Chia sẻ cảm tưởng

ngày 24.09.18


Bài phát biểu của Văn Hữu Nguyễn Minh Nữu trong ngày giới thiệu hai tác phẩm tại vùng Washington DC. 16 tháng 9 năm 2018

Thưa quý vị ,

Trong ca khúc “Một Chuyến Bay Đêm” của Song Ngọc và Hoài Linh có đoạn viết rằng, “Có người hỏi phi công ước mơ gì? Người ơi nhân thế muôn màu nào biết mơ ước chi-Ước rằng từ khi tung nhịp cánh. Tình ta yêu thương là gió nhân tình của mây. Ở đời ai hiểu ai, người bay trắng đêm dài, Người thức giữa đại dương, Người yên giấc ven rừng, Bạn có biết chuyện này, tôi ghi lúc vũ trụ còn ngủ say.”

Chàng Phi Công Trương Nguyên Thuận khi bay trong không gian giữa đêm tối mịt mờ thì ước mơ gì? Và những người bạn của anh, Người đang lướt sóng giữa đại dương, Người đang giong ruổi giữa rừng già mịt mùng… họ ước mơ gì?

Tôi không nghĩ rằng Trương Nguyên Thuận ước mơ “Để níu áo Hằng Nga, ngồi bên dải Ngân Hà,” tôi không nghĩ người bạn Hải Quân của anh ước mơ nhìn “Trùng khơi nổi gió lênh đênh triền sóng thấy lung linh rừng hoa;” và tôi cũng không nghĩ người bạn Bộ Binh đang vai ba lô về khu chiến, đi mải miết trong rừng già “mộng ước thật bình thường, như yêu một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền…”

Vâng, tôi không nghĩ đó là ước mơ của họ, mà đó chỉ đơn thuần là điều ham thích, là điều giải khuây, còn thực sự điều ước mơ của các chiến binh anh hùng, đem thân ra chiến đấu, sống và bảo vệ đất nước quê hương, các ước mơ của các anh thâm thúy hơn, sâu lắng hơn, thiết tha hơn và chắc chắn rộng lớn hơn nhiều.

Mưa Nắng Bên Đời là một tập truyện, những truyện ngắn sắp xếp theo thứ tự thời gian. Từ Giấc Mơ Phi Công và những chặng đường nghiệt ngã kể về thời mới lớn, khao khát tung cánh khắp bầu trời, rồi qua Diễm Xưa với mối tình thơ mộng, một cuộc tình thời chinh chiến với phi vụ cuối cùng của một Tinh Long…

Yên Sơn dẫn chúng ta đi suốt mưa nắng bên đời, qua từng bước phong trần phiêu bạt của một thanh niên đầy cao vọng, bị vùi dập với biết bao tình huống đắng cay, chua chát mà vẫn kiên cường vươn lên để sống, để dâng hiến cho đời những khả năng có được.

Mỗi câu truyện của Yên Sơn là những đoạn của cuộc đời, những lời kể chân tình mộc mạc, những buồn vui thấp thoáng trôi qua, những bóng người tưởng như một tình yêu chìm nổi cuối chân trời, và thật nhiều tâm sự kín đáo gói bên trong. Có thể là câu chuyện tình thời mới lớn, có thể là một chuyến bay giữa mịt mờ lửa đạn, có thể là câu chuyện ở một sở làm nơi đất khách, hay chuyện tiễn đứa con đi chiến trường Iraq, và ngay cả câu chuyện giúp một đứa học trò trong sứ mệnh tinh thần… Dù là mỗi câu chuyện nói về một đề tài khác nhau, nhưng xuyên suốt các câu chuyện lại là một khát khao thường trực, đó là một tình yêu quê hương đất nước nóng bỏng.

Trong bài thơ Biển Vắng, Yên Sơn viết:
Ngày đi vội mà chiều qua cũng vội
Phù phiếm đời người như bọt nước biển khơi
Ở bên đó biết có còn ai mong đợi
Chuyện trăm năm… khan tiếng gọi ơ hời

Nếu không phải chôn giấu trong lòng nỗi nhớ thương và ước mơ được phục vụ nhưng thời thế đã xô đẩy anh hùng vào ngõ cụt thì đâu có thể viết xuống những lời chán chường như thế.
Còn nữa:
Biển đã vắng chiều đi càng thêm vắng
Trong hư vô nghe xa lạ bước chân mình
Ngồi bó gối đếm giọt dài giọt vắn
Ghi vào hồn thêm tỳ vết buồn tênh.

Khi ước mơ tung trời để bảo vệ quê hương không làm được, Yên Sơn đã bi thảm về một Quê Hương đã bỏ lại sau lưng:
Ta võ vàng xoay trở
Trong cuộc sống buồn tênh
Tháng năm rụng trắng đầu xanh
Ngày lê thê dứt, đêm thênh thang dài
Mơ một ngày nắng ấm
Ta trở lại quê xưa
Nhớ thương nói mấy cho vừa
Giang-sơn-hoa-gấm-khóm dừa-lũy-tre

Và đây mới là điều thao thức của Yên Sơn:
Tôi có ba đứa con đều chào đời ở Mỹ quốc,
mang ba cái tên đầy hoài vọng, quyết tâm.
Giữa chốn thị phi tôi vẫn kiên nhẫn, âm thầm
đem nhiệt huyết và tấm lòng thành những mong phục vụ.
Trong thao thức tôi biết rằng vẫn chưa tròn, chưa đủ
nên mãi tự hỏi lòng
biết có làm được gì cho thế hệ mai sau?
Hay cho đến cuối đời cũng chỉ có niềm đau
Của kẻ thua cuộc phải sống xa lìa quê hương gấm vóc.
Hai mươi năm rồi với bao mối âu lo trằn trọc
Một thời chiến đấu ngang trời
Để chỉ còn là những kỷ niệm như mơ
Để chỉ còn nặn óc viết thành thơ
Và những hoài bão dở dang
hay những xót xa thân phận

Những hoài bão thời thanh niên, những tình yêu quê hương đất nước trăn trở trong lòng, Yên Sơn trao gửi lại cho thế hệ sau, mà điển hình là nhân vật Thằng Lính được Yên Sơn gọi với giọng điệu yêu thương pha chút hãnh diện đã xuất hiện trong 4 truyện ngắn trong tập này. Có một đoạn Yên Sơn viết về “thằng Lính, “Hắn chia sẻ với con những kinh nghiệm chiến trận bản thân, những đớn đau tương tự cho bạn bè hy sinh trong trận chiến, nhất là lần hắn đã phải nuốt lệ, vắt tim trút hết hỏa lực lên đầu của đơn vị anh mình khi căn cứ của anh bị giặc thù tràn ngập! Hắn vừa kể vừa thấy hiển hiện trước mắt qua màn lệ mỏng sự kiện đã gần 33 năm qua!”

Hãy nghe thêm vài thao thức của Yên Sơn:
Hơn hai mươi năm sống trên xứ sở người
tôi vẫn không thể nào ghi nhận
đất nước này thay thế được quê hương.
Có lẽ tôi không tìm được
Mái nhà tranh, khóm trúc, ngôi trường
Cầu tre nhỏ dẫn vào thôn xóm nhỏ.
Không tìm được con đường mòn ngày thơ tôi thường đi bộ
theo mẹ đến trường mỗi sáng mù sương.

Trở lại với niềm ước mơ nóng bỏng trong lòng người Phi Công Trương Nguyên Thuận, bằng Thơ, bằng Văn và bằng Nhạc, chàng đã kín đáo bộc lộ tình yêu thương vô bờ bến với đất nước quê hương, với tương lại con cháu đời sau, và cả hoài bão thiết tha dâng mình cho một tương lai an lành hạnh phúc cho nước Việt mến yêu. Đó mới thực sự là ước mơ của tất cả những ai từng khoác áo chiến y đi vào cuộc chiến mà thi sĩ nhà văn Yên Sơn kín đáo gửi tới chúng ta trong tập truyện mới xuất bản lần này.

Chỉ năm ba phút nói lên cảm tưởng của mình khi đọc Truyện, Nghe nhạc, thưởng thức thơ của Yên Sơn. Có lẽ tôi chưa nói được hết ý mình về người cầm bút đa tài này, nhưng cũng đủ để tôi tóm lược lại một ý chính là, “Muốn rung động theo Thơ của Yên Sơn, muốn xúc cảm với mưa nắng bên đời của một con người, muốn lắng lòng theo nhịp điệu thiết tha của nhạc Yên Sơn thì xin quý vị hãy cùng tôi, trước khi rời hội trường, hãy cầm theo một cuốn Mưa Năng Bên Đời và một CD Góp Chút Hương Cho Đời…
Xn trân trọng cám ơn quý vị.


« TRANG NHÀ »