YÊN SƠN – BÀN TAY SẮT VỚI TRÁI TIM LỤA

ngày 21.05.18


Nguyễn Mạnh An Dân

Giới thiệu một tác phẩm, với tôi có thể không phải chuyện mới nhưng lần này thì hơi lạ. Dường như có một chút nghịch lý, một chút bất an khi phải viết về một tác phẩm văn chương của một tác giả được biết như là một võ sĩ. Thật sự thì trong mối giao tình gắn bó dài lâu, tôi đã cảm ra được có rất nhiều tính cách trong cùng một con người ở Yên Sơn.

Tôi đã nhiều lần coi Yên Sơn đánh võ, nhiều lần nhìn bàn tay dũng mãnh đánh về phía trước với ý chí quyết thắng của một dũng sĩ. Tôi đã từng nhiều lần nghe giọng nói run run đầy xúc động khi nhắc về Mẹ như một đứa trẻ thơ phát ra từ một người đã ở tuổi làm ông của các cháu nội ngọai. Tôi đã nhiều lần nhìn đôi mắt u uẩn buồn như sẵn sàng trào lệ khi Yên Sơn nói về những ngày chinh chiến, về những người bạn không bao giờ còn trở về, và tôi cũng đã từng nhiều lần nhìn khuôn mặt cương quyết, nhìn ánh mắt rực lửa khi Yên Sơn nói về những tội ác và những quyết tâm tranh đấu cho tổ quốc, cho đồng bào mình. Tôi đã từng đùa đùa, thật thật gọi Yên Sơn là người có bàn tay sắt với trái tim lụa. Trái tim lụa ấy đã từng tuôn trào những vần thơ mượt mà chuyên chở biết bao tình ý, trái tim lụa đó cũng từng khiến nhiều tâm hồn mơ màng bay bổng theo từng âm điệu réo rắt của dòng nhạc Yên Sơn. Có thể lắm, trái tim lụa của Yên Sơn sẽ đưa chúng ta vào một thế giới khác trong những trang sách.

 

***

“Mưa Nắng Bên Đời”, đề tựa của tác phẩm tự nó đã hé lộ nhưng không thể nói hết những gì tác giả muốn gởi gắm. Đời lắm sắc màu, đời trăm hướng rẽ, có đầy rẫy khổ đau và hạnh phúc. Cũng có thể có những lúc tràn ngập tiếng cười, phủ phê hạnh phúc; cũng có thể có những lúc u ám màu đen, nhầy nhụa nước mắt. Biết bao dòng đời riêng lẻ, đa dạng đã tuôn trào trong các tác phẩm tình cảm xã hội của nhiều tác giả, đã làm mê mẩn, đã lấy không ít nước mắt của biết bao độc giả. Tuy nhiên, mưa nắng trong tác phẩm của Yên Sơn, dòng đời của một thanh niên Việt Nam thế hệ trên dưới thập niên 1940 không chỉ là những buồn vui, những hạnh phúc, những khổ đau mang tính cá nhân mà dòng đời đó đã gắn liền với những bi kịch của một đất nước, những thảm họa của cả một dân tộc, có kiên cường chiến đấu, có anh dũng hy sinh, có tự hào hãnh diện, có chua cay bi uất, có u uẩn lưu lạc…

Yên Sơn đã chọn con đường ngắn nhất, đã theo hướng đi nhiều thuyết phục nhất để đưa tác phẩm của mình đến thật gần và ở lại thật sâu trong lòng độc giả. Dường như Yên Sơn không chủ tâm sáng tác, anh không dàn dựng cốt truyện, không hư cấu nhân vật, anh chỉ mộc mạc và chân tình kể chuyện; chuyện về chính mình, chuyện về mẹ tôi, anh Ba tôi, chú Bảy, cô Mười của tôi. Tuy nhiên, người có trái tim lụa Yên Sơn chắc chắn không vô tâm đến mức tự biến mình thành kẻ đáng trách khi chỉ nói về mình, về người thân của mình, anh chỉ mượn những tình huống gần gũi thân quen của những con người thật, những câu chuyện thật để gởi gắm những ẩn ý trùm tỏa hơn, sâu xa hơn. Khi đưa ra hình ảnh người mẹ, “đêm nghe tiếng đại bác” âm thầm quỳ bên tượng Phật nghĩ đến những người con đang lao mình trong lửa đạn; hình ảnh những người mẹ chân yếu tay mềm băng rừng lội suối đi thăm viếng người thân ở các trại giam giữa rừng thiêng nước độc; hình ảnh những người mẹ vì vận nước phải từ bỏ quê cũ dầm sương dãi nắng ở vùng kinh tế mới heo hút khô cằn; hay hình ảnh người mẹ gần bảy mươi tuổi đêm ngày ôn bài chờ thi quốc tịch… Mẹ không còn là mẹ của riêng ai mà là Mẹ Việt Nam đang chia với tổ quốc những tai ương, chịu với dân tộc những thảm họa. Khi kể về người sĩ quan, đơn vị trưởng một căn cứ bị địch quân tràn ngập, gọi phi cơ oanh kích lên đầu mình để cùng chết với giặc thù, ông không còn chỉ là anh Ba của riêng ai mà là biểu tượng đáng tự hào của cả một tập thể quân dân miền Nam, hào hùng nhưng bất hạnh, anh dũng mà oan khiên; hay khi kể về cậu bé lưu lạc xứ người, ăn gì cũng nhớ mắm kho của mẹ, nhìn gì cũng thấy bờ tre quê hương… Em không còn chỉ là chú bảy, chú tám của riêng ai mà là một biểu tượng chung của thế hệ tỵ nạn một rưỡi, hai. Những vốn quý, những hạt ngọc của đất nước, mong một ngày nào đó sẽ nở hoa trên quê hương xứ sở của mình.

“Mưa Nắng Bên Đời” của nhân vật chính, nổi trôi qua hai giai đoạn: chinh chiến và tha hương. Tập truyện mở ra với “Giấc Mơ Phi Công”, chuyện về một sinh viên năm thứ hai Đại Học, mê Đời Phi Công của Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, lén gia đình tình nguyện nạp đơn gia nhập vào binh chủng Không Quân với lòng tự tin của một người có thể lực của một võ sĩ, có mắt sáng như sao và tai thính như dơi. Tuy nhiên “anh không quân danh tiếng muôn đời” đòi hỏi một sức khỏe tuyệt đối, mấy cái răng trám đã làm chàng trai trẻ dang dở giấc mơ và phải đợi đến khi chiến tranh bùng nổ lớn, nhu cầu chiến trường đòi hỏi gắt gao sau biến cố Tết Mậu Thân, giấc mơ của Yên Sơn mới thành sự thật. Tuy nhiên, đời không phải lúc nào cũng chiều lòng người, người sĩ quan trẻ đầy lý tưởng muốn cống hiến và phục vụ nhiều nhất có thể, muốn là một phi công chiến đấu sát cánh cùng chiến hữu của mình trên các chiến trường máu lửa này lại được gởi đi thụ huấn vào thời điểm chỉ có nhu cầu đào tạo phi công vận tải. Anh đã cố tình xin hoãn khóa để chờ được học… tác chiến và khi không được như ý, anh lại buộc lòng phải làm phật lòng thượng cấp khi cho biết ý định muốn xuất ngành nếu không được cho… tác chiến. Những chi tiết nhỏ này cũng giúp cho chúng ta thấy rõ hơn tính cách riêng của người lính Yên Sơn và cũng là tính cách chung của tập thể người lính Miền Nam, với ước mơ được cống hiến, được phục vụ nhiều nhất cho tổ quốc mình, đồng bào mình.

Thế nhưng, định mệnh của người lính Yên Sơn khép lại trong uất nghẹn với “Phi Vụ Cuối Cùng Của Một Tinh Long”. Lại thêm một tính cách đáng trân trọng, đáng tự hào khác của người lính miền Nam về tinh thần trách nhiệm, về tình chiến hữu qua hình ảnh người lính già Yên Sơn, bốn mươi hai năm vẫn luôn giữ tấm Phi Vụ Lệnh, được bọc nylon cất kỹ như một bảo vật và vẫn luôn ứa lệ nhớ quê hương, nhớ chiến trường, nhớ bạn bè, và canh cánh trong lòng một nỗi đau, một lời tự trách…

Xen kẽ giữa hai cột mốc kiêu hãnh nhập cuộc và uất nghẹn giã từ này là bảy năm buồn vui của người lính Yên Sơn. Có một ít niềm vui mong manh với những giây phút hiếm hoi bù khú cùng bè bạn ở câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, câu lạc bộ Mây Bốn Phương ở Tân Sơn Nhất, ở Hội Quán Phượng Hoàng Pleiku, với những cuộc tình thời chiến chợt đến, chợt đi, với những hình ảnh ấm lòng qua tà áo dài xanh có phù hiệu rồng vàng trên bâu áo, với giọng líu lo như chim hót của các tiểu thư đất thần kinh… nhưng trên tất cả, thường xuyên hơn cả là những phi vụ hành quân trong vùng trách nhiệm, những lần tăng phái ở các chiến trường xa, Cù Hanh, Phù Cát, Đà Nẵng…, những lần băng vào lửa đạn để tiếp tế, tải thương, những lúc quặn lòng nhìn vầng khăn trắng trên đầu những người mẹ già, vợ trẻ, con thơ của các chiến hữu bất hạnh, hoặc những lúc gạt lệ băng ngang hàng quan tài phủ quốc kỳ buồn bước vào phòng lái…

Mưa nắng quê mình của người lính Yên Sơn bỗng bất chợt bước qua mưa nắng quê người chỉ một sớm một chiều với “Những Khởi Đầu Của Một Gã Tha Hương”. Gã tha hương xé lòng rời đất mẹ lúc Sài Gòn đang cận kề phút tử sinh, khi Tân Sơn Nhất đang ngập trong biển lửa trên chuyến phi cơ cuối cùng có thể cất cánh được để bắt đầu bước đời nổi trôi vô định không biết ngày mai. Rồi tình người, rồi lòng nhân ái của một đất nước xa lạ đã dang tay đón nhận, đã cưu mang và vực dậy một kiếp lưu vong, sống mà như đã chết một nửa khi gia đình tan nát, khi đất nước điêu linh, khi thân lưu lạc không biết bao giờ có thể quay về cố quốc.

Mưa nắng chợt đến chợt đi trong thăng trầm, gian khổ cùng với niềm đau mất nước vẫn luôn canh cánh trong lòng; xác thân phải lăn lộn với đời lưu lạc nhưng hồn phách vẫn lơ lửng đâu đó hướng về quê xưa chốn cũ. Dẫu sao, kẻ ly hương vẫn phải gượng đứng vững trên đôi chân của mình bước tới, có vinh, có nhục, có buồn, có vui và ánh sáng đã bắt đầu le lói. Kẻ ly hương lần hồi xa rời những nông trại hoang vắng nắng cháy da người, những công việc chân tay luôn đẫm mồ hôi, những hãng xuởng ầm ầm tiếng máy để bước vào đại học, học đại… và bước vào những văn phòng nhiều người mơ ước. Và dòng đời vẫn tiếp tục trôi theo hướng lạc quan, công việc ổn định và thăng tiến… xe mới, nhà sang, gia đình đoàn tụ đông vui, ấm áp. Hoài bão tiếp nối tinh thần võ thuật Thần Phong, niềm hãnh diện của Không Quân Việt Nam, đã thành tựu với một võ phái uy tín và tỏa sáng.

Thế hệ thứ hai đã trưởng thành, người lính cũ tiễn con lên đường làm nhiệm vụ người trai ở chiến trường Iraq với tâm trạng lo buồn và kiêu hãnh lẫn lộn, nhớ về cha mẹ mình, nhớ về những phụ huynh của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam và người thân của những chiến hữu đồng minh đã chiến đấu cho quê hương Việt Nam với lòng cảm kích và trân trọng.

Gã tha hương đã có gần như tất cả những gì đời thường mơ ước nhưng anh vẫn thiếu một thứ mà anh cần là quê hương và những mộng ước mà anh kiên trì theo đuổi suốt 42 năm của đời lưu lạc đó là ngày tự do, dân chủ nở hoa trên đất nước mình, cho đồng bào mình; ngày anh và bè bạn có thể được trở về cố quốc, hoà nhịp đời cùng đồng bào thân yêu trong niềm hoan ca hạnh phúc.

Yên Sơn không viết truyện để giải trí hay để giải trí cho người đọc. Yên Sơn cũng không viết truyện cho mình mà anh muốn nói thay cho nhiều người về một giai đoạn nhiều đau thương nhưng cũng lắm tự hào nhất của dân tộc mình. Hãy đọc “Mưa Nắng Bên Đời” của Yên Sơn để ít nhiều gặp lại mỗi chúng ta trong đó.


« TRANG NHÀ »