Sài Gòn, vĩnh biệt người thân, vĩnh biệt đời chim, cánh gió, Tôi lặng lẽ khóc như chưa bao giờ được khóc. Khóc cho tôi bơ vơ không biết mai nầy đời sẽ về đâu, khóc cho bạn bè vừa nằm xuống sáng qua trong phi vụ cuối cùng bảo vệ thủ đô…” trang 62.

Giai đoạn 2 bắt đầu bằng câu chuyện “Những Khởi Đầu Của Một Gã Tha Hương”. Gã tự hỏi gã là ai trên đất nước xa lạ nầy? Một kẻ mất quê hương, tứ cố vô thân, không nghề nghiệp, không nhà cửa phải ăn nhờ, ở đậu, bám víu vào lòng tốt của tha nhân để tìm chén cơm manh áo. Gã là một tên chiến bại trên chiến trường, một kẻ đào ngũ, một tên hèn nhát chỉ còn biết chạy trốn để̉ bảo vệ bản thân.

Gã không có tên mà là một nhân vật điển hình trong dòng chảy bi thương của dân tộc Việt Nam suốt gần một thế kỷ. Gã là nạn nhân của thời cuộc đã bị dòng đời cuốn trôi đi trong những hoàn cảnh trái ngược: Giữa mơ ước cháy bỏng và sự thất vọng, hạnh phúc và đau khổ, yêu thương và chia ly…
Gã, một kẻ thất bại đang lê thân xác rã rời trên một đất nước xa lạ mà gã cũng không biết rồi đây gã sẽ đi đâu và về đâu? Với tâm trạng “Mình bơ vơ đất lạ. Truân chuyên đời tha hương. Mây về khuất núi tà dương. Chiều nghe canh cánh nỗi buồn Chiêm dân” trang 97.

Rồi từng ngày tháng trôi qua, niềm đau đó cứ âm ỉ, ray rứt khi nhìn lại quê hương suốt mấy chục năm dài. Những khắc khoải ẩ tàng bên trong cứ gặm nhấm tâm hồn gã và chính tâm trạng đau đớn đó mà gã đã biến gã thành thi nhân. Gã vẽ lại bức tranh cuộc đời trôi nổi tha hương của gã trong những năm tháng truân chuyên, khổ ải, cô đơn, ăn năn thống khổ bằng những vần thơ và tập truyện “Mưa Nắng Bên Đời.”

Từ trang 80 cho hết tập truyện, chúng ta có thể gặp những tấm lòng cao cả, rộng lượng và đầy nhân bản của nhân dân Hoa Kỳ. Gã muốn nhắc chúng ta rằng, dù chính quyền Mỹ có nhẫn tâm quay lưng phản bội quê hương, đất nước gã nhưng những thân phận tỵ nạn cộng sản của chúng ta đã nợ đất nước và nhân dân Hoa Kỳ một ân tình sâu nặng. Hình ảnh cao đẹp của một cụ bà goá phụ, vợ Cố Trung Tá Không Quân Mỹ nhận gã làm con nuôi, và John – Con trai bà cụ; ngôi nhà thờ công giáo; ông chủ Mike, cho đến một ông võ sư tốt bụng của một võ đường gần nơi tạm trú v.v… Vì lòng tri ân sâu xa mà gã đã nhớ và viết về họ trong tập truyện nầy.

Chúng ta cũng sẽ không tìm thấy một bóng hồng nào khác trong phần hai của tập truyện ngoài giấc mơ nhớ về người tình cũ. Và chỉ có một cô bé tóc vàng duy nhất trong câu chuyện “Một Chút Mặt Trời Trong Ly Nước Lạnh” xuất hiện trong thời khắc gã đang sống vật vờ trong niềm cô đơn cùng cực, sự giằng xe trái tim luôn làm cho một người không sợ trời, không sợ đất, không sợ tử thần réo gọi như gã, luôn luôn phải sống mê sảng giữa ray rứt mong nhớ cha mẹ, anh em, người yêu chưa kịp cưới, nhớ thương quê hương, bạn bè đồng đội đang sống dưới chế độ phi nhân của cộng sản Bắc Việt. Thân phận của gã chỉ là một kẻ làm thuê trong một nông trại mênh mông, lạnh vắng… Nhưng cô bé tóc vàng vui tính, hồn nhiên, tinh nghịch đã xuất hiện trong cuộc đời gã như một tia sáng thoi thóp của mặt trời còn đọng lại phía chân mây vào một buổi hoàng hôn hoang lạnh, đã soi sáng cuộc đời vô vọng, tối tăm của gã. Câu chuyện tình chớp nhoáng, thơ mộng nhưng thật lãng mạng đã tan chảy mãi trong huyết quản, chìm sâu vào ký ức và trái tim của gã. Gã nhiều lần khẳng định sẽ quên, không nhớ, không yêu. Thật sự, gã đã mang hình ảnh cô bé tóc vàng đi vào giấc ngủ mộng mị suốt cuộc rong chơi “Mưa nắng xứ người”. Gã có lý do để nhớ, để yêu cô bé đó bởi những mối tình không nắm bắt được cũng như ánh cầu vòng ngũ̉ sắc sau cơn bão tố đã khắc ghi khá đậm nét vẽ đẹp rực rỡ của nó rồi biến mất. Và tôi có lý do để nói về̀ mối tình kỳ la,̣ sét đánh nầy. Bởi cô bé đã xuất hiện trong 4 câu chuyện liên tiếp “Một Chút Mặt Trời Trong Ly Nước Lạnh, Đi Tìm Quá Khứ, Bỏ Qua Một Cơ Hội, Thêm Một Bất Ngờ”.

Những ngày tháng lưu lạc, khó khăn, gian truân đã qua. Gã đã tự vươn lên bằng nghị lực, bắng tâm huyết và đã thành công trên xứ người. Gã đã sum họp với người thân, có một người vợ hiền và đàn con ngoan. Một lần nữa gã lại tiễ̉n con trai lên đường chinh chiến tại Iraq để đền ơn trả nợ đất nước đã cưu mang gã và gia đình.

Dù cho gã đã sống hơn nửa đời người trên đất nước Hoa Kỳ, nhưng lòng gã vẫn chưa quên “Mưa Nắng trên quê hương Việt Nam”. Đó là mối tình bất diệt, thiêng liêng nhất mà gã đã cưu mang suốt chặng đường gần nửa thế kỷ để tranh đấu cho quê hương VN thoát sự cai trị tàn bạo của CS Bắc Việt.

Bằng lối viết dí dỏm, với nghệ thuật so sánh, ví von và lời thoại chọn lọc, tác giả đã tạo cho người đọc bật lên tiếng cười sảng khoái, và đôi khi tạo cho ta một cảm xúc đau xót, chua chát, buồn bã, ngậm ngùi. Là một thi nhân nên Yên Sơn đã biết đưa thơ vào văn làm cho câu văn chãi chuốt, mượt mà không kém phần duyên dáng.

“Mưa Nắng Bên Đời” là một tập truyện mà Yên Sơn đã nói thay cho chúng ta tất cả những tâm sự̣ lòng mình, những hoài bão, khát vọng, niềm đau khổ và hạnh phúc mà những kẻ ly hương như chúng ta đã từng nếm trãi./.

Washington DC 16/9/2018


« TRANG NHÀ »